Tín hiệu lạc quan cho thị trường trái phiếu đầu năm 2022

Giữa tháng 1/2022, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực. Điều này chính thức tạo lập nền tảng pháp lý mới ổn định hơn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, minh bạch hơn hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

Hành lang pháp lý chặt chẽ hơn

Một trong những điểm mới của Thông tư 16 là việc tổ chức tín dụng sau khi bán trái phiếu phải chờ 12 tháng sau mới được mua lại số trái phiếu đã bán đó. Ngoài ra, Thông tư 16 cũng đưa ra những quy định rõ ràng hơn với một số trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp. Đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Cùng với cơ chế giám sát, cơ chế giao dịch rõ ràng, minh bạch thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Theo Thông tư 16, tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có.

Ngoài ra, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan, theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, những quy định mới trong Thông tư 16 nhìn chung sẽ có tác dụng chặt chẽ hơn, qua đó có phần hạn chế hơn việc tham gia của ngân hàng vào việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Hòa - Chuyên viên phân tích mảng ngân hàng thuộc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, một trong những nội dung có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các ngân hàng là quy định không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động.

Hiện nay, các nhà đầu tư tham gia đầu tư thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán. Quy định này của dự thảo sẽ làm giảm đáng kể khả năng tham gia của các tổ chức tín dụng đầu tư vào thị trường này.

Thiết lập quỹ đạo ổn định

Trước khi Thông tư 16 ban hành, quan điểm từ một số ngân hàng cũng tỏ ra chưa được đồng thuận những nội dung có tính thắt chặt hoạt động đối với việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngay từ thời điểm văn bản còn ở dạng dự thảo, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đồng thời cũng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank cho biết, một trong những điểm bất hợp lý là việc quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Theo ông Long, mục đích trái phiếu để mua cổ phần, phần vốn góp là các mục đích không bị pháp luật cấm, cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, Thông tư 16 sau khi ban hành chính thức vẫn giữ nguyên quy định này.

Về phía quan điểm từ phía Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, yêu cầu đặt ra khi xây dựng văn bản là cởi mở để tạo thuận lợi cho các chủ thể, nhưng cũng phải đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.

Trong khi đó, một số quan điểm khác cũng cho rằng việc có những quy định đảm bảo sự chặt chẽ trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng cũng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Điều đó sẽ có tác động tích cực, góp phần đưa thị trường trái phiếu đi vào quỹ đạo ổn định, an toàn và bền vững trong thời gian tới kể từ khi văn bản này chính thức có hiệu lực.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam, đưa ra một ví dụ về rủi ro trái phiếu thời gian qua liên quan khủng hoảng vay nợ của công ty bất động sản của Trung Quốc là Evergrand. Theo đó, rủi ro của Evergrand xảy ra khi doanh nghiệp dù vẫn có tăng trưởng lợi nhuận, nhưng không có dòng tiền dẫn đến suy kiệt thanh khoản. Theo đó, một trong những nội dung của Thông tư 16 quy định ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành là quy định phù hợp, hạn chế rủi ro từ việc doanh nghiệp lạm dụng công cụ trái phiếu để đảo nợ.

Một số quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện
mua trái phiếu doanh nghiệp tại Thông tư 16

Thẩm định việc đáp ứng các nguyên tắc mua bán để xem xét quyết định việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có khả năng thanh toán nợ, tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi nợ gốc, lãi trái phiếu.

Trong thời gian nắm giữ trái phiếu, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, nhằm đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-hieu-lac-quan-cho-thi-truong-trai-phieu-dau-nam-2022-98450.html