Tín hiệu lạc quan về hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên
Lời khẳng định Mỹ sẽ sớm nối lại đàm phán với CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là tín hiệu lạc quan về triển vọng thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sau một thời gian dài bị đình trệ.
Tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Người đứng đầu Điện Kremlin đánh giá việc ông chủ Nhà Trắng quyết định nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng là một “động thái mang tính lịch sử” nhằm hóa giải căng thẳng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông nói: “Ngay sau khi Mỹ chọn đối thoại trực tiếp với Triều Tiên... từ bỏ các lời lẽ thường thấy, đôi khi rất gay gắt, hy vọng về một giải pháp hòa bình ngay lập tức xuất hiện”, đồng thời cho rằng, ông Donald Trump “có khả năng tạo ra những động thái phi thường xứng đáng được tín nhiệm”. Trung Quốc cũng hoan nghênh Mỹ-Triều nối lại đối thoại, và hy vọng hai bên sẽ nắm bắt cơ hội này để đạt kết quả tích cực.
Trước đó, hôm 3-10, trả lời câu hỏi về phản ứng của Mỹ sau khi Triều Tiên thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), Tổng thống Donald Trump đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà chỉ tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ chờ xem…Họ (Triều Tiên) muốn đối thoại và chúng ta sẽ sớm nói chuyện với họ...”.
Cùng ngày, phái đoàn Triều Tiên do nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu Kim Myong-gil làm trưởng đoàn đã tới Thụy Điển, và dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc sơ bộ với phía Mỹ trước khi tiến hành đàm phán cấp chuyên viên chính thức về phi hạt nhân hóa vào ngày 5-10.
Trả lời báo giới trước cuộc gặp, ông Kim Myong-gil cho biết: “Đang có một tín hiệu mới từ phía Mỹ, vì vậy chúng tôi lên đường với những kỳ vọng và sự lạc quan rất lớn về kết quả”.
Trong khi đó, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn khẳng định lập trường rõ ràng rằng Mỹ cần gạt bỏ các phương pháp và tính toán hiện tại với Triều Tiên, đưa ra cách tiếp cận mới. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi một quyết định khôn ngoan từ phía Mỹ. Khi Mỹ đã có đủ thời gian để tìm ra phương pháp mới, có thể chia sẻ với chung tôi. Triều Tiên luôn sẵn sàng ngồi xuống đối thoại toàn diện với Mỹ về các vấn đề chúng tôi quan tâm. Sẽ phụ thuộc vào Mỹ về việc liệu các cuộc đàm phán Mỹ- Triều sẽ mở ra cánh cửa cơ hội hay làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.
Các quan chức cấp cao Mỹ gần đây cũng bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Bình Nhưỡng.
Sau những tín hiệu lạc quan gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, Washington và Bình Nhưỡng có thể trở thành đồng minh. Hai học giả David Jonathan Wolff và William R. McKinney đã nêu những cơ sở để kịch bản này có thể xảy ra.
Theo đó, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên, những căng thẳng được hạ nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên đã đưa ra cơ hội thực tế để giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng cách tập trung vào những lo ngại an ninh ngày càng có điểm chung giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ về tham vọng của Trung Quốc.
Thực tế mới báo trước một sự sắp xếp lại trật tự an ninh khác xa so với sự sắp xếp hiện nay cũng như đánh giá lại vai trò và trách nhiệm an ninh của Mỹ trong khu vực. Mỹ nên tìm kiếm việc tái cân bằng sự thay đổi quyền lực ở Đông Bắc Á bằng 2 cách: Thứ nhất, “trao quyền” cho cả Bình Nhưỡng và Seoul nhằm tái cân bằng với sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Thứ hai, trở thành một nhà đảm bảo an ninh đa chiều cho các đồng minh, đối tác khu vực trong đó có thể bao gồm cả Triều Tiên.
Kết luận của học giả David Jonathan Wolff và William R. McKinney dựa trên 2 giả định. Thứ nhất, vai trò của Mỹ là thiết yếu trong việc đối trọng với xu hướng gia tăng quyền lực của Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ nên tìm cách đối trọng với sức mạnh Trung Quốc từ Bán đảo Triều Tiên.
Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ nên đề xuất một thỏa thuận an ninh và kinh tế mới để “trao quyền” cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc hỗ trợ mình trong việc cân bằng Trung Quốc. Và để ngăn chặn sự chi phối của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên, chiến lược của Mỹ cần phải bao gồm cả mối quan hệ mang tính xây dựng với Triều Tiên; tương tự như mối quan hệ giữa Mỹ với Hàn Quốc.
Mối quan hệ được bình thường hóa giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ mở ra con đường tốt nhất cho Mỹ để định hình một cách tích cực môi trường an ninh Đông Bắc Á trong tương lai, và là cách thực tế duy nhất nhằm thuyết phục Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý phi hạt nhân hóa.
Bình thường hóa Bán đảo Triều Tiên đòi hỏi sự cam kết toàn diện với Bình Nhưỡng. Với những vấn đề bất đồng gay gắt cần phải thiết lập các bước dần dần hướng tới những mục tiêu dài hạn. Việc đóng băng các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân Triều Tiên là điều kiện cho phép Mỹ và Hàn Quốc làm việc với Bình Nhưỡng để giải quyết những mối lo ngại an ninh và kinh tế. Ngược lại, các lệnh trừng phạt đã không làm thay đổi Triều Tiên.
Hơn nữa, việc làm suy yếu nửa Bắc của Bán đảo Triều Tiên không nằm trong lợi ích lâu dài của Mỹ hay Hàn Quốc, ngược lại, nó thậm chí có thể mở đường cho sự can dự sâu hơn của Trung Quốc vào Bán đảo Triều Tiên.
Những sáng kiến tài chính và kinh tế sẽ có hiệu quả hơn, nhưng lại chưa nằm trong chiến lược của Mỹ bởi Washington cho rằng như vậy là “trao phần thưởng” cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không phải là trao phần thưởng, mà nó sẽ làm thay đổi Triều Tiên.
Sự hỗ trợ của Mỹ trong việc phát triển kinh tế Triều Tiên sẽ không thể ngăn được mối quan hệ giữa Trung Quốc với hai miền Triều Tiên, nhưng sẽ vẫn mở ra các cơ hội mới cho các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á.
Sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Triều thậm chí còn có thể tính đến cả điều khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Mục tiêu thống nhất có thể trở nên khả thi khi quan hệ liên Triều được cải thiện.
Việc giao kèo với Triều Tiên giờ là chính sách khả thi để Mỹ đi đến những đột phá tương tự. Tuy nhiên, để thành công, cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên phải cùng nắm bắt lấy cơ hội sắp xếp lại địa chiến lược.