Tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư

Ngày 26-5 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng 'Ổn định'. Đây là kết quả của sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch. Chung quanh vấn đề này, PV Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long (Bộ Tài chính).

Nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn ưu tiên dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: NAM ANH

Nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn ưu tiên dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: NAM ANH

PV: Thưa Cục trưởng, trong điều kiện kinh tế thế giới hiện tại, việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã nâng XHTN quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” đã nói lên điều gì?

Cục trưởng Trương Hùng Long: Trong quá trình vận hành của thị trường tài chính thế giới, việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm (XHTN) là hoạt động nhằm giúp các nhà phát hành nhỏ cũng như các nhà phát hành lần đầu (bao gồm các chính phủ, chính quyền địa phương, công ty khởi nghiệp) tiếp cận các thị trường vốn. Thực tế là nhiều tổ chức đầu tư sử dụng XHTN để thẩm định sơ bộ trong quá trình đánh giá tín dụng. Kết quả XHTN thể hiện quan điểm độc lập từ các tổ chức xếp hạng, không phải là khuyến nghị chuyên gia. Tuy nhiên, thông tin do các tổ chức xếp hạng cung cấp được các nhà đầu tư đánh giá là đáng tin cậy, chuẩn mực và có tính cập nhật cao. Những đánh giá về hệ số tín nhiệm là công cụ quan trọng hỗ trợ việc cải thiện hiệu quả thị trường vốn và giảm chi phí cho cả người đi vay và nhà đầu tư.

Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án nâng cao XHTN quốc gia nhằm đạt được mục tiêu chung là tăng cường uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong hơn 8 năm triển khai Đề án, Chính phủ đã có hợp tác chính thức với cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn nhất là Moody’s Investors Service (Moody’s), S&P Global Ratings (S&P) và FitchRatings (Fitch). Và chúng ta đã thấy rõ hiệu quả công tác XHTN quốc gia liên tục được tăng cường, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng có nhiều cải thiện qua các năm. Điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta vẫn tương đối ổn định, có cơ sở để nhà đầu tư quốc tế lựa chọn ưu tiên dòng vốn đầu tư.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được sau 8 năm nước ta liên tục phấn đấu nâng hạng tín nhiệm quốc gia?

Cục trưởng Trương Hùng Long: Nhớ lại những năm đầu của thời kỳ thực hiện Đề án nâng cao XHTN, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều nước trong khu vực châu Âu. Những năm gần đây, kinh tế toàn cầu từng bước hồi phục và thị trường tài chính cũng đã ổn định trở lại, song tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn so với giai đoạn của 10 năm trước với sự phục hồi không đồng đều giữa các nước, khu vực. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu từ đầu năm 2020 với mức ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng có khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, nhiều quốc gia bị hạ bậc XHTN.

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế được tăng cường. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Hội nhập kinh tế thế giới được tăng cường thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đặc biệt, trong năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của Chính phủ và người dân trong công tác phòng, chống đại dịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được cả ba tổ chức đánh giá XHTN quốc gia nâng triển vọng lên mức Tích cực kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Và đến ngày 26/5 vừa qua, đất nước chúng ta đã được nâng hạng tín nhiệm dài hạn lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” là một kết quả vượt bậc, là tín hiệu rất chắc chắn cho tăng trưởng dòng vốn đầu tư ở Việt Nam.

PV: Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông, đâu là những hạn chế và nguyên nhân cơ bản của những hạn chế đó là gì? Và chúng ta sẽ làm thế nào để khắc phục những hạn chế đó?

Cục trưởng Trương Hùng Long: Thẳng thắn nhìn nhận thì rõ ràng, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án nâng cao XHTN vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nền kinh tế của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém và khó khăn, thách thức. Thể chế kinh tế chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, tính ổn định chưa cao; hiệu quả, hiệu lực của hệ thống bộ máy hành chính nhà nước còn bất cập. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế chậm so mục tiêu đề ra. Cơ cấu các ngành sản xuất còn có khoảng cách khá xa để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.

Đáng lưu ý là, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với giai đoạn 2001-2010, và năng lực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Các cân đối lớn về kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu là hiện hữu. Bên cạnh những thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Xét tổng thể cả giai đoạn 2013-2020, bên cạnh các kết quả tích cực nêu trên còn một số lĩnh vực, chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên là do nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng, độ mở của nền kinh tế lớn trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường, gây khó khăn cho khả năng phân tích, dự báo, khả năng cạnh tranh và tính tự chủ. Những chủ trương quan trọng như cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi thực hiện trong dài hạn. Năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, rủi ro cao về thiên tai do vị trí địa lý, tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Các tổ chức xếp hạng đều nhận định những trở ngại chính khiến XHTN quốc gia của Việt Nam chưa đạt mức Đầu tư tập trung vào rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng; môi trường thể chế và quản trị; tính minh bạch về quy mô và hiệu quả tài chính của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn thấp, tiềm ẩn rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng; phạm vi công bố thông tin còn hạn chế, chưa nhất quán, kịp thời và thường xuyên so với mặt bằng chung của các nước đồng hạng tín nhiệm. Chưa giải quyết được những hạn chế này sẽ cản trở Việt Nam đạt đến hạng Đầu tư.

Ngoài ra, tầm quan trọng của công tác XHTN có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa có nhóm cán bộ nòng cốt để theo dõi, thực hiện và đôn đốc nhiệm vụ đánh giá XHTN. Việc chủ động trao đổi và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức XHTN còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế, tôi cho rằng chúng ta cần phải nghiêm túc nhận thức được các bài học kinh nghiệm khi triển khai Đề án nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia thời gian vừa qua (2011-2020). Trong đó, cần phải nhận thức rõ ràng, sâu rộng rằng, XHTN quốc gia là yếu tố quyết định mức chi phí huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA giảm dần và đi đến kết thúc, phải dựa nhiều hơn vào vốn vay ưu đãi nước ngoài, vay thương mại trên thị trường vốn quốc tế. Chính vì thế, đây không còn là việc của riêng Chính phủ, mà là việc sát sườn của từng chính quyền địa phương, từng lãnh đạo doanh nghiệp.

Đặc biệt, tôi nhấn mạnh đến nỗ lực giải quyết các vấn đề cơ cấu, giảm thiểu rủi ro nợ dự phòng của Chính phủ tiềm ẩn từ hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường minh bạch thông tin; quản lý nợ hiệu quả, bền vững. Về trung và dài hạn chúng ta buộc phải giảm thâm hụt ngân sách. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được thành quả đã đạt được và vươn lên thứ hạng cao hơn trong XHTN quốc gia.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!

SÔNG TRÀ (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte-taichinh/tin-hieu-tich-cuc-cho-dong-von-dau-tu-699459/