Tín hiệu tích cực đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Các đại diện Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 19/6 cho biết, ông sẽ gặp đối tác Trung Quốc để thảo luận về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này tại Nhật Bản, giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thông tin này cho thấy tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại Mỹ Trung bất chấp triển vọng hai bên đạt được thỏa thuận vẫn còn xa vời.
Ông Lighthizer cho biết, ông có kế hoạch thảo luận qua điện thoại với nhà đàm phán chính của Trung Quốc trong những ngày tới. Sau đó cùng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, hai bên sẽ gặp nhau tại Osaka, Nhật Bản trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Trung, bên lề cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) trong 2 ngày 28/6 và 29/6 tới.
Theo ông Lighthizer, hiện nay vẫn không rõ thời điểm các cuộc đàm phán thương mại chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc tái khởi động, song Mỹ chắc chắn sẵn sàng dàn xếp với Trung Quốc trong các cuộc thảo luận.
Về phần mình, phía Trung Quốc cũng kỳ vọng vào những tiến triển tích cực có thể đạt được trong đàm phán thương mại với Mỹ, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao bên lề cuộc họp của G20. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 19/6 nhấn mạnh, việc tìm ra một giải pháp được cả hai bên chấp thuận là rất quan trọng. Một thỏa thuận song phương là lợi ích không chỉ của nhân dân hai nước mà còn là sự mong đợi của toàn thế giới.
“Tôi không thể dự đoán trước, nhưng dựa trên hoạt động trao đổi thương mại trong suốt hơn 4 thập kỷ qua, tôi tin rằng, hai bên có thể giải quyết được xung đột thương mại thông qua đối thoại và đàm phán. Nhưng cuộc đối thoại cần được xây dựng nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Nếu cả hai bên có thể tuân thủ các nguyên tắc và cùng hướng tới một mục tiêu, tôi tin rằng kết quả sẽ tốt”, ông Lục Khảng nói.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đổ vỡ cách đây hơn 6 tuần, sau khi các quan chức Mỹ “cáo buộc” Trung Quốc đi ngược những cam kết, khiến tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu và làm gián đoạn nguồn cung.
Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã áp 25% thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc tổng trị giá 250 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc tăng thuế lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá 60 tỷ USD bắt đầu từ tháng 6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Lighthizer chuẩn bị kế hoạch áp thuế nhập khẩu thêm một lượng hàng hóa khác của Trung Quốc tổng trị giá hơn 300 tỷ USD nếu cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này, không đạt được tiến bộ trong vấn đề tranh chấp thương mại.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thể hiện dấu hiệu sẽ nhượng bộ. Tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 18/6, Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer khẳng định, chính phủ Mỹ sẽ duy trì quan điểm cứng rắn. Với các biện pháp thuế đã được áp dụng, Mỹ đã chuẩn bị để tiếp tục hành động “nếu một số vấn đề cụ thể không được giải quyết một cách thỏa đáng.
Về phía Trung Quốc, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ nước này đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài, bất chấp kinh tế phát triển chậm lại. Theo các nhà phân tích, kết quả tốt nhất mà hai bên có thể đạt được bên lề G20 có thể là đồng ý sẽ nối lại đàm phán./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tin-hieu-tich-cuc-dam-phan-thuong-mai-mytrung-923171.vov