Tín hiệu tích cực đối với kinh tế tập thể
Chuỗi liên kết nông sản tại các HTX đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ ổn định kinh tế hộ gia đình. Ảnh:MINH DUYÊN
Giống như các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT) đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Nhưng đây chỉ là khó khăn tạm thời, khi mà KTTT đang được kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động theo hướng hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ kết quả hiện tại
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN-PTNT), cho biết: Năm qua, toàn tỉnh có 9 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao thì trong đó 3 sản phẩm của HTX gồm rượu tằm, dầu đậu phộng, gạo Hoa vàng. Đặc biệt, 7 đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao thì 3 đơn vị là HTX gồm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) và HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa). Từ đây, các HTX giúp rất nhiều hộ cá thể ổn định sản xuất và có thu nhập cao từ nông sản.
Còn theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng khu vực KTTT, HTX của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và có bước phát triển. Thống kê cho thấy, hiện các HTX đang hoạt động có tổng vốn 546 tỉ đồng, tăng hơn 100 tỉ đồng so với cùng kỳ. Các HTX thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển thông qua đẩy mạnh liên doanh liên kết trong sản xuất, đảm bảo đầu ra cho một số sản phẩm nông sản.
Các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác đã có những đóng góp quan trọng vào lĩnh vực KTTT của địa phương gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình KTTT gắn với chuỗi giá trị trên các loại nông sản truyền thống. Các chuỗi giá trị này cũng dần thay thế sản xuất, chế biến thô sơ bằng công nghệ hiện đại và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu riêng và chỗ đứng trên thị trường.
Đến lộ trình dài hơi
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 98 về thực hiện đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu xây dựng các mô hình HTX kiểu mẫu để tạo sức hút với người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX.
“Trong 9 mô hình thì 6 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp gồm HTX vừa sản xuất vừa tham gia thị trường; HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; HTX tập trung ruộng đất có quy mô lớn và công nghệ cao vào sản xuất; HTX phát triển nông, lâm, thủy sản bền vững; HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi; HTX đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và bảo vệ nguồn lợi cộng đồng. Đây chính là tiền đề căn bản tạo hướng đi bền vững cho các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp.
Để đến năm 2025 đạt được mục đích theo Kế hoạch 98 của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT đã tham mưu cấp có thẩm quyền chọn một số HTX xây dựng thí điểm các mô hình tổ chức hoạt động mới như liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với HTX nông nghiệp; HTX với nông dân (thành viên). Các mô hình này sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ ngân sách…”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm.
Cùng với đó, thực hiện đẩy mạnh thành lập các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ hộ gia đình nên mới đây Liên minh HTX tỉnh đã ký kết 2 chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Hội Doanh nghiệp tỉnh. Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện theo Chương trình phối hợp số 45 giữa Ủy ban Dân tộc và Liên minh HTX Việt Nam, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển KTTT, HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, đến năm 2025, 2 đơn vị sẽ tư vấn, vận động thành lập mới 2-4 HTX, tập trung xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; thực hiện đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhất là đối tượng thanh niên theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển chung HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, 2 đơn vị thực hiện xây dựng các trung tâm thương mại và các HTX tại vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm chủ lực quy mô lớn ở địa phương; đưa thương mại điện tử vào phục vụ tuyên truyền, giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản…
Ông Lê Thanh Lam nhấn mạnh: Bước vào giai đoạn mới, KTTT nòng cốt là các HTX cũng ngày một phát triển theo chiều sâu. Việc chuyển giao quản lý nhà nước về KTTT cho Sở KH-ĐT và quản lý hoạt động theo ngành dọc như Sở NN-PTNT phụ trách quản lý nhà nước về HTX lĩnh vực nông nghiệp… sẽ tạo điều kiện cho các HTX ngày càng được kiện toàn, đổi mới. Hơn hết, các HTX sẽ được tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn các chương trình, dự án, giúp các HTX nâng cao hoạt động. Riêng Liên minh HTX tỉnh, với nhiệm vụ được quy định tại Luật HTX 2012, sẽ tiếp tục đồng hành với các HTX trong phát triển HTX, liên hiệp HTX, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên…
Giai đoạn 2021-2025 với một số cơ chế chính sách mới từ Trung ương tới địa phương hứa hẹn KTTT tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực. Hiện Liên minh HTX tỉnh vẫn đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, Liên minh HTX Việt Nam, các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 98 của UBND tỉnh, cũng như các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam để thêm kênh hỗ trợ cho các HTX, liên hiệp HTX…
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/256309/tin-hieu-tich-cuc-doi-voi-kinh-te-tap-the.html