Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư ở huyện Như Thanh
Những năm gần đây, Như Thanh là một trong số ít những huyện miền núi có tỷ lệ thành lập doanh nghiệp (DN) mới đạt và vượt so với kế hoạch. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, địa phương đã tích cực vận động các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến lâm sản. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực trồng cây dược liệu, chăn nuôi... nhằm phát huy lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Sản xuất nan thanh tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thắng Phát.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh có 164 DN đang hoạt động. Trong đó, có 40 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 87 DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 37 DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Như Thanh, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 22%. Tập trung một số sản phẩm chủ yếu, như: May mặc, phụ gia xi măng, gạch không nung; bê tông thương phẩm; đá các loại; gỗ băm dăm, gỗ nan thanh... Riêng trong lĩnh vực chế biến lâm sản, hiện trên địa bàn có 4 cơ sở sản xuất có năng lực khá, tiêu thụ cơ bản lượng nguyên liệu gỗ rừng sản xuất trên địa bàn và các vùng lân cận.
Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thắng Phát, xã Hải Long, đi vào hoạt động từ năm 2015. Ông Nguyễn Văn Thắng, giám đốc công ty, cho biết: Sau khi được chấp thuận đầu tư, công ty đã đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng với công suất thiết kế 450 tấn nguyên liệu/ngày. Sản phẩm đầu ra là gỗ nan thanh, gỗ băm xuất khẩu. Hiện nay, công ty đang giải quyết việc làm cho 15 lao động với thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Để quy tụ và tạo điều kiện thuận lợi hơn về mặt bằng và các điều kiện hạ tầng cho các DN chế biến lâm sản, hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh đã quy hoạch 3 cụm công nghiệp (CCN) là: CCN Xuân Khang, CCN Hải Long và CCN Xuân Du. Hiện nay, CCN Xuân Khang đã hoàn thành phần mặt bằng, đang lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật. CCN Hải Long đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng Hợp Lực làm chủ đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng mức đầu tư khoảng 196 tỷ đồng. Theo quyết định thành lập, CCN Hải Long được đầu tư xây dựng tại xã Hải Long trên diện tích 24,5 ha và được định hướng phát triển ngành nghề: Chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm... CCN Xuân Du hiện cũng đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư và phấn đấu được quy hoạch cụ thể vào năm 2020.
Với những giải pháp vận động, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa bàn, với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai, như: Dự án Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tại xã Thanh Tân với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng; Dự án Khu dịch vụ thương mại Phú Nhuận tại xã Phú Nhuận, với tổng mức đầu tư khoảng 6,5 tỷ đồng; Dự án trồng cây dược liệu công nghệ cao kết hợp sản xuất điện mặt trời Công Bình tại xã Công Bình (Nông Cống) và xã Yên Lạc (Như Thanh) có quy mô 300 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 2.887 tỷ đồng; dự án cơ sở sản xuất vật liệu chăn nuôi và chăn nuôi gà phục vụ chế biến xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao Hà My tại xã Cán Khê, quy mô khoảng 5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 17 tỷ đồng. Một số dự án đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư là: Dự án trang trại nông nghiệp công nghệ cao – trại gà thịt 4A tại xã Mậu Lâm với quy mô 27 ha, tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Chế biến gỗ RoomViet tại xã Hải Long, với tổng mức đầu tư khoảng 6,5 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo huyện Như Thanh, chia sẻ: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư phát triển đa dạng trên các lĩnh vực. Trong đó, phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, có thị trường và loại bỏ các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tranh thủ sự ảnh hưởng sức lan tỏa của Khu Kinh tế Nghi Sơn để hình thành các khu công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh vào CCN. Trước mắt, sẽ tạo thuận lợi để nhà đầu tư tiến hành thuận lợi thủ tục đầu tư hạ tầng tại CCN Hải Long, phấn đấu đưa tỷ lệ DN lấp đầy 50% diện tích vào năm 2020. Tiếp tục ưu tiên năng lực sản xuất ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động ở địa phương, như: Chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến sữa, phụ gia xi măng, may, giày da xuất khẩu và sản xuất vật liệu xây dựng... Đồng thời, thu hút thêm các dự án lớn, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bài và ảnh: Tùng Lâm