Tín hiệu tích cực từ 'cuộc chiến' chống tảo hôn ở Kỳ Sơn

Ông Lầu Bá Chò, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vui mừng cho biết: '3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ vi phạm tảo hôn trên địa bàn Kỳ Sơn đã giảm 30% so với cùng kỳ 2024. Đây là một tín hiệu cực kỳ đáng mừng, cho thấy hiệu quả của các nỗ lực trong thời gian qua'.

 Ra mắt mô hình điểm sáng “Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Phà Đánh

Ra mắt mô hình điểm sáng “Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Phà Đánh

Vì sao tảo hôn vẫn nhiều?

Kỳ Sơn là huyện biên giới, có 21 xã, thị trấn, trong đó 172/191 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; có tổng diện tích tự nhiên 209.484 ha; dân số toàn huyện 83.480 người, gồm 5 hệ dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Khơ Mú chiếm 37,13%; dân tộc Mông chiếm 34,28%; dân tộc Thái chiếm 25,27%; dân tộc Kinh, Hoa chiếm 3,32%...

Huyện Kỳ Sơn là địa bàn đặc thù với địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra và nhiều nơi còn chịu ảnh hưởng nặng nề của phong tục tập quán lạc hậu. Chính từ thực trạng này, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn đáng lo ngại.

Mặc dù trong những năm qua, huyện miền núi này đã "tuyên chiến" quyết liệt với nạn tảo hôn nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ đến thời điểm cuối tháng 5/2025, ông Lầu Bá Chò, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn mới vui mừng thông báo "tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái".

Theo ông Phạm Viết Phúc – Trưởng Phòng GD&ĐT&ĐT huyện Kỳ Sơn: Trong những năm qua, hệ thống trường học đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất mạnh và đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên ông Phúc thẳng thắn thừa nhận, hiệu quả tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền về hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do đó tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhất là tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn tương đối cao.

Tổ chức tuyên truyền pháp luật, phòng chống tảo hôn trong trường học ở Kỳ Sơn bằng hình thức sân khấu hóa

Tổ chức tuyên truyền pháp luật, phòng chống tảo hôn trong trường học ở Kỳ Sơn bằng hình thức sân khấu hóa

Trong khi đó, các tổ chức chính trị xã hội khác như Hội LHPN, Đoàn thanh niên,… đều vào cuộc quyết liệt nhưng rào cản về ngôn ngữ và trình độ dân trí thấp dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không đạt được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết. Các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, nhiều bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng trong quản lý con cái, khiến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thêm phức tạp. Đáng lo ngại hơn, vẫn có tình trạng đảng viên, người đứng đầu thôn, bản có người nhà vi phạm tảo hôn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính gương mẫu và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phòng chống.

Theo số liệu từ phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn, trong quý I năm 2025, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn 49/90 trường hợp, với số tiền 118 triệu đồng. Những con số này cho thấy cần thiết phải có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa để ngăn chặn nạn tảo hôn.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn ban hành Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2024 - 2030".

Mục đích là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Ra mắt mô hình điểm sáng “Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Mường Típ

Ra mắt mô hình điểm sáng “Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Mường Típ

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và sự quan tâm triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách để tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều chuyển biến.

Tín hiệu tích cực từ mô hình mới

Một trong những điểm sáng nổi bật, mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc chiến này chính là việc triển khai mô hình điểm sáng: "Gia đình, dòng họ, bản khối không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Mô hình này không chỉ là một phong trào, mà là một cam kết cộng đồng, một sự thay đổi từ bên trong, giúp Kỳ Sơn từng bước đẩy lùi hủ tục.

Phòng Tư pháp Kỳ Sơn đã phối hợp với UBND các xã tổ chức lễ ra mắt Mô hình điểm sáng "Gia đình, dòng họ, bản, khối không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại Bản Trường Sơn – xã Nậm Cắn; bản Đỉnh Sơn – xã Hữu Kiệm; bản Hín Pèn, xã Bảo Nam; bản Đỉnh Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm…

Mô hình tiếp tục được nhân rộng tại các điểm bản thuộc các xã còn lại, nhất là tại các địa phương, địa bàn có diễn biến phức tạp về tảo hôn và địa bàn nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trên cơ sở sự thống nhất của UBND xã, Chi bộ, BQL bản và sự đồng thuận của bàn con dân bản.

Trong khi đó, Phòng GD&ĐT&ĐT tiếp tục yêu cầu Hiệu trưởng các trường phổ thông quán triệt và thực hiện tốt Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025".

Phòng GD&ĐT&ĐT tiếp tục yêu cầu các trưởng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức

Phòng GD&ĐT&ĐT tiếp tục yêu cầu các trưởng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức, lựa chọn nội dung tuyên truyền có trọng tâm, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, thành phần dân tộc; biên soạn tài liệu ngắn gọn, dùng từ ngữ dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn đời sống sinh hoạt của đồng bào.

Phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến tận các thôn bản, trong các hội nghị sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể để nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân và thành viên của các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; Tăng cường tuyên truyền, vận động các trường hợp có ý định tảo hôn, tổ chức tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tổ chức cho học sinh ký cam kết với nhà trường và phụ huynh học sinh ký cam kết với chính quyền địa phương không để học sinh vi phạm về hôn nhân gia đình, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã mang lại những kết quả tích cực về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Kỳ Sơn

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã mang lại những kết quả tích cực về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Kỳ Sơn

"Đề nghị các trường chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tăng cường tuyên truyền vận động; phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trọng tâm là tổ chức tuyên truyền trực tiếp như lồng ghép với buổi chào cờ, các hoạt động giao lưu văn hóa, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật.

Thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh của xã, trường, thôn, bản, panô, áp phích, băng rôn, hội thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số", ông Phạm Viết Phúc cho biết.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "cuộc chiến" chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Kỳ Sơn đã mang lại những kết quả tích cực. Thế nhưng, để xóa bỏ hoàn toàn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chắc chắn vẫn còn là cả hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì với sự tham gia của toàn xã hội.

Khi những hủ tục nói chung và nạn tảo hôn nói riêng được xóa bỏ, một tương lai sáng lạn sẽ được mở ra, tương lai đó sẽ rạng ngời và ngập trang hạnh phúc cho thế hệ trẻ vùng cao.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-cuoc-chien-chong-tao-hon-o-ky-son-20250522020517289.htm