Tín hiệu tích cực từ dòng tiền đổ vào bất động sản
Sau thời gian dài gặp khó khăn về dòng tiền, các doanh nghiệp địa ốc đang dần đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn nhờ sự hỗ trợ từ các ngân hàng.
Báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại cuối năm 2023 cho thấy, dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản trong cả năm đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đó.
Ngân hàng tăng cường cho vay bất động sản
Tại VPBank (VPB), dư nợ kinh doanh bất động sản tăng so với cuối năm 2022. Theo đó, hết tháng 12/2023, VPB cho vay nhóm ngành bất động sản hơn 272.000 tỷ đồng, trong đó cho vay kinh doanh bất động sản đạt 115.000 tỷ đồng, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất... đạt xấp xỉ 86.000 tỷ đồng.
Theo đó, xu hướng này cũng được ghi nhận ở nhiều ngân hàng khác như HDBank, MBBank, TPBank, MSB hay Techcombank…
Tại SHB, dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2023 là hơn 67.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với đầu năm. Trong đó, kinh doanh bất động sản đang giữ vị trí thứ hai với 16,08% tổng dư nợ của ngân hàng này.
Đối với MBBank, cho vay kinh doanh bất động sản cuối quý IV/2023 là hơn 43.400 tỷ đồng, tăng hơn 22.000 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tỉ trọng 7,09% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Đặc biệt, Techcombank (TCB) vẫn là doanh nghiệp “tích cực” nhất trong việc cho vay kinh doanh bất động sản. Dựa trên báo cáo tài chính quý IV/2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của ngân hàng này trong cuối tháng 12/2023 là 176.804 tỷ đồng, tăng hơn 68.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, dư nợ cho vay bất động sản của TCB còn chiếm tỉ trọng lớn về dư nợ cho vay trong nhóm các khoản vay tổ chức kinh tế của TCB. Cuối năm 2023, dư nợ cho vay nhóm này đã tăng hơn 10% so với đầu năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng lại ghi nhận mức giảm trong dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản như Ngân hàng VIB. Với mức giảm từ 1.995 tỷ đồng ghi nhận vào giai đoạn cuối năm 2022 xuống còn 1.673 tỷ đồng. Đến hết tháng 12/2023 cũng chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ.
Khó khăn dần qua
Những kết quả trên là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp bất động sản sau một năm dòng vốn đổ vào lĩnh vực này bị “tắc nghẽn” do những vướng mắc về thị trường trái phiếu.
Trước đó, VARS đã nhận định khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản gặp phải là tình trạng "khát" vốn. Bởi lẽ, với đặc trưng vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào vốn vay. Trong khi đó, hai nguồn vốn lớn nhất là tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều có biến động trong hai năm qua, đặc biệt là 2022.
Trong năm 2023, những động thái hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã trở thành tín hiệu tích cực cho thị trường, tuy nhiên tác động sâu rộng vẫn cần có thời gian thẩm thấu.
Dựa trên số liệu từ NHNN cho thấy, lũy kế 11 tháng năm 2023, dư nợ tín dụng với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng khoảng 27% so với năm 2022, tập trung ở phía nguồn cung. Trong khi tín dụng vay mua nhà rất thấp, chỉ bằng một phần tư dư nợ tín dụng với dự án đầu tư khu đô thị, nhà ở.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong năm 2023, dù thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy, niềm tin từ nhà đầu tư với thị trường này đã có sự cải thiện rõ rệt.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển tín dụng cho bất động sản khi mà các phân khúc còn thiếu nguồn cung, do đó các cơ quan quản lý cần lưu tâm phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính.
Đáng chú ý, trong những ngày cuối năm 2023, thông tin về mức lãi suất giảm được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản. Sau khi được giao chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp, tạo điều kiện vay vốn cho khách hàng cũng như doanh nghiệp bất động sản.
Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-dong-tien-do-vao-bat-dong-san.html