LIVE Diễn đàn 'Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển'
Với mục tiêu tìm kiếm giải pháp để đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững, sáng 16/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì tổ chức Diễn đàn 'Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển'. Tham gia diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản.
● 11:00: Tọa đàm bàn tròn: "Giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường bất động sản".
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh điều phối Tọa đàm bàn tròn có chủ đề: "Giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường bất động sản". Tham gia tọa đàm có:
1) Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
2) GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
3) Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ đất đai;
4) Ông Vương Duy Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS;
5) TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
TS. Võ Trí Thành: Cái khó của thị trường BĐS là giá trị lớn, ý nghĩa cao cả nhưng đầy rủi ro. Đây là câu chuyện của sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. Vậy về vốn, điều gì khiến anh mong đợi về chính sách tài khóa tiền tệ? Ngoài ra, về cho vay lệch cung cầu, làm thế nào để kích người vay mua nhà, đầu cơ nhà, đầu tư nhà?
TS. Cấn Văn Lực trả lời: Bộ Xây dựng đã kiến nghị các chính sách cho nhà ở xã hội, ban đầu 110.000 tỷ, sang 60.000 tỷ. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước huy động các Ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp hơn 1,5 - 2 %. Hơn 1 năm vừa qua, có nhiều điều chỉnh. Tuy nhiên chúng ta phải có phương án mới. Như gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, dự kiến 30.000 tỷ (trong đó 15.000 tỷ từ phát hành trái phiếu, 15.000 tỷ ngân sách địa phương). Quỹ này rất rõ và có sự tham gia của Ngân sách nhà nước.Về lãi suất vay nhà ở xã hội, còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý như: Lãi suất cho người nghèo 6,6%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất vẫn cao cho nên người dân vay tiền ngân hàng mua nhà rất ít. Cần nhìn nhận khách quan không phải do lãi suất cao (bởi đã giảm 3% so với năm ngoái) mà thực tế là do giá nhà cao quá trong khi thu nhập của người dân không tăng. Cần đưa ra mức giá hợp lý hơn, phù hợp với mức chi trả của người dân.
TS. Võ Trí Thành: Anh có kiến nghị gì trong luật chưa có, nên có, về những vấn đề liên quan đến nguồn vốn trong BĐS?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trả lời: Chúng ta phụ thuộc quá vào nguồn vốn ngân hàng. Đề nghị hạ lãi suất nhưng ngân hàng huy động tiền từ người dân. Do đó, chỉ giảm lãi suất đến một mức nhất định. Nguồn chúng ta có thể trông chờ là vốn từ nước ngoài và các quỹ đầu tư nước ngoài 72,5 tỷ. Quyền lực thị trường nằm trong tay người bán, cầu lớn nhưng cung hạn chế. Chủ đầu tư chủ yếu là vốn huy động nên việc giảm giá là rất khó. Bởi vậy, giá vẫn cứ tăng. Vấn đề quan trọng: tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở xã hội. Chính phủ cần thay đổi cách thức, có cơ chế quản lý hiệu quả để phát triển nhà ở xã hội. Quỹ đầu tư từ nước ngoài thì xem xét điều kiện phát triển của thị trường rồi mới quyết định có đầu tư hay không. Việc hoàn thiện cơ chế pháp lý rất quan trọng, để phù hợp với điều kiện đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.
TS. Võ Trí Thành: Anh có kiến nghị như thế nào liên quan đến tài khóa? Và ở đây - nhà nước có cần can thiệp chính sách tài khóa hay không?
Ông Phan Đức Hiếu trả lời: Cần làm rõ khái niệm nhà và chỗ ở theo Hiến pháp, phân biệt sở hữu và không sở hữu. Việc tiếp cận đất đai với các loại hình BĐS khác nhau là khác nhau. Ví dụ nhà ở thương mại sẽ khác nhà ở xã hội. Có hai nguyên nhân tác động đến thị trường BĐS. Một là từ các luật. Trong đó 3 luật mới: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS chưa tháo gỡ được các dự án trải qua nhiều thời kỳ nếu mà các Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn chưa hoàn thiện. Hai là, việc hình thành các quỹ nhà ở cho thuê, đề xuất thành lập các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện các dự án... cũng phụ thuộc vào các yếu tố này.
Ngoài ra, chi phí vốn cho bất động sản chịu ảnh hưởng rủi ro lớn hơn rất nhiều so với lãi suất. Đề xuất không gọi gói 120.000 tỷ là gói, gói 30.000 tỷ có thể gọi là gói - đây là gói cho vay nói chung theo Chỉ thị 40. Nhất trí với quan điểm nhà ở xã hội đang thiên về người mua, có cơ chế bền vững hơn để có chỗ ở cho người dân, cắt giảm chi phí.
TS. Võ Trí Thành: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những phản ứng như thế nào khi dư luận đang có nhiều ý kiến liên quan đến khó khăn liên quan đến bảng giá đất?
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ trả lời: Cách tiếp cận đất đai hiện nay đã đồng nhất với luật nhà ở. Đất đai giữa nhà ở thương mại với nhà ở xã hội đều thuộc hình thức nhà nước có giao quyền. Riêng đối với nhà ở xã hội cho thuê, đất đai có thể lựa chọn hình thức nhà nước cho thuê, trả tiền một lần hoặc hàng năm. Từ nay đến 1/1/2026, trong thời gian chờ khung giá mới, các dự án vẫn áp dụng theo bảng giá đất cũ. Tuy nhiên các thông tin đầu vào phải đảm bảo minh bạch.
TS. Võ Trí Thành: Anh có tin là với hệ thống thông tin như hiện nay, mình sẽ triển khai được phương pháp định giá đất theo đúng Luật hiện hành?
Ông Hoàng Văn Cường trả lời: Bản thân chưa tin rằng thị trường nhanh chóng phát triển lành mạnh. Việc TP. HCM xác định giá đất mới hoàn toàn đúng. Nhưng cũng từ đây, có nhiều vướng mắc cho nên phải kèm theo công cụ xác định giá đất. Hiện nay, hệ thống thông tin dữ liệu về thị trường vẫn còn chưa rõ ràng do vậy cần phải có cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo về tính đúng đắn của thông tin. Mỗi người có quyền về chỗ ở chứ không phải quyền sở hữu nhưng hiện tại chúng ta đang chạy theo vấn đề sở hữu nhà ở. Một khi bất động sản nhà ở vẫn là tài sản tích lũy thì giá nhà vẫn cao.
Bên cạnh đó, PGS. TS Ngô Trí Long nói thêm về nội dung hạn chế đầu cơ trên thị trường BĐS. Theo đó, cần phân biệt Đầu tư và Đầu cơ khác nhau. Đầu cơ là mua sản phẩm để hưởng chênh lệch giá trong thời gian ngắn. Vậy thị trường không lành mạnh, không hẳn do đầu cơ. Trong kinh tế thị trường, đầu tư cần có đầu cơ. Nhà nước cần phải sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường. Để hạn chế và điều tiết cần phải dùng thuế tài sản. Có nên đánh thuế ngôi nhà thứ hai hay không? Xu thế thế giới là Có! Tuy nhiên, đánh thuế bất động sản không đồng nghĩa với đánh thuế ngôi nhà thứ hai. Do vậy, không nên đánh thuế tài sản.
TS. Võ Trí Thành: Theo anh cần có những chế tài nào về thuế tài sản?
Ông Hoàng Văn Cường trả lời: Thuế liên quan đến đất và nhà là phải có. Thuế điều tiết giá trị tăng lên của nhà và đất là phải có càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cần xem xét kỹ tính thời điểm bởi hiện nay: Doanh nghiệp và thị trường đang gặp khó khăn, nếu như đánh thuế sẽ gặp khó khăn hơn.
TS. Vũ Đình Ánh tiếp lời: Bất động sản là một loại tài sản hàng hóa đặc biệt. Không chỉ đầu tư, đầu cơ cũng là bình thường. Thuế chỉ là một công cụ hạn chế đầu cơ bất động sản. Với tài sản muốn áp dụng công cụ thuế, cũng chỉ góp phần hạn chế đầu cơ. Điều quan trọng là phải xác định giá đất, thì mới có cơ sở áp dụng các công cụ thuế.
Ông Vương Duy Dũng thêm: Thuế bất động sản đề xuất nằm trong báo cáo của Bộ Xây dựng liên quan đến chính sách thuế bất động sản. Nhưng không phải đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ hai - cần phải hiểu lại một cách đúng đắn quan điểm và nội dung đề xuất này.
TS. Võ Trí Thành: Thị trường BĐS hiện chưa đồng đều giữa các phân khúc. Câu chuyện thể chế không bao giờ hoàn hảo 100%- không chỉ trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên chúng ta vẫn đặt niềm tin để hy vọng rằng các Luật mới sẽ tác động tích cực giúp thị trường lành mạnh, bền vững hơn.
● 10:50: Phóng sự: Thị trường bất động sản muốn phát triển cần phải lành mạnh
● 10:15:Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh: Điều chỉnh bảng giá đất phù hợp đi đôi với ngăn chặn tình trạng lợi dụng thổi giá đất, thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thị trường BĐS đang có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù tốc độ còn chậm nhưng điều này đã phản ánh những chính sách đúng đắn, giải pháp kịp thời của Chính phủ và các ngành chức năng. Trong thời gian tới, với những kỳ vọng vào việc hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật thị trường sẽ có bước tiến mới như: Quốc hội đã Trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất - nếu được thông qua - các dự án sẽ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ khó khăn về hướng tiếp cận đất đai.
Tuy nhiên, một thực trạng mà thị trường BĐS đang gặp phải là cơ cấu sản phẩm nhà ở đang chưa hợp lí, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền. Riêng tại TP. HCM, từ năm 2021 đến nay phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng mặt trên thị trường. Còn nhà ở xã hội, đến nay cũng chỉ có khoảng trên dưới 12.000 căn.
Thị trường đang ở trạng thái kim tự tháp ngược, dẫn đến sự phát triển không ổn định, không bền vững.
Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã thành lập 2 tổ Công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Hoạt động của tổ công tác đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án. Đặc biệt tại TP.HCM, đã giải quyết dứt điểm 8 dự án, đang xem xét 22 dự án. Mới đây, Thủ tướng tiếp tục thành lập 1 ban chỉ đạo để giải quyết các khó khăn vướng mắc. Còn riêng tại TP.HCM cũng thành lập một tổ công tác để khắc phục những tồn đọng đang gặp phải.
Phải đề cập việc xây dựng bảng giá đất của TP. HCM có vai trò rất lớn của Quốc hội, với sự chủ trì của Bộ Tài chính. Các địa phương rất cần chủ động tính giá trị phần trăm khi thuê đất. Quan trọng nhất trong việc thực thi quản lý đất đai nằm ở chính quyền các địa phương
Để thị trường phát triển lành mạnh, Nhà nước điều tiết thị trường bằng chính sách pháp luật. Công cụ thiết thức nhất là về thuế. Có thuế giá trị gia tăng 3% áp dụng chỉ với các dự án nhà ở xã hội bán và cho thuê. Có chính sách quan tâm đến 200.000 chủ nhà trọ ở TP. HCM khi họ đã tạo ra hàng trăm ngàn chỗ ở cho công nhân nhưng hiện đang bị chịu thuế giống nhà nghỉ, khách sạn. Từ đó, giảm thuế cho những chủ nhà trọ này.
Đề xuất thuế bất động sản là cần thiết, sao cho hợp lý, sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng. Để BĐS an toàn, ổn định và bền vững phải thống nhất các luật và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.
● 09:55:Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - Nguyên phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: Cơ hội và thách thức của thị trường Bất động sản
Thị trường bất động sản trong năm 2024 có nhiều cơ hội - thuận lợi như: vấn đề nhà ở được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm; Kinh tế vi mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; Các Luật Nhà ở 2023, Luật KDBĐS 2023 và Luật Đất Đai 2024 được thông qua có hiệu lực góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn không ít. Trong đó lớn nhất với thị trường và cả doanh nghiệp là những “dự án treo” chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút
Ngoài ra, một số nội dung pháp lý tại Luật mới rất cần làm rõ. Trong đó, có tác động của việc xây dựng bảng giá đất mới sao cho phản ánh đúng giá trị thực, tránh tình trạng giá ảo, để tính toán thuế đất, chi phí đầu tư và giá bán bất động sản…
+ Cần phân tích, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn vốn
+ Vấn đề quỹ đầu tư bất động sản và kêu gọi cộng đồng tham gia đầu tư
+ Vấn đề pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, bền vững trong nguồn vốn cho dự án bất động sản.
Vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng hay vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh bất động sản: cần điều chỉnh quy trình đơn giản cùng với sự kết hợp chặt chẽ, nhất quán giữa các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước.
● 09:35 Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng): Vai trò của công tác quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường BĐS lành mạnh, minh bạch.
Thị trường bất động sản liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác nhau trên thị trường-điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan, địa phương, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp.
Thời gian qua, việc hoàn thiện các thể chế, pháp luật luôn được quan tâm, đẩy mạnh và từng bước hoàn thiện: Chính Phủ ban hành nghị quyết 33/2023; Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết 1435 thành lập tổ công tác tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là 3 luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới.
Trong đó, đặc biệt là phải đảm bảo công tác lập chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. Từ đó, thị trường se phát triển theo hướng đảm bảo cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội... Điều này tạo chuyển biến tích cực trên thị trường: Nguồn cung nhà ở tăng; Gần 200 kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp được giải quyết; 79 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành.
Kết quả trên đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Thị trường BĐS là thị trường khác với các sản phẩm khác bởi có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đơn cử như để phát triển 1 dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường.
● 09:05: Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV: Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh mới
Thị trường BĐS chịu 6 yếu tố tác động là: Kinh tế vĩ mô; Thông tin, dữ liệu, tính minh bạch; Pháp lý và quản lý giám sát; Cung - cầu - giá cả và niềm tin, Qui hoạch đô thị hóa và cơ sở hạ tầng; Tài chính (thuế - phí: Nguồn vốn và năng lực tài chính).
Do đó, khả năng phục hồi của thị trường sẽ đến từ nhiều yếu tố:
Trước hết là Trợ lực chính đến từ Tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kinh tế thế giới 2024-2025 đi ngang, phục hồi nhẹ từ năm 2026; Các vấn đề liên quan đến thể chế - pháp lý đã dần được tháo gỡ và hoàn thiện làm cơ sở bước vào giai đoạn mới.
4 rủi ro, thách thức chính năm 2024-2025 là: Xung đột địa chính trị phức tạp; Lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao; Đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước (Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…); Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường.
Với nền kinh tế Việt Nam 2024-2025 sẽ phải đối mặt với rủi ro, thách thức chính bao gồm:
Rủi ro bên ngoài: Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư thấp so với trước dịch Covid-19. Giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có đột phá, không đồng đều; Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối mặc với các rủi ro bao gồm từ thị trường trái phiếu Doanh nghiệp; Thị trường BĐS phục hồi chậm; Giá BĐS cao và tăng nhanh ở phân khúc chung cư, đất nền và một số địa bàn.
Ngoài ra, nền kinh tế cũng chịu tác động bởi khung pháp lý, chính sách quan trọng tác động đến thị trường xây dựng và BĐS như vốn tín dụng, vốn tư nhân, vốn FDI.
Doanh nghiệp cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; Cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn; Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ; Đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm; đưa giá BĐS về mức hợp lý hơn; Nâng cao việc quản trị Doanh nghiệp…
● 09:00: Phóng sự: Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển
● 08:50: Bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 03 đạo luật quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở và thị trường quyền sử dụng đất; Thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Thứ nhất, Luật Đất đai năm 2024 đã đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể các phương thức tiếp cận đất đai đối với các dự án rất đa dạng, linh hoạt phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai. Đề cao nguyên tắc thị trường, dựa trên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Thứ ba, cũng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 để thể chế tinh thần Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 về “thương mại hóa quyền sử dụng đất”.
Thứ tư, Luật đất đai 2024 cũng đã xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương - tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác.
Thứ năm là Luật Đất đai đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chính quyền địa phương - góp phần chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những điểm mới quan trọng trên sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với cơ quan có liên quan trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Luật đất đai 2024 sẽ tiếp tục góp phần khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường bất động sản.
● 08:30:Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát biểu đề dẫn diễn đàn
Những ngày qua, nếu theo dõi tin tức trên các nền tảng truyền hình, phát thanh và nội dung số của Đài Hà Nội, VTV cũng như các phương tiện truyền thông khác sẽ cảm nhận rõ một làn gió mới và những biến chuyển mạnh mẽ ở thượng tầng qua các thông điệp quyết liệt mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra. Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình là mục tiêu cao nhất, là cụm từ khóa lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Và để bước vào kỷ nguyên vươn mình đó, giải pháp mà người đứng đầu Đảng đưa ra là khơi thông và huy động mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội, của cả công và tư cho mục tiêu phát triển này, thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
Một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước chính là nguồn lực đất đai, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả thông qua việc phát triển một thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, tại Hà Nội và nhiều thành phố trên cả nước, chúng ta vẫn nhìn thấy hàng ngàn khu đô thị “ma” cùng những căn biệt thự không người ở. Ở thời điểm này, khi giá nhà đất ở Hà Nội bị thổi lên và hình thành mặt bằng giá cao chưa từng có thì những khu đất bỏ hoang, những khu đô thị ma đó quả thực là sự lãng phí vô cùng lớn và gây phản cảm và bức xúc cho dư luận.
Tình trạng lãng phí đất đai có thể nhìn thấy đã tước đoạt cơ hội có nhà của nhiều người dân khi quỹ đất cho phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội ngày càng bị thu hẹp. Nhưng hơn hết, lãng phí làm lỡ cơ hội phát triển của địa phương và của đất nước. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đưa chống lãng phí ngang hàng với chống tham nhũng. Sau chỉ đạo này của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị, quản lý nhà nước các cấp đang vào cuộc. Tiếp sau chỉ đạo của Thủ tướng đầu tuần này về việc rà soát các công trình, các dự án, trong đó có các dự án bất động sản gây lãng phí, hôm qua thành phố Hà Nội cũng bắt đầu vào cuộc khi ra văn bản yêu cầu các quận huyện rà soát các công trình, dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trong đó có các dự án khu đô thị, khu nhà ở gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư chậm đầu tư xây dựng và đề xuất phương án xử lý trước ngày 30/11. Đây chắc chắn là lời tuyên chiến mạnh mẽ với lãng phí, tiếp sau công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Hơn một năm trước, khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội trên dưới 25km, đã 3 lần được thông báo đấu giá với mức giá khởi điểm hơn 60 triệu đồng nhưng không có nhà đầu tư tham gia nên không thể đấu giá thành công. Tình trạng đấu giá đất ảm đạm này cũng diễn ra ở nhiều huyện vùng ven vào thời điểm đó. Nhưng nay, cũng là khu đất cách trung tâm thành phố hơn 1 giờ chạy xe đã được đấu lên tới hơn 100 triệu đồng, cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng mỗi m2. Cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có, mức giá mà tính cơ học với đồng lương viên chức phải mất hàng chục năm nhịn ăn, nhịn tiêu mới đủ tiền mua nhà ở.
Câu hỏi đặt ra: điều gì đang xảy ra với thị trường bất động sản? Cơ quan chức năng đã chỉ ra tình trạng đầu cơ, trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá để tạo mặt bằng giá áo nhằm trục lợi, thao túng thị trường. Nếu tình trạng này không được nhận diện, không được kiểm soát và có giải pháp thích hợp để những cơn sốt ảo đẩy bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội. Nhìn ở góc độ kinh tế, nếu tiền chỉ được chôn vào bất động sản thì triệt tiêu nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ở nhiều địa phương, khi mặt bằng giá đất được đẩy lên cao một cách vô lý còn là lực cản phát triển khi phải đền bù thu hồi đất với giá cao ngất ngưởng để triển khai những công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây cũng làm nảy sinh nhiều bất ổn về tình hình an ninh trật tự khi xảy ra khiếu kiện về đền bù đất đai, mà như quý vị đã biết khiếu kiện đất đai lâu nay vẫn chiếm tới 70-80% trong các loại khiếu kiện.
Và nếu nhìn dưới góc độ xã hội, nếu không kiểm soát đươc tốc độ leo thang của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà hay không có khả năng chỉ trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực. Không có nhà sẽ dẫn đến không kết hôn, không sinh con và nhiều “không” khác…
Đứng trước hiện trạng đó, Đài Hà Nội trong suốt hai tháng qua đã triển khai tuyến bài phản ánh, phân tích, bình luận về các vấn đề đang còn bất ổn của thị trường bất động sản. Đồng thời, hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng quyết tâm của thành phố Hà Nội về chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để huy động nguồn lực dành cho phát triển, Đài Hà Nội cũng đã triển khai tuyến bài về nạn lãng phí, mà trong đó có tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, điểm nghẽn gây cản trở thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Những tuyến bài trên của Đài Hà Nội với mong muốn góp tiếng nói cho mục tiêu hướng đến là một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, mọi người dân đều có cơ hội có nhà ở hay có quyền có nhà ở, điều đã ghi nhận trong Hiến pháp và được thể chế trong các đạo luật quan trọng vừa được sửa đổi và ban hành, đó là: Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày hôm nay không nằm ngoài mục tiêu nêu trên. Hy vọng trong diễn đàn hôm nay, lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận những vấn đề tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản; nguyên nhân đến từ thể chế chính sách, các điểm nghẽn được tháo gỡ để thống nhất giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Bởi một khi thị trường bất động sản lành mạnh, đất đai sẽ trở thành nguồn lực cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình. Một thị trường bất động sản lành mạnh là thị trường giúp doanh nghiệp bất động sản phát triển bền vững, giúp người dân được tiếp cận nhà ở với giá cả phù hợp; giúp những người thu nhập thấp có một mái ấm trong các khu nhà ở xã hội khang trang, ngăn nắp; và những người không có điều kiện mua nhà vẫn có thể sinh sống, yên ổn hạnh phục trong những ngôi nhà đi thuê…
Diễn đàn sẽ tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các chuyên gia thành một tài liệu tham vấn quan trọng để chuyển cho các cơ quan hữu quan của Chính phủ, nhằm gợi mở cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản, tài chính bất động sản…hướng đến mục tiêu lý tưởng “mọi người dân đều có nhà để ở”.