Tín hiệu từ đối thoại quân sự Mỹ - Trung đầu tiên thời ông Biden

Việc Mỹ - Trung Quốc nối lại đối thoại quân sự là tín hiệu tốt và lãnh đạo hai nước nên tranh thủ cơ hội để nâng cấp cơ chế đối thoại.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin nội bộ quân đội Trung Quốc (TQ) cho biết quan chức quốc phòng nước này và Mỹ mới đây đã chính thức nối lại đối thoại cấp cao sau thời gian bị đình trệ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề TQ Michael Chase đã có cuộc điện đàm với Phó Chánh Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế của quân đội TQ - Thiếu tướng Hoàng Tuyết Bình.

Đội danh dự thuộc quân đội Mỹ mang cờ Mỹ và Trung Quốc chào mừng Chủ tịch Tập Cận Bình thăm thủ đô Washington, D.C. vào tháng 9-2015. Ảnh: AP

Đội danh dự thuộc quân đội Mỹ mang cờ Mỹ và Trung Quốc chào mừng Chủ tịch Tập Cận Bình thăm thủ đô Washington, D.C. vào tháng 9-2015. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cũng dẫn một nguồn tin khác trong chính quyền Mỹ xác nhận thông tin trên. Theo nguồn tin, hai bên đã sử dụng đường dây điện thoại quân sự để điện đàm trực tuyến, tập trung trao đổi về tình hình Afghanistan và điều phối, quản lý giải quyết khủng hoảng và giảm nguy cơ xung đột. Đại diện của Mỹ và TQ sau đó đều thống nhất sẽ tiếp tục duy trì kênh tiếp xúc mở giữa quân đội hai nước.

Hiểu sao việc Mỹ - Trung nối lại đối thoại quân sự?

Việc lãnh đạo Bắc Kinh và Washington nối lại đối thoại quân sự vào thời điểm này có lẽ là động thái đáng chú ý đối với dư luận. Còn nhớ hồi tháng 5, South China Morning Post dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bốn lần bị phía TQ từ chối điện đàm vì “không tuân thủ nguyên tắc ngoại giao”.

Cụ thể, ông Austin gọi điện cho phía TQ và yêu cầu được điện đàm với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng thay vì với Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa - vốn đúng là người đồng cấp của ông Austin. Diễn biến này gây không ít ngạc nhiên nếu biết rằng ông Hứa từng đón tiếp ông James Mattis, một trong những người tiền nhiệm của ông Austin, tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 6-2018.

Theo giới chuyên gia, mỗi khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thì các cuộc tiếp xúc quân sự sẽ là những vấn đề đầu tiên bị ảnh hưởng. Dù vậy, nghiên cứu viên Paul Haenle thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie (Mỹ) chỉ ra rằng sự trồi sụt trong quan hệ quân sự Mỹ - Trung không phải là chuyện gì quá mới mà nó diễn ra thường xuyên trong lịch sử ngoại giao của hai bên.

Điểm mới của đợt đình trệ lần này là hai bên đang ngày càng mất lòng tin vào nhau, cộng với sự gia tăng hoạt động quân sự của cả hai nước tại khu vực. Các vấn đề gây căng thẳng như Đài Loan, COVID-19, Biển Đông gần đây liên tục có nhiều diễn biến mới đáng quan ngại, khiến việc thiết lập lại đối thoại càng trở nên khó khăn hơn.

Thậm chí, ông Haenle cho rằng nếu không vì tình hình ở Afghanistan làm ảnh hưởng quyền lợi chung của hai nước về an ninh khu vực Trung Đông và Nam Á thì có thể sẽ mất rất lâu nữa đối thoại quân sự mới được nối lại.

Nếu nhìn vào các tuyên bố gần đây của quan chức hai nước, dường như Mỹ là bên chủ động muốn đối thoại hòa bình để kiểm soát khủng hoảng, hơn là phía TQ. Thăm Singapore hồi tháng 7, ông Austin cam kết theo đuổi mối quan hệ ổn định, mang tính xây dựng với TQ và sẽ tăng cường liên lạc với quân đội TQ, tuy vẫn nhấn mạnh rằng Mỹ “sẽ không do dự trong kịch bản lợi ích quốc gia bị đe dọa”, theo Reuters.

Lãnh đạo TQ cũng thường xuyên kêu gọi Mỹ “khởi động lại đối thoại, đưa quan hệ song phương quay về đúng hướng và xây dựng lại lòng tin lẫn nhau”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không tỏ ra hứng thú chuyện sẽ nối lại liên lạc quân sự với Mỹ cụ thể như thế nào. Họp báo tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ Ngô Khiêm khẳng định Washington không nên nói chuyện lập đường dây nóng với Bắc Kinh chừng nào “vẫn còn tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương”, theo South China Morning Post.

Những gì Mỹ - Trung cần làm lúc này

Theo bài viết trên tạp chí War on the Rocks của ThS Jacob Stokes thuộc Viện Hòa bình Mỹ, việc nối lại đối thoại quân sự mới đây là việc làm tốt nhưng chưa đủ. Washington và Bắc Kinh phải tận dụng diễn biến tích cực này để cải thiện và thiết lập thêm những cơ chế đối thoại mới để đảm bảo nếu đối thoại có bị đình trệ trong tương lai thì cũng không kéo dài lâu.

Đầu tiên, Mỹ và TQ cần phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt cách bên kia sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Cần phải nắm rõ cách thức thông tin từ các kênh ngoại giao được chuyển lên các cấp lãnh đạo ở quân đội, chính phủ và ngược lại. Những thông tin này sẽ cho phép lãnh đạo hai bên tìm và kết nối đúng người cần trao đổi để giải quyết khủng hoảng.

Thứ hai, Washington nên thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng trong các lĩnh vực mà nước này có thể kiềm chế, cũng như tránh các động thái có thể thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh. Đơn cử, việc củng cố thêm niềm tin của giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng quân đội Mỹ sẽ không leo thang khủng hoảng hai nước có thể sẽ khuyến khích TQ ngày càng lấn tới trong hoạt động mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc tiếp tục bắt nạt các nước xung quanh.

“Cơ chế giải quyết mâu thuẫn mới chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào mối quan hệ Mỹ - Trung theo nghĩa giảm nguy cơ đụng độ về quân sự giữa hai nước và có thể gián tiếp tác động tới sự ổn định của khu vực. Ở một khía cạnh nào đó, sự giảm thiểu đối đầu trong quan hệ Mỹ - Trung là có lợi cho những nước còn lại trong khu vực” - GS David Shambaugh thuộc ĐH George Washington (Mỹ) chia sẻ với tờ The Wall Street Journal.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, số lượng hoạt động trao đổi quân sự thường niên giữa hai nước đã giảm từ 41 trong năm 2013 xuống còn chưa đến 20 sau khi ông Trump nắm quyền vào năm 2017. Các phiên đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung được tổ chức thường xuyên từ năm 2017 cũng bị chính quyền ông Trump hủy bỏ hai năm sau đó.

Mong muốn của Trung Quốc và Mỹ

Sau cuộc đối thoại giữa lãnh đạo quốc phòng cấp cao Mỹ - Trung, Reuters ngày 30-8 đưa tin đến lượt Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng về vấn đề Afghanistan.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao TQ, ông Vương đã kêu gọi Mỹ phối hợp với cộng đồng quốc tế cung cấp viện trợ kinh tế tại Afghanistan, đồng thời giúp phe Taliban thực hiện các chức năng quản trị bình thường, duy trì ổn định xã hội và ngăn đồng afghani của Afghanistan mất giá làm chi phí sinh hoạt gia tăng. Ông Vương cũng muốn Mỹ có hành động cụ thể giúp Afghanistan đối phó với các nhóm khủng bố đang trỗi dậy vì nước này rút quân quá “hấp tấp”.

Về phía Mỹ, ông Blinken đã trao đổi về “tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc buộc Taliban phải có trách nhiệm với các cam kết về đảm bảo an toàn cho các công dân Afghanistan và nước ngoài đang di tản”.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tin-hieu-tu-doi-thoai-quan-su-my-trung-dau-tien-thoi-ong-biden-1012037.html