Tín hiệu vui cho sản phẩm truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức nhiều phiên chợ, hội chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN để hỗ trợ người dân phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây thực sự là những tín hiệu vui cho đồng bào DTTS trong thời gian sắp tới.
Một mũi tên... trúng nhiều đích
Khu vực đồng bào DTTS&MN của nước ta có rất nhiều sản vật địa phương phong phú, đa dạng và có chất lượng. Từ những loại cây trái trong vườn đến những mặt hàng truyền thống của địa phương như các sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan... Tuy nhiên, do những khó khăn về khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, chi phí quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ các sản phẩm này không dễ dàng. Trong bối cảnh đó, các phiên chợ, hội chợ được tổ chức tại các địa phương chính là cơ hội xúc tiến thương mại quan trọng, không chỉ giúp người tiêu dùng được mua sắm các sản phẩm đặc sản địa phương, mà còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã miền núi có cơ hội quảng bá, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và khu vực đồng bào DTTS&MN nói riêng, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các địa phương tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nhằm mục đích hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong cả nước như: Ban Dân tộc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... cũng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, phiên chợ thanh niên kết nối nông sản vùng cao nhằm giới thiệu sản phẩm vùng miền đã mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa.
Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đồng thời, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm và có thu nhập ổn định, kết hợp với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ khu vực đồng bào DTTS&MN.
Tuy không gian không lớn, nhưng hầu hết các phiên chợ, hội chợ giới thiệu các sản phẩm vùng DTTS&MN rất thành công khi số lượng người dân và du khách đến tham quan, mua sắm khá đông; các gian hàng tham gia giới thiệu sản phẩm đều có doanh thu tốt. Phần lớn các phiên chợ, hội chợ đều có sự tham gia của vài chục đến vài trăm gian hàng với hàng ngàn sản phẩm độc đáo đến từ các huyện miền núi và các hợp tác xã, các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo đổi mới trên địa bàn các xã miền núi. Bên cạnh đó, các hợp tác xã đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP hoặc OCOP. Những gian hàng trưng bày những sản vật đặc trưng của vùng DTTS&MN rất đa dạng và phong phú như: mật ong, phấn hoa, gạo lúa rẫy, măng nứa, chuối hột rừng sấy khô, mít, nấm linh chi, hạt mắc ca, các loại trái cây đặc sản vùng miền...
Thông qua phiên chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có thể giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của vùng DTTS&MN đến các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng và du khách. Qua đó, hỗ trợ người dân vùng DTTS&MN phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, qua đó cũng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Ngoài ra, các phiên chợ, hội chợ cũng là nơi để bà con DTTS được giao lưu, học hỏi kinh nghiệp và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa, tinh hoa ẩm thực của các vùng miền.
Cần phát triển và nhân rộng
Những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 được khống chế, hàng loạt các địa phương trong cả nước đều dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên tổ chức các phiên chợ, hội chợ nhằm kết nối cung cầu để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hàng chục phiên chợ kết nối cung cầu đã được các địa phương tổ chức. Đây là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN.
Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 đến năm 2025) đang được Bộ Công thương phối hợp với các địa phương triển khai mạnh mẽ. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Phạm vi áp dụng của chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.
Gia Lai là một trong những địa phương vừa tổ chức thành công phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Công thương Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện Ia Grai đã tổ chức phiên chợ nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của bà con trong vùng đồng bào DTTS đến người dân trên địa bàn và du khách. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng về các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó, tăng cường xúc tiến thương mại, làm cầu nối giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”.
Không chỉ tỉnh Gia Lai, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền núi hiện nay đều dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên tổ chức các hội chợ, phiên chợ... kết nối cung cầu để quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đây thực sự là những tín hiệu vui, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào DTTS, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.