Tín hiệu vui cho tranh sơn mài truyền thống

Triển lãm tranh sơn mài truyền thống do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức đã tạo nhiều ấn tượng tốt cho khán giả yêu mỹ thuật và giới chuyên môn. Sự kết hợp giữa các thế hệ họa sĩ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho triển lãm, đồng thời mang đến tín hiệu vui về sự phát triển của tranh sơn mài truyền thống của thành phố và các địa phương khác.

Tranh sơn mài tại triển lãm.

Tranh sơn mài tại triển lãm.

Triển lãm tranh sơn mài truyền thống do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức đã tạo nhiều ấn tượng tốt cho khán giả yêu mỹ thuật và giới chuyên môn. Sự kết hợp giữa các thế hệ họa sĩ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho triển lãm, đồng thời mang đến tín hiệu vui về sự phát triển của tranh sơn mài truyền thống của thành phố và các địa phương khác.

Sau thời gian im ắng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động mỹ thuật trên địa bàn thành phố bắt đầu sôi động trở lại với nhiều cuộc triển lãm, giao lưu tác giả, tác phẩm. Đáng chú ý đó là cuộc triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020 vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Diễn ra hằng năm nhưng lần này triển lãm mang đến sự kỳ vọng nhiều hơn cho giới yêu mỹ thuật. Có tất cả 48 tranh của 34 tác giả yêu thích chất liệu sơn dầu tham gia, trong đó, nhiều họa sĩ sơn mài đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Họa sĩ Nguyễn Quang Sơn (Bình Dương) đã mang đến tác phẩm Cuộc đời. Tác phẩm thể hiện vòng đời của một con người từ khi sinh ra cho đến lúc trở về với cát bụi, cùng với đó là những triết lý sống được ẩn dụ trong từng nét họa. Họa sĩ Nguyễn Quang Sơn cho biết, chất liệu sơn mài luôn cuốn hút anh từ xưa đến nay. Sáng tác tranh sơn mài đòi hỏi người họa sĩ bỏ nhiều công sức không chỉ cho ý tưởng, kỹ thuật vẽ mà còn ở kích thước sao cho phù hợp.

Họa sĩ Lê Thành Tùng (TP Hồ Chí Minh) chuyên về tranh sơn dầu nhưng cũng thử sức bằng tác phẩm sơn mài Một góc vùng lũ. Họa sĩ Lê Thanh Tùng chia sẻ, đến với chất liệu sơn mài, người họa sĩ phải duy trì cảm xúc lâu bền hơn và phải công phu hơn. Đây chính là thử thách để họa sĩ khám phá bản thân mình khi góp mặt trong triển lãm không phải là thế mạnh.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật (Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh), những tác phẩm tham gia triển lãm năm nay có nhiều kích cỡ khác nhau, mang nội dung đa dạng về con người, cuộc sống được các tác giả thể hiện theo nhiều khuynh hướng như: Hiện thực, trừu tượng, ấn tượng, bán trừu tượng, tượng trưng… Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước loại tranh có kỹ thuật, chất liệu đặc sắc của nền hội họa Việt Nam và sự đa dạng mang dấu ấn sáng tạo cá nhân của từng họa sĩ. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật thành phố, điểm nổi bật của triển lãm năm nay là không có tác phẩm kém. Chất lượng mỗi tác phẩm đều được nâng lên và đồng đều. Nhưng cũng chính vì sự đồng đều đó mà triển lãm không có tác phẩm nào nổi trội hẳn để Hội đồng nghệ thuật trao giải cao nhất. “Dù vậy, với cách thể hiện mới mẻ trong bố cục, chất liệu, triển lãm sơn mài truyền thống 2020 như là tín hiệu cho sự “phục hưng” của sơn mài thành phố”, họa sĩ Nguyễn Trung Tín nhận định.

Sự trẻ trung, dấu ấn sáng tạo chính là một trong những ấn tượng đẹp của triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020. Nhiều họa sĩ trẻ đã bước đầu thể hiện được tài năng trên con đường sáng tạo của riêng mình, mang lại những cảm xúc mới mẻ cho người yêu tranh sơn mài.

Họa sĩ Trần Thị Ngọc Linh là một trong ba tác giả được trao giải nhì (không có giải nhất) trong triển lãm tranh sơn mài truyền thống năm nay. Ngọc Linh cho biết, chị theo đuổi nghệ thuật sơn mài vì nó kích thích nhiều sự sáng tạo, nhất là với những họa sĩ nữ. Tác phẩm Ấn tượng ký ức Hạ Long của họa sĩ Trần Thị Ngọc Linh đã được trao giải nhì.

Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, hội sẽ có những đổi mới trong cách tổ chức triển lãm tranh sơn mài nhằm tạo điều kiện cũng như kích thích sự sáng tạo của các tác giả nhiều hơn nữa.

Bài và ảnh: BẢO LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44643302-tin-hieu-vui-cho-tranh-son-mai-truyen-thong.html