Tín hiệu vui từ dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Tại diễn đàn Hội đồng Nhân dân tỉnh trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa IX (2016 - 2021) đã xem xét, thông qua 10 nghị quyết quan trọng. Một trong 10 nghị quyết được phê duyệt có tầm ảnh hưởng lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, Nhân dân và các nhà đầu tư là đã xem xét quyết định thông qua phương án đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), nội dung này phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách nhà nước.
Góp phần giải quyết “điểm đen” về giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc
Dự án là kỳ vọng rất lớn của chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Đây được coi là tiền đề, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 18. Ngay sau khi chính thức được phê duyệt phương án đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các bước quan trọng tiếp theo nhằm triển khai sớm dự án. Khi hoàn thành, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ góp phần thu hút đầu tư, giảm tải cho Quốc lộ 20, giải quyết “điểm đen” về giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc.
Đây là tín hiệu vui mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội cho không chỉ Bảo Lộc - Tân Phú mà còn góp phần kết nối hệ thống giao thông khu vực các tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Thuận, kết nối Quốc lộ 20 - Quốc lộ 55, tỉnh lộ ĐT.725 với tuyến cao tốc.
Về dự án quan trọng này, trên Báo Lâm Đồng đã có bài “Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Nhịp cầu của phát triển” của tác giả Nguyễn Nghĩa đã cung cấp những thông tin về dự án. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hôm 21/1. Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.
Và mới đây, Nghị quyết số 224/NQ - HĐND ngày 26/3/2021 của HĐND tỉnh Lâm Đồng chính thức ban hành cho thấy việc đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối hệ thống giao thông khu vực các tỉnh lân cận và các huyện Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Bảo Lâm - thành phố Bảo Lộc của Lâm Đồng và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ.
Dự kiến, quy mô của dự án có tổng chiều dài 67 km, điểm đầu tuyến tại Km 59+594 giao với Quốc lộ 20 tại Km 69+400 trên địa bàn xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tuyến tại Km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ - thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Địa điểm thực hiện dự án phía huyện Tân Phú khoảng 11 km và các huyện Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Bảo Lâm - Bảo Lộc khoảng 56 km.
Tuyến đường sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729 - 2012) với tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Nền đường rộng 22 m, với 4 làn xe ô tô, 2 làn xe dừng khẩn cấp, dải an toàn, dải phân cách, dải trồng cỏ và các công trình khác có quy mô phù hợp với quy mô nền đường.
Đây là dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ quan quyết định dự án đầu tư và có thẩm quyền là UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo nghị quyết phê duyệt, phương án đầu tư gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư từ 2021 - 2025 với nền đường rộng 13,5 m, mặt đường rộng 7 m gồm 2 làn xe, dải phân cách mềm rộng 0,5 m, làn dừng xe khẩn cấp rộng 5 m, lề đất rộng 1 m. Kết cấu công trình đầu tư trong giai đoạn 1 phải đảm bảo phù hợp với việc mở rộng ở giai đoạn 2 trên nguyên tắc tiết kiệm tối đa vốn đầu tư và đảm bảo giao thông trên tuyến an toàn, thông suốt liên tục.
Giai đoạn 2 được phê duyệt đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22 m sau năm 2045 hoặc thời điểm phù hợp với nhu cầu giao thông và khả năng thu xếp vốn.
Về tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 của dự án khoảng 16.408 tỷ đồng với cơ cấu nguồn vốn như sau: Vốn ngân sách Nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 2.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng khoảng 4.500 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 9.908 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu khoảng 1.486 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác khoảng 8.422 tỷ đồng.
Theo đó, phương thức quản lý và sử dụng vốn Nhà nước giai đoạn 1 phải được thực hiện như sau: vốn chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm khoảng 1.122 tỷ đồng, giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2022. Vốn hỗ trợ xây dựng công trình khoảng 5.378 tỷ đồng, giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025.
Sẽ có khoảng 65 ha rừng sản xuất bị tác động bởi dự án
Về nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng của dự án trong giai đoạn 1 sẽ thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo quy mô toàn dự án với tổng diện tích 455 ha. Trong đó, 81 ha thuộc Đồng Nai và 374 ha thuộc Lâm Đồng.
Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, ông Nguyễn Văn Phương - Phó ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo: qQua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản thống nhất với phương án đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, để hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì theo quy định tại Nghị định 156/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 83/2020 của Chính phủ: “Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”. Theo đó, để thực hiện dự án, chỉ tính riêng trên địa bàn Lâm Đồng, diện tích rừng sản xuất bị tác động ít nhất là 65,27 ha, thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trong nội dung phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng cho rằng, để đảm bảo nguồn vốn của ngân sách tỉnh tham gia thực hiện dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc xây dựng phương án huy động vốn, tạo nguồn vốn của ngân sách địa phương để bố trí triển khai dự án, trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật liên quan.
Được biết, sau khi cao tốc hoàn thành sẽ có thời gian thu phí hoàn vốn giai đoạn 1 được dự kiến khoảng 26 năm 7 tháng (từ năm 2025 - 2051).
Tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, các sở, ngành, đơn vị liên quan; dự án sẽ sớm hoàn thành các bước vào giai đoạn quan trọng tiếp theo. Nhân dân, cử tri trong tỉnh kỳ vọng dự án được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đúng thời gian theo quy định và để Nhân dân Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Thuận sớm được thụ hưởng tuyến đường huyết mạch có tầm chiến lược của tỉnh Lâm Đồng và khu vực. Qua đó, mở ra một tương lai tươi sáng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển hơn nữa trong giai đoạn 2021 - 2025.