Tín hiệu vui từ mô hình 'Dê giống khởi nghiệp'

Trong những năm qua, để giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều mô hình như: 'Tiết học biên giới', 'Ổ bánh mỳ cho em', 'Công trình nước sạch cộng đồng' hay 'Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới', 'Ánh sáng vùng biên', 'Vườn cây, ao cá, chuồng chăn nuôi'... đã làm cho bộ mặt bản làng nơi biên giới có nhiều thay đổi tích cực, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và đang từng bước vươn lên khá giả. Từ năm 2020, thêm một mô hình 'Dê giống khởi nghiệp' giúp dân của Bộ đội Biên phòng nhằm tạo thêm nguồn lực ban đầu cho những gia đình trẻ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xây dựng cuộc sống ổn định.

 Bàn giao dê giống đợt thứ 4 cho hộ gia đình trẻ ở thôn Cu Tài 1, xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: T.P

Bàn giao dê giống đợt thứ 4 cho hộ gia đình trẻ ở thôn Cu Tài 1, xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: T.P

Phụ trách địa bàn gồm 2 xã A Ngo, A Bung, huyện Đakrông, hằng năm có khoảng từ 150 - 200 cặp vợ chồng trẻ tách hộ, nhưng chiếm trên 80% trong số đó thuộc diện đặc biệt khó khăn. Họ thiếu gần như mọi thứ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình và cái thiếu cơ bản, cấp thiết nhất là kiến thức để làm ăn, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo. Mặc dù vấn đề này đã được các cấp quan tâm, có chương trình, dự án hỗ trợ, nhưng do nhiều yếu tố nên hiệu quả chưa đạt được như yêu cầu đề ra, tỉ lệ hộ nghèo đối với những cặp vợ chồng trẻ vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung của nhiều địa phương khác.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đã tiến hành khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của những cặp vợ chồng trẻ trong xây dựng, phát triển kinh tế gia đình bằng các mô hình sản xuất truyền thống nhưng theo phương pháp mới để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Mô hình “Dê giống khởi nghiệp” được hình thành và hoạt động theo phương thức luân chuyển từ gia đình này đến gia đình khác sau khi đàn dê con đủ thời gian tách mẹ. Mô hình này được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị giao cho Đoàn thanh niên triển khai thực hiện.

Tháng 9/2020, sau một thời gian vận động sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên trong đơn vị với số tiền thu được hơn 12 triệu đồng được các anh mua 4 con dê cái giống và phối hợp cùng Đoàn xã A Ngo và Đoàn xã A Bung giao cho hộ gia đình anh Hồ Văn Thuở, 24 tuổi ở thôn A Đeng, xã A Ngo 2 con và gia đình anh Hồ Cu Roái, 25 tuổi ở thôn A Bung, xã A Bung 2 con. Cùng với đó, đoàn thanh niên đơn vị đã hướng dẫn tận tình về cách chăm sóc, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh để dê nhanh phát triển, khỏe mạnh và sớm sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng theo hướng dẫn, đầu năm 2021, cả 4 con dê giống đã sinh sản lứa đầu tiên được 8 dê con.

Anh Hồ Văn Thuở, người đầu tiên nhận nuôi 2 con dê giống chia sẻ “Vợ chồng em được hỗ trợ 2 con dê giống, chỉ sau gần 4 tháng, dê đã sinh sản thêm 4 dê con, đến nay những con dê con cũng sắp sinh sản, vợ chồng em mừng lắm vì đây là nguồn vốn ban đầu để chúng em phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn và thoát được nghèo, vợ chồng em sẽ cố gắng chăm sóc tốt để đàn dê ngày càng phát triển”.

Dê là loài sinh sản nhanh, thức ăn dễ kiếm vì thế chi phí để chăm sóc cho một đàn dê không nhiều, song dê thường hay bị một số bệnh về đường ruột nên người chăn nuôi cần chăm sóc đúng cách mới nuôi dê thành công.

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Thiếu tá Lê Xuân Trường cho biết “Trước khi giao dê giống cho dân, chúng tôi đều cử người hướng dẫn cụ thể về cách làm chuồng trại và chuẩn bị một lượng thức ăn cần thiết, thuốc thú y để chăm sóc dê trong thời gian đầu khi chưa quen với môi trường, thức ăn mới. Suốt quá trình nuôi, chúng tôi luôn liên lạc với người dân để nắm bắt tình hình sinh trưởng, sinh sản của dê, có hướng dẫn cách chăm sóc dê từng giai đoạn đạt hiệu quả tốt nhất”.

Đúng 1 năm triển khai mô hình “Dê giống khởi nghiệp”, từ 4 con dê giống ban đầu, qua 3 lượt luân chuyển, đến nay đã có 6 hộ gia đình đoàn viên, thanh niên của 2 xã A Ngo và A Bung được nhận nuôi với 15 con dê con và hiện tại 2 con dê giống đã luân chuyển lượt thứ 4 cho 2 hộ gia đình tiếp theo. Niềm vui nhân lên khi 8 con dê lứa sinh sản đầu tiên đã sắp đến tuổi phối giống. Như vậy, chỉ trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều gia đình đoàn viên, thanh niên được hưởng lợi từ mô hình ý nghĩa này.

Bí thư huyện đoàn Đakrông Nguyễn Đức Linh chia sẻ: “Đây là một mô hình hết sức có ý nghĩa, thông qua mô hình, các hộ gia đình đoàn viên, thanh niên của 2 xã A Bung và A Ngo sẽ có động lực để vươn lên về kinh tế mà họ không cần phải bỏ vốn ban đầu. Chúng tôi rất vui và biết ơn đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay bởi chính các anh đã đem đến nụ cười hạnh phúc cho tuổi trẻ địa phương từ mô hình “Dê giống khởi nghiệp”.

Tuy mới chỉ những bước sơ khai ban đầu song hiệu quả đạt được của mô hình “Dê giống khởi nghiệp” là đáng khích lệ. Các hộ gia đình trẻ hưởng lợi từ mô hình đã vững vàng hơn với hướng phát triển kinh tế mới. Và cũng đó chính là niềm vui của những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã luôn sát cánh cùng Nhân dân, giúp dân để giữ vững chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163955&title=tin-hieu-vui-tu-mo-hinh-de-giong-khoi-nghiep