Tín hiệu vui từ thị trường dầu mỏ

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong hai năm và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2026. Trong khi đó, giới phân tích nhận định giá dầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và việc nhu cầu sử dụng cũng như giá dầu tăng như trên là tín hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang hồi phục.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong hai năm và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2026. Trong khi đó, giới phân tích nhận định giá dầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và việc nhu cầu sử dụng cũng như giá dầu tăng như trên là tín hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang hồi phục.

Giám đốc điều hành IEA cho rằng, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu giảm sâu, song không phải là một sự sụt giảm lâu dài. Báo cáo của IEA phân tích, khi chương trình tiêm chủng tiến hành trên diện rộng và chính sách hạn chế được dỡ bỏ, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023. Cơ quan này ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 104 triệu thùng/ngày vào năm 2026, tăng 4% so với năm 2019.

Báo cáo của IEA được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đã tăng khá mạnh từ đầu năm 2021 đến nay, sau khi việc “phủ sóng” vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai mạnh ở nhiều nước, mở ra cơ hội phục hồi kinh tế thế giới. Dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế đều cho rằng “sức khỏe” của kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa nhận định, năm nay kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 4,7% nhờ sự phục hồi cao hơn dự báo tại Mỹ. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, từ 4,2% lên 5,6%. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo thị trường tháng công bố mới đây cũng nhận định nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày và kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,1% nhờ dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn ký ban hành và nhiều nền kinh tế ở châu Á tiếp tục phục hồi.

Những thông tin, dự báo tích cực nêu trên đã tạo “lực đẩy” cho giá dầu tăng trong nhiều phiên gần đây. Tuần trước, tại thị trường châu Á, giá dầu Brent tiến gần đến mức 70 USD/thùng, khi số liệu cho thấy đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc tăng tốc khi bước sang năm 2021, từ đó thúc đẩy triển vọng nhu cầu năng lượng ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4 tăng 0,9%, lên 66,17 USD/thùng. Giới phân tích của Trung Quốc cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại vì ngành công nghiệp nặng của nước này đã tăng trưởng mạnh khi sản lượng xi-măng, thép, than và nhôm tăng ở mức hai con số so với năm 2019. Một yếu tố khác “trợ lực” cho giá dầu là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới là A-rập Xê-út đã giảm nguồn cung dầu cho kế hoạch khai thác của tháng 4 tới.

Lạc quan với tín hiệu tích cực từ thị trường dầu mỏ, một số chuyên gia thậm chí còn dự báo rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong tương lai gần và việc OPEC duy trì sản lượng ổn định sẽ khiến nguồn cung trên thị trường không tăng cho đến tháng 10-2021. Theo đó, giá dầu có thể tăng khá nhanh và đạt khoảng 80 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế của Mỹ nhận định, lĩnh vực năng lượng đang hướng tới quý tốt nhất trong lịch sử với mức tăng gần 40% từ đầu năm đến nay. Với nhiều yếu tố hỗ trợ giá dầu tiếp tục đi lên như hiện nay, dự báo giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng trong khoảng 6 - 12 tháng tới.

Diễn biến và dự báo về nhu cầu dầu, giá dầu nêu trên là tín hiệu tích cực cho thấy kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan ngay trong năm 2021 này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cũng lưu ý rằng, thị trường chưa thể quá lạc quan với triển vọng giá dầu cũng như triển vọng kinh tế thế giới khi mà đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều “ẩn số” từ biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 như hiện nay. Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng lên có thể sẽ khiến một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC như Mỹ, Ca-na-đa, Nga và Na Uy tăng mạnh nguồn cung. Theo đó, các kịch bản về giá dầu nêu trên có thể sẽ bị phá sản.

Minh Trung

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/tin-hieu-vui-tu-thi-truong-dau-mo-639198/