Tin mới nghỉ Tết Âm lịch; người dân gửi rất nhiều tiền vào ngân hàng
Chính thức trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết 7 ngày; Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều nhất từ trước tới nay; 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội, mới giải ngân được hơn 83 tỷ đồng... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Chính thức trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết 7 ngày
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, căn cứ theo Bộ luật Lao động năm 2019, hằng năm Thủ tướng căn cứ vào điều kiện thực tế quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo với các phương án khác nhau về dịp nghỉ lễ, Tết năm 2024 gửi lấy ý kiến 16 bộ ngành. Tất cả các bộ ngành có ý kiến chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn với 2 ngày năm cũ và 3 ngày năm mới; dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 các bộ ngành chọn phương án nghỉ ngày 2-3/9.
Trên cơ sở ý kiến trên, Bộ LĐ-TB&XH vẫn trình Thủ tướng 2 phương án nghỉ Tết Âm lịch và 2 phương án nghỉ lễ Quốc khánh, và nêu rõ quan điểm lựa chọn phương án của bộ đề xuất.
Với dịp nghỉ Tết Âm lịch, phương án 1 là nghỉ 1 ngày năm cũ và 4 ngày năm mới; phương án 2 là 2 ngày năm cũ và 3 ngày năm mới. Cả 2 phương án đều có tổng số ngày nghỉ Tết là 7 ngày liên tục (cả ngày nghỉ bù do vào cuối tuần), nhưng Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ ngành đều chọn phương án nghỉ 2 ngày năm cũ và 3 ngày năm mới, để đảm bảo hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều nhất từ trước tới nay
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế.
Trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng gần 44.000 tỷ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7, mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.
Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 9,7% so với đầu năm, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm hơn 100.500 tỷ đồng trong một tháng. Tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.
Như vậy, tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.
Tiết lộ về cựu Phó Thủ tướng Đức vừa gia nhập hãng bay Việt Nam
Ngày 23/10, ông Philipp Rösler chính thức tham gia Vietravel Airlines với vai trò là thành viên hội đồng quản trị độc lập. Tại hãng bay này, ông Rösler sẽ hỗ trợ trong việc phát triển mạng lưới đối tác quốc tế, nhất là các đối tác tại thị trường châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.
Trước khi gia nhập hãng hàng không Việt Nam, ông Philipp Rösler - cựu Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức - từng có sự nghiệp chính trị lẫy lừng và khiến giới doanh nhân ngưỡng mộ bởi sự nhạy bén trên thương trường.
Theo tạp chí World Economic Forum, ông Philipp Rösler từng gia nhập quân đội Đức và được đào tạo thành sĩ quan quân y, về sau theo học tại trường Đại học Y khoa Hannover và đạt học vị tiến sĩ y khoa năm 2002.
Năm 1992, ông Rösler đã trở thành một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và các tổ chức chính trị thanh niên. Ông là thư ký của đảng FDP tại tiểu bang Niedersachsen trong khoảng năm 2000 - 2004.
Đáng chú ý, Philipp Rösler được ghi nhận trở thành chủ tịch trẻ nhất của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) khi nhậm chức vào tháng 5/2011, đồng thời giữ chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ liên bang trong Chính phủ Đức cho đến tháng 12/2013.
Sau khi rời sự nghiệp chính trị, Philipp Rösler mở ra hướng đi mới ở lĩnh vực kinh doanh. Từ năm 2014, ông và gia đình thành lập công ty tư vấn đầu tư tại Thụy Sĩ để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác đầu tư với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Doanh nhân này còn tham vấn cho Founder’s Fund - quỹ đầu tư công nghệ tại Mỹ, ông được biết đến qua các thương vụ rót vốn vào Space X, Uber, PayPal.
120.000 tỷ cho nhà ở xã hội: Mới giải ngân được hơn 83 tỷ đồng
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay là 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay là 1.229 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu 'rộng cửa' cho vay tín dụng với bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993 ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn; có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Yêu cầu thay nhà thầu yếu kém ở dự án sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi kiểm tra, làm việc về tiến độ triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ sân bay Long Thành là công trình thế kỷ, lớn nhất từ trước tới nay về quy mô, giá trị tổng mức đầu tư, tính chất hiện đại, phức tạp về công nghệ. Việc thành công của dự án sẽ minh chứng cho năng lực của các chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc quản lý, điều hành và tiếp cận với kỹ thuật mới.
“Chủ đầu tư phải xác định mức độ quan trọng, thiết yếu của công trình, mối quan hệ, ràng buộc giữa các hạng mục, yêu cầu rõ ràng về pháp lý, kỹ thuật, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bên liên quan, không để xung đột trong quá trình triển khai các gói thầu, dự án thành phần và có chế độ khen thưởng các nhà thầu thực hiện tốt, chế tài xử phạt với các nhà thầu làm sai, kiên quyết thay thế đối với nhà thầu yếu kém”, thông báo nêu.
Bộ GTVT được yêu cầu chịu trách nhiệm chính về tổng thể dự án, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3.
Các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai dự án. Các bộ, ngành liên quan, các chủ đầu tư các dự án thành phần xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ chi tiết, khoa học, phù hợp với mục tiêu, tiến độ của dự án và các cam kết với Chính phủ, với Quốc hội.