Tin ngân hàng ngày 18/6: Chỉ bán vàng khi đăng ký mua trực tuyến

Chỉ bán vàng khi đăng ký mua trực tuyến; Sacombank dành hơn 5 tỷ đồng hoàn phí cho khách hàng bảo hiểm; OCB phát hành thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu; Xây dựng quy định về bảo mật trong dịch vụ ngân hàng trực tuyến… là những tin tức ngân hàng nổi bật ngày 18/6.

Chỉ bán vàng khi đăng ký mua trực tuyến

Ngày 17/6, cả 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) đều thông báo chỉ bán vàng khi khách đăng ký mua trực tuyến. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thông báo khách có nhu cầu mua vàng có thể đăng ký qua tin nhắn điện thoại.

BIDV, Agribank, VietinBank là 3 ngân hàng bán vàng miếng trực tuyến từ 17/6 và chỉ giao dịch với khách hàng đặt trước thành công.

Cùng với Vietcombank, hiện 3/4 ngân hàng quốc doanh đã áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến để bán vàng miếng SJC.

Các ngân hàng thông báo khách hàng sẽ đăng ký mua vàng trực tuyến trên trang thông tin vào buổi sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trừ ngày nghỉ, lễ. Thời gian thanh toán và nhận vàng tại điểm bán từ 13h30 - 16h trong ngày đăng ký mua. Các ngân hàng sẽ hủy thông tin đăng ký mua nếu khách đến muộn 30 phút so với lịch hẹn nhận vàng.

Tuần trước, Vietcombank là ngân hàng quốc doanh đầu tiên thông báo bán vàng SJC trực tuyến. Tuy vậy, trước nhu cầu cao từ phía khách hàng, hệ thống đăng ký mua online hết lượt đặt chỗ chỉ sau vài phút.

Công ty SJC cho biết, khách hàng có thể mua vàng đăng ký qua tin nhắn điện thoại từ ngày 17/6. Sau khi nhắn tin theo cú pháp, khai thông tin cá nhân qua tin nhắn, ngân hàng sẽ gửi lại số chờ cho khách hàng và hẹn ngày tới giao dịch.

Trước đó, từ 3/6, thời điểm 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán vàng cho người dân, tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ lấy số diễn ra. Có nhiều người xếp hàng từ 4h sáng để lấy số nhưng mất 3 hôm sau mới mua được vàng. Tình trạng xếp hàng diễn ra ngày càng đông tại các ngân hàng và Công ty SJC.

Bên cạnh việc người dân có nhu cầu mua trực tiếp, cũng có hiện tượng một số cá nhân được thuê xếp hàng để mua vàng "giá rẻ" từ NHNN cung ứng. NHNN đã lên tiếng cảnh báo và đề nghị công an xác minh, xử lý tình trạng xếp hàng thuê.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới ở mức phù hợp.

Ngăn chặn lừa đảo học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp ngăn chặn việc học sinh, sinh viên bị dụ dỗ mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời gian qua, một số đối tượng đã dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho họ sử dụng vào mục đích phi pháp như rửa tiền, trốn thuế và lừa đảo. Các đối tượng này lôi kéo học sinh, sinh viên đã có căn cước công dân (CCCD) mở tài khoản và trả công cho việc mở tài khoản. Chúng cung cấp điện thoại có sẵn sim để đăng ký tài khoản và yêu cầu học sinh cung cấp thông tin đăng nhập và mật khẩu xác thực (OTP).

NHNN đã ban hành nhiều quy định cấm và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP, các hành vi như cung cấp thông tin không trung thực, mở hoặc duy trì tài khoản, ví điện tử nặc danh hoặc mạo danh, mua bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử đều bị nghiêm cấm và xử phạt nặng. Cụ thể, mức phạt từ 40 đến 50 triệu đồng cho việc mua bán từ 1 đến dưới 10 tài khoản thanh toán, và từ 50 đến 100 triệu đồng cho việc mua bán từ 10 tài khoản trở lên.

Để ngăn chặn tình trạng này, NHNN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người chưa thành niên về các thủ đoạn lừa đảo. Các trường học, cơ sở giáo dục cũng được yêu cầu thông tin kịp thời tới học sinh, sinh viên và phụ huynh về các thủ đoạn này, những hành vi bị cấm và quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức và tránh bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

OCB phát hành thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) công bố phát hành thành công trái phiếu mã OCBL2427001 với khối lượng 1.300 trái phiếu, mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 10/6/2024, có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 5,4%/năm, đánh dấu đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của OCB trong năm nay.

Trong cùng ngày, OCB đã chi 500 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã OCBL2225003, phát hành vào ngày 10/6/2022 và có kỳ hạn 3 năm. Đây là lần thứ hai trong năm 2024, OCB tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn.

Trước đó, ngân hàng đã mua lại trước hạn lô trái phiếu mã OCBL2225002 trị giá 600 tỷ đồng, phát hành vào ngày 12/5/2022 và có kỳ hạn 3 năm.

Tổng cộng, OCB đã chi 1.100 tỷ đồng để mua lại các trái phiếu trước hạn trong năm 2024.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2024, OCB ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Dư nợ thị trường đạt 153.199 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2023. Tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần từ lãi đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 8,6%, và doanh thu thuần ngoài lãi đạt 386 tỷ đồng, tăng 13,8%.

Lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, thể hiện sự phát triển vững chắc và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Xây dựng quy định về bảo mật trong dịch vụ ngân hàng trực tuyến

NHNN đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, Thông tư 35 là văn bản “Quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet”, nhưng thông tư sửa đổi được thay bằng thông tư “Quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng”.

Ban soạn thảo cho biết, việc thay tên thông tư để thể hiện đủ các dịch vụ trong ngành ngân hàng (bao gồm cả trung gian thanh toán và các hoạt động khác do NHNN cấp phép) và bao gồm tất cả các dịch vụ cung cấp qua mạng (bao gồm mạng Internet, viễn thông…).

Ngoài ra, dự thảo thông tư mới cũng điều chỉnh, làm rõ phạm vi không chỉ dịch vụ ngân hàng mà còn các dịch vụ khác của các đơn vị trong ngành ngân hàng cung cấp trên Internet như trung gian thanh toán, thông tin tín dụng và các dịch vụ khác do NHNN cấp phép.

Dự thảo thông tư mới cũng giải thích rõ hơn một số khái niệm mới, trong đó có phần chỉnh sửa để có khái niệm tổng quát Online Banking, bao gồm các dịch vụ của ngành ngân hàng qua mạng (bao gồm mạng Internet, mạng viễn thông...).

Một số thuật ngữ và khái niệm khác cũng được định nghĩa lại để thống nhất với các văn bản hiện hành. Chẳng hạn khái niệm xác thực đa yếu tố là phương pháp xác thực yêu cầu tối thiểu hai yếu tố để chứng minh tính đúng đắn của một danh tính. Xác thực đa yếu tố dựa trên những thông tin mà người dùng biết (số PIN, mã khóa bí mật…) cùng với những gì mà người dùng có (thẻ thông minh, thiết bị token, thiết bị di động), hoặc những dấu hiệu sinh trắc học của người dùng để xác minh danh tính.

Huy Tùng (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-186-chi-ban-vang-khi-dang-ky-mua-truc-tuyen-712884.html