Tin ngân hàng ngày 9/1: Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn

Hà Nội thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Chủ tịch MB đề xuất Chính phủ duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc vào quý I/2024; Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi gần 2 tỷ USD… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của NHNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không để người dân, DN thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của ngân hàng.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Thủ tướng, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục củng cố và tăng cường đoàn kết, đồng hành, phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ trong hệ thống ngân hàng; giữa các cấp, các ngành, các cơ quan với hệ thống ngân hàng; giữa hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023 (quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024).

"Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng, làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bao trùm bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đồng thời lưu ý cần điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, bảo đảm cái này thúc đẩy cái kia.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời. Chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.

Hà Nội thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 09/TB-VP kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP của thành phố về việc triển khai phương án chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP của thành phố thống nhất về chủ trương cần triển ngay việc thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là phương án chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội và chính sách trợ cấp của Nhà nước.

Công an thành phố được giao chỉ đạo lực lượng công an cơ sở, Tổ công tác Đề án 06 các thôn, bản, tổ dân phố; Tổ công nghệ số cộng đồng, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích khẩn trương triển khai mở đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt thuận tiện nhất; phấn đấu mục tiêu 100% đối tượng được đăng ký tài khoản, hoàn thành trước ngày 15/1/2024.

Thành phố cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương án chi trả thông qua dịch vụ bưu chính công ích thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng qua tài khoản ngân hàng, tại các điểm giao dịch và trực tiếp tại nhà đối tượng đặc biệt ốm đau, bệnh nặng không thể đi lại được.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành; tích cực phối hợp với các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện và tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng được hưởng trợ cấp, đảm bảo tiến độ; đặc biệt tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các đơn vị trong việc vận động, tham gia tích cực trong quá trình tổ chức thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng, bảo đảm mục tiêu thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chủ tịch MB đề xuất Chính phủ duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc vào quý 1/2024

Mới đây, tại hội nghị ngành ngân hàng, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết: "Năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, giúp đơn vị này cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế cũng như hoàn thành kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao".

Cụ thể, lãnh đạo MB nói đã thành lập Ủy ban điều hành hỗn hợp, thỏa thuận hợp tác toàn diện để chuyển giao mô hình kinh doanh, cấp tín dụng hợp vốn 2.000 tỷ đồng và ủy thác cho vay hơn 60.000 tỷ đồng với nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, MB cũng hỗ trợ củng cố công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống công nghệ cơ bản và cử nhân sự hỗ trợ nhà băng này.

Ông Lưu Trung Thái nói MB đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao và đề xuất được Chính phủ phê duyệt phương án này trong quý I/2024.

Lãnh đạo MB vẫn không đề cập danh tính nhà băng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, hồi tháng 4 năm ngoái, một lãnh đạo đơn vị này hé lộ một số thông tin cơ bản về chất lượng tài sản của đơn vị đó như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Không loại trừ khả năng đơn vị này là Oceanbank - nhà băng mua lại 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc theo lãnh đạo MB không yêu cầu ngân hàng phải bỏ tiền, do đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu đã được mua lại 0 đồng. Để xử lý khoản lỗ lũy kế 20.000 tỷ đồng, MB cho biết biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi MB nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn, hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bằng việc chuyển một số khoản tín dụng chất lượng tốt.

Nếu tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Còn nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên.

Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi gần 2 tỷ USD

Tại Hội nghị ngành ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, với số lãi trước thuế ước tính năm 2023 khoảng 40.400 tỷ đồng, mức lợi nhuận năm 2024 của Vietcombank có thể đạt hơn 44.400 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Về các chỉ tiêu khác, tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12% trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%.

Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, kinh tế thế giới năm nay được dự báo "hạ cánh mềm" bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của các nước lớn cũng dự báo gặp thách thức. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa cuối năm sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm khởi sắc.

Doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất kinh doanh do rủi ro lãi suất còn hiện hữu và căng thẳng địa chính tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam có phần "sáng" hơn nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ. Động lực tăng trưởng nhờ các trụ cột đầu tư công, khu vực FDI, các dự án lớn và sức mua tăng.

Trước đó, từ đầu năm, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%). Theo Phó thống đốc Phạm Quang Dũng, mức tăng trưởng này được tính bằng 3,5 lần nhân với điểm số xếp hạng theo Thông tư 52. "Với tốc độ tăng trưởng trong nhóm cao nhất ngành, Vietcombank phải có biện pháp linh hoạt, tận dụng room tăng trưởng tín dụng, nhưng phải đảm bảo tăng trưởng hợp lý, an toàn, hiệu quả, kết hợp xử lý nợ xấu", ông Dũng nói.

Đại diện Vietcombank cho biết, năm 2023, ngân hàng này đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,1%. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6%.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2023 ở mức gần 1%. Số dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11 là 34.338 tỷ đồng, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 185%.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-91-khong-de-nguoi-dan-doanh-nghiep-thieu-von-703491.html