Tin ngân hàng tuần qua: Nhiều ngân hàng phát hành cổ phiếu ESOP

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhóm ngân hàng cổ phần đã vượt theo quy định; Agribank được vinh danh Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam 2023; Thu về hơn 200 tỷ đồng thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong 9 tháng; Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng 4,6% trong quý IV… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.

Hàng loạt ngân hàng phát hành cổ phiếu ESOP

Nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang thực hiện phương án phát hành cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) để tăng vốn điều lệ và cung cấp cơ hội sở hữu cổ phiếu cho nhân viên.

SHB phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

SHB phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông qua việc phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 451 tỷ đồng. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 18 tháng sau khi đợt phát hành kết thúc.

Để có quyền mua ESOP, nhân viên cần ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên cho chuyên gia và các chức danh tương đương, và từ 24 tháng trở lên cho cán bộ nhân viên.

Số tiền thu được từ việc phát hành ESOP của SHB sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay, đầu tư, và cấp tín dụng của ngân hàng.

HDBank cũng đã thông qua phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên, với hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

VPBank đã chào bán 30 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 300 tỷ đồng. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm sau đợt chào bán.

Techcombank chuẩn bị phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu và hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Mục đích phát hành cổ phiếu ESOP theo lãnh đạo các nhà băng là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên; gắn liền lợi ích của cán bộ nhân viên với lợi ích Công ty, tạo động lực cho người lao động; khuyến khích cán bộ nhân viên, tăng động lực cho cán bộ nhân viên khi công tác chuyên môn tại Công ty; thu hút nhân tài và giữ chân những cán bộ nhân viên có năng lực phục vụ lâu dài cho Công ty.

ESOP (phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động) được hiểu nôm na là việc các doanh nghiệp bán cổ phiếu cho các nhân viên xuất sắc, người lao động theo các tiêu chí được chọn với giá ưu đãi- thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhóm ngân hàng cổ phần đã vượt theo quy định

Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng vọt lên hơn 39% trong tháng 8, vượt qua mức trần 34% theo quy định của NHNN tại thời điểm đó.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đã tăng lên 28,78% từ mức 26,14% vào cuối tháng 7.

Nhóm NHTM Nhà nước đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 24,97% xuống 24,67%. Trong khi đó, nhóm NHTM cổ phần tăng mạnh từ 33,66% lên 39,11%, vượt quy định mới có hiệu lực từ 1/10/2022, giảm từ 34% xuống 30%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ này có thể làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay trong ngắn hạn và tạo áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài, làm tăng chi phí vốn và thu hẹp biên lãi ròng.

Các ngân hàng dự kiến sẽ tăng cường phát hành giấy tờ có giá, đặc biệt là trái phiếu để xử lý vấn đề này. Trong 9 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã phát hành 69.719 tỷ đồng trái phiếu, chiếm nhiều nhất trong tổng giá trị phát hành trái phiếu.

Theo chuyên viên phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ trên sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Đồng thời, Thông tư 08 cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng.

Tuy nhiên trong dài hạn, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Agribank được vinh danh Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam 2023

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 với chủ đề: "Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Economy - Vietnam Economic Times tổ chức, chiều 6/10 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố và vinh danh Top 10 - Top 50 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022-2023. Agribank vinh dự được vinh danh "Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2023".

Agribank được vinh danh Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam 2023/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Agribank được vinh danh Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam 2023/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Các thương hiệu mạnh được khảo sát, công bố và vinh danh hàng năm là các thương hiệu doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất sắc, ấn tượng; các thương hiệu tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất, tạo ra hiệu quả đột phá mới trong chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh và thương mại sản phẩm/dịch vụ; các thương hiệu tiên phong cam kết và triển khai các kế hoạch hành động về phát triển bền vững, cải thiện môi trường, biến đổi khí hậu, hướng tới thực thi cam kết Net Zero của Việt Nam đồng thời tăng cường các chính sách hướng tới người lao động và cộng đồng; các doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao, được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, định giá.

Năm 2023, với những nỗ lực ấn tượng trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cùng ngành ngân hàng, thường xuyên nâng cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ mới, tiên phong cam kết và triển khai các kế hoạch hành động về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững gắn với các khung chính sách ESG, luôn luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hôi vì cộng đồng, Agribank đã được vinh danh là "TOP 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2023". Trước đó, Agribank cũng đã được vinh danh trong "TOP 10 Thương hiệu Mạnh ngành Tài chính - Ngân hàng" các năm 2021 và 2022.

Danh hiệu Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2023 một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Agribank ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển "Tam nông" và nền kinh tế.

Vừa qua, Agribank cũng đã vinh dự Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023 và được định giá 1,44 tỉ USD năm 2023 với chỉ số Sức mạnh thương hiệu 71.58 và xếp hạng AA (do Brand Finance - Mibrand Việt Nam thực hiện); "Cú đúp" tại giải thưởng Sao Khuê 2023 cho hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và Ngân hàng số…

Thu về hơn 200 tỷ đồng thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong 9 tháng

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thuộc UBQLVNN; Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính; Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng và 39 doanh nghiệp thuộc các địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Trước đó, trên cơ sở tổng hợp số liệu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đã có công văn số 9617/BTC-TCDN ngày 11/9/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến nguồn thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 như sau: Tổng giá trị dự kiến nộp về ngân sách trung ương là 9.029 tỷ đồng (trong đó cổ phần hóa là 1.976 tỷ đồng, thoái vốn là 7.053 tỷ đồng).

Tổng giá trị dự kiến nộp về ngân sách địa phương: 7.455 tỷ đồng (trong đó cổ phần hóa là 2.547 tỷ đồng, thoái vốn là 4.907 tỷ đồng).

Tổng giá trị các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn trước năm 2023 chưa nộp về ngân sách nhà nước theo quy định là 494 tỷ đồng (trong đó cổ phần hóa là 14 tỷ đồng, thoái vốn là 480 tỷ đồng).

Tổng giá trị dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2023 - 2025 là 16.484 đồng. Nếu tính cả số tiền đã thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2022 đang giữ tại địa phương, chưa nộp tiền thu về ngân sách nhà nước là 16.979 tỷ đồng.

Tổng giá trị dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 21.827 tỷ đồng (bao gồm dự kiến thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2023 - 2025 là 16.979 tỷ đồng và số thu từ bán vốn nhà nước năm 2021, 2022 là 4.848 tỷ đồng).

Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng 4,6% trong quý IV

Các ngân hàng thương mại dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể sẽ cải thiện hơn trong quý IV/2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, dẫn tới nhu cầu vay vốn được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo, Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy rất nhiều tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã dự đoán sự cải thiện trong nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý IV/2023. Huy động vốn của hệ thống dự kiến sẽ tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2023 và tăng 8,7% trong năm 2023.

Mặc dù có một số lo ngại về lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023, đa số tổ chức tín dụng vẫn lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2023, với tỷ lệ 82,6% dự đoán lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2022.

Tín dụng dự kiến sẽ tăng 4,6% trong quý IV/2023 và cả năm tăng 12,3%. Các tổ chức tín dụng tin rằng tăng trưởng tín dụng trong quý IV sẽ được cải thiện do tình hình kinh tế tích cực hơn và sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu.

Tình hình thanh khoản được dự đoán sẽ tiếp tục dồi dào trong quý IV/2023 và cả năm 2023, và mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên toàn hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ giảm 0,26 - 0,35 điểm phần trăm. Các ngân hàng cũng đang phấn đấu để giảm lãi suất cho vay 1,5% - 2% đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc phục hồi sản xuất và kinh doanh cũng như tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-tuan-qua-nhieu-ngan-hang-phat-hanh-co-phieu-esop-696070.html