Tín Nghĩa: Tái cấu trúc để thoát lầy?
Cuộc họp Hội đồng quản trị bất thường cuối tuần trước của Tổng công ty Tín Nghĩa (TID) đã thông qua hàng loạt vấn đề quan trọng, phần nào thể hiện mục tiêu tái cấu trúc trong bối cảnh kết quả kinh doanh không khả quan.
Quyết định đáng chú ý đầu tiên của Tín Nghĩa là thoái toàn bộ lượng cổ phần đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch (NTW) và Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Long Bình (ILB).
Theo báo cáo tài chính quý III/2019, Tín Nghĩa đang đầu tư vào chứng khoán kinh doanh và đầu tư vào các đơn vị khác giá trị khoảng 138 tỷ đồng.
Trong đó, số cổ phầnCấp nước Nhơn Trạch có giá vốn hơn 6,6 tỷ đồng, tính tới cuối quý III/2019 có giá thị trường là khoảng 5,9 tỷ đồng; và lượng cổ phiếu ICD Tân Cảng - Long Bình có giá trị đầu tư 3,86 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TID quyết định chấm dứt hoạt động Xí nghiệp Xây dựngTín Nghĩa nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tổng công ty.
Đồng thời, Tổng công ty thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với quy mô 300 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong tháng 12/2019. Mục đích của đợt phát hành là tìm nguồn vốn đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Ông Kèo.
Tiền thân là Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai, thành lập từ năm 1989, Tín Nghĩa là doanh nghiệp nổi tiếng với quỹ đất khủng.
Tổng công ty đầu tư 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500 ha.
Trong lĩnh vực kho cảng và logistics, Tổng công ty Tín Nghĩa đã triển khai điểm thông quan ngoài khu vực cửa khẩu Biên Hòa và Đồng Nai thông qua 2 công ty: Công ty cổ phần Logistic
Tín Nghĩa - ICD Biên Hòa (ICD Biên Hòa) và Công ty cổ phần Cảng container Đồng Nai (ICD Đồng Nai).
Tuy nhiên, nguồn thu chính của Tín Nghĩa lại tới từ xuất khẩu cà phê và nông sản, với đóng góp của mảng này thường chiếm hơn 90% tổng doanh thu.
Đây cũng là lý do, 9 tháng đầu năm, hiệu quả hoạt động của Tổng công ty không lấy làm khả quan bởi giá xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm mạnh, trong khi giá mua trong nước cao hơn giá xuất khẩu làm sản lượng mua vào giảm, kéo theo doanh thu và lợi nhuận đi xuống.
Cụ thể, 9 tháng năm 2019,Tín Nghĩa ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.749,7 tỷ đồng, giảm 23,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 33,6 tỷ đồng, giảm 73,81%.
Không riêng doanh thu bán hàng, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, bởi không ghi nhận cổ tức từ hoạt động đầu tư tài chính dài hạn.
Tính tới nay, tuy đã hoàn thành 96% kế hoạch doanh thu, nhưng Tổng công ty mới đạt 11% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Đáng chú ý, tỷ lệ hàng tồn kho/doanh thu của Tín Nghĩa tăng gấp đôi trong 9 tháng năm 2019 so với đầu năm, thể hiện vốn đầu tư cho hàng tồn kho đang tăng nhanh hơn so với doanh thu.
Theo đó, doanh nghiệp đang gặp vấn đề về kinh doanh, các đơn hàng mới bị chậm lại, hoặc có sự thay đổi của khách hàng lớn.
Tuy doanh thu thuần của Tín Nghĩa rất lớn, nhưng biên lợi nhuận gộp lại thấp chỉ từ 5 - 6%, khiến lợi nhuận thu về không tương xứng với doanh thu.
Chưa kể, hệ số nợ của Tín Nghĩa lên tới 0,73 lần, thể hiện vay nợ nhiều, nhưng lợi nhuận không tăng mà còn giảm, hàng tồn kho cao vào các khoản phải thu ngắn hạn tăng. Những yếu tố này dẫn tới kết quả kinh doanh đi xuống.
Báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy, nợ phải trả của Tổng công ty đạt 8.710 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với đầu năm và cao gấp hơn 4 lần vốn góp của chủ sở hữu (2.000 tỷ đồng).
Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng 40,76% - đạt 1.558 tỷ đồng), vay và nợ thuê tài chính dài hạn (43,48% - 1952 tỷ đồng)…
Đa phần các khoản vay tới từ các ngân hàng thương mại, với lãi tiền vay riêng trong quý III/2019 đạt 26,2 tỷ đồng.
Hiện tại, Tín Nghĩa có 2 cổ đông lớn là UBND tỉnh Đồng Nai (48,06%) và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (29,75%).
Trên sàn, giá cổ phiếu TID giao dịch với biên độ rộng, chốt phiên 16/12 ở mức 18.800 đồng/cổ phiếu, giảm 24,5% trong tuần nhưng tăng 6,41% trong 1 năm qua.