Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Rồng - đền Nước
Đền Rồng - đền Nước là cụm di tích nằm trên địa bàn thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long (Hà Trung). Đền Rồng là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, hay Mẫu Đệ Nhị, cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Đền Rồng được gọi theo vị trí đền tọa lạc ngay sát chân núi Rồng. Đền Nước là nơi thờ Mẫu Thoải, còn gọi là Thủy Cung Thánh Mẫu, hay Mẫu Đệ Tam, cai quản vùng sông nước. Tên gọi đền Nước là do đền nằm ngay phía trước hang đá - đầu nguồn của dòng suối nước trong mát quanh năm. Hiện nay, Nhân dân địa phương chỉ gọi với một cái tên chung đền Rồng - đền Nước.
Đền Rồng.
Mẫu Thượng Ngàn là một trong ba vị Mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo sách “Các nữ thần Việt Nam”, bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương - con gái vua Hùng Vương. Sau khi kết hôn, Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương sinh được một người con trai lấy tên Mai và một người con gái lấy tên La Bình. La Bình là người con gái tuyệt sắc, có nhiều tài nghệ. Nàng thường theo cha đi khắp các núi non, hang động. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến với phong cảnh, làm bạn với hươu nai, cây cỏ, mây ngàn. Các vị sơn thần đều quý mến nàng và thường được nàng bảo ban, giúp đỡ. Thượng đế hay tin rất khen ngợi và phong cho nàng làm Thượng Ngàn công chúa, cai quản tất cả cửa rừng. Trở thành bà chúa của rừng xanh, La Bình luôn chăm chỉ làm tròn trách nhiệm của mình. Nữ thần dạy cho các loại muông thú, chim chóc cách sinh sống, leo trèo, múa hát; phạt các loài ác thú gây hại cho muôn loài. Bà cũng rất chú ý đến giang sơn nước Việt, đã hai lần hiển linh phù trợ cho tướng sĩ nhà Lý và nhà Trần đánh thắng quân giặc ngoại xâm. Bà còn rất yêu thương dân chúng. Những người phải trèo đèo, vượt suối thường được bà phù hộ che chở cho chân cứng đá mềm. Vì vậy, dân chúng không chỉ tôn bà là chúa, mà còn gọi một cách cung kính là Mẫu Thượng Ngàn.
Mẫu Thoải là Mẫu đứng thứ ba trong hàng ngự tại Tam Tòa Thánh Mẫu. Huyền thoại và thần tích của bà tùy theo từng nơi có nhiều khác biệt, tuy nhiên đều có nét chung cơ bản đó là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương. Có thuyết nói bà có tên thật là Nhữ Nương, kết hôn với vị vua dưới nước là Thủy Tề. Vua Thủy Tề cai quản biển cả, còn bà cai quản sông suối trên đất liền. Do sông suối trải dài khắp mọi nơi có sông suối, Nhân dân lập đền để kính mong Mẫu phù hộ độ trì bình an khi đi lại trên sông nước. Có thuyết lại nói Mẫu Thoải không phải là một bà mà chính là nhiều bà. Các bà đều là con của Lạc Long Quân. Các Mẫu Thoải này trông coi việc sông, biển, làm mưa, chống hạn, chống lũ lụt. Các bà còn có công cứu giúp các vị tướng lĩnh và nhà vua đi chinh chiến dẹp giặc.
Cụm di tích đền Rồng - đền Nước là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Qua đó cũng cho thấy cuộc sống con người nơi đây với bao vất vả trong quá trình lao động, vật lộn với thiên tai, lũ lụt, giặc giã để sinh tồn, phát triển. Họ luôn cầu mong được các vị thần bảo hộ, che chở cho cuộc sống của dân làng được bình an, hạnh phúc. Vì thế mà huyền thoại, huyền tích về các nữ thần đã hóa thân vào cuộc sống con người, bảo vệ sự bình yên và đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng ấm no, hạnh phúc.
Đền Rồng - đền Nước có ảnh hưởng rộng của tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu ở vùng đất này, cho nên lễ hội đền Rồng - đền Nước được tổ chức với quy mô rộng rãi, thu hút Nhân dân trong làng, xã và khách thập phương về dự. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 24-2 âm lịch hàng năm, với nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước. Lễ hội được diễn ra với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Ngoài ra, ngày rằm và mùng 1 hàng tháng Nhân dân đều đến đây tế lễ, cầu mong mọi sự bình an. Đây cũng là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân trồng lúa nước.
Theo các cụ cao niên của làng, đền Rồng - đền Nước có từ rất lâu đời. Đền được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, là công trình kiến trúc có quy mô đáp ứng được tín ngưỡng của Nhân dân và khách thập phương. Đền Rồng có một địa thế “Hậu tựa sơn, tiền đạp thủy”. Phía trước là cây cầu lặng mình vắt qua dòng suối, sau lưng là núi Rồng thuộc dãy núi Tam Điệp dựng đứng sừng sững. Nơi đây quả thực là một phong cảnh “Sơn thủy hữu tình”, một không gian thơ mộng và đầy linh thiêng. Đền Rồng có cấu trúc gồm: Nghi môn, sân, nhà Mẫu, đền Đức Ông, nhà thờ Phật và nhà kho. Sau khi chiêm bái đền Rồng, men theo một lối nhỏ bên sườn núi khoảng hơn 500m là đến đền Nước. Đền Nước nằm bên cạnh một sườn núi sát với một con suối quanh năm trong vắt. Trong khuôn viên khu vực đền Nước có cấu trúc gồm: Sân, đền chính, động Sơn Trang. Các hiện vật, đồ thờ trong đền Rồng - đền Nước cũng được bài trí theo một quy định trình tự nhất định, làm tôn lên vẻ đẹp và linh thiêng của các vị thần được thờ trong những ngôi đền này.
Đền Rồng - đền Nước là một trong năm điểm di tích (đình Gia Miêu, Lăng miếu Triệu Tường, đền Đức Ông, đền Rồng - đền Nước, hồ Bến Quân) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1993. Đây cũng là một công trình tín ngưỡng đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất theo kiến trúc truyền thống. Hiện nay, để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, chính quyền địa phương đang tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, hiện vật còn lưu giữ trong Nhân dân để bổ sung vào di tích ngày càng phong phú. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và ngành chức năng tiến hành cắm mốc di tích theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đã được các cấp phê duyệt. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu giá trị di tích đến cán bộ, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu và tham gia bảo vệ di tích. Đồng thời, gắn việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích đền Rồng - đền Nước với đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, nhằm bảo vệ và sử dụng có hiệu quả di sản văn hóa của dân tộc.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/tin-nguong-tho-mau-o-den-rong-den-nuoc/131967.htm