Tin nổi bật: Giá vàng càng cao, khách càng mua vào; Gần 40% chung cư ở TPHCM có chất lượng nước không đạt; Đề xuất khu thương mại tự do tại Hải Phòng

Giá vàng miếng hôm nay (17-4) tăng cao, chạm mốc 118 triệu đồng/lượng dẫn đến tình trạng khách phải xếp hàng chờ để mua. Khác với những đợt tăng giá trước khách hàng thường bán ra để chốt lời, lần này giá càng tăng cao, khách hàng lại càng mua vào. Đây đang là một trong những thông tin thu hút sự quan tâm của độc giả trong hôm nay.

Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điện VIII

Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Một trong những mục tiêu chính của quy hoạch này là bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu tăng trưởng GDP bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030 và khoảng 7,5% thời kỳ 2031-2050.

Để đạt được mục tiêu này, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu vào năm 2030 dự kiến đạt 560,4-624,6 tỉ kWh và tăng lên 1.360,1-1.511,1 tỉ kWh vào năm 2050. Ngoài ra, quy hoạch điều chỉnh lần này còn hướng đến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Tỷ lệ điện tái tạo (không bao gồm thủy điện) chiếm 28-36% vào năm 2030 và đạt 74-75% vào năm 2050.

Quy hoạch điều chỉnh lần này còn hướng đến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Trung Chánh

Quy hoạch điều chỉnh lần này còn hướng đến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Trung Chánh

Một điểm đáng chú ý trong quy hoạch là giai đoạn 2030-2035 sẽ đưa vào vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô 4.000-6.400 MW. Đến năm 2050, hệ thống có thể cần bổ sung 8.000 MW điện hạt nhân để đảm bảo ổn định.

Quy hoạch cũng nêu rõ là không bổ sung dự án nhiệt điện than mới, chỉ tiếp tục các dự án đang triển khai và chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối hoặc amoniac với các nhà máy đã vận hành trên 20 năm.

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải ước tính khoảng 136,3 tỉ đô la Mỹ giai đoạn 2026-2030 và cần thêm 130 tỉ đô la Mỹ giai đoạn 2031-2035. Từ 2036 đến 2050, Việt Nam tiếp tục cần đầu tư thêm gần 570 tỉ đô la cho hoạt động này.

Đề xuất thí điểm khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết số 35/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết cho phép thí điểm thành lập và tổ chức hoạt động khu thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng.

Dự thảo đề xuất phân cấp cho Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu thương mại tự do Hải Phòng gắn với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng, tương tự như khu công nghiệp.

Khu thương mại tự do này sẽ là nơi thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giá vàng càng cao, khách hàng càng mua vào

Sáng nay (17-4), giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh, chạm mốc 118 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Sáng nay (17-4), giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh, chạm mốc 118 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Sáng nay (17-4), giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh, chạm mốc 118 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, thiết lập mức cao nhất lịch sử. Giá mua vào cũng được niêm yết ở mức 115,5 triệu đồng/lượng tại nhiều công ty như SJC và DOJI. Mức này tăng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch hôm trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán đang ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh, Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn từ 1-5 chỉ ở mức 113,8-117 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt là 3,3 triệu và 3,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng cao dẫn đến tình trạng khách phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ đồng hồ để mua được vàng. Một số tiệm vàng đã phải giới hạn số lượng vàng bán ra cho mỗi khách hàng. Khác với các đợt tăng giá trước người dân thường bán ra để chốt lời, lần này xu hướng ngược lại, giá càng tăng cao, khách hàng lại càng mua vào.

Giá vàng trong nước tăng mạnh được cho là theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tính từ đầu năm 2025, giá vàng thế giới đã tăng gần 700 đô la Mỹ/ounce.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm nhất kể từ năm 2009

Các tổ chức như Fitch Ratings và S&P Global đều đưa ra dự báo về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu trong năm 2025, mức yếu nhất kể từ năm 2009 nếu không tính năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Fitch Ratings vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 xuống dưới 2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với kỳ vọng trước đó. Nguyên nhân chính cho sự điều chỉnh này là căng thẳng thuế quan cao hơn dự kiến ban đầu.

S&P Global cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 từ 2,7% xuống 2,4%, và năm nay từ 2,5% xuống 2,2%. Báo cáo của S&P nhận định rằng mức tăng trưởng toàn cầu dự kiến trong cả hai năm sẽ ở mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, nếu không tính đến giai đoạn đại dịch.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng âm 2 lần trong 3 thập niên qua, vào năm 2009 và 2020. Tính từ năm 2009, GDP tăng trưởng chậm nhất ở mức 2,7% vào năm 2012.

Gần 40% chung cư ở TPHCM có chất lượng nước đáng lo ngại

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, có tới 38,1% bể chứa nước tại các chung cư không đạt chất lượng yêu cầu. Ảnh: TL

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, có tới 38,1% bể chứa nước tại các chung cư không đạt chất lượng yêu cầu. Ảnh: TL

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, kết quả giám sát chất lượng nước tại các chung cư trên địa bàn cho thấy chỉ có khoảng 61,9% bể chứa nước đạt yêu cầu. Như vậy, có tới 38,1% bể chứa nước tại các chung cư không đạt chất lượng yêu cầu.

Nhiều chung cư được ghi nhận là chưa súc xả bể định kỳ, không kiểm nghiệm nước thường xuyên và thiếu minh bạch kết quả. Đặc biệt, một số chung cư không có ban quản lý hoặc do tự quản, kinh phí hạn hẹp nên bỏ qua việc bảo trì và kiểm tra chất lượng nước. HCDC cũng lưu ý rằng, nước tại nhà máy có thể đạt chất lượng nhưng có thể bị ô nhiễm trong quá trình vận chuyển và lưu trữ tại các chung cư.

Trong năm 2025, HCDC sẽ tiếp tục kiểm tra các đơn vị cấp nước có công suất lớn và phối hợp với y tế địa phương để giám sát các đơn vị nhỏ hơn. Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu, đánh giá rủi ro vi sinh trong nguồn nước tại các chung cư trên địa bàn TPHCM. UBND TPHCM cũng đã ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước sạch năm 2025 nhằm tăng cường kiểm soát và đảm bảo an toàn cho nguồn nước sinh hoạt.

Đào Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tin-noi-bat-gia-vang-cang-cao-khach-cang-mua-vao-gan-40-chung-cu-o-tphcm-co-chat-luong-nuoc-khong-dat-de-xuat-khu-thuong-mai-tu-do-tai-hai-phong/