Tin nóng hôm nay: Khởi động đàm phán thương mại Việt – Mỹ; Triển khai đường sắt cao tốc Bắc – Nam trước 2027; Nợ công Việt Nam gần 35% GDP

Những tin tức về việc Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có cuộc điện đàm với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ, nợ công của Việt Nam ước đạt khoảng 4,26 triệu tỉ đồng, tương đương 34,7% GDP… đang là những thông tin thu hút sự quan tâm của độc giá ngày hôm nay (24-4).

Khởi động đàm phán thương mại song phương Việt - Mỹ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ vừa có cuộc điện đàm với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer nhằm thảo luận về những vấn đề nguyên tắc, phạm vi và lộ trình đàm phán.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với nước này. Ông thông tin thêm, các bộ, ngành của Việt Nam sẵn sàng đàm phán, xử lý những vấn đề phía Mỹ quan tâm và cùng tìm giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Nhiều loại trái cây của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua như dừa, bưởi. Ảnh: Trung Chánh

Nhiều loại trái cây của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua như dừa, bưởi. Ảnh: Trung Chánh

Trưởng đại diện Thương mại Mỹ đánh giá cao việc hai nước nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Ông bày tỏ tin tưởng rằng hai bên sẽ sớm đạt được những giải pháp phù hợp, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và cùng có lợi.

Sắp xếp lại hơn 200.000 trụ sở công vụ và tài sản nhà nước

Đây là vấn đề này được đề cập trong báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Đến tháng 12-2024, số cơ sở nhà, đất của bộ, ngành, địa phương được duyệt phương án sắp xếp lại là hơn 205.800 cơ sở nhưng vẫn còn hơn 62.700 cơ sở chưa có phương án. Bộ trưởng Thắng lý giải nguyên nhân chậm trễ là do phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện và số lượng cơ sở chưa có phương án còn lớn.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu rà soát toàn diện việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt tại địa phương. Ông nhấn mạnh việc siết chặt quản lý tài chính, tài sản trong quá trình sắp xếp bộ máy chính trị để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, nhất là đối với trụ sở và tài sản công dôi dư.

Cơ quan thẩm tra đề nghị đẩy mạnh sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao tài sản kém hiệu quả về địa phương; xử lý tình trạng hoang hóa nhà ở công vụ, công trình phúc lợi và có kế hoạch sử dụng hiệu quả trụ sở sau tinh gọn bộ máy.

Triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2027

Chính phủ đã ban hành nghị quyết về kế hoạch đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Một trong những yêu cầu quan trọng là các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành các thủ tục để đảm bảo khởi công dự án trước năm 2027.

Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì lập và trình Thủ tướng phê duyệt. Tiến độ dự kiến bao gồm lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng vào tháng 8-2026; Hội đồng thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo vào tháng 9-2026.

Các địa phương và Tập đoàn điện lực Việt Nam hoàn thành bồi thường, tái định cư trước tháng 12-2026; lựa chọn nhà thầu thi công và đảm bảo điều kiện khởi công trước 31-12-2026 và thi công, hoàn thành dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được xây dựng với với tốc độ thiết kế 350km/h. Ảnh minh họa: VGP

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được xây dựng với với tốc độ thiết kế 350km/h. Ảnh minh họa: VGP

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ có tổng chiều dài khoảng 1.541km với tốc độ thiết kế 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Dự án sẽ bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa đồng thời đầu tư phương tiện và thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh và có khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Nợ công của Việt Nam khoảng 4,26 triệu tỉ đồng

Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 cho thấy, tính đến cuối năm 2024, nợ công của Việt Nam ước đạt khoảng 4,26 triệu tỉ đồng, tương đương 34,7% GDP.

Con số này được đánh giá là nằm trong giới hạn an toàn và thấp hơn đáng kể so với mức trần 60% GDP do Quốc hội quy định. Trong cơ cấu nợ, nợ Chính phủ chiếm 32,2% GDP còn nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 31,8%.

Một điểm tích cực là 76% nợ Chính phủ được huy động từ nguồn trong nước, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu, giúp hạn chế rủi ro tỷ giá và tăng tự chủ tài chính.

Năm 2024 cũng ghi nhận kết quả tích cực trong điều hành ngân sách với tổng thu ngân sách đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, vượt khoảng 20% so với dự toán. Trong khi đó, chi ngân sách chỉ khoảng 1,83 triệu tỉ đồng, tương đương 86,4% dự toán. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và dự báo nợ công ở mức 36-37% GDP.

Tập đoàn SYRE, Thụy Điển dự kiến đầu tư 1 tỉ đô la vào dệt may tuần hoàn tại Việt Nam

Tập đoàn SYRE (Thụy Điển), công ty con của Tập đoàn may mặc H&M và Công ty đầu tư công nghệ Vargas, hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế rác thải phế liệu dệt may dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester tại Bình Định với công suất thiết kế lên tới 250.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỉ đô la.

Dự án dự kiến vận hành vào cuối năm 2028, hướng đến việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Mỹ và EU, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Đây là thông tin do bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE đưa ra tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 23-4.

Thủ tướng đánh giá đây là dự án theo hướng sản xuất xanh, sạch, tận dụng phế liệu liên quan dệt may, góp phần cải thiện môi trường. Dự án cũng được nhận định là phù hợp với định hướng của Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, cũng như định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng xanh.

Ông đề nghị SYRE chú trọng sử dụng các nguyên liệu xanh trong nước như sợi sen, sợi đay và nghiên cứu sử dụng vải vụn, quần áo cũ thải bỏ phát sinh tại Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ Y tế yêu cầu thu hồi 12 sản phẩm sữa giả

Bộ Công an công bố danh sách 12 loại sữa giả và 72 loại sữa đang điều tra. Ảnh: TL

Bộ Công an công bố danh sách 12 loại sữa giả và 72 loại sữa đang điều tra. Ảnh: TL

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận được công văn từ Bộ Công an về việc xác định 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả. Kết quả điều tra ban đầu xác định đường dây sản xuất sữa giả của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group đã sản xuất 84 loại sữa bột và hơn 26.000 lon sữa.

Hiện tại, cơ quan công an đã xác định 12 loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố, được gọi là hàng giả. 72 sản phẩm còn lại đang được làm rõ.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiểm tra, thu hồi toàn bộ 12 loại sản phẩm là hàng giả còn trên thị trường. Trong 12 sản phẩm sữa bột giả được phát hiện, có nhiều sản phẩm dành cho trẻ nhẹ cân/thiếu tháng, người bệnh cần chế độ ăn đặc biệt, người mắc bệnh thận/tiểu đường, phụ nữ mang thai, người muốn tăng cân.

Đào Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tin-nong-hom-nay-khoi-dong-dam-phan-thuong-mai-viet-my-trien-khai-duong-sat-cao-toc-bac-nam-truoc-2027-no-cong-viet-nam-gan-35-gdp/