Tin nóng Quốc hội: Liệu người tiêu dùng có thực sự được bảo vệ?
Ngày 2/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu lo ngại trước tình trạng người tiêu dùng bị 'bắt nạt' khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc buộc phải mua sản phẩm theo kiểu 'bia kèm lạc' trong khi dường như cơ quan quản lý nhà nước vẫn làm ngơ với những vấn nạn này.
Dự thảo luật quy định gần 20 điều cấm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ hàng hóa, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, nhiều điều cấm như vậy có nghĩa là khả năng bị vi phạm là rất lớn. Trong khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hơn 10 năm, một số hành vi vi phạm diễn ra liên tục, ngang nhiên nhưng cơ quan quản lý vẫn làm ngơ. Dẫn chứng điều này, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, vào thời điểm mặt hàng ô tô khan hiếm, nhiều hãng xe “bán bia kèm lạc", người tiêu dùng đã phải bỏ hàng trăm triệu để mua thêm các phụ kiện đi kèm, thậm chí phải trả thêm tiền chênh lệch để mua được xe.
Cũng trăn trở về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) đề nghị bổ sung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Nhà nước, xuyên suốt từ khâu thẩm định, cấp phép, cho đến kiểm tra, giám sát, xử lý đối với mỗi sản phẩm, dịch vụ.
Về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) chỉ ra thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình làm ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Ví dụ, đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; một số khách hàng livestream trên mạng đưa tin không đúng về các sản phẩm, dịch vụ, thậm chí là hạ bệ uy tín của đơn vị kinh doanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng để tránh những trường hợp như vậy. Theo đó, cần bổ sung người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và phải có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa những thông tin sai sự thật về sản phẩm đã sử dụng.
Còn tại tổ thành phố Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, về các hành vi bị cấm trong dự thảo luật, cần bổ sung việc cấm lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để bán các mặt hàng, hoạt động mê tín dị đoan. Đại biểu nhấn mạnh, tình trạng lấy hình ảnh người của tôn giáo ra để quảng cáo, giật gân, giật tít nhằm bán sản phẩm đang diễn ra khá phổ biến. Do đó, cần có quy định cấm hành vi này, đồng thời nêu rõ chế tài đối với người lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo để cổ súy mê tín dị đoan, bán hàng nhằm trục lợi.
Thực hiện : Diệu Linh