Tin sáng 14/3: F0 ở Hà Nội thản nhiên ra ngoài, đi chợ; người lao động mắc COVID-19 được hưởng bảo hiểm xã hội

F0 chủ quan đi chợ, mua thuốc... tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, được cho là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 cộng đồng tăng mạnh.

F0 ở Hà Nội thản nhiên ra ngoài, đi chợ: Nguy cơ dịch bùng phát mạnh

F0 tăng cao, nhiều người tìm tới các cửa hàng để mua thuốc, thiết bị y tế, điều trị COVID-19. (Ảnh minh họa)

F0 tăng cao, nhiều người tìm tới các cửa hàng để mua thuốc, thiết bị y tế, điều trị COVID-19. (Ảnh minh họa)

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, hiện do số lượng F0 nhiều nên phần nào cơ quan chức năng chưa thể quản lý, theo dõi được hết. Điều này dẫn đến tình trạng có người tự test nhanh COVID-19 tại nhà nhưng không khai báo y tế. Thậm chí, F0 "hồn nhiên" đi chợ, mua thuốc. Nguy hiểm hơn, có người dù biết bản thân là F0 nhưng vẫn đi khắp nơi ăn uống, hàng quán. Hành động này rất nguy hiểm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bùng phát mạnh mẽ, phức tạp hơn.

"Để dịch bùng phát mạnh, số lượng ca bệnh tăng quá cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng, tử vong tăng theo, gây quá tải cho hệ thống y tế", BS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

"F0 vẫn đi chợ, đi chơi hiện nay theo tôi là không ít. Việc họ không khai báo và đi khắp nơi như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến dịch lan rộng hơn. Với biến chủng mới, kết hợp với tiêm vaccine thì hầu hết F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng người dân không nên chủ quan. Để dịch bùng phát mạnh, số lượng ca bệnh tăng quá cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng, tử vong tăng theo, gây quá tải cho hệ thống y tế", BS Hà nói.

Với tình hình hiện nay, kiểm soát hết F0 trong cộng đồng không đơn giản. Vì vậy mỗi người dân phải tự giác nâng cao ý thức của bản thân. Khi test nhanh dương tính cần thông báo ngay cho cơ quan y tế nơi mình quản lý. Ngoài ra, trong quá trình đi lại, giao tiếp, người dân cũng cần tuân thủ khai báo y tế đầy đủ để hạn chế nguy cơ lây lan cho bản thân và cộng đồng.

Thời điểm trong ngày bệnh nhân COVID-19 tại nhà không nên uống vitamin tổng hợp

Multivitamin còn có tên gọi khác là "vitamin tổng hợp", là sản phẩm giúp bổ sung ít nhất ba loại vitamin cùng khoáng chất cho cơ thể. Không có tiêu chuẩn chung về dạng bào chế của multivitamin, những dạng thường gặp nhất là: viên nang, dạng bột, kẹo dẻo hoặc dung dịch.

Công dụng chính của vitamin tổng hợp chính là bổ sung và bù đắp những khoảng trống trong chế độ dinh dưỡng một cách tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bằng cách đảm bảo cơ thể hấp thụ đầy đủ dưỡng chất mỗi ngày, bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe và phòng tránh được bệnh tật.

Theo "Sổ tay sử dụng thuốc an toàn" tại nhà của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, bạn nên sử dụng Multivitamin và khoáng chất vào buổi sáng hoặc trưa sau khi ăn, uống với nhiều nước. Bạn không nên uống Multivitamin và viên vitamin C để tránh quá liều vitamin C và không nên uống vào buổi tối.

Người lao động mắc COVID-19 được hưởng bảo hiểm xã hội

Nhiều người lao động bị mắc COVID-19 được nhận tiền hỗ trợ.

Nhiều người lao động bị mắc COVID-19 được nhận tiền hỗ trợ.

Những người phải nghỉ việc để điều trị COVID-19 hoặc nghỉ để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc COVID-19 mà tham gia BHXH bắt buộc sẽ được nhận tiền hỗ trợ.

Đây là quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Chế độ hỗ trợ này đã giúp nhiều lao động có thêm điều kiện trang trải cuộc sống khi bị bệnh, hoặc chăm con bị bệnh nên thu nhập giảm sút.

Chị The bị COVID-19 và phải nghỉ làm 14 ngày. Khi đi làm lại, chị đã hoàn tất hồ sơ và được Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả gần 2 triệu đồng.

Chỉ tính trong tháng 2 vừa qua, BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giải quyết chế độ cho hơn 12.800 trường hợp, với tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều trường hợp bị nhiễm COVID-19 hoặc nghỉ chăm sóc con dưới 7 tuổi nhiễm COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 trong giáo viên và học sinh ở ĐBSCL tăng cao đột biến

Ngành giáo dục Vĩnh Long đang đối phó với các trường hợp F0 tăng cao trong mấy ngày qua.

Ngành giáo dục Vĩnh Long đang đối phó với các trường hợp F0 tăng cao trong mấy ngày qua.

Những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 tại Vĩnh Long có chiều hướng tăng. Chỉ tính trong 2 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca mắc. Riêng ngày 12/3 tỉnh ghi nhận hơn 1.330 ca mắc, trong đó không ít các trường hợp F0 là giáo viên và học sinh.

Theo Sở GD- ĐT sau hơn 1 tháng học sinh trở lại trường học trực tiếp, Vĩnh Long ghi nhận hơn 2.500 học sinh và trên 500 giáo viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp phát hiện nhiễm được xử lý đúng quy trình, truy vết kịp thời theo hướng dẫn của ngành y tế. Các trường học đã chủ động linh hoạt các hình thức dạy học vừa đảm bảo bổ sung kiến thức cốt lõi theo chương trình môn học.

Do F0 tăng nhanh, các cơ sở giáo dục ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về kit xét nghiệm. Nhiều giáo viên là F0 nghỉ ở nhà, các trường cũng đang gặp nhiều khó khăn để tìm giáo viên dạy thay thế. Nhiều trường học tại tỉnh Vĩnh Long hiện đang chuẩn bị phương án dạy trực tuyến khi dịch bệnh tăng cao hơn.

Một triệu chứng Omicron có thể kéo dài ngay cả sau khi khỏi bệnh

Theo dữ liệu mới từ nghiên cứu về triệu chứng CoOVID-19 của Anh - ZOE, đau thắt lưng là 1 trong 8 triệu chứng mới của biến thể Omicron.

Triệu chứng này đã được báo cáo sớm sau khi biến thể được phát hiện ở Nam Phi. Tờ Washington Post đưa tin rằng các bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân bị đau cơ biểu hiện như đau thắt lưng ở bệnh nhân Omicron.

Điều đáng lưu tâm là triệu chứng này vẫn kéo dài ngay cả sau khi người bệnh đã khỏi bệnh, theo Times Of India.

Các chuyên gia hàng đầu khuyến cáo, mặc dù các triệu chứng Omicron có thể nhẹ nhưng không thể loại trừ khả năng Covid kéo dài .

WHO cảnh báo rằng những người nhiễm Omicron và đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ phát triển tình trạng Covid kéo dài.

Dấu hiệu bất thường ở phụ nữ mang thai mắc COVID-19

Phụ nữ mang thai khi mắc COVID-19 cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và duy trì sở thích, chăm sóc cho bản thân về mặt cảm xúc cũng như thể chất. F0 là phụ nữ mang thai cần ăn đủ bữa, vừa đủ dinh dưỡng; uống đủ nước, từ 2,5 lít nước/ngày, uống nước ấm và từ từ.

Người bệnh nên xem các bộ phim yêu thích, đặc biệt phim hài, nghe nhạc nhẹ nhàng, hoặc xem hình các em bé dễ thương, chơi đùa vui vẻ; cố gắng thư giãn, ngủ đủ giấc. Đặc biệt, thai phụ nên đo SpO2 hai lần mỗi ngày, nếu cảm thấy khó thở, SpO2 ≤95%, cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Các dấu hiệu cần cảnh báo và lưu ý gồm: Khó thở, thở nhanh, nhịp thở >25 lần/phút, da mặt và niêm mạc môi xanh tái, bị hoang mang, lú lẫn.

Những điều cần lưu ý cho F0 là thai phụ:

- Không tăng cường quá mức dinh dưỡng, không ăn quá nhiều tinh bột, đường. Có thể thêm 1-2 lát gừng, sả vào nước uống, tránh uống quá nhiều nước gừng, sả trong một ngày.

- Nếu bị căng thẳng, khó ngủ: Có thể sử dụng thảo dược như tâm sen để dễ ngủ hoặc uống các loại thuốc chống nôn trong thai kỳ nếu bị nghén.

- Nếu bị sốt: Cần uống nhiều nước, lau người bằng nước ấm. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt an toàn trong thai kỳ: Paracetamol 500 mg hoặc Ibuprofen nếu không có tiền sử loét dạ dày, xuất huyết.

- Nếu bị ho: Có thể uống thảo dược như mật ong, tỏi hoặc lê hấp đường phèn... Khi ngủ, thai phụ nên nằm đầu cao hơn khoảng 30-45 độ để dễ thở.

- Nếu thai phụ cảm thấy bất an, nên chia sẻ tâm sự với người xung quanh hoặc kết nối với bác sĩ để có thể hỗ trợ kịp thời cho thai phụ.

- Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng, nước rửa tay có cồn hoặc dung dịch rửa tay.

Hơn 2.800 công nhân ở Hà Nam mắc COVID-19, doanh nghiệp tìm cách thích ứng an toàn

Tại một số doanh nghiệp có nhiều F0 vẫn duy trì hoạt động sản xuất; kịch bản cho công tác phòng chống dịch COVID-19 đã linh hoạt hơn.

Tại một số doanh nghiệp có nhiều F0 vẫn duy trì hoạt động sản xuất; kịch bản cho công tác phòng chống dịch COVID-19 đã linh hoạt hơn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, nhờ nắm rõ quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, các doanh nghiệp nhanh chóng khoanh vùng hẹp để vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch hiệu quả. So với giai đoạn trước, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay không quá phức tạp, không doanh nghiệp nào phải dừng hoạt động trong thời gian dài.

UBND tỉnh Hà Nam cũng chỉ đạo các ngành nắm bắt kịp thời những khó khăn của từng nhóm doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh tập trung giải quyết. Trước hết, các ngành đã rà soát lại thủ tục hành chính, tham mưu cho cấp trên cắt giảm những thủ tục rườm rà, chồng chéo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Các sở, ngành công khai minh bạch, cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Chi cục Hải quan Hà Nam vào cuộc hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cục Thuế tỉnh nhanh chóng triển khai các thủ tục hỗ trợ miễn giảm, gia hạn các loại thuế phí cho doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Nam khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là phát triển những ngành nghề phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Hà Nam, trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có công nghệ sản xuất hiện đại, đóng góp ngân sách lớn.

Nhiều địa phương vẫn cho phép F0 không triệu chứng đi làm

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tin-sang-14-3-f0-o-ha-noi-than-nhien-ra-ngoai-di-cho-nguoi-lao-dong-mac-covid-19-duoc-huong-bao-hiem-xa-hoi-172220313085530636.htm