Tin sáng 5/2: Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca COVID-19 sau Tết; dòng người đổ về Hà Nội sau Tết; các điểm vui chơi đông nghẽn người

Bộ Y tế cho biết, số ca mắc mới COVID-19, ca chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca COVID-19 sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 - 02/02/2022), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc COVID-19 và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).

So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước; Số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron... Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước; Số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron... Ảnh: Nhật Bắc

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.

Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.

Tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương mua, tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi

Ngày 4/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương mua, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế hoàn thiện Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023), trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 2; đồng thời tiếp tục cập nhật quy trình theo dõi, chăm sóc, điều trị tại nhà với người nhiễm Covid-19, ca bệnh nhẹ, người tiếp xúc gần.

Vaccine trong nước sẽ được thúc đẩy sản xuất "theo tinh thần nhanh nhất về thủ tục hành chính và đảm bảo yêu cầu khoa học, chuyên môn". Bộ Y tế chủ động công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước.

Các địa phương tiếp tục chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa xuân năm 2022; hoàn thành tiêm mũi ba cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi; đẩy nhanh hơn nữa tiêm vaccine cho trẻ.

5.108 trẻ chào đời trong 5 ngày Tết Nhâm Dần

Bản tin từ Bộ Y tế cho biết trong những những ngày Tết, các y bác sĩ đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 5.108 trẻ chào đời và cho xuất viện 80.337 người điều trị khỏi về nhà ăn Tết.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương bế em bé sơ sinh chào đời đúng thời khắc Giao thừa năm Nhâm Dần tại phòng đẻ của Bệnh viện. Ảnh: Thái Bình

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương bế em bé sơ sinh chào đời đúng thời khắc Giao thừa năm Nhâm Dần tại phòng đẻ của Bệnh viện. Ảnh: Thái Bình

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc trở lại Thủ đô trong chiều mùng 4 Tết

Còn 2 ngày nữa mới kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nhưng nhiều người dân đã đổ về TP Hà Nội sớm do lo ngại đông đúc, tắc đường.

Chiều ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết), dòng người từ các tỉnh, thành phố đã tấp nập đổ về Thủ đô sớm so với kỳ nghỉ. Theo ghi nhận, tại các bến xe phía Nam TP Hà Nội, lượng xe ra vào tấp nập. Người dân hối hả tay xách nách mang rời bến xe trở về nhà.

Các điểm vui chơi, du lịch "thất thủ" ngày gần hết Tết

Sau khoảng thời gian dài ảnh hưởng vì đại dịch, những ngày đầu xuân Nhâm Dần, người dân đổ về các khu du lịch tăng đột biến. Vẫn trong không khí của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, người dân ùn ùn trẩy hội đầu xuân, điểm đến Tây Bắc luôn là lựa chọn của nhiều du khách.

Không chỉ Sa Pa, Fansipan "thất thủ", cột cờ Lũng Cú Hà Giang cũng chung cảnh "chân không chạm đất" do du khách đổ về quá đông.

Sáng 4/2, theo thông tin cập nhật, các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc luôn trong tình trạng "chật ních" thì Sa Pa, Hà Giang của vùng Tây Bắc cũng ùn ứ không kém.

Trong mùng 3 Tết, nhiều cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh đã hoạt động hết công suất. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay đã không còn phòng trống. Theo thông tin cập nhật, phần lớn các cơ sở lưu trú trên địa bàn Đồng Văn, Mèo Vạc đều chật cứng người.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tiem-an-nguy-co-gia-tang-ca-covid-19-sau-tet-dong-nguoi-do-ve-ha-noi-sau-tet-cac-diem-vui-choi-dong-nghen-nguoi-172220205084101152.htm