Tin thế giới 1/6: Biên giới Nga-Ukraine thêm nóng, căng thẳng Serbia-Kosovo gây lo lắng

Kiev tiếp tục bị tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định quan hệ với Nga, Mỹ sẵn sàng làm trung gian hòa giải tại Sudan… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen ngày 1/6. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Singapore)

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen ngày 1/6. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Singapore)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Điện Kremlin: Nga ngăn chặn ba cuộc tấn công tại biên giới với Ukraine: Ngày 1/6, TASS (Nga) dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết Quân đội Nga đã chặn đứng 3 cuộc tấn công của các lực lượng Ukraine tại biên giới ở Belgorod. Cụ thể, phía Nga đã đẩy lùi các đơn vị Ukraine đã cố gắng vượt qua biên giới.

Trước đó, Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho hay 8 người đã bị thương và một số tòa nhà hư hại trong đợt pháo kích do phía Ukraine tiến hành. Cư dân đã sơ tán khỏi thị trấn Shebekino giáp biên giới để tránh thương vong.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Bộ Quốc phòng, lực lượng biên phòng, cơ quan khẩn cấp và giới chức địa phương Nga liên tục báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình ở vùng Belgorod. (TASS)

* Duma Quốc gia bãi bỏ thỏa thuận Nga-Ukraine về Biển Azov: Tại phiên họp toàn thể ngày 1/6, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua luật về bãi bỏ thỏa thuận với Ukraine về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, vốn được Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình vào ngày 24/5 vừa qua.

Năm 2003, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, song không đề cập đến biên giới quốc gia trong thỏa thuận. Dự kiến, nếu cần, các quốc gia sẽ ký kết một thỏa thuận riêng ấn định việc phân định vùng biển theo biên giới quốc gia.

Sau khi Nga sáp nhập Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, Ukraine đã gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận biển Azov. Tháng 5/2022, chính quyền Kiev đã tuyên bố tạm đóng cửa 4 cảng biển trên Biển Đen và biển Azov - Mariupol, Berdyansk, Kherson, Skadovsk - vì không thể cung cấp dịch vụ tàu biển. (Sputnik)

* Thủ đô Ukraine tiếp tục bị tấn công: Ngày 1/6, viết trên Telegram, Thị trưởng Kiev, ông Vitali Klitschko, cho biết trong ngày, Nga đã mở một đợt pháo kích mới nhắm vào khu vực Desnyanskyi, ngoại ô phía Đông thủ đô, khiến 3 người thiệt mạng và một số người bị thương. Đây là vụ tấn công thứ 18 vào thủ đô Kiev trong tháng này. (Reuters)

* Ukraine muốn quyết định rõ ràng về tương lai trong NATO: Ngày 1/6, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại Moldova, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Năm nay là năm dành cho các quyết định. Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnus cần đưa ra lời mời rõ ràng để Ukraine gia nhập và bảo đảm an ninh trên con đường trở thành thành viên.

Vào (mùa Thu), liên quan tới việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), cũng cần có một quyết định rõ ràng, tích cực. Chúng ta cũng đang chuẩn bị để triển khai Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình, qua đó dẫn dắt thế giới cùng thực thi công thức hòa bình”. (Reuters)

Nga-Mỹ

* Nga: Mỹ thực hiện hoạt động tình báo qua iPhone: Ngày 1/6, Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) nêu rõ: “FSB đã phát hiện ra hoạt động tình báo của các cơ quan đặc nhiệm của Mỹ sử dụng thiết bị di động của Apple”.

Phía Nga cho rằng tình báo xứ cờ hoa đã thu thập thông tin thông qua hàng nghìn chiếc iPhone, bao gồm cả những chiếc được đăng ký cho các quan chức nước ngoài làm việc tại Nga và các nước Liên Xô cũ, trong đó có cả những nước thành viên NATO, Israel, Syria và Trung Quốc. Theo FSB, kế hoạch này cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa Apple và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm về tình báo, an ninh liên lạc và mật mã của Mỹ. (Reuters/Sputnik)

Đông Nam Á

* Singapore và Trung Quốc thiết lập đường dây nóng quân sự: Ngày 1/6, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết Bộ trưởng Ng Eng Hen và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về Thiết lập Đường Điện thoại Quốc phòng An toàn sau khi đồng chủ trì Đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng Singapore-Trung Quốc lần thứ 2.

Tại đối thoại hơn 2 giờ, hai bên đã tái khẳng định cam kết với Thỏa thuận Tăng cường về Hợp tác An ninh và Trao đổi Quốc phòng (ADESC) năm 2019. Song phương cũng tiến hành thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như trao đổi cách thức tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bắc Kinh.

Đây là chuyến thăm Singapore lần đầu tiên và tham dự Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Ông cũng sẽ là một trong những diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La năm nay, nơi quan chức này sẽ có bài phát biểu với tựa đề “Các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc”. (TTXVN)

Nam Thái Bình Dương

* Australia hy vọng Trung Quốc dỡ thuế với lúa mạch: Ngày 1/6, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell nói: “Lúa mạch là mặt hàng tiếp theo (xuất khẩu sang Trung Quốc). Thông tin nhận được từ các quan chức của chúng tôi ở Trung Quốc là mọi thứ đang đi đúng hướng. Vì vậy, tôi hy vọng rằng khi quyết định cuối cùng được đưa ra thì đó sẽ là một quyết định tích cực và chúng tôi có thể đưa lúa mạch Australia trở lại Trung Quốc”.

Ông cho biết sau một “cuộc gặp tốt đẹp” với người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào tại Detroit tuần trước, việc Bắc Kinh xem xét mức thuế chống bán phá giá 80,5% đối với lúa mạch của Australia “đã hoàn tất hoặc sắp hoàn tất”. (AFP)

Đông Bắc Á

* Bắc Kinh tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Trung Quốc: Ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này Shu Jueting nêu rõ: “Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc để tiến hành hoạt động thương mại bình thường”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi EU triển khai đợt trừng phạt lần thứ 11 nhằm vào Nga, trong đó có điều khoản có thể dẫn tới hạn chế thương mại với Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban châu Âu đề xuất một công cụ mới để hạn chế thương mại với các nước thứ ba được cho là có hành động lách các trừng phạt hiện có. (Reuters)

* Triều Tiên sử dụng động cơ mới trong vụ phóng vệ tinh mới nhất: Ngày 1/6, các nhà phân tích cho rằng tên lửa đẩy mang vệ tinh trong vụ phóng mới nhất của Triều Tiên dường như là một thiết kế mới và nhiều khả năng sử dụng động cơ được phát triển cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này.

Ông Ankit Panda từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) nhận định: “Tên lửa đẩy mà chúng ta thấy hoàn toàn khác so với thiết kế ban đầu… Nó dường như sử dụng một động cơ đã xuất hiện trong một ICBM trước đó ở Triều Tiên”.

Về phần mình, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), nhận định tên lửa có thể được đẩy bằng động cơ nhiên liệu lỏng hai vòi như trong ICBM Hwasong-15 của Triều Tiên. Một số khác cho rằng động cơ đó được phát triển từ động cơ RD-250 của Liên Xô. (Reuters)

Châu Âu

* Căng thẳng tại Kosovo: Quan chức Serbia lên tiếng, các nước nói gì? Ngày 31/5, lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu đã tăng cường an ninh xung quanh tòa thị chính ở thị trấn Zvecan, miền Bắc Kosovo, nơi một thị trưởng người gốc Albania mới được bổ nhiệm sẽ nhậm chức sau một cuộc bầu cử bị người gốc Serbia của thị trấn tẩy chay. Hàng trăm người gốc Serbia đã tập trung bên ngoài tòa thị chính ở Zvecan trong ngày thứ ba liên tiếp và căng lá cờ Serbia khổng lồ 200 mét từ tòa nhà chính quyền đến trung tâm thị trấn.

Trước tình hình này, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic nêu rõ: “Tình hình an ninh vô cùng rủi ro do các quyết định đơn phương, phi pháp của phía Pristina gây ra, đặc biệt là ý đồ chiếm đóng Bắc Kosovo và Metohija”. Trước đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết phái bộ NATO tại Kosovo (KFOR) đã không bảo vệ người Serbia ở Kosovo bất chấp bảo đảm bảo hiện có. Ông lo ngại tình hình ở Kosovo có thể phát triển theo chiều hướng xấu.

Về phần mình, người đứng đầu Kosovo Vjosa Osmani nhấn mạnh Serbia cần chấm dứt các hành động gây bất ổn Kosovo, từ đó chấm dứt bạo lực ở miền Bắc vùng lãnh thổ này. Bà cũng chỉ trích Serbia hỗ trợ tích cực cho “các cấu trúc bất hợp pháp” ở Kosovo nhằm gây bất ổn khu vực này từ bên trong. Nhà lãnh đạo Kosovo khẳng định, Tổng thống Vucic cần chấm dứt việc hỗ trợ các băng nhóm tội phạm nếu ông ấy thực sự muốn hòa bình.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đã gửi thêm 700 binh sĩ tới Kosovo để bổ sung cho KFOR. Ông nhấn mạnh: “NATO sẽ luôn cảnh giác. Thông điệp của chúng tôi với cả chính quyền Belgrade và Pristina là hai bên đều phải thể hiện thiện chí trong cuộc đối thoại do EU thúc đẩy”.

Trước đó, 30 binh lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình và 52 người biểu tình sắc tộc Serbia bị thương hồi đầu tuần này trong các cuộc đụng độ giữa Serbia và Kosovo.

Cùng ngày, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại Moldova, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết đã hối thúc lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đóng vai trò hạ nhiệt căng thẳng và hy vọng chuyển tải thông điệp tương tự tới Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Trả lời họp báo tại Bratislava (Slovakia), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Rõ ràng Kosovo phải chịu trách nhiệm về tình hình này. Đã không có sự tuân thủ thỏa thuận quan trọng, vốn được bảo đảm cách đây chỉ vài tuần”.

Về phần mình, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng ngày cho biết nhà lãnh đạo này đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Kosovo Albin Kurti. Thông cáo về các cuộc gặp này cũng nêu rõ: “Trong các cuộc trao đổi, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng góp vào quá trình đối thoại”. Ông cũng nêu rõ đối thoại là cách duy nhất để thiết lập hòa bình lâu dài ở khu vực. (AFP/Reuters/TTXVN)

* Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì quan hệ chiến lược với Nga: Ngày 1/6, Lãnh đạo Đảng Đổi mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ozturk Yilmaz nêu rõ: “Niềm tin của cá nhân tôi là chúng tôi cần Nga và Nga cần Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi là đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực bất kể điều gì đang xảy ra trong các vấn đề đối nội của chúng tôi. Hai nước cần nhau. Chúng tôi phải làm việc cùng nhau”.

Chính trị gia này cũng nhận định công chúng Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hỗ trợ ông Erdogan trong chiến dịch tranh cử và thông qua sáng kiến vận chuyển khí đốt tự do của ông tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói thêm: "Sẽ có những dự án chung mới. Các dự án mới sẽ có lợi cho chúng ta. Lợi ích chung đòi hỏi chúng ta phải làm việc cùng nhau, để tạo ra những lĩnh vực đầu tư mới”.

Trước đó, ngày 28/5, Hội đồng bầu cử tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng trước đối thủ Kemal Kilicdaroglu trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống, với 52,14% số phiếu ủng hộ. Ông Putin đã điện đàm và chúc mừng ông Erdogan tái đắc cử, nói rằng kết quả này là “bằng chứng rõ ràng về sự ủng hộ của cử tri Thổ Nhĩ Kỳ với nỗ lực của ông Erdogan nhằm củng cố chủ quyền quốc gia và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập”. (Sputnik)

Trung Đông-Châu Phi

* Mỹ sẵn sàng làm trung gian hòa giải ở Sudan: Phát biểu ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Một khi các lực lượng thể hiện rõ ràng bằng hành động rằng họ nghiêm túc tuân thủ lệnh ngừng bắn, Mỹ và Saudi Arabia sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận bị đình chỉ để tìm giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột này”.

Trước đó, ngày 31/5, quân đội Sudan đã cho nổ tung các căn cứ của lực lượng bán quân sự sau khi rút khỏi đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Họ cáo buộc lực lượng bán quân sự đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn để nhận hàng viện trợ. (AFP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-16-bien-gioi-nga-ukraine-them-nong-cang-thang-serbia-kosovo-gay-lo-lang-229352.html