Tin thế giới 11/1: Động thái của ông Trump và lời đe dọa rùng mình lúc bạo loạn; Mỹ tố Nga lừa gạt; Người phụ nữ quyền lực Triều Tiên vắng mặt bất ngờ

Bạo loạn ở Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ, đại hội Đảng ở Triều Tiên, quan hệ Iran-Hàn Quốc, diễn biến vụ máy bay rơi ở Indonesia, đại dịch Covid-19... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Bạo loạn ở Mỹ

Hé lộ động thái của ông Trump khi quốc hội Mỹ 'thất thủ'

Theo CBS News, hôm 6/1, không lâu sau khi nổ ra bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump và luật sư riêng Rudy Giuliani đã cố liên lạc với thượng nghị sĩ mới đắc cử bang Alabama Tommy Tuberville, người từng tuyên bố ủng hộ thách thức kết quả bầu cử tổng thống tại quốc hội.

Ông Tuberville đã nói chuyện qua điện thoại với ông Trump khoảng gần 10 phút. CBS News dẫn nguồn thạo tin cho hay, chủ nhân Nhà Trắng được cho là đã thuyết phục thượng nghị sĩ mới đắc cử quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn quốc hội xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Cuộc gọi thứ 2 do ông Giuliani thực hiện nhưng đã được chuyển vào hộp thư thoại có nội dung: "Tôi gọi cho ông vì muốn trao đổi về cách quốc hội đang cố gắng đẩy nhanh phiên họp này, Tổng thống cần ông, những người bạn Cộng hòa của chúng tôi, chúng ta cần trì hoãn cuộc họp này…"

Theo nội dung tin nhắn thoại, ông Giuliani đề nghị ông Tuberville "phải phản đối ở càng nhiều bang càng tốt, kéo dài đến ngày mai, lý tưởng nhất là đến cuối ngày mai".

Mặc dù vậy, ông Tuberville đã không hề biết đến tin nhắn thoại này. (Washington Post)

Ông Pence liên tục chịu sức ép hậu bầu cử, xuất hiện đe dọa 'xử bắn'

Theo Fox News, tuần trước, trên mạng xã hội Parler đã xuất hiện thông điệp dọa giết Phó tổng thống Mike Pence, người chủ trì cuộc họp quốc hội hôm 6/1 để công bố người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11/2020 với nội dung: "Sẵn sàng lập đội xử bắn. Pence sẽ bị xử đầu tiên".

Mật vụ Mỹ thông báo đã vào cuộc điều tra và cho biết, họ nghi ngờ ông Lin Wood, một luật sư ủng hộ ông Trump, chính là tác giả của lời đe dọa này.

Bên cạnh đó, mật vụ Mỹ cũng đang điều tra sau khi một đoạn video quay bên trong trụ sở quốc hội vào ngày xảy ra bạo loạn cho thấy một số đối tượng đã hét lớn đòi "treo cổ ông Pence".

Thời gian gần đây, ông Pence liên tục chịu sức ép từ nhiều phía. Ban đầu là sức ép từ Tổng thống Trump nhằm không xác nhận kết quả bầu cử, gần đây là sức ép từ đảng Dân chủ kêu gọi ông và các thành viên nội các kích hoạt tu chính án 25 nhằm phế truất Tổng thống Trump "ngay lập tức". (Sputnik)

Hiệp ước INF

Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích cựu Tổng thống B.Obama, tố Nga 'lừa gạt"

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, cựu Tổng thống Barack Obama đã mạo hiểm sinh mạng của người dân Mỹ khi tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Trên trang mạng Twitter, ông Pompeo gay gắt: "Tổng thống Obama đã mạo hiểm sinh mạng của người dân Mỹ khi hạn chế sức mạnh quân sự của chúng ta, trong khi Nga lừa gạt và xây dựng hệ thống của mình. Khi chỉ một bên tham gia hiệp ước song phương tuân thủ nó, thì điều đó được gọi là sự ngu ngốc".

Mỹ hiện đã đơn phương rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước vào tháng 8/2019. (Sputnik)

Iran-Hàn Quốc

Hàn Quốc muốn xử lý chuyện bắt tàu, Iran đòi giải phóng 7 tỷ USD bị phong tỏa

Ngày 10/1, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun đã đến thủ đô Tehran để đàm phán về việc thả tàu chở dầu của Hàn Quốc cùng thủy thủ đoàn bị phía Iran bắt giữ khi đi qua eo biển Hormuz hồi tuần trước.

Tại hội đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết, vụ việc chỉ là "vấn đề kỹ thuật" liên quan đến ô nhiễm môi trường, kêu gọi Seoul “kiềm chế việc chính trị hóa vấn đề, tuyên truyền vô ích và cho phép các thủ tục pháp lý được tiến hành”.

Hiện Iran đã khởi động tiến trình tư pháp liên quan vụ việc.

Bên cạnh đó, ông Araqchi đề nghị Hàn Quốc giải phóng các khoản tiền 7 tỷ USD của Tehran bị phong tỏa theo lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời kêu gọi Seoul tìm một cơ chế để giải quyết vấn đề tài sản của Tehran, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa hai nước.

Về phần mình, ông Choi Jong-kun nêu rõ, chuyến thăm của ông tới Iran cho thấy Hàn Quốc chú trọng giải quyết vấn đề tài sản của Tehran. Theo ông, Hàn Quốc dự định khôi phục lòng tin trong quan hệ với Iran vào năm 2021 bằng cách xử lý các vấn đề tồn tại giữa hai nước. (Reuters)

Triều Tiên

Ông Kim Jong-un giữ chức Tổng Bí thư, em gái quyền lực vắng mặt trong danh sách Bộ Chính trị

Sáng 11/1, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được làm Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VIII.

Trong khi đó, em gái của ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, không có tên trong danh sách các ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên.

Sự vắng mặt này trái ngược hoàn toàn với đánh giá của giới tình báo Hàn Quốc cho rằng, bà Kim Yo-jong là "nhà lãnh đạo số 2 trên thực tế" chỉ đạo tổng thể các vấn đề nhà nước. Trước đó, tình báo Hàn Quốc dự đoán rằng bà sẽ được đưa lên cấp cao hơn trong đại hội đảng.

Điều này cũng dấy lên nghi ngờ về về việc liệu động thái này có báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào về vị trí của bà này trong số những nhân vật nắm quyền cao nhất hay không.

Các nhà quan sát cho rằng còn quá sớm để xác định vị trí của bà Kim Yo-jong trong các cấp lãnh đạo của đảng dựa trên cuộc cải tổ gần đây, viện dẫn yếu tố dòng tộc, cũng như sự tin tưởng lớn của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng bất kể vị trí của Kim Yo-jong trong đảng cầm quyền, vai trò chính trị của bà nhiều khả năng sẽ không thay đổi vì bà dường như đã đảm nhận vai trò nổi bật trong các vấn đề nhà nước, bao gồm cả các vấn đề liên Triều. Các nhà quan sát cũng chỉ ra khả năng Triều Tiên có thể thành lập một cơ quan mới, mà bà Kim Yo-jong có thể đứng đầu. (Yonhap)

Vụ máy bay rơi tại Indonesia

Cơ trưởng có 35 năm kinh nghiệm, hy vọng vớt được 2 hộp đen trong ngày 11/1

Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia của Indonesia (Basarnas), Chuẩn tướng Rasman cho biết, ngày 11/1, thợ lặn sẽ bắt đầu tìm cách vớt 2 hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737-500 gặp tai nạn ngày 9/1 làm toàn bộ 62 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo ông Rasman, công tác tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương. 20 tàu đã được bổ sung tới hiện trường, nâng tổng số lên 53 tàu thuyền cứu hộ.

Phạm vi tìm kiếm và cứu hộ cũng được mở rộng trên biển và dọc khu vực bờ biển, nơi tìm thấy những mảnh vỡ của máy bay.

Ông khẳng định sẽ nhanh chóng tìm kiếm hộp đen dữ liệu trong ngày hôm nay. Các hộp đen này sẽ cung cấp những đầu mối quan trọng phục vụ công tác điều tra vụ tai nạn.

Trước đó, ngày 10/1, cơ quan chức năng Indonesia cho biết đã xác định được vị trí các hộp đen. Một trong những tuabin của máy bay đã được vớt lên và chuyển trở lại cảng ở Jakarta trong cùng ngày.

Trong khi đó, người thân của Cơ trưởng Afwan trên chuyến bay trên cho biết, ông có 35 năm kinh nghiệm làm phi công, từng tham gia Lực lượng Không quân Indonesia trong giai đoạn 1987-1998, đã bay trong Phi đội 4 và Phi đội 31.

Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2018. (TTXVN)

Israel-Palestine

Palestine chuẩn bị tổng tuyển cử sau 15 năm

Ngày 10/1, Ủy ban Bầu cử Trung ương Palestine (PCEC) cho biết, Chủ tịch của Ủy ban này Hana Nasser đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Ủy ban ở Dải Gaza để thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp lần đầu tiên sau 15 năm bị gián đoạn.

Trước ngày 20/1, Tổng thống Abbas sẽ ban hành một gói sắc lệnh ấn định thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử cũng như ngày bỏ phiếu bầu Hội đồng Dân tộc Palestine và sau đó, sẽ cần một khoảng thời gian 120 ngày chuẩn bị để tổ chức bầu cử.

Liên quan tình hình Palestine, truyền thông Ai Cập ngày 10/1 đưa tin, ngoại trưởng các nước Ai Cập, Pháp, Đức và Jordan dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Cairo trong ngày 11/1, thảo luận về nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. (Jerusalem Post)

Tình hình Afghanistan

Ấn Độ muốn hỗ trợ quân sự cho Afghanistan khi Mỹ rút quân

Trong cuộc điện đàm ngày 9/1 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và người đồng cấp Afghanistan Mohammed Haneef Atmar, New Delhi được cho là đã đảm bảo hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Kabul trong thời gian tới, khi Mỹ bắt đầu tiến trình giảm số quân từ mức 5.000 người hiện nay xuống còn 2.500 người vào tháng 2/2021.

Trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Mohammed Haneef Atmar khẳng định: “Chúng tôi đã thảo luận về việc nối lại đàm phán hòa bình cho Afghanistan ở Doha (Qatar) và thu hút sự ủng hộ cho lệnh ngừng bắn dẫn tới hòa giải chính trị ở Afghanistan”.

Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Afghanistan: “Hai Bộ trưởng đã thảo luận về việc giảm bạo lực, nhu cầu thiết lập một lệnh ngừng bắn có ý nghĩa, duy trì thành quả đạt được trong 19 năm qua, giải quyết các vấn đề liên quan đến người tị nạn Afghanistan ở Ấn Độ và mở rộng hợp tác song phương”. (The Print)

Trung Quốc-ASEAN

Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm 4 nước ASEAN

Ngày 10/1, hãng thông tấn Antara của Indonesia dẫn một tuyên bố bằng văn bản cùng ngày của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Ngoại trưởng nước này ông Vương Nghị sẽ bắt đầu chuyến công du tới Myanmar vào ngày 11/1 theo lời mời của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi trước khi tới thăm Indonesia theo lời mời của Ngoại trưởng Retno Marsudi.

Ngày 12/1, ông Vương Nghị dự kiến gặp người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Panjaitan.

Theo Antara, ông Vương Nghị sẽ đến chào xã giao Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào ngày 13/1.

Sau chặng dừng chân tại Jakarta, ông Vương Nghị sẽ tiếp tục chuyến thăm Brunei và Philippines theo lời mời của ngoại trưởng hai nước này. (Antara)

Đoàn chuyên gia WHO sắp đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2

Ngày 11/1, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo, từ ngày 14/1, một nhóm 10 nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ có chuyến công tác đến Trung Quốc đại lục để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong một tuyên bố, ủy ban trên cho biết, nhóm nhà khoa học của WHO sẽ tiến hành cuộc nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, song không nêu thêm chi tiết về các công việc sắp tới.

Các chuyên gia WHO sẽ phải cách ly trong 2 tuần sau khi nhập cảnh Trung Quốc, sau đó sẽ đến thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, nơi virus nguy hiểm trên lần đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm 2019. (TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-111-dong-thai-cua-ong-trump-va-loi-de-doa-rung-minh-luc-bao-loan-my-to-nga-lua-gat-nguoi-phu-nu-quyen-luc-trieu-tien-vang-mat-bat-ngo-133669.html