Tin thế giới 11/1: Tổng thống Ukraine không muốn lệnh ngừng bắn; một nước 'lật bài ngửa' với Nga khi vào NATO; tình trạng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Nga với phương Tây liên quan cáo buộc về vũ khí Triều Tiên, tình trạng bạo loạn ở thủ đô của Papua New Guinea, sức khỏe của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Ukraine nhận định lệnh ngừng bắn chỉ có lợi cho Nga: Ngày 11/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, lệnh ngừng bắn trong xung đột với Nga sẽ không dẫn đến đối thoại chính trị.
Theo ông, nếu có lệnh ngừng bắn, Nga sẽ tận dụng thời gian nghỉ để tái vũ trang và tập hợp, khi đó sẽ áp đảo Ukraine.
Nhà lãnh đạo Zelensky khẳng định: "Ngừng bắn không có nghĩa là tạm dừng xung đột và điều đó chỉ có lợi cho Nga".
Trước đó, hôm 10/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Nga không nhận thấy tiến triển trong tiến trình hòa bình liên quan xung đột, do đó, Moscow sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. (Reuters, TASS)
* Ukraine cảnh báo Nga sẽ nhắm mục tiêu các "láng giềng khác”: Ngày 10/1, trong chuyến thăm Lithuania, Tổng thống Zelensky cảnh báo, Nga sẽ không kết thúc xung đột "cho đến khi tất cả chúng ta cùng nhau ngăn lại".
Theo nhà lãnh đạo, Lithuania, Latvia, Estonia, Moldova "có thể là mục tiêu tiếp theo nếu Ukraine không chống chọi được với Nga”.
Bên cạnh đó, ông Zelensky nói rằng, mọi sự chậm trễ trong chính sách viện trợ của phương Tây dành cho Kiev sẽ tiếp thêm động lực cho Điện Kremlin, nhấn mạnh: "Hệ thống phòng không là thứ quan trọng số một mà chúng tôi còn thiếu”. (AFP)
* Liên hợp quốc (LHQ) chưa thấy tín hiệu kết thúc xung đột ở Ukraine, theo lời Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách chính trị và kiến tạo hòa bình Rosemary DiCarlo.
Quan chức LHQ kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột "vũ trang nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II".
Trước đó, quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Edem Wosorno cho biết, các cơ quan của LHQ trong tuần tới sẽ tìm kiếm 3,1 tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong năm 2024. (UN News)
* Ukraine-Argentina bàn việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Mỹ Latinh qua cuộc điện đàm củaChánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andréi Yermak, và Thư ký Tổng thống Argentina Karina Milei.
Cùng ngày, Bloomberg đưa tin, ông Zelensky cũng đã thảo luận với lãnh đạo các nước Paraguay, Uruguay và Ecuador về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Mỹ Latinh. (Ukrinform)
Châu Á
* Pháp có đủ khí tài quân sự trên Biển Đỏ và các lực lượng Hải quân Pháp tháp tùng các tàu mà Paris quan tâm đang đến khu vực này, theo lời một chỉ huy cấp cao của lực lượng này cho biết.
Theo vị chỉ huy trên, Pháp hợp tác tác chặt chẽ với các đơn vị tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu trên Biển Đỏ nhưng các hoạt động của Hải quân Pháp vẫn hoàn toàn nằm dưới sự chỉ huy của Pháp. (Reuters)
* Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, hành động gây phương hại cho thương mại toàn cầu và làm suy yếu các quyền và tự do hàng hải cũng như hòa bình và an ninh khu vực".
HĐBA thông qua nghị quyết với 11 phiếu thuận, 4 phiếu trắng của Nga, Trung Quốc, Mozambique và Algeria, không có phiếu chống. (UN News)
* Mỹ-Israel bất đồng về phương án quản lý Gaza “hậu Hamas”: Nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu duy trì quan điểm phản đối việc hình thành một nhà nước Palestine thống nhất và quân đội nước này sẽ nắm quyền kiểm soát an ninh tại Dải Gaza.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết của việc có một nhà nước của người Palestine để quản lý Gaza sau khi Hamas bị lật đổ cũng như để duy trì tiến trình hòa bình khu vực, bao gồm việc thiết lập quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia. (Jerusalem Post)
* Động đất làm rung chuyển miền Bắc Afghanistan với độ lớn 6,4 độ Richter. Động đất xảy ra vào lúc 13h57 giờ địa phương (16h57 giờ Hà Nội), với tâm chấn ở huyện Jurm của tỉnh Badakhshan, miền Bắc Afghanistan.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn có vị trí ban đầu được xác định ở 36,51 độ vĩ Bắc và 70,6 độ kinh Đông với độ sâu chấn tiêu là 206,6 km.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Pakistan, Trung tâm Theo dõi địa chấn quốc gia cho biết, một trận động đất mạnh 6 độ Richter đã làm rung chuyển một số thành phố, với tâm chấn nằm ở vùng Hindu Kush của Afghanistan. (Reuters)
Châu Âu
* Phần Lan coi Nga "vẫn là mối đe dọa đáng kể" đối với an ninh của quốc gia Bắc Âu này ngay cả sau khi Helsinki gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm ngoái, theo lời Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen ngày 11/1.
Theo bà, trước xung đột ở Ukraine, Phần Lan đánh giá không cần phải gia nhập NATO vì có hệ thống phòng thủ riêng và đã cố gắng duy trì một số mối quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao nói rõ: "Hiện tại, không còn mối quan hệ nào nữa và chúng tôi chỉ cần đảm bảo rằng có thể phòng thủ và ngăn chặn hiệu quả”.
Ngoại trưởng Valtonen nhấn mạnh, việc Phần Lan cùng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ "dẫn đến sự ổn định và an ninh hơn" không chỉ ở Bắc Âu mà còn ở Biển Baltic và trên khắp lục địa nói chung. (Kyodo News)
* Thổ Nhĩ Kỳ có thể thảo luận việc Thụy Điển gia nhập NATO trong những tuần tới, khi Đại hội đồng Quốc hội trở lại họp vào ngày 16/1, theo lời Chủ tịch nhóm nghị sĩ của đảng AKP cầm quyền Abdullah Guler.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết, Thụy Điển đã đáp ứng một phần quan trọng trong các yêu cầu của Ankara đối với nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này.
Bên cạnh đó, theo ông Kurtulmus, nếu hành động chung trong một liên minh, Thổ Nhĩ Kỹ có những kỳ vọng chính đáng, đồng thời nhấn mạnh Ankara mong muốn các quốc gia liên quan chấm dứt “bất kỳ hình thức hỗ trợ nào” đối với các nhóm khủng bố và cấm các hoạt động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trên đất của họ.
Trong tháng 12/2023, Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, động thái này cần có sự chấp thuận đầy đủ của Quốc hội trước khi được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký thành luật. (THX, Reuters)
* 48 nước ra tuyên bố chung chỉ trích hợp tác quân sự Nga-Triều vào ngày 10/1, theo thông cáo báo chí của Văn phòng Ngoại trưởng Australia.
Cụ thể, tuyên bố chung phản đối hoạt động chuyển giao vũ khí giữa Triều Tiên và Nga, cũng như việc Moscow sử dụng các tên lửa này để tấn công Ukraine trong các ngày 30/12/2023 và 2/1/2024.
Các cáo buộc này do Mỹ, Ukraine và một số đồng minh đưa ra bất chấp việc Nga và Triều Tiên bác bỏ.
Trước động thái này, Nga nói rằng, Mỹ dường như đang tuyên truyền những thông tin “sai trái” về việc Nga sử dụng tên lửa do Triều Tiên chế tạo để tấn công Ukraine.
Châu Mỹ
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong tình trạng tốt, sẽ tiếp tục quá trình điều trị trong viện và hiện chưa xác định được ngày xuất viện cụ thể, theo thông báo ngày 10/1 của Lầu Năm Góc.
Trước đó, ngày 9/1, Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed xác nhận, Bộ trưởng Austin đã phải nhập viện hôm 1/1 vì nhiễm trùng đường tiết niệu sau cuộc phẫu thuật hồi tháng 12/2023 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. (Reuters)
* Mỹ lo ngại nguy cơ Nga, Trung Quốc nhắm vào các hệ thống không gian khi Bắc Kinh và Moscow đang phát triển các học thuyết quân sự có thể nhắm mục tiêu vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các hệ thống trên không gian khác, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks.
Cáo buộc Nga-Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu tiềm năng quân sự của Mỹ, bà Hicks mạnh: "Xung đột không phải là điều không thể tránh khỏi trong không gian hay bất cứ nơi nào khác. Và Mỹ cam kết ngăn chặn xung đột thông qua răn đe bằng cách làm rõ với các đối thủ cạnh tranh rằng cái giá phải trả cho hành động xâm lược sẽ vượt xa mọi lợi ích có thể tưởng tượng được".
Nga và Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về cáo buộc. (TASS)
* Giới chức quốc phòng Mỹ-Trung làm việc trực tiếp đầu tiên sau 4 năm trong hai ngày 9-10/1, tại trụ sở Lầu Năm Góc ở Washington.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Chase đã làm việc với Thiếu tướng Tống Nhan Siêu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng hợp tác quốc tế về quốc phòng thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc để thảo luận tập trung vào quan hệ quốc phòng song phương.
Về các vấn đề khu vực, Mỹ đề nghị biện pháp giải quyết các hành vi của Trung Quốc đối với các tàu Philippines hoạt động hợp pháp ở Biển Đông. (Mainichi)
* Ứng cử viên Chris Christie từ bỏ cuộc đua bầu cử Mỹ 2024, nhấn mạnh “thà thua khi nói lên sự thật còn hơn nói dối để giành chiến thắng”.
Cựu Thống đốc bang New Jersy chỉ trích các đối thủ trong đảng Cộng hòa không dám đối đầu trực tiếp với ông Donald Trump, đồng thời chưa bày tỏ lập trường ủng hộ đối với bất kỳ ứng cử viên nào của đảng này.
* Bạo loạn ở nhà tù Ecuador: Ngày 10/1, hình bạo loạn do các băng đảng tội phạm gây ra ở Ecuador vẫn đặc biệt đáng lo ngại, khiến Tổng thống nước này Daniel Noboa tuyên bố, Quito sẽ không thương lượng với những phần tử khủng bố và sẽ thẳng tay trừng trị các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia.
Theo ông, Ecuador đang ở trong tình trạng chiến tranh chống các hoạt động tội phạm khủng bố và chính phủ của ông sẽ nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân. Quốc gia Nam Mỹ cũng đang lập kế hoạch trục xuất các phạm nhân người nước ngoài.
Cùng ngày, các quan chức Mỹ khẳng định đang theo dõi tình hình ở Ecuador và sẵn sàng hợp tác với Quito để giải quyết bạo lực, song loại trừ khả năng Washington hỗ trợ quân sự. (Reuters)
* Mỹ “bật đèn xanh” thương vụ cung cấp vũ khí cho Australia, Ai Cập, cụ thể, Australia sẽ nhận được các dịch vụ hỗ hỗ trợ hệ thống vũ khí Tomahawk và các trang thiết bị liên quan trị giá 250 triệu USD.
Trong khi đó, Ai Cập sẽ được Mỹ cung cấp nền tảng khung gầm xe thiết giáp chiến thuật hạng nhẹ cùng các trang thiết bị liên quan và các bộ dụng cụ dành cho tàu tuần tra dài 28 mét, với tổng trị giá khoảng 329 triệu USD. (Reuters)
Châu Phi
* Morocco được bầu làm chủ tịch Hội đồng Nhân quyền năm 2024 trong một cuộc bỏ phiếu kín giữa các quốc gia thành viên ngày 10/1, do các quốc gia châu Phi không thể thống nhất được ứng cử viên khi châu lục này đến lượt đảm nhiệm chủ tịch cơ quan trên.
Cụ thể, Đại sứ Morocco tại Geneva (Thụy Sỹ) Omar Zniber đã giành được 30 phiếu bầu trong cuộc cạnh tranh với Đại sứ Nam Phi Mxolisi Nkosi, người nhận được 17 phiếu. (Reuters)
Châu Đại Dương
* Papua New Guinea ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô kéo dài 14 ngày, bắt đầu từ 11/1, sau khi các vụ bạo loạn xảy ra ngày 10/1 ở 2 thành phố khiến 15 người thiệt mạng.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape tuyên bố, hơn 1.000 quân nhân sẵn sàng "xông vào bất cứ nơi nào cần thiết" theo sắc lệnh khẩn cấp.
Ngày 11/1, Đại sứ quán Trung Quốc tại Papua New Guinea cảnh báo các công dân và tổ chức Trung Quốc ở Papua New Guinea tăng cường cảnh giác về tình hình an ninh tại quốc đảo này. (AFP, Reuters)