Tin thế giới 12/1: Mỹ ngừng 'bơm' vũ khí cho Ukraine, Nhật phóng vệ tinh do thám, Nga bắt nghi phạm làm nội gián cho Ba Lan
Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hòa đàm ở Myanmar, Israel khẳng định chiến dịch tại Gaza là hành động 'tự vệ', Mỹ ra tối hậu thư yêu cầu Iran thả tàu chở dầu... là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Nhật Bản phóng vệ tinh do thám: Kênh truyền hình MBC đưa tin Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ngày 12/1 đã phóng tên lửa H2A mang vệ tinh quang học Kogaku-8 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima. Vụ phóng được lên kế hoạch thực hiện trong ngày 11/1 song đã bị hoãn lại do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Vệ tinh Kogaku-8 thuộc sở hữu của Chính phủ Nhật Bản và sẽ được sử dụng để thu thập thông tin. Kogaku-8 sẽ giám sát bề mặt Trái Đất từ không gian và thu thập dữ liệu về các cơ sở quân sự, đặc biệt là liên quan đến chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, đồng thời cũng sẽ phục vụ mục đích thu thập thông tin trong trường hợp thiên tai.
Vệ tinh Kogaku-8 này tiêu tốn 40 tỷ yên (275 triệu USD) để phát triển. Chính phủ Nhật Bản hiện sử dụng 10 vệ tinh để thu thập thông tin. (Sputnik News)
*Trung Quốc tăng cường huấn luyện sử dụng thiết bị không người lái: Ngày 12/1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tăng cường hoạt động huấn luyện sử dụng thiết bị không người lái và công nghệ thông tin trong năm nay.
Tổng tư lệnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn PLA thúc đẩy hiện đại hóa trước năm 2035. Trên mạng xã hội, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương nêu rõ: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác huấn luyện tác chiến trên cơ sở thông tin với các tính năng thông minh, tập trung vào huấn luyện không người lái và thông minh để sử dụng thiết bị mới và phát triển khả năng chiến tranh bất đối xứng”. (Tân hoa xã)
*Ngoại trưởng Đức thăm Malaysia: Bộ Ngoại giao Malaysia ra thông cáo cho biết Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bắt đầu thăm chính thức nước này từ ngày 12/1, trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á. Chuyến thăm là minh chứng cho mối quan hệ mở rộng giữa hai nước sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới Malaysia hồi tháng 2/2023.
Ngoại trưởng Đức sẽ tới chào xã giao Thủ tướng Anwar Ibrahim và tham dự phiên thảo luận với các đại diện của Tổ chức phi chính phủ Hồi giáo địa phương. Đức và Malaysia đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong EU và ASEAN kể từ năm 2000. Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 7,2%, lên 12,81 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022. (Strait Times)
*Trung Quốc tuyên bố tạo điều kiện thuận lợi cho hòa đàm của Myanmar: Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền quân sự và lực lượng nổi dậy ở Myanmar tại thành phố Côn Minh của Trung Quốc vào ngày 10-11/1, và cả hai bên đã đồng ý ngừng giao tranh và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Trước đó cùng ngày, thủ lĩnh của lực lượng Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) thông báo liên minh của các nhóm vũ trang sắc tộc ở miền Bắc Myanmar đã chấp nhận ngừng bắn với chính quyền quân sự ở nước này, đồng thời xác nhận những cuộc đàm phán có sự tham gia của một phái viên từ nước láng giềng Trung Quốc.
Theo nguồn tin, các nhóm phiến quân đã nhất trí ngừng tấn công, trong khi quân đội Myanmar đồng ý không tiến hành những cuộc không kích và bắn phá. Chính quyền quân sự Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. (Reuters)
*Bắc Kinh yêu cầu các nước ngoài khu vực không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông: Trong chuyến thăm Philippines, ngày 11/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết châu Âu quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Đáp lại những bình luận của bà Baerbock, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh cam kết giải quyết những bất đồng với các quốc gia Đông Nam Á thông qua đối thoại và đàm phán, song cảnh báo các nước khác không nên can thiệp.
Trước đó, phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ở Manila, Ngoại trưởng Baerbock cảnh báo: “Các sự cố trong những tháng gần đây khi Hải cảnh Trung Quốc sử dụng tia laser và vòi rồng ngăn cản các tàu tiếp tế của Philippines, và thậm chí cả những vụ va chạm xảy ra khiến châu Âu lo ngại”. (Bloomberg)
Trung Đông-Châu Phi
*Mỹ, Anh vừa tấn công, vừa nói muốn “giảm leo thang căng thẳng” ở Biển Đỏ: Trong một tuyên bố chung ngày 12/1, các nước Mỹ, Anh, Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc tuyên bố: “Mục đích của chúng tôi là giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ.
Nhưng hãy ghi nhớ rõ ràng thông điệp của chúng tôi rằng "sẽ không ngần ngại bảo vệ sinh mạng và đảm bảo dòng chảy thương mại tự do tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới trước các mối đe dọa liên tục”.
Tuyên bố của 10 quốc gia cho rằng "các cuộc tấn công chính xác nhằm mục đích phá vỡ và làm suy giảm khả năng mà Houthi sử dụng để đe dọa thương mại toàn cầu và tính mạng của các thủy thủ quốc tế".
Một ngày trước, Mỹ và Anh đã không kích nhằm vào Houthi sau nhiều tuần lực lượng này tại Yemen tấn công vào các tàu vận tải Biển Đỏ nhằm thể hiện hành động đoàn kết với Hamas. (Reuters)
*Israel khẳng định chiến dịch quân sự tại Gaza là hành động “tự vệ”: Theo hãng Reuters ngày 12/1, trong ngày thứ 2 của phiên xét xử vụ Nam Phi kiện Israel phạm tội diệt chủng ở Dải Gaza tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở La Haye, Ha Lan, ICJ đã nghe phía Israel trình bày lập luận của mình.
Trong phần trình bày, ông Tal Becker, cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố, chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza là hành động “tự vệ” chống lại Hamas và “các tổ chức khác”. Ông Tal Becker cáo buộc, Nam Phi đã đưa ra “một câu chuyện bị bóp méo một cách trắng trợn” khi cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Gaza. Ông nhấn mạnh: “Nếu có hành vi diệt chủng, thì chúng đã được thực hiện chống lại Israel”. (Times of Israel)
*Nga cáo buộc Mỹ, Anh làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông: Bộ Ngoại giao Nga ngày 12/1 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và Anh tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Yemen, cáo buộc 2 nước này làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông và thể hiện thái độ coi thường luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Những cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Yemen là một ví dụ khác về việc người Anglo-Saxon phá hoại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cùng ngày, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine cũng lên án mạnh mẽ cuộc tấn công, nhấn mạnh Mỹ và Anh sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà hai nước này gây ra đối với an ninh khu vực. (TASS)
*Mỹ yêu cầu Iran thả tàu chở dầu bị bắt giữ ngoài khơi Vịnh Oman: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 11/1 cho biết Washington cùng ngày đã yêu cầu Iran thả ngay lập tức tàu chở dầu của Mỹ bị bắt giữ mới đây ngoài khơi ở vùng biển Vịnh Oman.
Phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn trên nêu rõ: “Chính phủ Iran phải thả ngay lập tức tàu trên và các thủy thủ đoàn. Hành động bắt giữ trái phép một tàu thương mại này chỉ là hành vi mới nhất do Iran thực hiện và được Iran cho phép nhằm gây gián đoạn thương mại quốc tế”.
Trước đó cùng ngày, truyền thông Iran đưa tin Hải quân nước này đã bắt giữ một tàu chở dầu ở vùng biển Vịnh Oman, theo “lệnh của tòa án”. (AFP)
*Căn cứ Mỹ ở Đông Bắc Syria bị tấn công tên lửa: Sputniknews dẫn nguồn tin địa phương cho biết căn cứ của quân đội Mỹ ở thành phố Al-Shaddadi, thuộc tỉnh Hasakah, Đông Bắc Syria, đã trở thành mục tiêu tấn công của 4 tên lửa. Theo nguồn tin, “các vụ nổ được nghe thấy tại Căn cứ Al-Shaddadi sau khi bị 4 tên lửa nhắm vào mục tiêu này”.
Kể từ khi xung đột Hamas-Israel leo thang, các căn cứ của Mỹ ở Iraq, cũng như quân đội Mỹ ở Syria, thường xuyên bị tấn công. Các nhóm vũ trang thuộc dòng Hồi giáo Shi’ite hoạt động ở Iraq đã thừa nhận thực hiện những hành động này.
Quân đội Mỹ kiểm soát trái phép các vùng lãnh thổ miền Đông và Đông Bắc Syria ở các tỉnh Deir ez-Zor, Hasakah và Raqqa, nơi có những mỏ dầu khí lớn nhất Syria. Damascus đã nhiều lần gọi sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước này là hành vi chiếm đóng. (Sputniknews)
Châu Âu
*Căn cứ hải quân Nga ở Abkhazia đi vào hoạt động: Hãng RIA dẫn thông tin của hội đồng an ninh Abkhazia - vùng lãnh thổ ly khai được quốc tế công nhận là một phần của Gruzia - ngày 12/1 cho biết một căn cứ hải quân của Nga ở Abkhazia có thể đi vào hoạt động trong năm 2024.
Hồi tháng 10, chính quyền Nga và Abkhazian đã nhất trí rằng Moscow có thể mở một căn cứ hải quân thường trực ở thị trấn Ochamchire.
Abkhazia đã nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của Nga trong một loạt cuộc chiến mà vùng lãnh thổ này phát động nhằm ly khai khỏi Gruzia vào những năm 1990 và một lần nữa vào năm 2008, trong khi các lực lượng Nga từ lâu đã đóng quân trên vùng lãnh thổ Caucasus này. (Reuters)
*Estonia và Ukraine thảo luận hợp tác quốc phòng: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Kaja Kallas ngày 11/1 để thảo luận về hợp tác quốc tế và hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.
Trong đó bao gồm việc thành lập một liên minh pháo binh, một liên minh công nghệ thông tin, ra mắt Cơ sở Tallinn để tăng cường hỗ trợ mạng cho Ukraine”.
Tổng thống Zelensky bày tỏ hy vọng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp Estonia trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, bao gồm việc sản xuất máy bay không người lái. Ông Zelensky cũng cảm ơn Estonia vì đã đi đầu trong việc tịch thu tài sản của Nga để phục vụ nhu cầu của Ukraine, phát triển cơ chế bồi thường quốc gia và sự hỗ trợ toàn diện về quân sự, tài chính và nhân đạo mà Estonia dành cho Ukraine. (AFP)
*Nga bắt nhân viên an ninh vì nghi chuyển thông tin cho Ba Lan: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 12/1 đã bắt giữ một công dân Nga đang làm việc tại một "cơ sở an ninh" ở khu vực Penza thuộc miền Trung Nga vì đã tìm cách chuyển thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng của Moscow cho Ba Lan.
Trong một tuyên bố, Cơ quan An ninh Liên bang hay FSB cho biết người bị bắt là nhân viên của một “doanh nghiệp an ninh” ở vùng Penza cách Moscow khoảng 600 km về phía Đông Nam.
Theo tuyên bố, nghi phạm đã cung cấp thông tin cho các cơ quan đặc biệt của Ba Lan về các lệnh quốc phòng của công ty để đổi lấy sự hỗ trợ có được thường trú ở nước ngoài. FSB cho biết nếu người bị bắt bị tòa phán quyết tội danh gián điệp thì có thể phải ngồi tù tới 8 năm nếu bị kết tội. (Reuters)
Châu Mỹ
*Nghị sĩ Mỹ yêu cầu loại Cuba khỏi danh sách "bảo trợ khủng bố": Hạ nghị sĩ Steve Cohen của bang Tennessee ngày 11/1 đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Joe Biden bắt đầu quá trình xem xét và bãi bỏ khả năng đưa Cuba vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố (SSOT).
Theo ông Cohen, lệnh bao vây cấm vận do Washington đơn phương áp đặt chống La Habana suốt hơn 60 năm qua đã gây thiệt hại sâu sắc cho nền kinh tế và người dân Cuba. Ông chỉ rõ chính sách siết chặt các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó có các biện pháp trừng phạt theo khuôn khổ SSOT, hiện là một trong những nhân tố chủ yếu khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Cuba ngày càng trầm trọng.
Hạ nghị sĩ bang Tennessee khẳng định việc cựu Tổng thống Trump khôi phục SSOT với cáo buộc Cuba ủng hộ chủ nghĩa khủng bố là không có giá trị. Ông Cohen nhắc lại việc chính quyền Obama-Biden đã loại Cuba khỏi danh sách nêu trên hồi năm 2015 sau khi thừa nhận “cơ sở cho việc chỉ định là vô căn cứ”, đồng thời nhấn mạnh động thái này rất được lòng dư luận và giúp cải thiện mối quan hệ song phương. Ông Cohen từng tháp tùng Tổng thống Barack Obama thăm Cuba vào năm 2016. (AFP)
*Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine: Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby thông báo Mỹ đã ngừng chuyển giao vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine do thiếu ngân sách cho các chương trình này.
Trả lời câu hỏi về vấn đề viện trợ quân sự của Washington cho Kiev, ông Kirby xác nhận: “Chúng tôi đã giải ngân gói rút vốn cuối cùng mà chúng tôi còn kinh phí để hỗ trợ. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là Quốc hội phải thực hiện yêu cầu bổ sung liên quan đến an ninh quốc gia và chúng tôi sẽ nhận được nhiều tiền hơn. Hoạt động hỗ trợ mà chúng tôi cung cấp hiện đã ngừng lại”.
4 tháng trước, Nhà Trắng đã gửi yêu cầu tới Quốc hội Mỹ về những khoản phân bổ bổ sung cho năm tài chính 2024, bắt đầu từ ngày 1/10/2023, chủ yếu để cung cấp viện trợ cho Israel và Ukraine. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không hoàn toàn phê chuẩn gói tài chính này của Chính phủ. (TASS)