Tin thế giới 12/9: Ukraine tiến bước ở Kherson, Nga tuyên bố kiên định; Vua Charles nói về 'trọng trách lịch sử', Ấn Độ bắn UAV Pakistan

Đức 'hứa' đáp ứng chi tiêu quốc phòng cho NATO, phái đoàn nghị sỹ Lithuania tới Đài Loan (Trung Quốc), cựu Thủ tướng Italy trở lại…là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Vua Anh Charles III phát biểu tại Điện Westminster ngày 12/9. (Nguồn: BBC)

Vua Anh Charles III phát biểu tại Điện Westminster ngày 12/9. (Nguồn: BBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật hôm nay:

Nga-Ukraine

* Ukraine giải phóng 500 km2 ở Kherson: Ngày 12/9, bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine cho biết nước này đã giành lại khoảng 500 km2 lãnh thổ ở miền Nam 2 tuần qua, kể từ khi triển khai chiến dịch phản công quân Nga.

Bà Humeniuk nêu tên 5 khu vực định cư mà lực lượng Ukraine đã giành lại ở Kherson, gồm Vysokopillia, Biloguirka, Soukhy Stavok và Myrolioubivka. (Reuters/AFP)

* Nga tuyên bố tiếp tục chiến dịch ở Ukraine đến khi đạt được mục tiêu: Phát biểu ngày 12/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn và sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi đạt được các mục tiêu đã nêu ban đầu”. Ngoài ra, ông cho rằng không có triển vọng cho cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev.

Đồng thời, quan chức này cho biết hiện chưa có cuộc thảo luận nào về khả năng phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau khi cử chuyên gia tới thăm cơ sở này. Ông Peskov cũng không trả lời liệu Nga có huy động thêm lực lượng để hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không.

Cùng ngày, Nga nêu rõ lực lượng nước này đang tấn công khu vực Ukraine vừa giành lại quyền kiểm soát ở tỉnh Kharkov vài ngày gần đây. Theo Bộ Quốc phòng Nga, không quân, tên lửa và pháo binh Nga đang “thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các đơn vị và lực lượng vũ trang dự bị của Ukraine”, bao gồm cả trung tâm đô thị Kupiansk và Izyum. (AFP/Reuters)

Châu Âu

* Vua Charles III nêu “trọng trách của lịch sử” trước Quốc hội Anh: Ngày 12/9, trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà tại Đại sảnh Westminster, Vua Charles III đã ca ngợi truyền thống “quan trọng” của các nghị sỹ Anh.

Ông nói: “Khi đứng trước các bạn ngày hôm nay, tôi không thể không cảm thấy trọng trách của lịch sử. Điều này nhắc nhở chúng ta về truyền thống quan trọng của Nghị viện mà các thành viên của cả hai viện đã cống hiến hết mình”.

Nhấn mạnh vai trò của Quốc hội với nền dân chủ Anh, ông ca ngợi “tấm gương về trách nhiệm quên mình” của Nữ hoàng Elizabeth II và sẽ noi gương bà để tiếp tục cống hiến thời gian tới. (AFP)

* Đức quyết tâm đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO: Ngày 12/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin phải đáp ứng mục tiêu dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự về dài hạn do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra, dù có phải sử dụng hết khoản quỹ khổng lồ dành cho hiện đại hóa quân sự trị giá 100 tỷ Euro (101 tỷ USD).

Bà nói: “Khoản chi chiếm tới 2% GDP của chúng ta dành cho an ninh đất nước. Chúng ta cần số tiền này, và chúng ta cần nó về lâu dài để nỗ lực của chúng ta đang thực hiện, với 100 tỷ Euro, sẽ không vô ích. Chúng ta cần ngăn chặn tình huống có thể diễn ra trong vài năm tới, khi không đủ khả năng chi trả cho việc bảo trì các thiết bị đã mua”.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cũng nhấn mạnh rằng Đức sẽ chấp nhận vai trò dẫn dắt về quân sự - nhiệm vụ nước này trước đây ít khi hưởng ứng. (Reuters)

* Cựu Thủ tướng Berlusconi nỗ lực trở lại trong cuộc bầu cử Italy: Bất chấp tuổi cao, sức yếu và nhiều bê bối trong quá khứ, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đang tích cực vận động bầu cử tại Italy để giành vai trò trung tâm sau cuộc tổng tuyển cử.

Ông Berlusconi, người đã 4 lần làm Thủ tướng Italy và sẽ bước sang tuổi 86 ít lâu sau cuộc bỏ phiếu ngày 25/9, nhiều khả năng sẽ chiến thắng, dù ông có thể là chỉ là lãnh đạo đảng nhỏ Forza Italia trong liên minh cực hữu, với hai đảng lớn còn lại là Anh em Italy (FdI) cực hữu của bà Giorgia Meloni và Liên đoàn chống nhập cư của ông Matteo Salvini.

Lãnh đạo FdI Giorgia Meloni được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn nhất trong liên minh tương lai, song bà vẫn sẽ cần sự hỗ trợ của ông Berlusconi, chính trị gia lão làng có khả năng tác động đến các quyết sách và các chức vụ nội các. Đồng thời, ông Silvio Berlusconi được cho là có thể tham gia tranh cử chức Chủ tịch Thượng viện trong quốc hội mới. Ngay cả khi không có vai trò chính thức, ông cũng sẽ tích cực tác động đến chính sách của chính phủ ở hậu trường. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Phái đoàn Lithuania đến Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 12/9, cơ quan đối ngoại Đài Loan thông báo, một phái đoàn thương mại của Lithuania đang có chuyến thăm hòn đảo này, trước khi Vilnius mở văn phòng đại diện tại Đài Bắc. Theo cơ quan này, chuyến thăm thể hiện “tinh thần tương trợ và đoàn kết giữa Đài Loan và Litva như đối tác trung thành trên tuyến đầu dân chủ”.

Trước đó, phái đoàn 28 thành viên của Lithuania, bao gồm các quan chức chính phủ và đại diện lĩnh vực công nghệ, đã đến Đài Bắc cuối tuần qua, song không có thêm thông tin nào về việc mở văn phòng đại diện của Litva tại Đài Bắc.

Quyết định của Litva về mở văn phòng đại diện với Đài Loan (Trung Quốc) đã khiến quan hệ giữa nước này với Trung Quốc leo thang căng thẳng. Tháng trước, phát biểu với hãng BNS (Litva), Thứ trưởng Kinh tế và Đổi mới Litva Jovita Neliupsience cho hay dự kiến văn phòng trên sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 12/9. Tuy nhiên, đại diện đầu tiên của Vilnius tại Đài Loan Paulius Lukauskas chưa tiết lộ thêm thông tin về kế hoạch khai trưởng văn phòng này. (AFP)

Đông Nam Á

* Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương tại Đại hội đồng Liên hợp quốc: Tại cuộc họp báo ngày 12/9, Vụ trưởng Vụ hợp tác đa phương Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Terri Tri Tharyat cho biết phái đoàn Indonesia tham dự Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ từ ngày 13-26/9 tại New York (Mỹ) sẽ do Ngoại trưởng Retno Marsudi dẫn đầu. Một số đại diện phụ trách công tác tổ chức Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng sẽ cùng tham gia.

Quan chức này cho biết tại phiên họp toàn thể, Indonesia sẽ khẳng định tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, xung đột vũ trang, đại dịch Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ diễn tiến phức tạp, đồng thời hành động đơn phương của một số nước, điểm nóng ở châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên chưa có lời giải.

Jakarta cho rằng cách tiếp cận đơn phương, thiếu tính bao trùm hiện nay không thể giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Do đó, Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức này.

Về G20, Indonesia khẳng định sẽ củng cố lại cấu trúc y tế toàn cầu, năng lượng tái tạo và giáo dục. Để thực hiện mục tiêu đó, bên lề kỳ họp, Ngoại trưởng Retno Marsudi sẽ gặp song phương với tất cả các người đồng cấp G20 để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới. (Reuters)

Nam Á

Ấn Độ bắn rơi máy bay không người lái Pakistan gần biên giới quốc tế: 5 giờ sáng 12/9, Lực lượng an ninh biên giới (BSF) của Ấn Độ đã phát hiện một máy bay không người lái (UAV) của Pakistan ở gần Biên giới quốc tế thuộc thành phố Gurdaspur, bang Punjab. Phương tiện này sau đó đã di chuyển ngược về phía lãnh thổ Pakistan khi bị lực lượng BSF bắn rơi bằng nhiều phát đạn.

Hiện cảnh sát và lực lượng BSF đang tiến hành chiến dịch tìm kiếm quanh khu vực này. Đây là lần thứ 3 xảy ra sự việc tương tự trong thời gian gần đây. BSF cho biết số lượng UAV đến từ Pakistan được phát hiện ở Punjab đã tăng đáng kể trong năm nay so với ở khu vực Jammu.

Theo BSF, trong 7 tháng đầu năm nay, đã có tới 107 UAV bay từ biên giới đã được phát hiện bên trong lãnh thổ Ấn Độ so với con số 97 UAV trong cả năm ngoái. Sĩ quan cấp cao của BSF cho biết hầu hết các UAV đến từ Pakistan và được sử dụng để vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ và đạn dược. (NDTV)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-129-ukraine-tien-buoc-o-kherson-nga-tuyen-bo-kien-dinh-vua-charles-noi-ve-trong-trach-lich-su-an-do-ban-uav-pakistan-197910.html