Tin thế giới 14/7: Chính phủ Ukraine sắp có biến động lớn? Nga 'ra chiêu' quyết liệt, EU và Brazil sẵn sàng phản đòn thuế quan Mỹ
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

EU đã sẵn sàng đáp trả đòn thuế quan của Mỹ. (Nguồn: Getty Images)
Châu Âu
* Ukraine có thể thành lập nội các mới do bà Yulia Sviridenko làm Thủ tướng, theo nguồn tin của hãng RBC-Ukraine. Cụ thể, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã quyết định thay đổi thành phần chính phủ, trong đó bà Sviridenko, hiện đang giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế, sẽ trở thành Thủ tướng.
Thủ tướng đương nhiệm Denis Shmyhal sẽ chuyển sang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông Rustem Umerov, người trở thành Đại sứ tại Mỹ. Ngoài ra, trong nội các mới sẽ có một số bộ được hợp nhất, các thẩm quyền sẽ được phân công lại toàn bộ giữa các bộ trưởng. Một số bộ trưởng thậm chí có thể mất chức. (RBC Ukraine)
* Ukraine có thể tiếp tục kéo dài tình trạng thiết quân luật và lệnh động viên thêm 3 tháng đến ngày 5/11, theo dự luật mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đệ trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội).
Nếu được thông qua, đây sẽ là lần gia hạn thứ 16 của tình trạng thiết quân luật và lệnh động viên ở Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột với Nga. Theo dự luật, tình trạng chiến tranh sẽ được gia hạn thêm 90 ngày, đến ngày 5/11/2025.
Liên quan xung đột với Nga, ngày 13/7, Tổng thống Zelensky tuyên bố, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục các cuộc tấn công tầm xa mới và “chuyển xung đột sang lãnh thổ Nga”. (The Kyiv Independent)
* Nga cấm công dân Ukraine nhập cảnh từ 20 đến 50 năm nếu bị nghi ngờ có liên hệ với Lực lượng vũ trang Ukraine, ủng hộ chính quyền Kiev hoặc có thái độ tiêu cực với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và đất nước Nga.
Theo quyết định do Cơ quan Biên phòng Nga ban hành, công dân Ukraine sẽ bị từ chối nhập cảnh nếu thiết bị điện tử của họ lưu giữ thông tin liên quan các cơ quan đặc biệt Ukraine, quân đội Ukraine hoặc thể hiện quan điểm chống Nga. Những người này sẽ nhận thông báo và bị trục xuất về đất nước nơi họ khởi hành ngay tại sân bay Sheremetyevo. (TASS)
* Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị sẵn danh sách các biện pháp thuế quan trị giá 21 tỷ Euro (24,52 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại, theo Ngoại giao trưởng Italy Antonio Tajani ngày 14/7.
Ông Tajani cũng cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu nên cân nhắc khởi động một chương trình mua trái phiếu “nới lỏng định lượng” mới và tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế Khu vực đồng Euro. (II Messagger)
* Đức không thể chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot và tên lửa Taurus, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius
Theo ông Pistorius, trong số 12 hệ thống Patriot của Đức có 3 hệ thống ở Kiev, 2 hệ thống ở Ba Lan và Đức sử dụng 1 hệ thống cho mục đích bảo trì và huấn luyện. Điều này khiến Đức chỉ còn 6 hệ thống, "con số này thực sự quá ít, đặc biệt là khi xét đến các mục tiêu xây dựng năng lực của NATO".
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức cho biết thêm, ông có ý định thảo luận với người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth về khả năng mua 2 hệ thống Patriot từ Mỹ để chuyển giao cho Ukraine. (Financial Times)
* Pháp-Australia hàn gắn quan hệ quốc phòng sau vụ tranh cãi năm 2021 liên quan hợp đồng đóng tàu ngầm lớn. Ngày 13/7, Đại sứ Pháp tại Australia Pierre-Andre Imbert cho biết: “Hiện nay, quốc phòng - an ninh là trụ cột hợp tác đầu tiên của chúng tôi, vì vậy chúng tôi có mức độ hợp tác rất tốt”.
Trước đó, Paris từng bày tỏ “lấy làm tiếc” khi Australia hủy bỏ thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD mua một hạm đội tàu ngầm chạy diesel của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS 3 bên với Mỹ và Anh. Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Anthony Albanese đắc cử năm 2022, quan hệ quốc phòng song phương đã được "tái khởi động”. (The Hindu)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc-Ấn Độ bàn cách duy trì đà phát triển quan hệ song phương trong cuộc gặp của Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại thủ đô Bắc Kinh.
Lưu ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ đều là những quốc gia đang phát triển lớn và là thành viên quan trọng của khu vực Nam Bán cầu, ông Hàn Chính cho rằng, việc hai nước trở thành đối tác, đóng góp vào thành công của nhau là lựa chọn đúng đắn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi cả hai bên kiên trì thúc đẩy hợp tác thực chất; tôn trọng mối quan ngại của nhau và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định.
Về phần mình, Ngoại trưởng Jaishankar bày tỏ, phía Ấn Độ sẵn sàng tiếp thu sự đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo, làm kim chỉ nam để duy trì đà phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và tăng cường trao đổi, phối hợp trong các cơ chế đa phương. (THX)
* Campuchia thực thi Luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ năm 2026 và sẽ được sửa đổi, đặc biệt là thời hạn nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ được kéo dài thành 24 tháng, so với thời gian 18 tháng trước đó. (Khmer Times)
* Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm Trung Quốc và đã có cuộc họp với lãnh đạo doanh nghiệp hai nước tổ chức tại Thượng Hải ngày 14/7.
Thủ tướng Albanese cam kết phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung thép trên thị trường thế giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác song phương trong quá trình khử carbon và giải quyết vấn đề công suất thép dư thừa. (ABC News)
* Khai mạc cuộc tập trận lớn nhất của Australia mang tên Talisman Sabre 2025, trong đó, Lục quân Australia ngày 14/7 lần đầu tiên phóng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, vốn đang trở thành ưu tiên của các đồng minh Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng với lực lượng Mỹ và Singapore.
Trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận lớn nhất của Australia, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và Singapore đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại bang Queensland, huy động máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ cùng tên lửa và pháo tầm xa từ mặt đất. Tổng cộng có hơn 35.000 binh sĩ từ 19 quốc gia tham gia cuộc tập trận. (Stars and Stripes)
Trung Đông-châu Phi
* Iran thúc đẩy dự luật quốc phòng mới nhắm thẳng vào Israel khi Ủy ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran đã thông qua khuôn khổ chung cho dự luật. Dự luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng ngân sách quốc phòng của nước này.
Theo nội dung dự luật, Tổ chức kế hoạch và ngân sách Iran sẽ bảo đảm hỗ trợ cho mọi khoản phân bổ quốc phòng được Hội đồng An ninh quốc gia tối cao phê duyệt. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Iran cũng được giao nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án quốc phòng khẩn cấp. (Tehran Times)
* Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi lực lượng Hamas giao nộp vũ khí cho chính quyền, đồng thời cho rằng, phong trào này sẽ không nắm quyền quản lý Dải Gaza trong thời kỳ hậu xung đột.
Ông Abbas nhấn mạnh giải pháp khả thi duy nhất đối với Dải Gaza là Israel rút hoàn toàn khỏi dải đất ven Địa Trung Hải này, đồng thời cho phép chính quyền Palestine đảm nhận trách nhiệm quản lý Dải Gaza với sự hỗ trợ của các nước Arab và cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Palestine kêu gọi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do cho toàn bộ con tin và tù nhân, cũng như bảo đảm viện trợ nhân đạo được đưa vào Gaza mà không bị cản trở.
Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo lên tiếng phản đối các hành động đơn phương của Israel, bao gồm việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, kêu gọi khởi động tiến trình chính trị nhằm thực hiện giải pháp hai nhà nước trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc và sáng kiến hòa bình Arab, đồng thời đề xuất tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình tại New York để thúc đẩy mục tiêu này. (WAFA)
* Hamas đánh giá về tiến trình đàm phán ngừng bắn với Israel tại Dải Gaza đã bước vào “những giờ phút mang tính quyết định”.
Một quan chức cấp cao giấu tên của nhóm Hamas nói rằng, tiến trình đàm phán đang ở giai đoạn khó khăn và những giờ sắp tới sẽ có ý nghĩa then chốt đối với kết quả cuối cùng. Theo quan chức này, các bên trung gian vẫn nỗ lực thúc đẩy đối thoại, tuy nhiên, phía Israel tiếp tục giữ lập trường cứng rắn. (Al-Youm)
* Châu Phi thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2063 tại cuộc họp cấp cao của lãnh đạo các Cộng đồng Kinh tế khu vực (CER) và Cơ chế khu vực (MR), bên lề Hội nghị điều phối giữa kỳ lần thứ VII tại Malabo, Guinea Xích đạo.
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Mahmoud Ali Youssouf chủ trì cuộc họp, khẳng định vai trò không thể thiếu của các CER trong tiến trình hội nhập và cam kết AU sẽ tăng cường hợp tác. Các bên nhấn mạnh cần phân bổ ngân sách riêng cho các cộng đồng khu vực và xác lập vị thế thể chế rõ ràng trong cấu trúc AU. (African Unian)
Châu Mỹ
* Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tới Ukraine ngày 14/7 để thảo luận về an ninh và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chuyến đi diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa cho biết, nước này sẽ gửi các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine để giúp Kiev chống lại cuộc tấn công của Nga.
* Brazil áp dụng Luật đối ứng mới để đối phó mức thuế nhập khẩu 50% mà Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng đối với hàng hóa nước này.
Phát biểu với báo giới, Phó Tổng thống Brazil kiêm Bộ trưởng Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Geraldo Alckmin thông báo: “Quốc hội đã thông qua Luật đối ứng, theo đó nếu chúng ta bị đánh thuế, Brazil có thể áp dụng mức thuế tương tự để đáp trả. Các quy định chi tiết sẽ được ban hành bằng sắc lệnh vào thứ Hai hoặc thứ Ba”.
* Tổng thư ký NATO Mark Rutte có chuyến thăm chính thức Mỹ trong hai ngày 14-15/7. Theo lịch trình, ông Mark Rutte sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cùng một số thành viên Quốc hội. (CBS News)