Tin thế giới 15/5: Ukraine gửi chi viện đến 'chảo lửa' Kharkov, Tân Thủ tướng Singapore tuyên thệ, Hải quan Libya âm mưu buôn lậu 26 tấn vàng
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) tuyên thệ, Mỹ cảnh báo về động thái mới của Ấn Độ-Iran, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Nga-Ukraine
* Thụy Điển để ngỏ khả năng cân nhắc việc đưa quân đến Ukraine nếu có đề xuất cụ thể, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng quốc gia Bắc Âu Pal Jonson.
Tạp chí Breaking Defense số ra ngày 14/5 dẫn lời Bộ trưởng Jonson nói rõ: "Hiện không có đề xuất cụ thể nào cho việc triển khai quân đội ở đây. Nếu đề xuất cụ thể được đưa ra, chúng ta có thể xem xét".
* Nga lập nhiều cứ điểm ở Kharkov, bên trong thị trấn Vovchansk, khi giao tranh ở đó đang diễn ra căng thẳng.
Ngày 14/5, đăng tải trên Facebook, Cảnh sát trưởng địa phương Oleksiy Kharkivskiy nêu rõ, tình hình "vô cùng khó khăn".
Trong khi đó, Kiev tuyên bố, Ukraine đã rút quân gần một số ngôi làng ở Kharkov, nơi lực lượng Nga đang giành lợi thế và tấn công các khu định cư dọc biên giới kể từ tuần trước. (Reuters)
* Ukraine điều quân tăng viện đến Kharkov, theo thông báo của văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/5.
Thông báo còn nêu rõ: "Tổng thống Zelensky đã nghe báo cáo từ Tổng tham mưu trưởng Anatoliy Bargylevych. Các lực lượng bổ sung đang được triển khai và có cả lực lượng dự bị". (AFP)
* Ukraine bác bỏ tuyên bố thương lượng của Tổng thống Nga: Ngày 15/5, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã bác bỏ bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin về các cuộc đàm phán tiềm tàng liên quan xung đột ở Ukraine. (Reuters)
* Nga sẽ phá hủy toàn bộ thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố ngày 15/5.
Ngoài ra, bà còn nhấn mạnh, việc các nước phương Tây nỗ lực chiếm đoạt tài sản của Nga đã vi phạm luật pháp của chính họ, cũng như có nguy cơ làm suy yếu hệ thống tài chính quốc tế.
Đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Kiev ngày 14/5, người phát ngôn Zakharova cho rằng, đây giống như một dấu hiệu cho thấy Washington đang gia tăng báo động về tình hình tiền tuyến.
Bà nói: “Rõ ràng là tình hình trên mặt trận và những thất bại quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine đang khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng lo lắng". (Reuters)
* Tổng thống Nga ủng hộ kế hoạch hòa bình Ukraine của Trung Quốc, đồng thời lưu ý, Bắc Kinh có đủ nhận thức về nguyên nhân gốc rễ và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của cuộc khủng hoảng.
Ông Putin cho biết, Nga vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại và đàm phán giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm.
Theo ông, kế hoạch của Trung Quốc cùng các "nguyên tắc" khác được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố vào tháng trước đã tính đến các yếu tố đằng sau cuộc xung đột và là “những bước đi thực tế và mang tính xây dựng” nhằm “phát triển ý tưởng về sự cần thiết phải vượt qua tâm lý chiến tranh lạnh”. (THX)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức vào tối 15/5, tại buổi lễ được tổ chức trong khuôn viên Dinh Istana. Ông Wong vẫn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính để đảm bảo tính liên tục và ổn định đất nước.
Về chính trị, ông Wong vạch rõ 2 vai trò mà chính phủ mới phải thực hiện được: Một là quyết định và triển khai các chính sách cần thiết và quan trọng sau khi đã thăm dò ý kiến của các bộ phận khác nhau trong xã hội. Hai là mở rộng tương tác với công chúng, “giống như một người hỗ trợ, một người lắng nghe, một nhà môi giới trung thực”.
Về kinh tế, tân Thủ tướng muốn Singapore trở thành một nơi có nhiều con đường dẫn đến thành công khác nhau, trong đó, người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội được đảm bảo những nhu cầu cơ bản.
Về đối ngoại, vị lãnh đạo chính phủ thứ 4 của Singapore nói rằng, cách tiếp cận của đảo quốc sư tử là bám sát lợi ích quốc gia và hành động một cách nhất quán và có nguyên tắc, trong đó, thúc đẩy quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những mục tiêu hàng đầu của nước này. (TTXVN)
* Hơn 160 công dân Trung Quốc bị Philippines trục xuất: Ngày 14/5, Bắc Kinh và Manila đã hợp tác để hồi hương hơn 160 công dân Trung Quốc tham gia đánh bạc ở Philippines.
Đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt khác trong hợp tác thực thi pháp luật quốc tế giữa Trung Quốc và Philippines, thể hiện quyết tâm vững chắc của hai nước trong việc cùng nhau chống gian lận, bắt cóc và các hoạt động tội phạm khác ẩn giấu trong ngành công nghiệp cờ bạc ở nước ngoài. (Global Times)
* Ấn Độ-Iran ký thỏa thuận sử dụng cảng Chabahar, Mỹ dọa trừng phạt: Ngày 13/5, Ấn Độ đã ký với Iran hợp đồng 10 năm vận hành cảng Chabahar ở quốc gia Trung Đông.
Bộ trưởng Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ Sarbananda Sonowal gọi việc ký kết thỏa thuận là "thời khắc lịch sử trong quan hệ Ấn Độ-Iran".
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 14/5, phó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt dã áp đặt với Iran và "bất kỳ thực thể nào đang xem xét các giao dịch kinh doanh với Iran đều cần phải nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn của các biện pháp trừng phạt”.
Trước cảnh báo này, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết, ông sẽ nỗ lực truyền đạt những lợi ích của dự án cảng chiến lược của Ấn Độ ở Iran qua" giao tiếp, thuyết phục”. (The Hindu)
Châu Âu
* Ba Lan củng cố lực lượng tình báo: Ngày 14/5, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố, nước này muốn củng cố các lực lượng tình báo, ít ngày sau khi thẩm phán Tomasz Szmydt, đang bị điều tra về tội làm gián điệp, trốn ra nước ngoài.
Cho biết trong vài tháng qua, Ba Lan cùng các đồng minh đã ngăn chặn nhiều âm mưu phá hoại, ông thông báo quyết định phân bổ 100 triệu Zloty (25 triệu USD)... để củng cố cơ quan an ninh nội bộ ABW và cơ quan tình báo AW. (Reuters)
* Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp ở New Caledonia: Điện Elysee thông báo, trong cuộc họp nội các ngày 15/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp ở quần đảo New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Tổng thống Macron cảnh báo, bất kỳ hành vi bạo lực nào sẽ vấp phải phản ứng "kiên quyết" và kêu gọi nối lại đối thoại chính trị để chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay.
Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal xác nhận sẽ triển khai thêm lực lượng cảnh sát tới New Caledonia trong vài giờ tới để kiểm soát tình hình.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong ngày thứ hai bạo loạn sau khi Quốc hội Pháp thông qua những thay đổi đối với các quy định bỏ phiếu tại quần đảo Thái Bình Dương này.(Reuters)
* Cần đối thoại xây dựng để đạt được hòa bình toàn diện ở Armenia và Azerbaijan, theo lời Chủ tịch luân phiên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Ngoại trưởng Malta Ian Borg.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan ngày 13/5, ông Borg cho biết, hiện thực hóa hòa bình toàn diện Armenia-Azerbaijan là vấn đề phát triển ưu tiên của OSCE.
Theo ông, đối thoại và liên lạc ngoại giao là cách duy nhất để đạt được hòa bình và hy vọng hai bên có thể đưa ra những cam kết đáng tin cậy trong quá trình đàm phán.
OSCE sẽ tích cực tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở địa phương, đặc biệt là hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. (China News)
* Cuộc tập trận trên không lớn nhất của NATO đã khai mạc ngày 13/5, với sự tham gia của hơn 1.400 lính dù từ bảy quốc gia, mục tiêu là giải phóng sân bay quân sự Kempia Turzi của Romania giả định đang bị quân địch chiếm đóng.
Đây là cuộc tập trận trên không lớn nhất ở châu Âu kể từ khi thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (German News TV)
* Thượng viện Nga đồng ý đề cử của Tổng thống Vladimir Putin đối với người đứng đầu các bộ trong chính phủ nước này.
Cụ thể gồm Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Sergei Naryshkin, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Kurian Korov, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev, Bộ trưởng Tư pháp Konstantin Chuichenko, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov và Tổng tư lệnh Lực lượng vệ binh quốc gia Viktor Zolotov. (CCTV)
Trung Đông-châu Phi
* Honduras cân nhắc rời Đại sứ quán Israel từ Jerusalem đến Tel Aviv, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Honduras Enrique Reina.
Theo ông Reina, trên thực tế, Honduras đã triệu hồi đại sứ ở Israel như một dấu hiệu bày tỏ sự quan ngại đối với tình hình mà người dân Palestine phải trải qua, đồng thời ủng hộ nhiều nỗ lực khác nhau, chẳng hạn như nỗ lực diễn ra tại Liên hợp quốc gần đây để cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho người dân Palestine. (EFE)
* Các Ngoại trưởng Arab thống nhất về tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh AL, tập trung chủ yếu vào xung đột ở Dải Gaza, tại cuộc họp ngày 14/5 ở thủ đô Manama của Bahrain.
Trợ lý Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Hossam Zaki, cho biết, trong cuộc họp ngày 14/5, Ngoại trưởng các quốc gia thành viên AL đã không đề cập việc cắt đứt quan hệ với Israel, mà chỉ nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza trước thềm Hội nghị thượng đỉnh AL, dự kiến diễn ra vào ngày 16/5 tại Manama. (TTXVN)
* Libya triệt phá âm mưu buôn lậu gần 26 tấn vàng của hải quan: Ngày 13/5, các công tố viên Libya cho biết, cơ quan chức năng đã bắt giữ Tổng cục trưởng Hải quan và các quan chức hải quan có liên quan tại Sân bay quốc tế Misrata vì âm mưu buôn lậu khoảng 26 tấn vàng trị giá gần 1,8 tỷ Euro.
Văn phòng công tố Libya cho biết trong một tuyên bố trên Facebook rằng, những quan chức này đã cố gắng buôn lậu những thỏi vàng nặng khoảng 25.875 kg vào tháng 12/2023. Luật pháp Libya quy định chỉ có ngân hàng trung ương mới được xuất khẩu vàng. (Bloomberg)
* Liên minh châu Âu (EU) giục Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Rafah "ngay lập tức".
Tuyên bố của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 15/5 khẳng định: "Nếu Israel tiếp tục chiến dịch quân sự tại Rafah, quan hệ EU-Israel sẽ bị tác động nặng nề". (AFP)
* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sát cánh với Hamas: Ngày 15/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo, Israel sẽ nhắm mục tiêu vào quốc gia Á-Âu nếu nước này thành công trong việc đánh bại Hamas ở Dải Gaza.
Phát biểu trước các nhà lập pháp tại thủ đô Ankara, ông Erdogan tuyên bố: "Đừng nghĩ rằng Israel sẽ dừng lại ở Gaza. Trừ khi bị chặn lại, sớm hay muộn họ sẽ nhắm đến bán đảo Anatolia (khu vực bao gồm hơn một nửa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ). Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Hamas, tổ chức chiến đấu vì nền độc lập của vùng đất của mình và bảo vệ Anatolia". (Anadolu)
Châu Mỹ
* Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ lên kế hoạch thăm Trung Đông: Ngày 14/5, một quan chức Mỹ tiết lộ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có kế hoạch tới Saudi Arabia và Israel vào cuối tuần này, trong bối cảnh xe tăng của Israel tiến sâu hơn vào phía Đông Rafah, làm dấy lên lo ngại về thương vong đối với dân thường.
Hãng tin Axios dẫn lời quan chức cấp cao giấu tên nêu trên khẳng định, cả Mỹ và Israel đều hiểu rằng, sẽ "không có sự mở rộng đáng kể" trong bất kỳ chiến dịch nào tại Rafah trước chuyến thăm của ông Sullivan. (Reuters)