Tin thế giới 16/5: Mỹ điều tra âm mưu ám sát Tổng thống Trump, Nga thay đổi lãnh đạo quân đội cấp cao, Thỏa thuận Mỹ - Iran khiến Israel lo ngại

Ukraine ưu tiên 'ngừng bắn vô điều kiện' trong đàm phán với Nga, Nhật Bản thông qua luật phòng thủ mạng chủ động, Ấn Độ khẳng định Chiến dịch Sindoor chưa kết thúc, giao tranh dữ dội ở Chad khiến nhiều người thiệt mạng…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đi bộ trước cuộc đàm phán ba bên Thổ Nhĩ Kỳ - Hoa Kỳ - Ukraine tại Istanbul, ngày 16/5. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đi bộ trước cuộc đàm phán ba bên Thổ Nhĩ Kỳ - Hoa Kỳ - Ukraine tại Istanbul, ngày 16/5. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Ấn Độ khẳng định Chiến dịch Sindoor chưa kết thúc: Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 16/5 khẳng định Chiến dịch Sindoor vẫn chưa kết thúc và những gì xảy ra hôm 7/5 chỉ là “đoạn giới thiệu”.

Ca ngợi những hành động của Không quân Ấn Độ trong Chiến dịch Sindoor, Bộ trưởng Singh chia sẻ: “Bất cứ điều gì các bạn đã làm trong Chiến dịch Sindoor đều khiến tất cả nhân dân Ấn Độ tự hào - dù họ ở Ấn Độ hay ở nước ngoài. Chỉ 23 phút là đủ để Không quân Ấn Độ đập tan chủ nghĩa khủng bố đang được nuôi dưỡng ở Pakistan…Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ bảo vệ được biên giới của Ấn Độ”.

Chiến dịch Sindoor được quân đội Ấn Độ phát động vào ngày 7/5 để đáp trả vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 ở Pahalgam, khu vực Jammu & Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng. (The Times of India)

*Nhật Bản thông qua luật phòng thủ mạng chủ động: Quốc hội Nhật Bản ngày 16/5 đã thông qua đạo luật cho phép thực hiện hoạt động phòng thủ mạng chủ động, trao cho chính phủ quyền giám sát hợp pháp dữ liệu truyền thông trong thời bình và vô hiệu hóa các máy chủ thù địch trong trường hợp bị tấn công.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang gấp rút thiết lập khung pháp lý để đối phó với những cuộc tấn công mạng sau một loạt hành động đe dọa nhắm vào một hãng hàng không và các ngân hàng, gây gián đoạn hoạt động. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thực thi đầy đủ gói biện pháp này trước năm 2027. (Kyodo)

*Pakistan cảnh báo sẽ đáp trả nếu Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn: Ngày 16/5, người phát ngôn quân đội Pakistan, Trung tướng Ahmed Sharif Chaudhry tuyên bố lực lượng vũ trang nước này sẽ “phản ứng nhanh chóng và chắc chắn” nếu Ấn Độ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới được ký kết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Amna Baloch kêu gọi thiết lập một "chuẩn mực mới" trong quan hệ song phương, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền. Bà cũng xác nhận việc trao trả binh sĩ bị giam giữ giữa hai bên như một cử chỉ thiện chí. Ngoài ra, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố Pakistan cam kết duy trì ngừng bắn nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ đất nước nếu bị khiêu khích. (Dawn)

*Australia tăng cường hỗ trợ quốc phòng và kinh tế cho Indonesia: Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 16/5 đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và kinh tế giữa hai nước, trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Australia đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 15 triệu AUD (khoảng 9,6 triệu USD) trong 4 năm để thúc đẩy hợp tác hàng hải, đồng thời hỗ trợ quân đội Indonesia huấn luyện tại Lãnh thổ Bắc Australia vào cuối năm nay.

Thủ tướng Albanese, người vừa tái đắc cử, nhấn mạnh Indonesia là quốc gia quan trọng nhất đối với sự thịnh vượng, an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Kyodo)

Châu Âu

*Quan chức Mỹ-Nga bắt đầu nhóm họp về vấn đề Ukraine: Một quan chức Mỹ cho biết các quan chức nước này và Nga đã gặp nhau trong ngày 16/5 tại một khách sạn ở Istanbul bên lề cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Michael Anton đã bắt đầu cuộc thảo luận kín với ông Vladimir Medinsky - cố vấn theo đường lối cứng rắn của Điện Kremlin được phân công dẫn đầu phái đoàn Nga tham gia cuộc đàm phán với Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối tham dự. (AFP)

*Ukraine ưu tiên “ngừng bắn vô điều kiện” trong đàm phán với Nga: Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak tuyên bố Kiev nhắm tới mục tiêu đạt được “thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện” trong cuộc đàm phán với chức Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5.

Ông Yermak viết trên Telegram: “Ukraine sẵn sàng cho hòa bình và ngừng bắn vô điều kiện, lâu dài… Phái đoàn Ukraine có mặt tại Istanbul hôm nay để đạt được thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện - đây là ưu tiên của chúng tôi”. Trong khi đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas cho rằng Nga “rõ ràng” không hướng tới nền hòa bình với Ukraine. (AFP)

*Nga điều chỉnh nhân sự lãnh đạo quân đội cấp cao: Ngày 15/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Tổng tư lệnh Lực lượng Lục quân Nga Oleg Salyukov vào chức vụ Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga.

Ông Salyukov sinh ngày 21/5/1955 tại thành phố Saratov. Ông tốt nghiệp với huy chương vàng Trường chỉ huy xe tăng cấp cao “Người bảo vệ Ulyanovsk” (năm 1977), bằng danh dự tại Học viện quân sự Thiết giáp (năm 1985) và Học viện quân sự thuộc Bộ tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga (năm 1996).

Vào tháng 5/2014, theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng tư lệnh Lực lượng Lục quân, tham gia vào các hoạt động quân sự. (Sputniknews)

*Đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi định dạng: Đàm phán giải quyết xung đột Ukraine tại Istanbul diễn ra dưới định dạng ba bên thay vì song phương và cuộc đàm phán ba bên diễn ra ngày 16/5.

Theo nguồn tin của hãng, các cuộc tiếp xúc riêng biệt cũng đang được lên kế hoạch giữa Mỹ, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên khả năng tổ chức cuộc họp bốn bên với sự tham gia của phía Mỹ vẫn còn là dấu hỏi.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio lưu ý rằng ông không hy vọng nhiều vào một bước đột phá đáng kể hiện nay. Ông cũng nhấn mạnh rằng bước tiến thực sự chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp giữa hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin. (TASS)

Trung Đông-châu Phi

*Mỹ trừng phạt mạng lưới hỗ trợ tài chính cho Hezbollah: Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới các quan chức cấp cao của Hezbollah cùng những người hỗ trợ tài chính đang hoạt động ở Lebanon và Iran. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 cho biết những cá nhân này hợp tác với ban lãnh đạo Hezbollah để quản lý những khoản tiền đáng kể được chuyển đến từ các nhà tài trợ quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hành động nói trên hỗ trợ toàn bộ chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump là gây sức ép tối đa lên Iran và các tổ chức khủng bố ủy nhiệm của nước này như Hezbollah. Mỹ cam kết hỗ trợ Lebanon bằng cách vạch trần và phá vỡ các chương trình tài trợ cho các hoạt động khủng bố của Hezbollah và ảnh hưởng gây mất ổn định của Iran trong khu vực. (Al Jazeera)

*Hamas phản đối phát biểu của Tổng thống Mỹ về Gaza: Quan chức cấp cao của Hamas Basem Naim ngày 15/5 đã phản đối phát biểu trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng Mỹ muốn "chiếm" vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá Gaza và biến nó thành một "khu vực tự do".

Ông Naim tuyên bố: "Gaza là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Palestine, đó không phải là bất động sản để bán trên thị trường mở. Chúng tôi vẫn kiên định với vùng đất và sự nghiệp quốc gia của mình. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ để bảo vệ quê hương và đảm bảo tương lai của người dân".

Trước đó vào tháng 2, Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ giành quyền quản lý và biến Gaza thành “Riviera của Trung Đông”. Phát biểu này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước Arab. (Al Jazeera)

*Giao tranh dữ dội ở Chad, ít nhất 35 người thiệt mạng: Ngày 15/5, người phát ngôn Chính phủ Cộng hòa Chad Gassim Cherif Mahamat cho biết ít nhất 35 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ dữ dội ở quốc gia này.

Ông Mahamat cho biết các cuộc đụng độ nổ ra hôm 14/5 tại làng Mandakao, tỉnh Logone Occidental.

Theo tuyên bố, chính quyền địa phương và lực lượng an ninh đã thực hiện các biện pháp để khôi phục trật tự. Người phát ngôn trên cho biết: "Chính phủ lên án những hành động man rợ này bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể và thông báo rằng mọi biện pháp cần thiết đang được thực hiện để xác định, truy tìm, đưa những kẻ gây án và đồng phạm ra trước công lý". Ông không nêu tên những người tham gia vào cuộc giao tranh. (Al Jazeera)

*Mỹ-Thổ-Ukraine kết thúc cuộc họp ba bên: Một quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này Marco Rubio đã kết thúc cuộc họp kéo dài 1 giờ với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine trong ngày 16/5, trước thềm cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau hơn 3 năm.

Cuộc họp tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul có sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga và một số quan chức cấp cao khác của ba nước.

Trong khi đó, Kiev cùng ngày bày tỏ hoài nghi về việc liệu các nhà đàm phán Nga tại Istanbul có quyền ra quyết định hay không, thách thức họ chấp thuận ngừng bắn tại cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên sau hơn 3 năm. (AFP)

*Thỏa thuận Mỹ - Iran gây lo ngại cho Israel: Các quan chức Israel chia sẻ với báo Jerusalem Post ngày 15/5 rằng thỏa thuận đang hình thành giữa Iran và Mỹ dường như đang gây ra nhiều lo ngại cho Israel.

Lập trường chính thức của Israel, như Thủ tướng Benjamin Netanyahu công khai tuyên bố, là Mỹ nên kiên quyết yêu cầu Iran tuân theo "mô hình Libya" trong bất kỳ thỏa thuận nào. Điều này đồng nghĩa với việc Iran phải hoàn toàn dỡ bỏ các cơ sở làm giàu urani, giống như Libya đã từng làm cách đây khoảng hai thập kỷ, nghĩa là Mỹ không nhất thiết phải áp dụng lập trường cứng rắn của Israel yêu cầu Iran tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở làm giàu urani. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ điều tra cựu Giám đốc FBI vì cáo buộc đe dọa ám sát Tổng thống Trump: Ngày 16/5, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem cho biết các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đang điều tra cáo buộc đe dọa ám sát Tổng thống Donald Trump của cựu Giám đốc FBI James Comey.

Thông báo của bà Noem được đưa ra sau khi ông Comey đăng tải và sau đó đã xóa một bài viết trên Instagram có hình ảnh "86 47" được xếp bằng vỏ sò, trong đó "86" là tiếng lóng có nghĩa "giết" và ông Trump là tổng thống thứ 47.

Bà Noem đăng trên mạng X: "Cựu Giám đốc FBI tai tiếng James Comey vừa kêu gọi ám sát Tổng thống Trump". Bà cho biết Bộ An ninh Nội địa và Mật vụ đang điều tra mối đe dọa này và sẽ có phản ứng thích hợp. (AFP)

*Peru hoan nghênh quyết định miễn thị thực 30 ngày của Trung Quốc: Ngày 15/5, Chính phủ Peru đánh giá cao quyết định của Trung Quốc về việc miễn thị thực du lịch, công vụ hoặc quá cảnh trong thời gian 30 ngày với công dân nước này.

Bộ Ngoại giao Peru ra tuyên bố khẳng định quyết định này là một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng đạt được tại Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các nước Mỹ Latinh - Caribe (CELAC).

Theo tuyên bố, việc miễn thị thực nói trên có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 đến ngày 31/5/2026, được thực hiện nhờ những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Peru thông qua Đại sứ quán Peru tại Bắc Kinh. (AFP)

*Đảng Dân chủ Mỹ tìm cách chặn thương vụ vũ khí với UAE: Các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ ngày 15/5 đã tìm cách ngăn chặn các thương vụ bán vũ khí cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), với cáo buộc quốc gia Trung Đông dính líu tới nội chiến Sudan và lo ngại về các mối liên hệ tiền ảo.

Động thái diễn ra cùng ngày Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa công bố các thỏa thuận mới trị giá 200 tỷ USD với quốc gia vùng Vịnh này.

Các đại biểu Hạ viện cho biết chính quyền Trump đã quyết định tiến hành các thương vụ với UAE bất chấp kêu gọi tạm dừng do lo ngại về xung đột ở Sudan. (Reuters)

*Bắt giữ nghi phạm chính trong vụ sát hại 13 người tại mỏ vàng Peru: Ngày 15/5, Chính phủ Peru thông báo cảnh sát Colombia đã bắt giữ nghi phạm chính trong vụ bắt cóc và sát hại 13 công nhân thuộc một mỏ vàng ở miền Bắc Peru, xảy ra hồi đầu tháng 5.

Trên nền tảng X (Twitter), Bộ Nội vụ Peru cho biết đối tượng Miguel Rodriguez Diaz, biệt danh “Cuchillo”, đã bị bắt giữ trong một chiến dịch phối hợp giữa cảnh sát hai nước Peru và Colombia cùng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Tổng thống Peru Dina Boluarte trước đó đã cáo buộc Rodriguez Diaz đã ra lệnh sát hại 13 công nhân của Công ty khai khoáng Poderosa tại Pataz. Chính phủ Peru đã ra lệnh đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác vàng tại khu vực Pataz trong vòng 1 tháng. Peru là một trong những quốc gia sản xuất vàng lớn nhất ở Mỹ Latinh. (AFP)

*Mỹ cân nhắc đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc vào "danh sách đen: Tờ Financial Times ngày 15/5 dẫn 5 nguồn thạo tin cho hay Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có ChangXin Memory (CXMT), vào "Danh sách Thực thể" bị nước này coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Tờ báo cho biết thêm Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã soạn thảo một danh sách bao gồm cả các công ty con của Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn quốc tế và Công ty Công nghệ bộ nhớ Dương Tử.

Theo Financial Times, động thái này khiến tình hình trở nên phức tạp do thỏa thuận thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc. (Reuters)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-165-my-dieu-tra-am-muu-am-sat-tong-thong-trump-nga-thay-doi-lanh-dao-quan-doi-cap-cao-thoa-thuan-my-iran-khien-israel-lo-ngai-314606.html