Tin thế giới 2/2: Quan chức EU 'tấp nập' tới Ukraine, Bulgaria giải tán quốc hội
Australia sớm công bố tiến triển về AUKUS, Sudan-Israel có bước tiến mới, xả súng liên tiếp tại Nam Phi… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Quan chức cấp cao EU “tấp nập” tới Ukraine: Ngày 2/2, hàng chục quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã đến Kiev để cam kết về hỗ trợ quân sự, tài chính và chính trị cho quốc gia Đông Âu này. Ngay sau đó, các thành viên Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp xúc với nhiều quan chức Chính phủ Ukraine. Ngày 3/2, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky. Dự kiến, quan chức EU và Ukraine sẽ thảo luận việc gửi thêm vũ khí và tài chính cho Ukraine, tăng thị phần các sản phẩm của nước tại thị trường EU, giúp Kiev đáp ứng nhu cầu năng lượng, mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga cùng một số vấn đề khác.
Bà Von der Leyen cho biết, đây là lần thứ 4 quan chức này đến Kiev kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine gần một năm trước. Trong khi đó, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell dự kiến thông báo kế hoạch tăng gấp đôi số binh sĩ Ukraine được EU huấn luyện lên 30.000 người trong năm nay, đồng thời cam kết hỗ trợ 25 triệu Euro để rà phá bom mìn tại một số khu vực ở Ukraine. (TTXVN)
Nga-Trung
* Quan hệ Nga-Trung “không có giới hạn”: Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia ngày 2/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là không có giới hạn. Theo ông, trong mối liên kết này, đôi bên đều có lợi và Moscow không phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ông cũng nêu rõ rằng, Trung Quốc hiện đang dần giảm sự lệ thuộc vào các cơ chế tài chính phương Tây.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng tuyên bố Nga sẽ mạnh mẽ hơn và có đủ khả năng để phòng thủ. Ông khẳng định nước này sẵn sàng hành động vì hòa bình ở Ukraine, song “nếu bạn muốn hòa bình, bạn cũng phải sẵn sàng phòng vệ”. (Reuters/Sputnik)
Đông Nam Á
* Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm căn cứ quân sự: Ngày 2/2, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, nước này cho phép Mỹ tiếp cận mở rộng với các căn cứ quân sự theo thỏa thuận quốc phòng song phương. Như vậy, theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) có hiệu lực từ năm 2014, Washington sẽ được phép tiếp cận thêm 4 căn cứ nữa. Cũng theo Philippines, Mỹ đã chi hơn 82 triệu USD cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại năm cơ sở hiện hành.
Động thái trên được đưa ra trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Philippines và hai nước nỗ lực cải thiện quan hệ thời gian qua. (Reuters/SCMP)
Nam Thái Bình Dương
* Australia có thể công bố kế hoạch tàu ngầm hạt nhân AUKUS tại Mỹ: Theo ABC Australia ngày 2/2, Thủ tướng Australia Anthony Albanese dự kiến sẽ thăm Washington trong tháng tới và trình bày chi tiết về lựa chọn tàu ngầm hạt nhân của mình với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden và người đồng cấp Anh Rishi Sunak. Hiện các quan chức Australia được cho là đang tích cực chuẩn bị cho chuyến công du của Thủ tướng Anthony Albanese để dự buổi công bố thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).
Trả lời phỏng vấn ABC Australia, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Richard Marles đã gọi AUKUS là một giải pháp “ba bên thực sự”. Ông nêu rõ: “Những gì bạn sẽ thấy là khi chúng tôi công bố lộ trình tối ưu mà chúng tôi đang thực hiện với cả Mỹ và Anh. Đó thực sự là một nỗ lực ba bên để chứng kiến cả Anh và Mỹ cung cấp cho Australia năng lực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân”.
Hiện thông tin chi tiết về sự kiện này vẫn chưa được xác nhận, nhưng hiện có đồn đoán rằng nó sẽ diễn ra tại Mỹ để phù hợp với lịch trình của ông Joe Biden. Trong khi đó, ABC Australia nhận định nhiều khả năng chuyến công du của ông Albanese sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10-19/3. Theo đó, nhà lãnh đạo này sẽ tới thăm Ấn Độ, nơi ông được mời tham gia cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc thi cricket lần thứ tư vào ngày 9/3. Thủ tướng Australia dự kiến sẽ tiếp đón ông Biden cùng Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản trong cuộc họp của lãnh đạo Bộ tứ tiếp theo tại Sydney vào tháng 6/2023.
Đông Bắc Á
* Nhật Bản cân nhắc hỗ trợ gần 2 tỷ USD cho Philippines: Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản ngày 2/2 cho biết Tokyo đang cân nhắc cung cấp thường niên khoản viện trợ hơn 200 tỷ Yên (1,6 tỷ USD)/năm, kéo dài trong 5 năm tới để giúp Philippines phát triển cơ sở hạ tầng.
Đồng thời, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio cũng sẽ nhất trí với vị khách Đông Nam Á về tăng cường hợp tác an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên sẽ tiếp tục tổ chức Đối thoại an ninh lần thứ hai với sự tham dự của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục tham gia tập trận chung trong tương lai. (Kyodo)
* Trung Quốc phản đối Chủ tịch Quốc hội Czech thăm Đài Loan (Trung Quốc): Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 2/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các nước mà Trung Quốc có quan hệ ngoại giao tiến hành trao đổi, tiếp xúc chính thức với Đài Loan. Chúng tôi hối thúc các bên liên quan hủy bỏ quyết định sai lầm đó”. Theo Bloomberg (Mỹ) ngày 1/2, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Czech Petr Pavel và người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn, Chủ tịch Quốc hội Czech Markéta Pekarová Adamová cho biết bà có thể thăm hòn đảo này tháng Ba tới. (Reuters/Taiwan News)
Châu Âu
* Tổng thống Bulgaria giải tán quốc hội, bổ nhiệm chính phủ lâm thời: Ngày 2/2, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã ký sắc lệnh giải tán quốc hội nước này, có hiệu lực kể từ ngày 3/2. Ông cũng ký một sắc lệnh khác về bổ nhiệm một chính phủ lâm thời và ấn định tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày 2/4 tới.
Động thái trên của Tổng thống Radev được xem là giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng chính trị đã diễn ra trong suốt gần 2 năm qua. Bất ổn bắt đầu từ mùa Hè năm 2021 với các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại chính phủ trung hữu của Thủ tướng Boyko Borisov và yêu cầu ông này từ chức. Tuy nhiên, ông Borisov vẫn nắm quyền cho đến cuộc bầu cử hồi tháng 4/2022. Cuộc bầu cử sắp tới do Tổng thống Radev mới ấn định sẽ là cuộc bầu cử thứ 5 kể từ bất ổn xảy ra.
Có ý kiến cho rằng thay đổi hiện nay tại Bulgaria có thể dẫn đến sự hợp nhất giữa phe trung hữu và cánh tả. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khó có thể biết được liệu thay đổi này có thể đem tới một chính phủ mới ổn định hơn hay không. (TTXVN)
* Thụy Điển siết chặt luật khủng bố: Ngày 2/2, Thụy Điển tuyên bố sẽ thắt chặt luật liên quan đến tư cách thành viên của các tổ chức khủng bố, vài tháng sau khi đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về chống khủng bố nhằm thuyết phục Ankara ủng hộ quốc gia Bắc Âu này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Stockholm, đạo luật mới, được kỳ vọng là sẽ có hiệu lực vào tháng Sáu, sẽ trao cho chính phủ nhiều quyền hạn hơn trong việc bắt giữ và truy tố những cá nhân hỗ trợ các tổ chức khủng bố, thông qua tài chính hoặc các phương thức khác.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Strommer nêu rõ: “Chúng tôi đang nói về việc hình sự hóa cực kỳ sâu rộng”. Ông cũng lưu ý rằng cho đến nay, rất khó để truy tố các cá nhân, trừ khi hành động của họ liên quan đến hành động khủng bố cụ thể. Tuy nhiên, luật mới sẽ bao gồm tất cả các hình thức tham gia. Theo ông, mức độ đe dọa đã tăng lên gần đây khi Thụy Điển được coi là mục tiêu hợp pháp sau vụ đốt kinh Koran của chính trị gia cực hữu người Đan Mạch Rasmus Paludan ở Stockholm vào tháng trước, cùng nhiều vấn đề khác. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Sudan sẵn sàng ký bình thường hóa quan hệ với Israel: Ngày 2/2, báo chí Israel dẫn nguồn tin quan chức nước này cho biết sau hơn 2 năm nhất trí, giờ đây Sudan đã sẵn sàng để ký Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ với Israel, Theo đó, Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến thăm mới đây tới khu vực đã tiết lộ với Israel rằng Sudan sẵn sàng tham gia Hiệp định Abraham.
Tháng 1/2021, Sudan đã nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel, nhưng chưa chính thức ký do vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, với sự thúc giục của Mỹ, các quan chức Israel và Sudan đã tích cực đàm phán về việc này. (TTXVN)
* Tehran bác bỏ quan điểm của IAEA: Hãng thông tấn Mizan (Iran) ngày 2/2 dẫn lời Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho rằng lập trường mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về hoạt động hạt nhân của Tehran là không chính xác. Ông nhấn mạnh: “Giải thích của thanh tra IAEA là không chính xác, nhưng ông ta đã báo cáo với IAEA... Chúng tôi đã lập tức cung cấp lời giải thích cho họ cùng ngày”.
Trước đó một ngày, IAEA chỉ trích Iran không công khai thực hiện điều chỉnh đối với liên kết giữa hai cụm máy tiên tiến làm giàu urani lên mức tinh khiết 60%, gấp 16 lần ngưỡng cho phép và rất gần cấp độ vũ khí hạt nhân ở nhà máy Fordow.
Dù không nói rõ mối liên kết giữa hai cụm máy ly tâm IR-6 đã thay đổi thế nào, song IAEA vẫn khẳng định rằng “chúng được liên kết theo cách khác biệt đáng kể so với phương thức hoạt động mà phía Iran tuyên bố (với IAEA)”. (Reuters)
* Liên tiếp xảy ra xả súng hàng loạt tại Nam Phi: Ngày 2/2, người phát ngôn Sở cảnh sát tỉnh Eastern Cape, Nam Phi cho biết, ít nhất 10 nạn nhân đã thiệt mạng trong hai vụ xả súng hàng loạt tại tỉnh này tối hôm 1/2. Vụ xả súng ở khu vực Bityi đã khiến 3 người thiệt mạng, trong khi 7 người khác đã qua đời sau vụ tấn công tương tự ở một ngôi làng tại Qunu, cách đó khoảng 15 km. Hiện nhà chức trách đang tích cực truy tìm hung thủ, cũng như điều tra nguyên nhân vụ việc.
Nam Phi đã chứng kiến hàng loạt vụ xả súng những ngày qua. Ngày 1/2, một vụ nổ súng khác tại thị trấn Kwa Mashu, phía Bắc thành phố Durban, tỉnh Kwa Zulu-Natal khiến 4 người thiệt mạng, 5 người bị thương. Ngày 29/1, một vụ xả súng khác tại bữa tiệc tại gia ở Kwa Zakhele, Gqeberha gần thành phố cảng Port Elizabeth, tỉnh Eastern Cape đã làm cho 8 người thiệt mạng và 3 người bị thương. (TTXVN)