Tin thế giới 24/7: Mỹ đặt mức giá cho vắc xin Covid-19 ở mức 40 đô la

Mỹ đặt mức giá cho vắc xin Covid-19 ngang vắc xin cúm; Thị trưởng Porland trúng hơi cay khi đi biểu tình; Trung Quốc sẽ buộc phải đáp trả hành động đóng cửa lãnh sự quán tại Houston của Mỹ là những tin đáng chú ý trong sáng nay.

Mỹ đặt mức giá cho vaccine Covid-19 ngang vaccine cúm

Ảnh: Reuters

Trong một thỏa thuận trị giá 2 tỷ đô la với Pfizer và BioNTech của Đức, chính phủ Mỹ đã đặt giá cho vắc xin Covid-19 chỉ ngang vắc xin cúm thông thường, tạo áp lực lên các doanh nghiệp khác đặt mức giá tương đương.

Thỏa thuận này dự kiến sẽ đủ cung cấp cho 50 triệu người dân Mỹ với mức giá khoảng 40 đô la một người. Số tiền này tương đương với số tiền vắc xin cúm 1 năm.

Đây cũng là mức giá đầu tiên được đặt ra cho vắc xin Covid-19, dự kiến đến tay người dân vào năm sau.

Điều này cũng giúp cho các nhà sản xuất kiếm được lợi nhuận khá từ nỗ lực bảo vệ người dân khỏi đại dịch đã làm 620.000 người thiệt mạng.

Khác với các thỏa thuận trước đây, Pfizer và BioNTech sẽ không nhận tiền cho tới khi vắc xin được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Dự kiến các thí nghiệm hàng loạt sẽ bắt đầu trong tháng này.

Chính phủ nhiều nước cũng đã ký kết sẵn các thỏa thuận nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất vắc xin Covid-19, bao gồm cả đảm bảo lượng vắc xin thu mua. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận đầu tiên đề cập tới mức giá của sản phẩm hoàn thiện.

"Giá trung bình cho một vắc xin cúm là khoảng 40 đô la", Peter Pitts, giám đốc trung tâm y tế vì lợi ích cộng đồng. "Đây là tín hiệu tích cực và hợp lý".

Tính tới thời điểm này, các thí nghiệm trên nhiều nơi đang cho kết quả khả quan và an toàn với người sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc không doanh nghiệp nào có lợi thế để đặt mức giá cao hơn đối thủ của mình.

Dự kiến tỷ lệ lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp sẽ ở mức 60 tới 80% với mức giá 40 đô này.

Thị trưởng Portland dính hơi cay khi biểu tình

Thị trưởng Ted Wheeler phát biểu trong cuộc biểu tình trước khi bị xịt hơi cay. Ảnh: Reuters

Thị trưởng Ted Wheeler, thành viên đảng Dân chủ cho biết đây là lần đầu tiên ông dính đạn hơi cay, khiến ông bị ho cũng như choáng nhẹ. Những người tham gia biểu tình xung quanh đã đưa cho ông kính bảo hộ và nước uống.

Sau khi dính hơi cay, ông quyết không rời khỏi đám đông và tiếp tục bị dính hơi cay một lần nữa.

Ông đã xuống phố biểu tình cùng người dân, phản đối sự xuất hiện của các đặc vụ liên bang tại thành phố này.

Vẫn chưa rõ liệu các đặc vụ liên bang có biết ông Wheeler xuất hiện trong đám đông biểu tình khi họ dùng đạn hơi cay hay không.

Dù xuống đường biểu tình, ông Wheeler vẫn vấp phải sự chỉ trích của người dân. Nhiều người đã kêu gọi ông từ chức vì đáng nhẽ ông có thể làm nhiều hơn để bảo vệ người dân thành phố.

Sau vụ việc, ông đã được đội ngũ an ninh của mình sơ tán. Văn phòng của ông cho biết ông dự kiến tham gia biểu tình để nói chuyện và làm nguôi cơn giận dữ của người dân, nhằm giảm căng thẳng cho thành phố này sau 54 đêm biểu tình.

Những người biểu tình gọi chiến dịch liên bang của ông Trump là "làm màu" giúp ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Trung Quốc cảnh báo bị buộc đáp trả lại vụ Houston

Bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Mỹ. Ảnh: SI

Phía Trung Quốc hôm qua cảnh báo rằng họ sẽ bị buộc phải đáp trả lại hành động đóng cửa lãnh sự quán ở Houston của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi hành động này là "gây ảnh hưởng nghiêm trọng" tới quan hệ song phương.

Washington đã cho Bắc Kinh 72 giờ để đóng cửa lãnh sự quán tại Houston "nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người dân Mỹ".

Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã gọi lãnh sự quán tại Houston là "trung tâm đầu mối cho mạng lưới gián điệp và tình báo tại Mỹ".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã gọi hành động này của Trung Quốc là "phỉ báng".

"Sau các hành động vô lý của Mỹ, Trung Quốc sẽ buộc phải đưa ra các hành động cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp", ông nói mà không đưa ra cụ thể các biện pháp đang được cân nhắc.

"Điều này đang khiến cầu nối hữu nghị giữa hai bên bị lung lay", ông nói thêm.

Tờ SCMP cho biết, Trung Quốc có thể đóng của lãnh sự quán của Mỹ ở Thành Đô, trong khi một nguồn tin của Reuters lại nói rằng Bắc Kinh đang xem xét đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán.

Nhân viên của lãnh sự quán ở Vũ Hán đã được rút về nước toàn bộ khi đại dịch bùng phát.

Hu Xijin, tổng biên tập tờ Global Times cho biết việc đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán sẽ là quá nhẹ và không đủ tính trừng phạt.

Ông nói rằng Mỹ có một lãnh sự quán lớn ở Hong Kong và "rất rõ ràng đây là trung tâm tình báo".

"Dù không đóng cửa, Trung Quốc có thể xem xét giảm nhân viên tại lãnh sự quán này xuống 1-200 người. Điều này sẽ khiến Washington chịu tổn thất nặng nề hơn", ông viết.

Ngoài ba thành phố trên, Mỹ có lãnh sự quán ở Quảng Châu, Thượng Hải và Thẩm Dương.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tin-the-gioi-24-7-my-dat-muc-gia-cho-vac-xin-covid-19-o-muc-40-do-la-post87655.html