Tin thế giới 25/7: Nga nói về vụ tấn công cảng Odessa; Ấn Độ mang S-400 đến biên giới với Trung Quốc? Lời hứa của tân Tổng thống Philippines

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, vụ tuabin khí của Dòng chảy phương Bắc 1, tuyên bố của ứng viên Thủ tướng Anh, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, thông điệp quốc gia đầu tiên của tân Tổng thống Philippines... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Cảng Odessa bị tấn công tên lửa hôm 23/7. (Nguồn: AFP)

Cảng Odessa bị tấn công tên lửa hôm 23/7. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga phá hủy kho đạn cho hệ thống HIMARS của Ukraine: Ngày 25/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng Nga đã phá hủy 1 kho đạn dành cho hệ thống rocket phóng loạt cơ động cao HIMARS (do Mỹ sản xuất) ở Bogdanovtsy thuộc khu vực Khmelnytskyi của Ukraine.

Trước đó, Nga thông báo đã phá hủy 1 số hệ thống HIMARS do phương Tây cung cấp cho Ukraine, song phía Kiev bác bỏ điều này.

Hôm 24/7, Ukraine cho biết Mỹ và các đồng minh cam kết sẽ chuyển cho Kiev từ 25 đến 30 hệ thống HIMARS và MLRS. (Reuters)

* Vụ tấn công cảng Odessa không ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc, theo thông báo của Điện Kremlin ngày 25/7. Nga cũng khẳng định họ không liên quan vụ tấn công và đang điều tra kỹ lưỡng vụ việc.

Phát biểu họp báo trực tuyến, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, vụ tấn công bằng tên lửa hôm 23/7 nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, diễn ra chỉ vài giờ sau khi Kiev và Moscow ký 1 thỏa thuận mang tính bước ngoặt để khởi động lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Theo ông, các cuộc tấn công này chỉ nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự, không liên quan cơ sở hạ tầng sử dụng cho việc xuất khẩu ngũ cốc. (Reuters)

* Trung Quốc khuyên Mỹ nên tạo điều kiện cho đàm phán Nga-Ukraine: Ngày 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, thay vì xem Nga là nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, Mỹ nên tạo ra môi trường tích cực cho cuộc đàm phán Moscow-Kiev cũng như tăng cường nỗ lực thúc đẩy 1 giải pháp chính trị.

Bên cạnh đó, ông Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh hoan nghênh thỏa thuận về ngũ cốc mới được ký kết giữa Nga-Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian nhằm khơi thông hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Kiev.

Theo ông, Trung Quốc luôn kêu gọi tiến hành đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như ủng hộ vai trò tích cực của Liên hợp quốc trong quá trình tiến tới thỏa thuận trên. (Sputnik)

* Nga ngăn chặn hoạt động tình báo của Ukraine: Ngày 25/7, Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) cho biết đã ngăn chặn một chiến dịch tình báo của quân đội Ukraine do cơ quan đặc nhiệm thuộc các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giám sát.

Theo FSB, chiến dịch trên "nhằm cướp máy bay chiến đấu của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga" và đã xác định được các nhân viên của cơ quan đặc nhiệm Ukraine tham gia chiến dịch và đồng phạm. (Sputnik)

* Ukraine tính giành lại Kherson: Ngày 24/7, ông Sergiy Khlan, một quan chức trong chính quyền Kherson của Ukraine tuyên bố, khu vực này sẽ được các lực lượng của Kiev giành lại vào tháng 9 tới bởi "đã có bước ngoặt trên chiến trường".

Theo ông, "các lực lượng vũ trang Ukraine đang giành ưu thế trong những chiến dịch quân sự gần đây. Họ đang công khai tiến quân. Chúng ta đang chuyển từ phòng ngự sang phản công".

Tuy nhiên, ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo "chính quyền dân sự - quân sự" do Nga bổ nhiệm tại Kherson (Ukraine) cho hay, nỗ lực của quân đội Ukraine để phá vỡ tuyến phòng ngự ở khu vực này đã không thành công. (Sputnik, Reuters)

Châu Âu

* Nga thông báo việc lắp đặt tuabin khí được sửa chữa: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ngày 25/7 cho biết, tuabin khí đã sửa chữa ở Canada sẽ được lắp đặt tại trạm nén thuộc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 khi nó được chuyển đến Nga.

Theo ông, tuabin này sẽ được lắp đặt sau khi tất cả các thủ tục hoàn tất và "khí đốt sẽ được bơm theo khối lượng tương ứng", đồng thời khẳng định, Nga không muốn ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt của Nga cho châu Âu. (Reuters)

* Ứng viên Thủ tướng Anh tiềm năng cam kết cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử: Ngày 24/7, ông Rishi Sunak, ứng cử viên Thủ tướng Anh liên tục dẫn đầu trong các vòng bỏ phiếu đảng Bảo thủ, gọi Trung Quốc là “mối đe dọa số 1” về an ninh đối với London và thế giới.

Ông cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử Thủ tướng, với việc đóng cửa toàn bộ 30 Viện Khổng tử tại Anh, bắt buộc những cơ sở giáo dục Anh công bố các nguồn tài trợ từ nước ngoài có giá trị từ 50.000 Bảng (khoảng 60.000 USD) trở lên và đánh giá các chương trình hợp tác nghiên cứu.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, cơ quan an ninh nội địa MI5 của nước này sẽ được giao nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Còn bản thân ông sẽ tìm cách xây dựng cơ chế hợp tác “kiểu NATO” nhằm đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh trên không gian mạng.

Ngoài ra, ứng cử viên này cam kết sẽ nghiên cứu phương án cấm Trung Quốc sở hữu những doanh nghiệp và tài sản nhạy cảm của Anh, trong đó có các hãng công nghệ chiến lược, cũng như cáo buộc Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc là “bẫy nợ” đối với các nước tham gia. (AFP)

* Israel đánh giá cao mối quan hệ với Nga: Trong một cuộc họp ngày 24/7, Thủ tướng Israel Yair Lapid nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Nga, trong bối cảnh Moscow đề nghị đóng cửa Cơ quan Do Thái Sokhnut của Israel.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel có đoạn: "Thủ tướng tuyên bố rằng, cộng đồng người Do Thái rộng lớn ở Nga quan trọng và có ảnh hưởng đến tất cả các cuộc tiếp xúc ngoại giao với chính quyền ở Moscow".

Theo đó, việc đóng cửa văn phòng Cơ quan Do Thái sẽ là một sự kiện nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quan hệ giữa Israel và Nga.

Israel đã thông qua kế hoạch cử một phái đoàn chính phủ nước này tới Nga để thảo luận về hoạt động của Cơ quan Sokhnut. (The Jerusalem Post)

Châu Á

* Ấn Độ tính đưa tổ hợp S-400 thứ 2 tới biên giới với Trung Quốc: Tờ Times of India ngày 25/7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Ấn Độ sẽ triển khai tổ hợp thứ 2 tên lửa phòng không S400 Triumph (SAM) do Nga chế tạo ở phía Bắc, trên biên giới với Trung Quốc trong 2-3 tháng tới.

Các nguồn tin cho hay, hiện các tàu và máy bay đang vận chuyển tổ hợp S400 tới Ấn Độ. Đây sẽ là tổ hợp đầu tiên được chuyển giao cho New Delhi kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ ngày 24/2.

Cũng theo các nguồn tin trên, tổ hợp S400 đầu tiên của Nga đã được vận chuyển tới Ấn Độ hồi tháng 12/2021 và được triển khai ở Đông Bắc nước này “nhằm đẩy lùi các mối đe dọa trên không từ cả Pakistan và Trung Quốc”.

* Ấn Độ khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Jammu và Kashmir: Mới đây, phát biểu tại một sự kiện ở Jammu và Kashmir, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố, khu vực này là một phần lãnh thổ của Ấn Độ và sẽ tiếp tục thuộc về New Delhi.

Theo quan chức Ấn Độ, "nếu bất cứ thế lực nước ngoài nào để mắt đến chúng ta và nếu chiến tranh xảy ra thì chúng ta sẽ chiến thắng”.

Bộ trưởng Rajnath Singh khẳng định, các lực lượng vũ trang Ấn Độ sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức trong tương lai và mục tiêu duy nhất mà chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đặt ra là bảo vệ các lợi ích quốc gia của Ấn Độg. Ông nêu rõ, người dân Jammu và Kashmir đã sát cánh cùng quân đội Ấn Độ trong nhiều cuộc chiến. (The Times of India)

* Bà Droupadi Murmu tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ấn Độ vào ngày 25/7, trở thành Tổng thống đầu tiên của nước này có xuất thân từ cộng đồng bộ lạc.

Lễ nhậm chức có sự tham dự của Chủ tịch Thượng viện M. Venkaiah Naidu, Thủ tướng Narendra Modi, Chủ tịch Hạ viện Om Birla, các bộ trưởng liên bang, các nghị sĩ cùng các quan chức chính phủ.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội sau khi tuyên thệ, bà Murmu nhấn mạnh, chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử ngày 18/7 vừa qua "là bằng chứng cho thấy người nghèo ở Ấn Độ có thể ước mơ và biến các ước mơ đó thành hiện thực".

Đăng tải trên mạng xã hội Twitter sau phát biểu của tân Tổng thống, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng việc bà Murmu trở thành Tổng thống đánh dấu bước ngoặt đối với Ấn Độ, đặc biệt đối với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề. (Times of India)

* Tổng thống Nga không tham dự quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, theo thông báo của Điện Kremlin ngày 25/7. Moscow hiện vẫn chưa quyết định việc cử đại diện tham dự sự kiện này.

Trước đó cùng ngày, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki cho hay, chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch quốc tang ông Abe tới tất cả các nước mà Nhật Bản có quan hệ ngoại giao, bao gồm cả Nga. (Reuters)

* Bắt đầu kiểm tra sức khỏe tâm thần của nghi phạm sát hại cố Thủ tướng Abe: Ngày 25/7, các công tố viên Nhật Bản đã chuyển nghi phạm Tetsuya Yamagami từ đồn cảnh sát ở thành phố Nara (tỉnh Nara) tới trại giam ở thành phố Osaka (tỉnh Osaka) để kiểm tra sức khỏe tâm thần.

Cuộc kiểm tra dự kiến kéo dài đến 29/11, bao gồm việc đánh giá lịch sử sinh hoạt, kiểm tra xem liệu Yamagami có gặp rối loạn về tâm thần hay không. Từ đó, các công tố viên Nhật Bản sẽ xác định sức khỏe tâm thần của Yamagami và quyết định xem liệu có nên truy tố nghi phạm này hay không. (Kyodo)

* Hàn Quốc nêu điều kiện tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản: Ngày 25/7, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin bày tỏ tin tưởng, hội nghị thượng đỉnh giữa nước này với Nhật Bản sẽ diễn ra khi những vấn đề hóc búa, chẳng hạn như vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến, được giải quyết.

Phát biểu trong phiên điều trần tại Quốc hội, Ngoại trưởng Park Jin thừa nhận rằng, quan hệ song phương giữa Seoul và Tokyo khó có thể phục hồi nếu không có 1 giải pháp để giải quyết những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc sẽ tìm ra “giải pháp hợp lý” cho cả 2 nước trong khi vẫn tôn trọng quan điểm của các nạn nhân. (Yonhap)

* Thông điệp quốc gia của Tổng thống Philippines Marcos Jr: Ngày 25/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội.

Ông cho biết, chính quyền của ông sẽ thực hiện quản lý chính sách tài khóa vững chắc và đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay là 6,5-7,5%, đồng thời cảnh báo những khó khăn trước mắt trong việc bình ổn giá cả.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Tổng thống Marcos đưa ra một số biện pháp để giúp Philippines tăng sản lượng nông nghiệp và có khả năng thích ứng tốt hơn với biến đối khí hậu như cho phép các nông dân hoãn trả nợ, giúp họ sử dụng các nguồn lực để tăng sản lượng.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một thế hệ nông dân mới với việc ứng dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến vào nông nghiệp.

Ngoài ra, tân lãnh đạo Philippines cam kết cải thiện giáo dục, y tế và các điều kiện làm việc cho các bác sĩ và y tá, đồng thời thúc đẩy cơ sở hạ tầng tại quốc gia với hơn 7.000 hòn đảo lớn, nhỏ này. (Reuters)

* Iran tắt các camera của IAEA cho đến khi khôi phục được thỏa thuận hạt nhân 2015, theo hãng tin bán chính thức Tasnim dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami.

Khẳng định những camera trên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có liên quan thỏa thuận hạt nhân 2025, ông Eslami nói: "Nếu phương Tây quay trở lại thỏa thuận này và chúng tôi chắc chắn rằng họ sẽ không phạm phải bất kỳ hành vi sai trái nào, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về những camera này".

* Hàn-Mỹ lên kế hoạch hội đàm cấp bộ trưởng quốc phòng: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 25/7 thông báo, các bộ trưởng quốc phòng của nước này và Mỹ sẽ hội đàm tại Washington trong tuần này để thảo luận về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và khả năng răn đe trước các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.

Theo dự kiến, Bộ trưởng Lee Jong-sup sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin vào ngày 29/7. Đây sẽ là cuộc hội đàm trực tiếp lần thứ 2 giữa hai bộ trưởng quốc phòng Hàn-Mỹ, tiếp sau cuộc gặp đầu tiên bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng trước. (Yonhap)

* Kuwait bổ nhiệm Thủ tướng mới: Ngày 24/7, Thái tử Kuwait Sheikh Meshal al-Ahmad al-Sabah, em trai và là người đảm nhiệm hầu hết các quyền hiến định từ Quốc vương Nawaf al-Ahmed al-Sabah, đã ký sắc lệnh bổ nhiệm một người con của Quốc vương là ông Sheikh Ahmad Nawaf al-Sabah vào cương vị Thủ tướng mới của nước này.

Ông Sheikh Ahmad Nawaf al-Sabah sẽ thay thế Thủ tướng tạm quyền Sheikh Sabah al-Khalid - người vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Quốc hội Kuwait. (Reuters)

* Iraq rút khỏi Đại hội thể thao Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối vụ pháo kích: Ngày 24/7, Iraq thông báo không tham gia Đại hội thể thao đoàn kết Hồi giáo dự kiến diễn ra tại nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8 để phản đối vụ pháo kích của Ankara vào khu nghỉ dưỡng tại tỉnh Duhok ở miền Bắc Iraq hôm 20/7.

Vụ pháo kích khi đó khiến 8 người thiệt mạng và 23 người bị thương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận trách nhiệm trong vụ pháo kích. (Tân Hoa xã)

Châu Phi: Somalia, Ai Cập nỗ lực củng cố quan hệ song phương

Ngày 24/7, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mahmoud đã tới thủ đô Cairo, bắt đầu chuyến thăm Ai Cập và dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi trong ngày 25/7.

Đại sứ Somalia tại Ai Cập kiêm đại diện thường trực nước này tại Liên đoàn Arab Elias Sheikh Omar Abu-Bakr nhấn mạnh, chuyến thăm đầu tiên của ông Mahmoud tới Cairo sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trên tất cả lĩnh vực.

Đại sứ Abu-Bakr cũng bày tỏ sự quan tâm của Somalia tới việc tham khảo lập trường của giới lãnh đạo Ai Cập về những thách thức khu vực và thế giới hiện nay.

Theo ông, những căng thẳng và thách thức chưa từng có mà thế giới đang chứng kiến đòi hỏi hơn bao giờ hết phải tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nước Arab. (Egypt Independent)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-257-nga-noi-ve-vu-tan-cong-cang-odessa-an-do-mang-s-400-den-bien-gioi-voi-trung-quoc-loi-hua-cua-tan-tong-thong-philippines-192008.html