Tin thế giới 26/12: Trung Quốc xây đập thủy điện lớn nhất thế giới, Nga phá vỡ nhiều âm mưu ám sát quan chức, rơi máy bay tại Kazakhstan
Nga phủ nhận tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine,14 quan chức chính phủ lâm thời Syria thiệt mạng do bị phục kích, Thái Lan gia nhập BRICS với tư cách nước đối tác, Ngoại trưởng Nga nói về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Thái Lan gia nhập BRICS với tư cách nước đối tác: Ngày 26/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura thông báo nước này chấp nhận lời mời gia nhập BRICS với tư cách quốc gia đối tác và hy vọng sẽ trở thành thành viên chính thức của tổ chức này trong tương lai.
Ông Balankura cho biết thêm Ngoại trưởng Thái Lan đã gửi thư cho người đồng cấp Nga bày tỏ sự đồng ý của Thái Lan về việc gia nhập BRICS với tư cách quốc gia đối tác.
Quan chức này giải thích, thông qua việc trở thành quốc gia đối tác của BRICS, Thái Lan hy vọng sẽ nâng cao mức độ quan hệ với các nước thành viên BRICS nhằm cải thiện cơ hội phát triển cho nền kinh tế của mình. (Sputniknews)
*Hàn Quốc tiếp tục yêu cầu Tổng thống Yoon ra trình diện: Ngày 26/12, cơ quan điều tra chống tham nhũng của Hàn Quốc đã yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol đến làm việc vào ngày 29/12 liên quan đến quyết định ban bố thiết quân luật hồi đầu tháng này.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 12/12, ông Yoon tuyên bố sẽ không né tránh trách nhiệm pháp lý và chính trị về quyết định thiết quân luật mà ông đã ban bố vào đêm 3/12 nhưng đã bị Quốc hội hủy bỏ vài giờ sau đó.
Kiến nghị luận tội ông Yoon đã được thông qua tại Quốc hội vào ngày 14/12 và được chuyển đến tòa án hiến pháp để xem xét trong thời hạn tối đa 180 ngày, trong thời gian này quyền tổng thống của ông Yoon sẽ bị đình chỉ. (THX)
*Trung Quốc xây đập thủy điện lớn nhất thế giới tại Tây Tạng: Trung Quốc đã phê duyệt dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo thuộc rìa Đông cao nguyên Tây Tạng, có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người dân Ấn Độ và Bangladesh ở hạ nguồn.
Theo Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc, công trình này có thể sản xuất 300 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, cao gấp hơn 3 lần công suất thiết kế của đập Tam Hiệp - hiện là đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Chi phí xây dựng dự kiến sẽ vượt qua đập Tam Hiệp - vốn đã tiêu tốn 254,2 tỷ nhân dân tệ (34,83 tỷ USD) và phải di dời 1,4 triệu dân. Tuy nhiên, chính quyền chưa công bố số người phải di dời và tác động môi trường của dự án mới này. (Reuters)
*Hàn Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên: Ngày 26/12, Hàn Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.
Theo đó, danh sách trừng phạt gồm 15 nhân viên công nghệ thông tin Triều Tiên và 1 thực thể liên quan tới những hoạt động bất hợp pháp, như các cuộc tấn công mạng để kiếm ngoại tệ tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí (hạt nhân-tên lửa) của Bình Nhưỡng. (Yonhap)
*Trung-Ấn đạt tiến triển chắc chắn trong giải quyết vấn đề biên giới: Ngày 26/12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương tuyên bố quân đội nước này và Ấn Độ đang đạt được tiến triển chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến biên giới.
Ông Trương Hiểu Cương nhấn mạnh, hai bên đã duy trì liên lạc chặt chẽ về tình hình biên giới thông qua các kênh đàm phán ngoại giao và quân sự, đạt được những tiến triển quan trọng. Quân đội Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phía Ấn Độ để đẩy mạnh hoạt động giao lưu và tương tác nhiều hơn cũng như tăng cường quan hệ quân đội hai nước nhằm cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực biên giới. (THX)
Châu Âu
*Nga phủ nhận tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine: Tại cuộc họp báo ngày 26/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, hiện tại chính quyền hợp pháp của Ukraine là Verkhovna Rada (Quốc hội) và người đứng đầu Verkhovna Rada, chứ không phải Tổng thống đương nhiệm Volodymir Zelensky.
Theo ông Lavrov, để có một tổng thống hợp pháp thì Ukraine cần tổ chức bầu cử; điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các bên đang nói đến khả năng khởi động đàm phán hòa bình cho Ukraine.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine lẽ ra diễn ra vào ngày 31/3 và nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền của ông Zelensky kết thúc vào ngày 20/5. Tuy nhiên, Ukraine đã không tiến hành bầu cử do tình trạng thiết quân luật. (TASS)
*Rơi máy bay tại Kazakhstan, 38 người thiệt mạng: Ngày 25/12, giới chức Azerbaijan xác nhận 38 người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Embraer 190 của hàng không nước này tại Kazakhstan. Trong khi đó, 29 người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Azerbaijan Kanat Bozumbayev công bố số người thiệt mạng trên trong một cuộc họp với phái đoàn điều tra của nước này tại Aktau. Trước đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết theo thông tin ban đầu được báo cáo, máy bay đã thay đổi hướng do thời tiết xấu, nhưng nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định chính xác và phải được điều tra đầy đủ.
Azerbaijan đã tuyên bố quốc tang vào ngày 26/12. Nhiều nước đã bày tỏ sự đoàn kết và gửi lời chia buồn tới chính phủ và nhân dân Azerbaijan về vụ tai nạn. (Interfax)
*Ngoại trưởng Nga nói về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 26/12 tuyên bố việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Ukraine là con đường không đi đến đâu và Moscow sẽ không hài lòng với các cuộc đàm phán vô ích về giải quyết xung đột.
Phát biểu trước giới truyền thông cả trong nước và quốc tế, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh "không một ai có thể thực sự che giấu sự thật rằng ngừng bắn là cần thiết để có thêm thời gian bơm vũ khí cho Kiev".
Theo ông Lavrov, Nga sẵn sàng tổ chức các cuộc tham vấn với chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về Ukraine và hi vọng Nhà Trắng sẽ nghiên cứu những nguyên nhân sâu xa của xung đột. (TASS)
*Nga phá vỡ nhiều âm mưu ám sát nhằm vào sĩ quan cấp cao: Ngày 26/12, Hãng thông tấn TASS dẫn lời Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã ngăn chặn được một số âm mưu ám sát của các cơ quan tình báo Ukraine nhằm vào các sĩ quan cấp cao Nga và gia đình của họ tại Moscow.
Thông báo có đoạn: "FSB đã ngăn chặn một loạt các nỗ lực ám sát nhằm vào các nhân viên quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng. 4 công dân Nga tham gia vào việc chuẩn bị các cuộc tấn công này đã bị bắt giữ".
Trước đó, Trung tướng Igor Kirillov, Tư lệnh Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học (RCHBZ) cùng trợ lý của ông, đã thiệt mạng trong một vụ nổ xảy ra sáng 17/12 ở Đông Nam Moscow. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza tiếp tục bế tắc: Các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza do Ai Cập và Qatar tổ chức đang rơi vào tình trạng bế tắc, làm dấy lên lo ngại về khả năng không đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại vùng đất này. Theo thông tin từ báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ tại Cairo và Doha do không thể thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Hamas về các vấn đề then chốt.
Trong tuyên bố hôm 25/12, Hamas cho biết Israel đã đưa ra các điều kiện mới liên quan đến việc rút quân và ngừng bắn, gây khó khăn cho việc đạt được thỏa thuận. Hamas đã từ chối cung cấp danh sách đầy đủ các con tin còn sống và yêu cầu Israel thả tự do cho tất cả 200 tù nhân Palestine. Israel đã từ chối 70 cái tên trong danh sách tù nhân mà Hamas đề xuất, yêu cầu các tù nhân được thả phải sống lưu vong ở nước ngoài. (Al Jazeera)
*Nga muốn đối thoại với chính quyền Syria mới: Ngày 26/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow quan tâm đến việc đối thoại với chính quyền mới của Syria về các vấn đề khu vực.
Ông Lavrov khẳng định Nga vẫn duy trì liên lạc với chính quyền mới Syria thông qua phái bộ ngoại giao, và hiện tại, trước hết đang thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho công dân Nga và hoạt động an toàn của Đại sứ quán Nga tại Syria.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga kỳ vọng việc nối lại hợp tác kinh tế với chính quyền mới Syria. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tuyên bố tất cả các nhóm chính trị và sắc tộc-tôn giáo cần tham gia bầu cử ở Syria, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng hỗ trợ tiến trình chính trị. (Sputniknews)
*Israel tuyên bố gây thiệt hại nặng cho Hezbollah: Ngày 25/12, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết khoảng 3.800 chiến binh Hezbollah đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Lebanon, bao gồm 2762 người thiệt mạng trong cuộc tấn công trên bộ của Israel vào cuối tháng 9.
Ngoài ra, ít nhất 44 chiến binh Hezbollah đã bị IDF tiêu diệt kể từ khi lệnh ngừng bắn tại Lebanon có hiệu lực vào cuối tháng 11. Phần lớn các chỉ huy cấp cao của Hezbollah trong đó có thủ lĩnh Hassan Nasrallah cũng đã thiệt mạng. IDF đã phá hủy khoảng 70% vũ khí chiến lược của Hezbollah, bao gồm tên lửa tầm xa, tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm; và khoảng 75% bệ phóng tên lửa tầm ngắn.
Theo đánh giá của IDF, Hezbollah hiện đang không thể thực hiện bất kỳ cuộc tấn công lớn nào vào Israel. (Al Jazeera)
*14 quan chức chính phủ lâm thời Syria thiệt mạng do bị phục kích: Một vụ phục kích đẫm máu vừa xảy ra tại tỉnh Tartus, miền Tây Bắc Syria, khiến 14 quan chức thuộc Bộ Nội vụ lâm thời thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Thông tin được Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Syria Mohammed Abdul Rahman xác nhận trong ngày 25/12.
Vụ tấn công này được mô tả là một "cuộc phục kích phản trắc", cho thấy tình hình an ninh tại Syria vẫn còn nhiều bất ổn, ngay cả tại những khu vực được cho là tương đối ổn định như tỉnh Tartus. (THX)
*Bạo loạn nhà tù ở Mozambique khiến 33 người thiệt mạng: Tư lệnh cảnh sát Mozambique - ông Bernardino Rafael - ngày 25/12 thông báo một vụ bạo loạn trong nhà tù ở thủ đô Maputo đã khiến 33 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Theo ông Rafael, khoảng 1.534 tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù trong vụ việc trên, nhưng 150 người trong số này hiện đã bị bắt lại.
Trước đó, ngày 24/12, Bộ trưởng Nội vụ Mozambique Pascoal Ronda cho biết ít nhất 21 người đã thiệt mạng do tình trạng bất ổn sau khi Tòa án Tối cao của quốc gia Đông Phi hôm 23/12 xác nhận chiến thắng của ông Daniel Chapo - ứng cử viên Tổng thống của đảng Frelimo - trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10 vừa qua. (Reuters)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Ngoại trưởng Mỹ lên kế hoạch công du Đông Bắc Á: Một nguồn thạo tin ngoại giao ngày 25/12 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thăm Hàn Quốc trong tháng 1/2025, trước thềm chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ.
Thời gian cụ thể hiện vẫn đang được điều chỉnh nhưng chuyến thăm có thể diễn ra từ đầu đến giữa tháng 1 trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1. Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken dự kiến cũng đến thăm Nhật Bản trong chuyến công du này, nên cần sắp xếp lịch trình chi tiết.
Trước đó, hồi đầu tháng 12 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hủy chuyến thăm Seoul và chỉ đến Tokyo trong chuyến công du Đông Bắc Á do vụ thiết quân luật. (KBS)
*Tổng thống Mỹ chỉ thị Lầu Năm Góc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine: Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Lầu Năm Góc tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Theo ước tính mới nhất từ Lầu Năm Góc, kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức, Washington cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine tổng cộng 63,5 tỷ USD, trong đó 62,9 tỷ USD được cấp kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine sẽ không thay đổi tình hình chiến trường mà chỉ kéo dài xung đột. (TASS)