Tin thế giới 27/2: Loạt nước NATO nói 'không' về ý tưởng điều quân đến Ukraine, Thụy Điển đón ngày vui, Hàn Quốc ra 'tối hậu thư'

Có hay không việc NATO sẽ điều binh đến Ukraine và phản ứng của Nga? Hungary phê chuẩn đơn xin vào NATO của Thụy Điển, khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc, diễn biến tích cực ở Dải Gaza... là một số sự kiện quôc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Các lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Điện Elysee, Paris, Pháp ngày 26/2 bàn về vấn đề Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Các lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Điện Elysee, Paris, Pháp ngày 26/2 bàn về vấn đề Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Pháp úp mở vấn đề điều binh đến Ukraine, NATO nói 'không': Ngày 27/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các nhà lãnh đạo phương Tây đã thảo luận về khả năng đưa quân tới Ukraine và dù không có thỏa thuận nào về vấn đề này, song “không thể loại trừ bất cứ điều gì trong diễn biến tình hình”.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho biết, một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc gửi binh sĩ tới Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận song phương.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày tuyên bố: “Các đồng minh đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine... nhưng không có kế hoạch bố trí lực lượng của NATO ở Ukraine”.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng cho biết đã "nghe và thấy tin tức" này ở một cuộc họp tai Pháp, song "lập trường của Budapest rất rõ ràng và kiên định: Chúng tôi không sẵn sàng đưa vũ khí hoặc quân đội tới Ukraine”.

Theo Thủ tướng Czech Petr Fiala và người đồng cấp Ba Lan Donald Tusk, hai nước này không xem xét việc đưa quân tới Ukraine. Reuters)

* Nguy cơ xung đột trực tiếp nếu NATO đưa quân đến Ukraine, theo cảnh báo của Điện Kremlin ngày 27/2, sau tuyên bố của ông Macron.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Việc thảo luận về khả năng đưa một số binh sĩ từ các nước NATO tới Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng”.

Khi được hỏi về những rủi ro trong một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO nếu xảy ra việc điều quân, ông Peskov trả lời: "Trong trường hợp đó, chúng ta không cần nói về khả năng xảy ra mà nói về việc không thể tránh khỏi (một cuộc xung đột trực tiếp)”. (Reuters)

* Nga chặn đứng âm mưu tấn công khủng bố ở Zaporizhzhia, sử dụng chất tương tự của tác nhân chiến tranh hóa học BZ theo phân loại của NATO và bắt giữ ba công dân Ukraine bị bắt giữ. (Reuters)

* Ukraine cảnh báo "số phận" của hành lang ngũ cốc Biển Đen: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, không có khoản viện trợ quân sự mới của Mỹ, Kiev sẽ không thể bảo vệ hành lang ngũ cốc Biển Đen, vốn giúp quốc gia Đông Âu xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Zelensky, nếu Quốc hội Mỹ không phê duyệt khoản viện trợ an ninh mới trị giá 60 tỷ USD thì hành lang vận chuyển này "sẽ bị đóng... vì để bảo vệ nó, cần phải có đạn dược, một số hệ thống phòng không và hệ thống khác". (Reuters)

Châu Âu

* Thụy Điển gia nhập NATO: Ngày 26/2, Quốc hội Hungary phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển sau nhiều tháng trì hoãn với 188 phiếu thuận, 6 phiếu chống. Quyết định cần Tổng thống Hungary ký thông qua, dự kiến diễn ra trong vài ngày tới.

Trước động thái này, Thụy Điển và các nước trong liên minh quân sự hoan nghênh, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, điều này là "tín hiệu rõ ràng" gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, cánh cửa của tổ chức này đang rộng mở.

Trên mạng xã hội X, ông Stoltenberg cho hay, việc Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của liên minh "sẽ làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ và an toàn hơn”. (AFP)

* Quốc hội Hungary bầu ông Tamas Sulyok làm Tổng thống thay thế người tiền nhiệm Katalin Novak từ chức hồi đầu tháng này do vụ bê bối ân xá cho một người đàn ông bị kết tội lạm dụng trẻ em.

Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Tamas Sulyok, ứng cử viên duy nhất cho vị trí Tổng thống, đã nhận được 134 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu kín tại quốc hội vào chiều ngày 26/2. Trong cuộc bỏ phiếu này, 147 nghị sĩ đã bỏ phiếu, trong đó 139 phiếu hợp lệ, 5 phiếu chống và 7 phiếu không hợp lệ.

Ông Sulyok sẽ nhậm chức vào ngày 5/3 và trở thành Tổng thống thứ 7 của Hungary kể từ khi thay đổi chế độ. (Reuters)

* Chính phủ Italy phê chuẩn việc tham gia sứ mệnh ở Biển Đỏ: Ngày 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho biết chính phủ nước này đã phê chuẩn việc tham gia hai chiến dịch quốc tế mới ở vùng Trung Đông.

Chiến dịch đầu tiên là Aspides (tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'lá chắn'), do EU triển khai nhằm bảo vệ hoạt động vận tải trên Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi gây ra.

Chiến dịch thứ 2 là Levante, nhằm giúp đỡ người dân Palestine trong cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. (ANSA)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Bắt đầu cuộc tập trận đa quốc gia Cobra Gold ở Thái Lan: Ngày 27/2, một trong các cuộc tập trận quân sự đa quốc gia lớn nhất và kéo dài nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu ở vùng duyên hải miền Đông Thái Lan, với tổng số 9.590 người đến từ 30 quốc gia tham dự, kéo dài đến ngày 8/3.

Mục đích của cuộc tập trận là tăng cường khả năng tương tác, củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia tham gia, cũng như xử lý các mối đe dọa an ninh mạng và thảm họa quốc gia.

Cuộc tập trận do Thái Lan và Mỹ đồng chủ trì, với sự tham gia đầy đủ của Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Australia chỉ tham gia với số lượng hạn chế. (Kyodo)

* Khủng hoảng y tế Hàn Quốc: Ngày 27/2, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong tuyên bố, các bác sĩ thực tập sẽ phải đối mặt với các hình phạt pháp lý, trong đó có cả việc đình chỉ giấy phép hành nghề, nếu họ không quay trở lại làm việc trước thời hạn chót ngày 29/2.

Tính đến tối 26/2, có 8.939 bác sĩ thực tập, chiếm 72,7% tổng số, đã nghỉ việc, trong khi số bác sĩ thực tập nộp đơn xin nghỉ việc lên tới 9.909 người nhằm phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bác bỏ những lời kêu gọi chính phủ cần đạt được thỏa thuận với các bác sĩ đình công, đồng thời nhấn mạnh, kế hoạch cải cách y tế “không thể là chủ đề của đàm phán hay thỏa hiệp”. (Yonhap)

* Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc ở quốc đảo Thái Bình Dương: Hồi tuần trước, cảnh sát Kiribati cho biết, các sĩ quan Trung Quốc mặc đồng phục đang làm việc với cảnh sát quốc đảo Thái Bình Dương trong việc kiểm soát cộng đồng và một chương trình cơ sở dữ liệu tội phạm.

Khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đáp: “Chúng tôi không tin rằng việc nhập khẩu lực lượng an ninh từ Trung Quốc sẽ giúp ích cho bất kỳ quốc đảo Thái Bình Dương nào. Thay vào đó, làm như vậy có nguy cơ gây thêm căng thẳng khu vực và quốc tế”.

Mỹ cũng quan ngại về những tác động tiềm tàng mà các thỏa thuận an ninh và hợp tác mạng liên quan an ninh với Trung Quốc có thể gây ra đối với bất kỳ quốc đảo Thái Bình Dương nào. (Reuters)

* Thủ tướng Campuchia Hun Manet lần đầu thăm Malaysia vào ngày 27/2. Tại cuộc họp báo chung với ông Manet, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, hai nước nhất trí thành lập Ủy ban Thương mại chung (JTC) trong năm nay để tìm hiểu tiềm năng hợp tác về thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.

Trước đó, ông Anwar và ông Hun Manet đã chứng kiến việc trao đổi bản ghi nhớ về hợp tác đổi mới tài chính và hệ thống thanh toán giữa Ngân hàng trung ương Malaysia và Ngân hàng quốc gia Campuchia. (TTXVN)

Trung Đông-châu Phi

* Israel tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 27/2, sau 2 lần bị trì hoãn do xung đột bùng phát tại Dải Gaza từ tháng 10/2023.

Hơn 7 triệu người đủ điều kiện tham gia các cuộc bầu cử được tổ chức trên hầu hết lãnh thổ Israel, tại các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây bị chiếm đóng, Jerusalem và một phần của Cao nguyên Golan.

Dự kiến kết quả bầu cử sơ bộ sẽ có vào cuối ngày 27/2 và nếu kết quả chưa ngã ngũ, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ tiếp tục được tổ chức vào ngày 10/3 tới. (Times of Israel)

* Triển vọng về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza: Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Israel đã nhất trí ngừng các hoạt động quân sự tại Dải Gaza trong tháng Ramadan của người Hồi giáo theo dự thảo đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn đang được đàm phán. Tháng Ramadan năm nay dự kiến bắt đầu từ tối 10/3 đến tối 9/4.

Ông cho biết thêm, Israel cam kết tạo điều kiện cho người Palestine sơ tán khỏi thành phố Rafah ở phía Nam Gaza trước khi tăng cường chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng Hamas tại đây.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, về nguyên tắc đã có một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên trong khi các con tin được thả. Ông hy vọng sẽ có lệnh ngừng bắn chính thức vào đầu tuần tới.

Trong khi đó, nguồn thạo tin cấp cao về các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra tại Paris (Pháp) cho biết, phong trào Hồi giáo Hamas đã nhận được dự thảo đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có việc ngừng tất cả các hoạt động quân sự trong 40 ngày và trao đổi 400 tù nhân Palestine lấy 40 con tin Israel.

Theo dự thảo đề xuất, các bệnh viện và cửa hàng bánh mì ở Gaza sẽ được sửa chữa, 500 xe tải chở hàng viện trợ sẽ đi vào khu vực này mỗi ngày, hàng nghìn lều trại và xe lữ hành sẽ di chuyển đến đây để làm nơi ở cho những người phải di dời. (Reuters)

* Hezbollah tấn công căn cứ trinh sát trên không của Israel bằng rocket để đáp trả cuộc tấn công sâu nhất của quân đội Israel vào thung lũng Bekaa, Lebanon hôm 26/2, khiến ít nhất 2 thành viên Hezbollah thiệt mạng.

Cuộc tấn công của Hezbollah nhằm vào một đồn quân sự của Israel ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. (Reuters)

Châu Mỹ

* Tổng thống Mỹ Joe Biden gia tăng sức ép với phe Cộng hòa về viện trợ Ukraine: Ngày 27/2, ông Biden sẽ triệu tập 4 nhà lãnh đạo Quốc hội tới họp tại Nhà Trắng nhằm thúc đẩy việc thông qua gói viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp cho Ukraine và Israel cũng như ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.

Bốn lãnh đạo của Quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, Lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries và Lãnh đạo khối thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang đứng trước áp lực phải thông qua dự luật an ninh quốc gia trị giá 95 tỷ USD nhằm tăng cường viện trợ cho Ukraine, Israel cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Reuters)

* Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev thăm Cuba ngày 26/2. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã tiếp ông Patrushev và thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh, kinh tế cũng như văn hóa.

Hai bên nhấn mạnh, Nga và Cuba là những đồng minh đáng tin cậy, tích cực thúc đẩy quan hệ nhiều mặt và theo đuổi chính sách nhất quán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Cùng ngày, nguyên Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp ông Patrushev, thảo luận các vấn đề hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh.

Thư ký Hội đồng an ninh Nga nhấn mạnh Moscow luôn duy trì cam kết đối với tinh thần đối tác chiến lược giữa hai nước. (Reuters)

* Nối lại đàm phán hòa bình giữa chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) sau một loạt cuộc tiếp xúc diễn ra tại Havana, Cuba, từ ngày 24-26/2.

Theo tuyên bố đưa ra ngày 27/2, chính phủ Colombia và ELN nhất trí tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận đã đạt được và sẽ tiến hành đánh giá nỗ lực và cam kết của các bên trong vòng đàm phán thứ bảy dự kiến sẽ diễn ra tại Venezuela từ ngày 8-22/4. (Reuters)

* Libya đàm phán gia nhập WTO: Ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và thương mại Libya Muhammad Al Hawaij cho biết, nước này đang đàm phán với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để tiến từ tư cách quan sát viên lên thành viên chính thức. (WAM)

* Tổng thống Senegal Macky Sall tuyên bố ân xá chung cho các cuộc biểu tình chính trị kể từ năm 2021, một động thái nằm trong các cuộc đàm phán nhằm ấn định thời điểm mới cho các cuộc bầu cử tổng thống.

Tổng thống Sall cũng khẳng định mong muốn tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 7, mặc dù phong trào kêu gọi bỏ phiếu trước ngày 2/4, khi nhiệm kỳ của ông hết hạn, đang lan rộng. (TTXVN)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-272-loat-nuoc-nato-noi-khong-ve-y-tuong-dieu-quan-den-ukraine-thuy-dien-don-ngay-vui-han-quoc-ra-toi-hau-thu-262276.html