Tin thế giới 28/2: Nga nói bắn hạ UAV Ukraine, Mỹ hoài nghi về Trung Quốc
NATO nêu viễn cảnh Kiev gia nhập, Ukraine bác cáo buộc về Trung Quốc, Czech muốn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Moscow: UAV Ukraine thất bại khi tấn công vào lãnh thổ Nga: Ngày 28/2, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Đêm qua, chính quyền Kiev đã mưu đồ sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự ở Krasnodar và Adygea”. Theo tuyên bố, hệ thống chống UAV của Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công, khiến các thiết bị này đi chệch hướng và không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Cả hai UAV đều mất kiểm soát, một chiếc rơi xuống ruộng, chiếc còn lại không gây hại cho mục tiêu đã định.
Trước đó, truyền thông Nga đưa tin về đám cháy tại một kho chứa dầu ở Krasnodar, cách Crimea 240 km về phía Đông Nam, sau khi một UAV được phát hiện bay trên bầu trời nơi đây. Hiện chưa có phản hồi chính thức từ phía Ukraine. (Reuters)
* Nga quyết tâm bảo vệ các khu vực mới được sáp nhập của Ukraine: Ngày 28/2, trả lời họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định Nga sẽ không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với 4 vùng mà Moscow tuyên bố sáp nhập hồi năm ngoái sau các cuộc trưng cầu dân ý. Theo ông, các mục tiêu trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là ưu tiên hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho biết kết cục cuộc xung đột cũng có thể được quyết định trên bàn đàm phán. (Reuters/Sputnik)
* Nga cảnh giác trước nỗ lực khiêu khích bằng vũ khí hóa học: Ngày 28/2, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ bức xạ, vũ khí hóa học và sinh học (RCBZ) của Lực lượng Vũ trang Nga, Trung tướng Igor Kirillov tuyên bố phương Tây đã nhầm khi hy vọng có thể khiêu khích bằng chất độc hóa học trong xung đột tại Ukraine. Quan chức này khẳng định: “Khả năng phân tích của các phòng thí nghiệm hóa học có sẵn trong Bộ Quốc phòng Nga giúp xác định một cách chính xác không chỉ loại hóa chất được sử dụng mà còn cả quốc gia xuất xứ”.
Ông cũng lưu ý các hệ thống giám sát tình hình nhiễm xạ - sinh hóa cố định và di động của Nga được triển khai trong khu vực hoạt động đặc biệt giúp phát hiện kịp thời các mối đe dọa hóa học và phản ứng kịp thời với chúng. Theo Tướng Kirillov, một khi phương Tây cố gắng khiêu khích với chất độc hóa học ở Ukraine, thủ phạm thực sự sẽ được Bộ Quốc phòng Nga xác định và trừng phạt.
Quan chức này cho rằng phát biểu của cựu Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan về kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học của Nga cho thấy ý đồ của Mỹ và đồng minh có thể dàn dựng vụ khiêu khích sử dụng chất độc hóa học ở Ukraine. (Sputnik/TASS)
* Ukraine: Trung Quốc “không có dấu hiệu” sẽ cung cấp vũ khí cho Nga: Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 28/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine Kyrylo Budanov đã bác bỏ thông tin về việc Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga. Ông nói: “Tôi không đồng ý với quan điểm này. Hiện tại, tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đồng ý chuyển vũ khí cho Nga. Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những điều như vậy được thảo luận”.
Ngày 26/2, các quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng họ “tin” Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí sát thương cho Nga và Washington đang triển khai chiến dịch gây sức ép ngoại giao để ngăn cản Bắc Kinh. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ quan ngại về khả năng vận chuyển vũ khí trong cuộc họp với nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich. (Reuters)
* Mỹ hoài nghi sự nghiêm túc của Trung Quốc về vấn đề Ukraine: Phát biểu ngày 27/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Nguyên nhân là việc Trung Quốc đang hợp tác với Nga, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao... trong khi không có sự tương tác cân xứng với Ukraine. Điều này cho thấy rằng có thể đó (kế hoạch hòa bình của Trung Quốc) không phải là một đề xuất nghiêm túc”.
Ông cũng kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng với Nga để nước này thực hiện nguyên tắc đầu tiên của kế hoạch hòa bình là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc khi cho rằng nó chỉ có lợi cho Nga, đồng thời cho rằng việc Trung Quốc sẽ thay Ukraine đàm phán để chấm dứt xung đột là “phi lý”. (Sputnik)
Nga-Mỹ
* Nga nêu điều kiện khôi phục New START: Trả lời báo giới ngày 27/2, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhấn mạnh: “Để tạo điều kiện khôi phục hoàn toàn New START, Washington phải xem xét lại chính sách thù địch chống Nga. Đến nay, chúng tôi thấy điều hoàn toàn ngược lại: Mỹ chưa sẵn sàng, ngay cả với những cử chỉ tích cực mang tính biểu tượng”. Ông cũng chỉ trích các quan chức Mỹ trong nhiều năm đã hành động trái với các điều khoản chính của New START. (Sputnik/TASS)
Nga-Trung
* Nga-Trung nhất trí đảm bảo an ninh tại châu Á: Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này và Nga đã tiến hành vòng tham vấn mới về tình hình châu Á, trong đó nhất trí cùng nhau đảm bảo an ninh và sự phát triển tại khu vực. Thông báo nêu rõ: “Các bên đã trao đổi quan điểm về tình hình ở khu vực châu Á, hợp tác khu vực và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên nhất trí trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc và Nga cần tăng cường hợp tác ở châu Á, cùng nhau đảm bảo an ninh và phát triển trong khu vực”.
Trước đó, vòng tham vấn song phương đã được tổ chức trong ngày 27/2 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, với sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kính Tùng và Vụ trưởng Vụ hợp tác châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Ovchinnikov. (Sputnik)
Đông Nam Á
* Indonesia kêu gọi hành động cụ thể thúc đẩy giải giáp hạt nhân: Ngày 27/2, phát biểu tại Hội nghị giải trừ vũ khí ở Geneva, Thụy Sỹ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Nếu không có hành động cụ thể mang tính quyết định, thảm họa hạt nhân chỉ là vấn đề thời gian. Rủi ro này ngày càng lớn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng”. Theo bà Marsudi, nỗ lực giải trừ hạt nhân đã bị đình trệ trong hơn một phần tư thế kỷ qua do không có ý chí chính trị, tình hình an ninh toàn cầu phức tạp và tàn dư tâm lý Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Indonesia cho rằng các nước cần thực hiện 3 điều.
Trước hết là khôi phục ý chí chính trị, với trọng tâm chính sẽ là đảm bảo an ninh thụ động (NSA) ràng buộc về mặt pháp lý. Theo đó, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước phi hạt nhân. Điều này sẽ khuyến khích các nước tuân thủ nghĩa vụ theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và tăng cường lòng tin giữa các quốc gia.
Thứ hai, đó là củng cố cấu trúc giải giáp hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiện Indonesia đang trong quá trình phê chuẩn NPT và hy vọng các nước khác cũng sẽ sớm phê chuẩn hiệp ước này. Cuối cùng, đó là thúc đẩy các khu vực phi vũ khí hạt nhân, yếu tố quan trọng trong nỗ lực giải trừ hạt nhân toàn cầu.
Theo bà Marsudi, Indonesia, với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2023, sẽ tiếp tục thúc đẩy Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). (TTXVN)
Nam Á
* Czech muốn tăng cường quan hệ với Ấn Độ: Ngày 28/2, trả lời phỏng vấn kênh WION (Ấn Độ) trong lúc đang công du New Delhi, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky đã nói về quan hệ Czech-Ấn Độ, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh: “Mục đích chuyến thăm Ấn Độ của tôi là để chứng tỏ rằng Czech sẵn sàng hợp tác và chúng tôi có rất nhiều điều để cung cấp. Chúng tôi có một trường đại học tuyệt vời, chúng tôi có những công ty tuyệt vời. Chúng tôi muốn xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi về nghiên cứu và đổi mới. Chúng tôi có ngành công nghiệp ô tô rất mạnh”.
Nhà ngoại giao này cũng đề cập đến khả năng hợp tác về công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ. Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky nói: “Chúng tôi có một ngành công nghiệp quốc phòng rất tốt và chúng tôi sẵn sàng cho Ấn Độ thấy điều đó. Một số dự án đã được triển khai và chúng tôi muốn làm sâu sắc thêm hợp tác”.
Về Trung Quốc, Ngoại trưởng Czech coi đây là cường quốc kinh tế và đang trở thành một cường quốc quân sự. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Ấn Độ hiểu điều đó rất, rất rõ. Tôi nghĩ châu Âu cũng hiểu điều đó. Chắc chắn Mỹ hiểu rất rõ điều đó. Chúng ta phải có khả năng làm việc cùng nhau và nói chuyện với Trung Quốc theo cách mà chúng ta có thể ngăn chặn mọi nguy cơ xung đột trong tương lai”. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Đặc nhiệm Hàn-Mỹ tập trận chung: Ngày 28/2, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) thông báo, lực lượng đặc nhiệm của nước này và Mỹ đang tập trận phối hợp. Cụ thể, trong tháng này, tập trận Teak Knife đã bắt đầu tại trại Humphreys của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cùng Căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 65 km về phía Nam. Hoạt động quân sự này dự kiến sẽ kéo dài cho đến đầu tháng tới.
Mục tiêu của cuộc tập trận là huấn luyện các lực lượng tác chiến đặc biệt thâm nhập lãnh thổ của đối phương, giải cứu con tin, ứng phó với khủng hoảng nhân đạo và các hoạt động khác, với sự hỗ trợ từ trên không. Đáng chú ý, một máy bay AC-130J của Mỹ, chuyên hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đặc nhiệm, được cho cũng tham gia sự kiện này.
Trong quá khứ, từ những năm 1990, Mỹ và Hàn Quốc đã thường xuyên triển khai tập trận Teak Knife, chủ yếu theo hình thức bí mật. Tháng 9/2022, Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt của USFK tại Hàn Quốc từng tiết lộ họ đã tổ chức cuộc tập trận này trong bối cảnh Triều Tiên phóng thử nhiều tên lửa vào thời điểm đó. (Yonhap)
Trung Á
* Azerbaijan kêu gọi Armenia trở lại bàn đàm phán: Phát biểu sau hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ngày 27/2, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã chỉ trích hoạt động ngoại giao trực tuyến về hiệp ước hòa bình với Armenia không hiệu quả và giục Yerevan quay lại đàm phán.
Ông nói: “Quan điểm của tôi về ngoại giao trực tuyến là hiện chúng ta không có điều kiện gặp mặt trực tiếp. Song để không giết chết hoàn toàn tiến trình này, phía Armenia không nên từ chối nhận và phản hồi ý kiến qua hình thức ngoại giao trực tuyến... Liệu chúng ta có nên xem đây như phương thức liên lạc hiệu quả nhất để thảo luận về dự thảo hiệp ước hòa bình không? Tôi không cho là như vậy”.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Azerbaijan nhấn mạnh sẽ là sai lầm khi cho rằng đàm phán không có tiến triển nào trong sáu tháng qua. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng nếu gặp ít những vấn đề bất ngờ gây khó chịu hơn, hai bên đã có thể đạt kết quả tốt hơn. Ngoại trưởng Jeyhun Bayramov khẳng định Armenia cuối cùng sẽ hiểu ra sự bất cập của cách tiếp cận như vậy với tình hình hiện nay và quay trở lại bàn đàm phán. Ông nhấn mạnh: “Phía Azerbaijan sẵn sàng cho điều đó”. (TASS)
Châu Âu
* Không quân Nga diễn tập gần St. Petersburg: Ngày 28/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các máy bay chiến đấu của nước này đã tham gia huấn luyện ở không phận phía Tây nước này, vài giờ sau khi nhà chức trách Nga đóng cửa không phận ở thành phố St. Petersburg do có thông tin về vật thể không xác định.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng cho hay nước này thực hiện diễn tập huấn luyện, cùng với các cơ quan hàng không dân dụng. (Reuters)
* Quan chức Nga: Thế giới đang trên đà tiến tới đa cực: Ngày 28/2, trả lời phỏng vấn tờ Izvestia (Nga), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Toàn thế giới rõ ràng đang tiến tới đa cực, hướng tới một hệ thống quan hệ không có bất kỳ tầng lớp nào gồm các ‘quốc gia văn minh’ và toàn bộ phần còn lại”. Ông lưu ý thêm thế giới hiện đang trong giai đoạn đầu trải qua một con đường “dài và đau đớn” để đạt được mục tiêu đó. Quan chức này nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia coi Nga là nước khởi xướng quá trình này... Khá nhiều quốc gia chia sẻ lập trường này với chúng tôi. Chúng tôi đã sát cánh cùng cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đối với Nga là xây dựng một hệ thống quan hệ như vậy”.
Đồng thời, ông Peskov nhận định Liên hợp quốc đang “bị phá hoại bởi các quốc gia như Mỹ và châu Âu”, những nước đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga hơn so với phần còn lại của thế giới và vi phạm luật pháp quốc tế. Về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), người phát ngôn điện Kremlin nhận định: “Các nước này đang vận hành hiệu quả một mặt trận thống nhất không phải như kẻ thù của chúng tôi, mà là đối thủ. Tình báo của họ đã hoạt động chống lại chúng tôi suốt ngày đêm, trong khi vũ khí của họ, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói, được cung cấp miễn phí cho Ukraine để bắn phá quân đội của chúng tôi”. (TASS)
* NATO nêu viễn cảnh Ukraine sẽ là thành viên: Ngày 28/2, phát biểu với báo giới trong khuôn khổ chuyến thăm tới Phần Lan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Các đồng minh NATO nhất trí Ukraine sẽ trở thành một thành viên trong liên minh của chúng tôi, nhưng đó là một viễn cảnh dài hạn". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vấn đề trước mắt là Ukraine vẫn là một quốc gia độc lập giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn đang tiếp diễn. (AFP)
* 11 nước EU cam kết “tăng cường hợp tác” về năng lượng hạt nhân: Ngày 28/2, theo tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), các nước gồm Bulgaria, Croatia, CH Czech, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia nhất trí “ủng hộ các dự án mới” bên cạnh các nhà máy hạt nhân hiện có. Họ cho rằng sẽ giúp châu Âu dần từ bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải ra carbon. (AFP)
Trung Đông-Châu Phi
* Khoảng 40.000 người Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đã hồi hương sau động đất: Ngày 28/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy tại Syria cho biết khoảng 40.000 người di tản khỏi khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 đã trở về khu vực Tây Bắc Syria do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Ông Mazen Alloush, quan chức truyền thông tại cửa khẩu Bab Al-Hawa do lực lượng nổi dậy ở Syria kiểm soát, cho biết đã ghi nhận người Syria về nước qua 4 cửa khẩu biên giới. Tính đến ngày 27/2, khoảng 13.500 người đã đi qua cửa khẩu Bab Al-Hawa, gần 10.000 người qua cửa khẩu Jarabulus, trong khi 2 cửa khẩu Bab Al-Salam và Tal Abiad đều ghi nhận 7.000 người. Quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận số người Syria về nước hiện lên đến 40.000 người.
Ước tính Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria. Tháng 4/2022, ngay trước lễ Eid al Fitr, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt hạn chế cấm các chuyến đi khứ hồi với người Syria ở nước này, trong nỗ lực thúc đẩy hồi hương một chiều. Tuy nhiên, sau trận động đất, họ được trở về vùng Tây Bắc Syria mà không mất cơ hội quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người đã trở về để tìm người thân sau trận động đất làm khoảng 6.000 người ở Syria thiệt mạng, phần lớn ở khu vực Tây Bắc. Một số người khác tạm thời về sống cùng người thân sau khi nhà cửa và cơ sở kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy trong trận động đất. Tuy nhiên nhiều người cho biết họ sẽ quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ sau vài tháng nữa. (TTXVN)