Tin thế giới 28/3: Mỹ rút quân khỏi Niger, Nga gia tăng tấn công Ukraine, Australia hủy vụ kiện Trung Quốc

Iran bị trừng phạt vì cấp tên lửa cho Nga, Philippines tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc, Cố vấn Tổng thống Ukraine cảnh báo lực lượng bị 'đình trệ', bộ ba 'ông lớn' tập trận ở vịnh Oman…là một số tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.

Trung Quốc, Nga và Iran từng tập trận chung trên Vịnh Oman hồi tháng 3/2023. (Nguồn: Reuters)

Trung Quốc, Nga và Iran từng tập trận chung trên Vịnh Oman hồi tháng 3/2023. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Nga-Ukraine

*Kiev thắt chặt an ninh sau các vụ tấn công bằng ồ ạt tên lửa đạn đạo của Nga: Giới chức Kiev ngày 28/3 cho biết các biện pháp an ninh tại thủ đô của Ukraine sẽ được siết chặt sau khi Nga đột ngột gia tăng các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo có tốc độ nhanh hơn tên lửa hành trình thông thường và leo thang các mối đe dọa. Ông kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, không hoảng sợ, đồng thời khẳng định chính quyền thành phố đang sử dụng các biện pháp phòng ngừa và người dân "đang được bảo vệ một cách đáng tin cậy".

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục hối thúc các đồng minh phương Tây cung cấp thêm các hệ thống phòng không và đạn dược để ngăn chặn các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Moscow. (AFP)

*Cố vấn Tổng thống cảnh báo lực lượng Ukraine "đình trệ": Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak cảnh báo lực lượng Ukraine đang ở trạng thái "đình trệ" trên chiến trường vì phương Tây không cung cấp cho Kiev đủ thiết bị quân sự để đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào.

Ông Podoliak phàn nàn rằng Ukraine không có đủ nguồn lực để thực hiện các hành động tấn công hiệu quả nhằm làm suy yếu Nga. Trong khi đó, cựu tướng hàng đầu của Ukraine Valery Zaluzhny mô tả tình hình là bế tắc bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, sau khi chiến dịch phản công mùa hè của Kiev không thể xuyên thủng phòng tuyến của Nga, mặc dù được tăng cường bởi số lượng lớn thiết bị từ phương Tây. (RT)

*Ukraine tuyên bố bắn rơi 26 UAV Nga trong một đêm: Tư lệnh Không quân Ukraine - Trung tướng Mykola O Meatchuk - ngày 28/3 tuyên bố Ukraine đã bắn hạ 26 máy bay không người lái (UAV) chỉ trong 1 đêm khi Nga tiến hành đợt không kích mới nhất.

Gần đây, Nga thường xuyên tiến hành nhiều đợt không kích Ukraine trong đêm và đã gia tăng cường độ tấn công trong vài tuần qua nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy điện. Hôm 27/3, những cuộc không kích của Nga đã khiến 3 người thiệt mạng ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đồng minh của Ukraine tăng tốc chuyển giao máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không để nâng cao năng lực phòng không của Kiev. (AFP)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Australia hủy vụ kiện Trung Quốc lên WTO: Ngày 28/3, Australia xác nhận hủy vụ kiện chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt thuế quan đối với mặt hàng rượu vang đã làm đình trệ hoạt động thương mại trị giá 1 tỷ USD mỗi năm.

Thủ tướng Australia tuyên bố: "Việc nối lại nhập khẩu rượu đóng chai của Australia vào thị trường Trung Quốc sẽ có lợi cho cả nhà sản xuất Australia và người tiêu dùng Trung Quốc”. Theo đó, việc Trung Quốc loại bỏ thuế với rượu vang có nghĩa là Australia hủy các thủ tục tố tụng Trung Quốc tại WTO.

Trước đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ dỡ bỏ thuế trừng phạt đối với rượu vang Australia, khi quan hệ thương mại giữa hai nước được cải thiện sau nhiều năm căng thẳng. (AP)

*Trung Quốc thỏa thuận thay thế tàu ngầm cho Thái Lan: Theo một nguồn tin của Hải quân Thái Lan ngày 28/3, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc cung cấp hai tàu tuần tra hoặc một tàu khu trục thay vì một tàu ngầm cho Hải quân Thái Lan.

Thỏa thuận được thực hiện trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang tới Trung Quốc.

Ban đầu, Hải quân Thái Lan ký thỏa thuận mua tàu ngầm lớp S26T Yuan do Công ty đóng tàu và ngoài khơi quốc tế Trung Quốc (CSOC) thực hiện vào năm 2017. Chiếc tàu ngầm được cho là đã hoàn thiện được 50%, tuy nhiên phía Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành hợp đồng vì không thể trang bị động cơ diesel do Đức sản xuất theo đơn đặt hàng của Thái Lan. (Bangkok Post)

*Philippines tuyên bố sẽ đáp trả nếu Trung Quốc tấn công: Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 28/3 tuyên bố nước này sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa thỏa đáng và hợp lý nhằm đối phó với "các vụ tấn công bất hợp pháp và nguy hiểm" do lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông.

Tình trạng xuống dốc trong quan hệ với Trung Quốc xảy ra vào thời điểm mà Tổng thống Marcos tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 27/3 tái khẳng định cam kết của Washington đối với hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Philippines, đồng thời chỉ trích hành động "nguy hiểm" của Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây. (the Straits Times)

Châu Âu

*EU tính trừng phạt Iran vì cung cấp tên lửa cho Nga: Ngày 28/3, truyền thông châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Iran với cáo buộc Tehran dường như đã cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Trang Politico đưa tin, trước đó ngày 21/3, lãnh đạo các nước EU cam kết sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với Iran nếu nước này cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đã đe dọa tăng cường các hạn chế đối với Belarus và Triều Tiên vì cáo buộc hỗ trợ quân sự cho Moscow.

Ngày 20/7/2023, EU đã áp đặt gói trừng phạt thứ ba đối với Iran vì "cung cấp quân sự cho Nga và Syria". Gói trừng phạt đầu tiên nhằm vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran, trong khi gói trừng phạt thứ hai liên quan tới các cáo buộc vi phạm nhân quyền. (Arab News)

*Ngoại trưởng Latvia từ chức: Kênh truyền hình LSM của Latvia ngày 28/3 đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao nước này Krisjanis Karins cho biết ông sẽ thôi đảm nhiệm chức vụ từ ngày 10/4.

LSM cho biết thêm việc Ngoại trưởng Karins từ chức diễn ra sau khi tổng công tố Latvia quyết định mở một cuộc điều tra hình sự về chi phí đi lại bằng đường hàng không của ông Karins, bao gồm cả việc sử dụng máy bay phản lực tư nhân, trong nhiệm kỳ thủ tướng trước đây của ông. (Reuters)

*Armenia không công nhận chính phủ Nagorno-Karabakh lưu vong: Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 28/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định những tuyên bố về cái gọi là chính phủ lưu vong của nước Cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh đang hoạt động ở Armenia là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Armenia và chính quyền Yerevan không công nhận một cấu trúc như vậy.

Ngày 28/9/2023, cựu Tổng thống Cộng hòa Nagorno-Karabakh Samvel Shahramanyan đã kí sắc lệnh chính thức giải thể quốc gia không được công nhận này từ ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Figaro của Pháp đăng tải ngày 28/3 đã cho rằng chính phủ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh lưu vong vẫn tồn tại và đang ở Yerevan. (Sputniknews)

Trung Đông – Châu Phi

*Trung Quốc-Nga-Iran tập trận ở vịnh Oman: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 28/3 tuyên bố cuộc tập trận hải quân chung do Trung Quốc, Nga và Iran tổ chức ở Vịnh Oman không nhắm vào các nước khác.

Ông Ngô Khiêm nhấn mạnh, cuộc tập trận chung "có ý nghĩa lớn đối với hoạt động hợp tác và trao đổi chặt chẽ hơn giữa hải quân ba nước cũng như đảm bảo an ninh hàng hải chung trong khu vực".

Năm nay, cuộc tập trận chung có sự tham gia của hơn 20 tàu chiến, tàu hỗ trợ và pháo hạm của hải quân Nga, Iran và Trung Quốc. Đại diện hải quân từ Azerbaijan, Ấn Độ, Kazakhstan, Oman, Pakistan và Cộng hòa Nam Phi lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận với tư cách quan sát viên. (TASS)

*Senegal sắp có Tổng thống trẻ nhất lịch sử: Ủy ban bầu cử quốc gia Senegal ngày 27/3 đã công bố kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ngày 24/3, với kết quả ông Bassirou Diomaye Faye là người chiến thắng với 54,28% số phiếu.

Các ứng cử viên tiếp theo là Amadou Ba, người giành được 35,79% số phiếu bầu, xếp ở vị trí thứ hai. Xếp xa hơn phía sau là Aliou Mamadou Dia với 2,8%, Khalifa Sall với 1,56% và Idrissa Seck với 0,9%.

Ông Bassirou Diomaye Faye - 44 tuổi, sắp trở thành tổng thống trẻ nhất của Senegal Chiến thắng của ông cũng được các đối thủ thừa nhận, đánh dấu một khoảnh khắc đoàn kết và chấp nhận trong phạm vi chính trị của đất nước. (TTXVN)

*Tòa án Pháp tuyên phạt cựu thủ lĩnh phiến quân Liberia 30 năm tù: Ngày 27/3, một tòa án ở Pháp đã tuyên án 30 năm tù đối với cựu chỉ huy phiến quân Liberia Kunti Kamara vì những tội ác được phát hiện xảy ra từ năm 1993 đến năm 1994 trong cuộc Nội chiến Liberia lần thứ nhất. Kamara đã bị kết án tù chung thân trong phiên tòa đầu tiên ở Paris vào năm 2022 sau khi bị bắt giữ ở Pháp vào năm 2018.

Kunti Kamara là chỉ huy khu vực của Phong trào Giải phóng Thống nhất Liberia vì Dân chủ (ULIMO), một nhóm nổi dậy chống lại Mặt trận Yêu nước Quốc gia của cựu Tổng thống Charles Taylor. Ước tính đã có khoảng 250.000 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột liên tiếp từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 2000 ở quốc gia Tây Phi này. (Reuters)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Căng thẳng ngoại giao giữa Argentina và Colombia: Tờ Infobae ngày 27/3 đưa tin Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã quyết định rút Đại sứ nước này tại Buenos Aires, ông Camilo Romero, và trục xuất Đại sứ Argentina tại Bogota Gustavo Dzugala sau khi Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên bố ông Petro “từng là kẻ giết người khủng bố”.

Quyết định này của Tổng thống Petro được đưa ra sau khi kênh truyền hình CNN tiếng Tây Ban Nha đăng tải nội dung trả lời phỏng vấn của ông Milei với nhà báo Andrés Oppenheimer. Khi được hỏi về người đồng cấp Colombia, ông Milei nói: “Không thể mong đợi gì nhiều từ một kẻ từng giết người khủng bố”

Tờ Infobae bình luận chưa bao giờ quan hệ giữa Argentina và Colombia lại tồi tệ như lúc này. Cũng trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Andrés Oppenheimer, Tổng thống cực hữu Milei nhận xét người đồng cấp Mexico López Obrador là “kẻ ngu dốt”. (CNN)

*Mỹ sắp rút quân khỏi Niger: Chính phủ Niger ngày 27/3 cho biết Mỹ sẽ sớm rút binh lính của họ khỏi quốc gia Tây Phi này, sau khi Niger tuyên bố chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự năm 2012 với Washington.

Bộ trưởng Nội vụ Niger, Tướng Mohamed Toumba hôm 27/3 đã gặp đại sứ Mỹ Kathleen FitzGibbon để thảo luận về vấn đề này.

Bà FitzGibbon nói với ông Toumba rằng Washington đã "lưu ý đến quyết định" của Niger về việc rút khỏi thỏa thuận quân sự và sẽ quay lại cùng với kế hoạch rút hơn 1.000 lính Mỹ đóng tại Niger.

Niger đã đưa ra thông báo cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ vào hôm 23/3, sau chuyến thăm ba ngày của một phái đoàn cấp cao Mỹ để nối lại liên lạc với chính quyền của quốc gia Tây Phi này. Tháng 3 vừa qua, Niger cho biết thỏa thuận hợp tác năm 2012 đã được Washington “đơn phương áp đặt”. (TTXVN)

Thế Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-283-my-rut-quan-khoi-niger-nga-gia-tang-tan-cong-ukraine-australia-huy-vu-kien-trung-quoc-265864.html