Tin thế giới 28/4: Ukraine liên tiếp bắn hạ nhiều tên lửa và UAV của Nga; Australia cam kết một điều về AUKUS

Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc 'ấm' trở lại, Australia cam kết một điều về AUKUS, Anh-Ba Lan ký thỏa thuận tên lửa… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy sau vụ tấn công tên lửa của Nga tại Uman, Ukraine. (Nguồn: Bộ Tình trạng Khẩn cấp Ukraine)

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy sau vụ tấn công tên lửa của Nga tại Uman, Ukraine. (Nguồn: Bộ Tình trạng Khẩn cấp Ukraine)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine bắn hạ nhiều tên lửa và UAV của Nga: Ngày 28/4, Bộ Quốc phòng nước này thông báo lực lượng phòng không đã bắn hạ 21 tên lửa và hai máy bay không người lái (UAV) tấn công của Nga ngay trong đêm.

Trước đó, Nga đã mở đợt tấn công nhắm vào nhiều thành phố trên khắp Ukraine, với nhiều quả tên lửa được phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Theo các nhà chức trách Ukraine, các cuộc tấn công đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và một số người bị thương. Thủ đô Kiev cũng ghi nhận một số vụ nổ, song không có thương vong.

Phát biểu ngay sau các đợt tấn công nêu trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Mỗi một cuộc tấn công như vậy, mỗi một hành động chống lại đất nước và người dân của chúng ta đều đưa ‘nhà nước khủng bố’ đến gần hơn với kết cục thất bại và trừng phạt, chứ không phải ngược lại.” (AFP)

* Quân đội Ukraine chuẩn bị phản công: Ngày 28/4, phát biểu tại họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết: “Ngay khi có ý Chúa, thời tiết thích hợp và quyết định của các chỉ huy, chúng tôi sẽ làm điều đó”. Dù không tiết lộ thời điểm phản công, song ông nêu rõ: “Nói chung, chúng tôi đã sẵn sàng với tỷ lệ phần trăm cao”.

Kiev hy vọng cuộc phản công theo kế hoạch sẽ thay đổi động lực xung đột. Hiện Nga đang nắm giữ các phần lãnh thổ Ukraine ở phía Đông, Nam và Đông Nam.

Trong bản tin mới nhất hàng ngày, Kiev cho biết Bakhmut, một thành phố nhỏ nhưng có vị trí chiến lược ở phía Đông, vẫn là tâm điểm giao tranh. (Reuters)

* Ukraine kỳ vọng nhận 42 tỷ USD viện trợ quốc tế: Trao đổi với báo giới ngày 27/4, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) Andriy Pyshnyy cho biết đến cuối năm nay, viện trợ từ các đối tác sẽ góp phần tăng dự trữ quốc tế nước này lên hơn 35 tỷ USD, với kỳ vọng con số này sẽ sớm tăng lên 42 tỷ USD.

Quan chức này nhận định xung đột kéo dài là một trong những yếu tố rủi ro chính đe dọa nền kinh tế Ukraine trong năm nay. Theo ông, giao tranh đã làm tăng nhu cầu ngân sách, gây gián đoạn hoạt động của “hành lang ngũ cốc” và phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước Đông Âu. Quan chức này nhấn mạnh việc nhanh chóng triển khai chương trình tái thiết và các cải cách hội nhập châu Âu sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ukraine. Năm ngoái, Ukraine đã nhận hỗ trợ kỷ lục lên tới 32,1 tỷ USD từ các đối tác nước ngoài. (Ukrinform)

* Nga thành lập bảo tàng dành riêng cho các hoạt động quân sự tại Ukraine: Ngày 28/4, trang mạng của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị Chính phủ Nga bắt đầu xúc tiến việc thiết lập các bảo tàng dành riêng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Theo một văn kiện chính thức trên trang mạng của Điện Kremlin, các bảo tàng thành phố và khu vực mới nói trên cần được dành riêng cho “những sự kiện trong chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Ông Putin cũng lưu ý các cơ quan hữu quan cần xem xét cách thức trưng bày các hiện vật liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đồng thời và nhấn mạnh Moscow cần xem xét đưa cuộc xung đột này vào trong hệ thống giáo dục. (AFP)

* Xe tăng Leopard của Tây Ban Nha đã đến Ba Lan: Ngày 28/4, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết 6 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 mà nước này cấp cho Ukraine đã đến Ba Lan trong ngày. Trước đó, trong tháng này, chính quyền Madrid thông báo đã bắt đầu gửi xe tăng cho Kiev. Số xe tăng mà Tây Ban Nha cung cấp cho Ukraine có thể lên đến 10 xe. (Reuters)

* Tổng thống Czech và Slovakia tới Ukraine: Sáng 28/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel và người đồng cấp Slovakia Zuzana Caputova đã đặt chân tới Kiev, bắt đầu chuyến thăm chính thức Ukraine. Đây là chuyến thăm không được công bố trước về thời gian cụ thể vì lý do an ninh.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức hồi tháng Ba vừa qua Tổng thống Petr Pavel đã xác nhận sẽ cùng người đồng cấp Slovakia Zuzana Caputova sớm thăm Ukraine.

Cả hai nguyên thủ này đều chọn phương thức di chuyển giống như các nhà lãnh đạo khác khi đến thăm Ukraine gần đây. Cụ thể, ông Pavel và bà Caputova đã đi tàu hỏa từ ga Przemysl (Ba Lan) đến Kiev và được cựu Đại sứ Ukraine Jevhen Perebyjnis và Đại sứ Czech tại đây Radek Matula đón. Cả hai đã tới thăm thị trấn Borodjanka, nơi có những tòa nhà bị bom đạn phá hủy. Dự kiến, ông Pavel và bà Caputova sẽ hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Zelensky trong ngày 28/4. (TTXVN)

Đông Nam Á

* Indonesia tìm cách thu hẹp sự khác biệt ở Myanmar: Ngày 27/4, phát biểu sau phiên họp nội các chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42, Ngoại trưởng nước này Retno Marsudi khẳng định: “Chúng tôi tiến hành can dự 2 chiều càng rộng càng tốt để lắng nghe quan điểm của họ và cố gắng thu hẹp sự khác biệt về lập trường”.

Bà cho hay xung đột tại Myanmar không dễ giải quyết, song Indonesia với tư cách Chủ tịch ASEAN, sẽ tiếp tục cố gắng duy trì liên lạc với quân đội Myanmar, Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG), với các nhóm vũ trang sắc tộc cùng với một số đảng phái chính trị. Bà nhắc lại rằng Myanmar sẽ được mời cử đại diện phi chính trị tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN trong năm 2023.

Ngoại trưởng Indonesia cũng cho biết thêm rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo vào ngày 9-11/5 tới sẽ bao gồm các phiên họp toàn thể và các phiên họp diện hẹp. Tại các phiên họp diện hẹp, Đồng thuận 5 điểm (5PC) của các nhà lãnh đạo ASEAN về Myanmar sẽ được thảo luận và xem xét lại.

Bà nhấn mạnh rằng, theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo, Hội nghị Cấp cao ASEAN năm nay có thảo luận về vấn đề Myanmar, song ưu tiên của ASEAN vẫn liên quan đến các nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng ASEAN vì lợi ích của người dân trong khu vực. (TTXVN)

Nam Thái Bình Dương

* Australia sẽ minh bạch và thẳng thắn về chi phí tàu ngầm AUKUS: Ngày 28/4, phát biểu trên đài ABC (Australia), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết kế hoạch đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở nước này đầu những năm 2040 là “thách thức lớn” và Chính phủ đang “thận trọng trong tính toán ngân sách với những tình huống bất ngờ xảy ra”. Ông nhấn mạnh: “Australia cố gắng thẳng thắn và minh bạch nhất có thể”.

Trước đó, một phân tích cho thấy chi phí dự báo của AUKUS về đóng tàu ngầm có thể lên tới 368 tỷ AUD (242,26 tỷ USD), bao gồm 50% quỹ dự phòng.

Về phần mình, Văn phòng Ngân sách Nghị viện Australia đã báo cáo ước tính chi phí trong ba thập kỷ bao gồm khoản dự phòng là 123 tỷ AUD (80,97 tỷ USD). Thượng nghị sĩ Đảng Xanh David Shoebridge cho biết quy mô của quỹ dự phòng là “chưa từng có” và nhấn mạnh “mức độ không chắc chắn lớn trong thỏa thuận tàu ngầm AUKUS”.

Văn phòng Ngân sách Nghị viện cho biết Bộ Quốc phòng không công bố giá của tàu ngầm lớp Virginia Mỹ dự kiến bán cho Australia trong giai đoạn đầu. Báo cáo của Văn phòng ngân sách cho thấy phần lớn chi phí của chương trình tàu ngầm sẽ được phát sinh trong hai thập kỷ kể từ năm 2033. (ABC)

Nam Á

* Trung Quốc, Pakistan thắt chặt hợp tác song phương: Ngày 27/4, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan Asim Munir.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, quân đội Pakistan là người bảo vệ cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước. Đồng thời, Bắc Kinh đánh giá cao các chính quyền kế nhiệm của Islamabad và tất cả các đảng phái chính trị vì đã kiên quyết theo đuổi các chính sách thân thiện với Trung Quốc.

Ông Vương Nghị cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Pakistan trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cũng như đạt được sự thống nhất, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc sẵn sàng tái khởi động cuộc trao đổi, hợp tác với phía Pakistan ở mọi khía cạnh sau đại dịch Covid-19.

Về phần mình, Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan Asim Munir cho rằng Pakistan sẽ luôn sát cánh cùng Trung Quốc trước biến động của tình hình quốc tế, và quân đội Pakistan ủng hộ sự phát triển hơn nữa của quan hệ song phương. (Tân Hoa xã)

Đông Bắc Á

* Ngoại trưởng Mông Cổ thăm Trung Quốc: Ngày 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Battsetseg Batmunkh sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 1 và 2/5.” (Reuters)

* Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn thỏa thuận quốc phòng với Australia, Anh: Ngày 28/4, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật về các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Australia và Anh, mở ra khả năng hai nước này này sẽ trở thành hai đối tác tiếp cận đối ứng đầu tiên của Tokyo trong lĩnh vực quốc phòng.

Các Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi Australia và Anh hoàn thành các quy trình phê chuẩn. Một khi có hiệu lực, RAA sẽ đặt ra các quy tắc cho việc vận chuyển nhân sự, vũ khí và vật tư.

Đồng thời, tương tự như Thỏa thuận về tình trạng lực lượng giữa Nhật Bản và Mỹ, nó cũng sẽ tạo điều kiện để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, lực lượng Australia và Anh triển khai, phối hợp nhanh hơn trong tập trận chung và cứu trợ thảm họa. (Kyodo)

* Nhật Bản đưa Hàn Quốc trở lại danh sách thương mại ưu tiên: Ngày 28/4, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ khôi phục tình trạng ưu đãi của Hàn Quốc sau khi bị thu hồi vào năm 2019. Cùng ngày, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc ra thông cáo nêu rõ: “Hàn Quốc hoan nghênh động thái của Nhật Bản và hy vọng các thủ tục liên quan sẽ nhanh chóng được hoàn tất”.

Quan hệ giữa hai láng giềng Đông Bắc Á đang chứng kiến nhiều dấu hiệu cải thiện sau khi lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản nỗ lực hàn gắn mối quan hệ rạn nứt trong thời gian qua. Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xác nhận sẽ duy trì “liên lạc chặt chẽ” trong các vấn đề Triều Tiên và Trung Quốc. Vừa qua, Hàn Quốc đã đưa Nhật Bản trở lại danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại. (Kyodo/Yonhap)

* Seoul bình luận về việc tàu ngầm hạt nhân Mỹ thăm Hàn Quốc: Ngày 28/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết “sau khi xem xét tính pháp lý”, chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới của một tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) của Hải quân Mỹ không vi phạm Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ký năm 1991.

Trước đó, kế hoạch về chuyến thăm được công bố trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Washington hôm 26/4.

Kế hoạch này khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc liệu chuyến thăm có vi phạm tuyên bố chung mà hai miền Triều Tiên đạt được vào tháng 12/1991 hay không. Trong đó, hai bên cam kết không thử nghiệm, sản xuất, tiếp nhận, sở hữu, tàng trữ, triển khai hoặc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng chuyến thăm của SSBN đi ngược lại tinh thần của tuyên bố chung liên Triều vì có thể xem đây là hành động mang vũ khí hạt nhân tới bán đảo. (TTXVN)

Trung Á

* Nga: Armenia và Azerbaijan sẽ sớm tổ chức hòa đàm: TASS (Nga) dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan cho biết nước này và Azerbaijan sẽ tổ chức hòa đàm trong tương lai gần về một thỏa thuận hòa bình nhằm cố gắng giải quyết những bất đồng lâu nay giữa hai bên. TASS cũng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Armenia đã thảo luận về tình hình Nagorno-Karabakh với chỉ huy mới của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại khu vực này. (Reuters)

Châu Âu

* Moscow: Phương Tây kích động các nước đối đầu với Nga và Trung Quốc: Ngày 28/4, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhận định: “Ngày nay, Washington và những kẻ đồng lõa đang thực hiện kế hoạch chiến lược của họ, bao gồm việc kích động các quốc gia khác tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự... chủ yếu là với Nga và Trung Quốc. Một bằng chứng rõ ràng về chính sách tội phạm như vậy là cuộc xung đột ở Ukraine.”

Theo ông, mục đích thực sự của phương Tây là “khiến Nga thất bại về mặt chiến lược, đe dọa Trung Quốc và duy trì vị thế độc tôn của mình trên thế giới”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga còn cho rằng Mỹ tìm cách định dạng lại hệ thống quan hệ giữa các quốc gia bằng cách tạo ra các liên minh khu vực có kiểm soát, sử dụng các biện pháp đe dọa và tống tiền. Ông cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang cố gắng khôi phục sự hiện diện quân sự ở khu vực Trung Á dưới cái cớ chống khủng bố. Do đó, theo Bộ trưởng Shoigu, Nga đang tăng cường trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại các căn cứ ở Kyrgyzstan và Tajikistan. (Reuters/Sputnik)

* Anh và Ba Lan ký thỏa thuận cung cấp tên lửa 2,37 tỷ USD: Ngày 28/4, công ty chế tạo tên lửa MBDA (Anh) đã nhất trí ký thỏa thuận trị giá 1,9 tỷ bảng Anh (2,37 tỷ USD) với Ba Lan để cung cấp hệ thống phòng không. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nêu rõ: “Tôi rất vui khi mối quan hệ quốc phòng lịch sử và sâu sắc giữa Anh và Ba Lan tiến thêm một bước với việc ký kết thỏa thuận xuất khẩu quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của hai nước”. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Anh: Một tàu bị tấn công ngoài khơi Yemen: Ngày 28/4, Tổ chức Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) cho biết một con tàu không xác định đã bị tấn công ở Vịnh Aden, vùng biển phía Nam Yemen. Theo đó, có 3 chiếc thuyền, mỗi chiếc chở 3-4 người, đã tham gia vào cuộc tấn công. UKMTO nêu rõ: “UKMTO đã nhận được báo cáo về một con tàu đang bị tấn công… Các phát súng đã nhắm vào con tàu”. Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết nào về vụ việc.

Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu tới Mỹ ở Vịnh Oman. Sau đó, Hạm đội 5 của Mỹ yêu cầu thả tàu và nêu rõ: “Hành động của Iran trái với luật pháp quốc tế, gây rối cho an ninh và ổn định khu vực”. (AFP)

* Máy bay sơ tán Thổ Nhĩ Kỳ trúng đạn ở Sudan: Theo quân đội Sudan ngày 28/4, Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã bắn phải một máy bay sơ tán của Thổ Nhĩ Kỳ đang hạ cánh ở sân bay Wadi Seyidna, ngoại ô thủ đô Khartoum.

Vụ việc đã khiến khiến một thành viên phi hành đoàn bị thương và làm hư hỏng hệ thống cung cấp nhiên liệu. Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, quân đội Sudan cũng khẳng định máy bay đã hạ cánh an toàn và đang được sửa chữa. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-284-ukraine-lien-tiep-ban-ha-nhieu-ten-lua-va-uav-cua-nga-australia-cam-ket-mot-dieu-ve-aukus-225270.html