Tin thế giới 29/3: Động thái chưa có tiền lệ của Mỹ; Khai thông bế tắc kênh đào Suez; 2 thủ tướng tuyên bố từ chức trong ngày

Mỹ quyết cứng rắn với Trung Quốc và Nga; Khủng hoảng kênh đào Suez chấm dứt; tình hình Myanmar, Triều Tiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Chính quyền mới tại Mỹ mang tên Biden-Harris

"Chính quyền Biden-Harris", ghép từ tên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, sẽ là tên gọi chính thức của trang web Nhà Trắng và các tài khoản mạng xã hội.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, các trang truyền thông của một chính quyền Mỹ được đặt theo sự kết hợp tên của cả Tổng thống và Phó Tổng thống.

Nội dung mô tả thêm trên trang web chính thức của Nhà Trắng viết: Hàng nghìn người đang làm việc trong Cánh Tây, Cánh Đông, Nội các và Văn phòng Điều hành của Tổng thống. Hãy tìm hiểu thêm về những người đang thực hiện những ưu tiên của chính quyền Biden-Harris.

Giới truyền thông sở tại nhận định, việc làm của Nhà Trắng là chưa từng có tiền lệ. Gần nhất, hai chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump và Barack Obama đều chỉ dùng tên của lãnh đạo cao nhất làm tên của trang web Nhà Trắng và tài khoản mạng xã hội chính thức. (AP)

Mỹ quyết 'mạnh tay' với Trung Quốc, bắt Nga phải 'trả giá'

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/3 cho rằng, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, Mỹ cần phải hành động ở "vị thế của kẻ mạnh".

Theo ông Blinken, việc đối phó những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đòi hỏi Mỹ phải đưa ra cách tiếp cận toàn diện với sự phối hợp của các đồng minh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Blinken cũng đề cập mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, nói rằng Washington đang trong quá trình hoàn thành việc đánh giá lại các "hoạt động tiêu cực" của Nga và sẽ khiến Moscow phải trả giá.

"Chúng tôi đã thấy những điển hình khác nhau về sự hung hăng của Nga ... Và tổng thống đã đưa ra quan điểm rất rõ ràng rằng những hành vi này sẽ gánh chịu hậu quả. Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thành các đánh giá về cuộc tấn công mạng SolarWinds, việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, sử dụng vũ khí hóa học để cố sát hại nhân vật đối lập Alexei Navalny, chúng tôi đã lên tiếng và hành động về điều này, cũng như vấn đề tiền thưởng cho Taliban nếu sát hại lính Mỹ ở Afghanistan” – ông Blinken nói.

Ngoài ra, ông Blinken cũng đề cập dự án khí đốt Nord Stream 2, cảnh báo rằng Mỹ đã nêu rõ lập trường của mình với đồng minh Đức và sẽ sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án này. (Sputnik)

Trung Quốc nói các thương hiệu phương Tây không nên can dự vào vấn đề Tân Cương

Reuters dẫn lời các quan chức Trung Quốc hôm 29/3 cho biết thương hiệu thời trang H&M (Thụy Điển) và các công ty nước ngoài khác "không nên hành động vội vàng hoặc tham gia chính trị" sau khi các công ty này bày tỏ quan ngại về tình trạng "cưỡng bức lao động" ở Tân Cương.

Phát ngôn viên chính quyền Tân Cương Xu Guixiang nói tại một cuộc họp báo sáng 29/3: "Tôi nghĩ một công ty không nên chính trị hóa hành vi kinh tế của mình. H&M có thể tiếp tục kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc không? Câu trả lời là không". (Reuters)

Nhật Bản-Indonesia phản đối hành động của Trung Quốc trên biển

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Indonesia hôm qua (28/3) nhất trí gửi một thông điệp tới thế giới rằng Nhật Bản và Indonesia sẽ phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng tại các vùng biển trong khu vực.

Sau cuộc họp với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại thủ đô Tokyo, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ hối thúc Trung Quốc kiềm chế trong việc cố đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. (Kyodo)

Tàu Ever Given hết mắc cạn, kênh đào Suez sắp mở lại

Ngày 29/3, siêu tàu Ever Given đang xoay khỏi vị trí mắc cạn và bắt đầu chuyển động, sau gần một tuần chặn ngang kênh đào Suez gây tắc nghẽn tuyến vận tải biển quan trọng trong giao thương Á-Âu.

Giới chức quản lý kênh đào phía Ai Cập cho biết, tàu Ever Given đã xoay trở lại đúng hướng di chuyển "tới 80%".

Trong khi đó, cùng ngày, một nguồn tin trong Công ty hậu cần và vận chuyển hàng hải Gulf Agency Company (GAC) - đơn vị vận hành kênh đào Suez - cho biết, giao thông hàng hải qua kênh đào này dự kiến được khai thông trong vài giờ tới, khi mà hoạt động làm nổi siêu tàu Ever Given đang có tiến triển.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố, bằng cách khôi phục mọi việc trở về bình thường, với công sức của người Ai Cập, cả thế giới có thể yên tâm về lộ trình vận chuyển hàng hóa của họ qua tuyến hàng hải huyết mạch này. (Reuters/Sputnik)

Thủ tướng Slovakia từ chức

Thủ tướng Slovakia Igor Matovic ngày 28/3 tuyên bố từ chức và đề nghị hoán đổi vị trí cho Bộ trưởng Tài chính Eduard Heger. Ông Matovic buộc phải từ chức sau khi phải chịu áp lực lớn từ cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến quyết định mua vaccine phòng Covid-19 của Nga.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Slovakia nổ ra sau khi một thỏa thuận bí mật về việc mua vaccine Sputnik V phòng Covid-19 của Nga được biết đến cách đây 3 tuần. Thủ tướng Igor Matovic bị chỉ trích vì giao tiếp kém và có những bước đi chính trị sai lầm, trong đó có việc quyết định mua vaccine Sputnik V mà không hề nói với các thành viên trong liên minh cầm quyền. Trong khi đó, ông Igor Matovic bảo vệ việc mua vaccine với quan điểm cho rằng điều này sẽ giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của đất nước. (Reuters)

Thủ tướng Armenia từ chức để tổ chức bầu cử sớm

Ngày 29/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã tuyên bố từ chức. Phát biểu trước dân chúng, ông Pashinyan: "Tháng 4 tới, tôi sẽ từ chức để chúng ta có thể tổ chức bầu cử sớm. Tôi sẽ vẫn giữ vị trí quyền Thủ tướng cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra".

Thủ tướng Pashinyan chưa thông báo cụ thể ông sẽ từ chức vào ngày nào, nhưng thừa nhận đây sẽ là cách tốt nhất để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện hữu.

Armenia sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 4 tới, sớm hơn dự kiến 2 tháng. (TASS)

Khủng bố tại Indonesia, nhiều nghi can bị bắt giữ

Sáng 28/3, hai kẻ đánh bom liều chết đã điều khiển xe mô tô lao vào khuôn viên nhà thờ Công giáo ở thành phố Makassar miền Trung nước này và kích hoạt khối nổ tung mang trong người. Một nhân chứng cho biết đã nghe thấy hai tiếng nổ lớn và sau đó thấy khói bốc lên. Vụ đánh bom đã làm 20 người bị thương.

Ngày 29/3, cảnh sát khu vực Tây Nusa Tenggara, đã bắt giữ 4 nghi phạm khủng bố là thành viên Jamaah Ansharut Daulah (JAD) tại Bima.

JAD là một mạng lưới khủng bố tại Indonesia. Nhóm này từng cam kết trung thành với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Các thành viên của JAD đã tiến hành loạt vụ đánh bom liều chết tại các nhà thờ ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, vào năm 2018, khiến nhiều người thiệt mạng.

Triều Tiên nói Liên hợp quốc có 'tiêu chuẩn kép' về tên lửa

Triều Tiên cáo buộc LHQ đã có tiêu chuẩn kép trong vấn đề thử nghiệm tên lửa khi "vội vã" triệu tập ủy ban trừng phạt sau vụ thử tên lửa mà Bình Nhưỡng tiến hành hôm 25/3, nhưng im lặng trước hành vi "phá hoại" của Mỹ, Anh, Pháp.

Cụ thể, ông Jo Chol-su, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã có bài viết chỉ trích yêu cầu của Mỹ về việc ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) để xem xét các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.

Nhà ngoại giao Triều Tiên gọi việc HĐBA họp bàn các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng là một "nỗ lực nguy hiểm" công khai phủ nhận quyền tự vệ của Triều Tiên.

Ông Jo cho rằng HĐBA đang thể hiện tiêu chuẩn kép một cách rõ ràng khi hành động dựa trên những nghị quyết mà nhà ngoại giao này mô tả là "sản phẩm trực tiếp của chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên".

Nhà ngoại giao Triều Tiên cảnh báo tiêu chuẩn kép của HĐBA "sẽ chỉ gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn chứ không cải thiện được tình hình", cho rằng vấn đề Triều Tiên cần đối thoại chứ không phải đối đầu như phương Tây đang làm. (Reuters/KCNA)

Tình hình Myanmar: Ông Biden lần đầu lên tiếng, hàng nghìn người dân chạy sang Thái Lan

Theo Reuters, khi chuẩn bị rời Delaware về lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu lên tiếng về tình hình tại Myanmar.

“Thật kinh khủng. Tuyệt đối không thể chấp nhận (việc lực lượng an ninh dùng bạo lực để giải tán người biểu tình)” - ông Biden nói.

Trong khi đó, Đại diện Cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell lên án bạo lực đối với người biểu tình ở Myanmar và nói rằng EU sẽ sử dụng các cơ chế khác nhau để tác động đến những đối tượng liên can đến việc này, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt.

SCMP ngày 28/3 đưa tin, lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng vào đám tang một người biểu tình thiệt mạng tại thành phố Bago. Được biết, đám tang dành cho Thae Maung Maung, sinh viên 20 tuổi bị bắn chết khi tham gia cuộc biểu tình hôm 27/3, được gọi là "ngày đẫm máu" khi có 114 người thiệt mạng.

Ngày 29/3, truyền thông Thái Lan dẫn lời của Tổ chức Phụ nữ Karen cho biết, quân đội Myanmar đã tiến hành không kích vào 5 khu vực ở quận Mutraw, gần biên giới với Thái Lan khiến hơn 3.000 người này phải vượt biên sang tỉnh Mae Hong Son Thái Lan để trú ẩn. Các nhà chức trách Thái Lan chưa đưa ra bất kỳ một bình luận nào liên quan tới sự việc nói trên.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-293-dong-thai-chua-co-tien-le-cua-my-khai-thong-be-tac-kenh-dao-suez-2-thu-tuong-tuyen-bo-tu-chuc-trong-ngay-140684.html