Tin thế giới 29/4: Canada nghi Tổng thống Mỹ can thiệp bầu cử, Ấn Độ và Pakistan đua vũ trang, Nga cảnh báo tương lai EU suy thoái
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Nga khẳng định châu Âu đang trong tình trạng cực kỳ mâu thuẫn, và bất đồng hiện tại với Mỹ không chỉ là về mặt kinh tế mà còn về chính trị. (Nguồn: AA)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Chủ tịch Trung Quốc chỉ đạo cứu hộ hỏa hoạn: Ngày 29/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo dốc toàn lực cứu chữa những người bị thương trong vụ cháy nhà hàng ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc nước này.
Đám cháy bùng phát lúc 12h25 ngày 29/4, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 3 người bị thương tính đến thời điểm hiện tại. Các hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa lớn bao trùm nhà hàng 2 tầng ở thành phố Liêu Dương, khói đen cuồn cuộn bốc lên. Các nhân viên y tế đưa nạn nhân lên xe cứu thương và lính cứu hỏa dập lửa bằng vòi rồng.
Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra ở Trung Quốc thời gian gần đây. Trong tháng Tư, 20 người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc. Hồi tháng Một, vụ hỏa hoạn tại một chợ rau ở thành phố Trương Gia Khẩu làm 8 người thiệt mạng và 15 người bị thương. (Tân Hoa xã)
* Ấn Độ và Pakistan đua vũ trang tại biên giới: Ngày 29/4, tình hình an ninh khu vực Nam Á tiếp tục nóng lên khi cả Ấn Độ và Pakistan có động thái triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại gần đường biên giới chung.
Phía Pakistan triển khai hàng chục khẩu pháo tự hành SH-15 155mm do Trung Quốc sản xuất tại khu vực chỉ cách Đường kiểm soát (LoC) khoảng 80 km. Hệ thống này có khả năng bắn đạn thường và đạn dẫn đường chính xác với tầm bắn tối đa lên tới 53 km. Được lắp đặt trên khung gầm xe tải 6x6 cơ động cao, SH-15 có tốc độ bắn 4-6 viên/phút và khả năng "bắn rồi rút", giúp giảm nguy cơ bị phản pháo.
Trong khi đó, Ấn Độ có động thái phòng thủ mạnh mẽ khi triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Barak-8 (MR-SAM) tại căn cứ không quân Bhatinda, bang Punjab, cách biên giới Pakistan khoảng 120 km. Hệ thống Barak-8 do Ấn Độ và Israel đồng phát triển, có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu như máy bay, UAV, tên lửa hành trình với tầm bắn từ 70-100 km. (Times of India)
* Australia truy lùng tội phạm ma túy: Một người đàn ông Australia bị truy tố về tội nhập lậu 140 kg cocaine cất giấu trong các động cơ tàu đến từ California (Mỹ). Nếu bị kết án, người này có thể đối mặt với mức án cao nhất là tù chung thân.
Ngày 29/4, Cảnh sát Liên bang (AFP) và Lực lượng biên phòng Australia (ABF) cho biết người đàn ông 35 tuổi, đến từ bang Queensland ở Đông Bắc nước này, đã bị truy tố với cáo buộc cố ý tuồn lượng lớn cocain vào Australia.
Người đàn ông trên bị điều tra sau khi các nhân viên ABF phát hiện 140 kg cocaine bọc trong túi nhựa được đặt bên trong 2 động cơ tàu ở một container tàu biển đi từ California (Mỹ) đến Brisbane (Australia) vào tháng 10 năm ngoái. (ABC)
Châu Âu
* Nga cảnh báo tương lai EU suy thoái: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 29/4 cảnh báo châu Âu khó có thể là một nhân tố độc lập trong tương lai gần, và Moscow sẽ chứng kiến Liên minh châu Âu (EU) suy thoái.
Ông Medvedev nhận định: "Trong tương lai gần, chính châu Âu khó có thể là một nhân tố độc lập trên trường thế giới. Nếu như Mỹ, với tư cách một cường quốc tự cung tự cấp lớn, vẫn tồn tại ngay cả với những cú sốc nghiêm trọng nhất, thì cấu trúc tồi tệ mang tên Liên minh châu Âu (EU) lại rất có thể sẽ không tồn tại".
Theo ông Medvedev, châu Âu đang trong tình trạng rất mâu thuẫn, và bất đồng hiện tại với Mỹ không chỉ là về mặt kinh tế mà còn về chính trị. Quan chức Nga còn cho rằng Washington có nhiều cơ hội chiến thắng hơn trong cuộc xung đột giữa Mỹ và châu Âu, và Brussels sẽ phải vào cuộc. (Ria Novostia)
* Pháp đe dọa tái trừng phạt Iran: Ngày 29/4, phát biểu tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cảnh báo nước này cùng với Anh và Đức sẽ không ngần ngại tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nếu an ninh châu Âu bị đe dọa bởi chương trình hạt nhân của Tehran.
Ông Jean-Noel Barrot nhấn mạnh: “Iran đã vượt qua mọi ranh giới mà họ cam kết tôn trọng và đang trên bờ vực sở hữu vũ khí hạt nhân. Không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề hạt nhân Iran. Có một con đường ngoại giao để đạt được điều đó, nhưng đó là một con đường hẹp”.
Ngoại trưởng Pháp bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Iran và Mỹ về vấn đề này sẽ đạt được kết quả. (France 24)
* Khu vực Bắc Âu hứng chịu mùa hè "thiêu đốt": Theo báo cáo gần đây của Viện khí tượng Phần Lan (FMI), Lapland - vùng đất Bắc Âu trải dài qua Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển - vừa trải qua mùa hè nóng nhất trong vòng 2.000 năm qua.
Nhà khoa học Mika Rantanen làm việc tại FMI cho biết: “Năm 2024 ghi nhận mùa Hè có nhiệt độ trung bình cao nhất (tại Lapland), không chỉ trong các dữ liệu quan trắc trực tiếp từ cuối thế kỷ XIX mà còn trong các phân tích gián tiếp dựa trên hình ảnh vòng trong thân cây gỗ, chuỗi dữ liệu kéo dài tới tận 2.000 năm”.
Đáng lo ngại hơn, khu vực Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp 4 lần tốc độ trung bình toàn cầu kể từ năm 1979. Ông Rantanen cảnh báo nếu xu hướng phát thải hiện tại không được kiểm soát, đến năm 2050, những mùa Hè nóng như năm 2024 sẽ trở thành điều “bình thường mới”, lặp lại trung bình mỗi 4 năm. (AFP)
* NATO tìm kiếm hợp tác với tân Thủ tướng Canada: Ngày 29/4, Tổng thư ký NATO Mark Rutte bày tỏ mong muốn xây dựng liên minh "hùng mạnh hơn" với Canada sau khi đảng Tự do của Thủ tướng Mark Carney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc.
Trên mạng xã hội X, ông Rutte viết: "Xin chúc mừng Thủ tướng Mark Carney. Canada là thành viên quan trọng của NATO. Tôi mong được hợp tác cùng nhau để xây dựng một liên minh hùng mạnh và công bằng hơn - đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng và thúc đẩy sản xuất công nghiệp nhằm duy trì sự an toàn".
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gửi lời chúc mừng Thủ tướng Carney. Ông Macron nhấn mạnh: “Canada mạnh mẽ trước những thách thức lớn của thời đại chúng ta. Pháp mong muốn tiếp tục củng cố tình hữu nghị gắn kết hai nước chúng ta. Tôi háo hức được làm việc cùng ngài (Carney)". (Sky News)
Trung Đông-Châu Phi
* Quan ngại vấn đề vũ khí hóa học tại châu Phi: Trong hội nghị khu vực về thúc đẩy thực thi Công ước về vũ khí hóa học (CWC) khai mạc tại thủ đô Windhoek, Namibia ngày 29/4, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã kêu gọi các quốc gia châu Phi đẩy mạnh việc thực hiện công ước nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa, kiểm soát và loại bỏ các mối đe dọa liên quan đến vũ khí hóa học.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó tổng Giám đốc OPCW Odette Melono nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc công ước là yếu tố then chốt để duy trì chuẩn mực toàn cầu chống lại vũ khí hóa học, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái xuất hiện loại vũ khí này.
Dù CWC được 193 quốc gia phê chuẩn nhưng tiến độ thực hiện tại châu Phi còn hạn chế. Hiện chỉ có 48% các quốc gia thành viên trong khu vực ban hành đầy đủ luật pháp liên quan đến công ước, trong khi 27 nước chưa có hoặc mới chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ. "Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại”, bà Melono đánh giá. (African News)
* 73 triệu người châu Phi thiếu lương thực: Ngày 29/4, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) khu vực Đông Phi công bố báo cáo cho biết, số người đang phải trải qua tình trạng thiếu lương thực ở khu vực Đông và Trung châu Phi đã tăng lên 73 triệu người vào tháng 4.
Con số này đã tăng từ 69,2 triệu người hồi tháng 2, chủ yếu do xung đột và tình trạng mất an ninh kéo dài. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, CH Trung Phi và CHDC Congo. Ngoài ra, Kenya, Djibouti, Uganda và Tanzania cũng ghi nhận mức độ ảnh hưởng đáng kể.
Báo cáo cảnh báo rằng tình hình an ninh lương thực trong khu vực khó có thể cải thiện trong thời gian tới, do dự báo xung đột sẽ tiếp tục leo thang tại một số quốc gia trong khu vực. Những cuộc khủng hoảng này sẽ khiến tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thêm trầm trọng do "di dời hàng loạt, suy thoái kinh tế, hạn chế tiếp cận nhân đạo, gia tăng bất ổn và nhu cầu viện trợ gia tăng". (AFP)
* Israel đòi thả tự do cho nạn nhân bị bắt cóc ở Gaza: Nhiều người dân Israel trên khắp cả nước có kế hoạch tổ chức mít tinh, biểu tình và cầu nguyện để ủng hộ các nạn nhân bị bắt cóc tại Dải Gaza, thay vì tiến hành sự kiện ăn mừng quốc khánh Nhà nước Israel (ngày 30/4).
Sau nhiều đợt trao trả, hiện vẫn còn 59 con tin Israel đang bị giam giữ tại Gaza. Để ủng hộ họ và phản đối chính sách giải cứu con tin, người dân nước này kêu gọi tổ chức các sự kiện ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước, trong đó tập trung vào hai thành phố lớn Tel Aviv và Jerusalem. (Al Jazeera)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
* Canada nghi Tổng thống Trump can thiệp bầu cử: Ngày 29/4, lãnh đạo đảng Bảo thủ ở Canada Pierre Poilievre chỉ trích sự can thiệp của Tổng thống Donald Trump vào cuộc bầu cử đang diễn ra ở nước này sau khi ông Trump một lần nữa kêu gọi Canada trở thành một phần của Mỹ.
Ông Poilievre viết trên mạng xã hội X rằng, Tổng thống Trump hãy tránh xa cuộc bầu cử của người Canada. Nước này sẽ luôn tự hào có chủ quyền và độc lập, và Canada sẽ không bao giờ trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại của ông Trump với Canada, cùng những lời đe dọa liên tục về chủ quyền của Canada, đã trở thành những vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử vừa qua. (CNN)
* Liên hợp quốc công bố sáng kiến chống khủng bố toàn cầu: Ngày 28/4, Văn phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) ra mắt Mạng lưới hiệp hội nạn nhân khủng bố (VoTAN) - một sáng kiến toàn cầu nhằm tăng cường tiếng nói và quyền lợi của các nạn nhân do khủng bố trên thế giới.
VoTAN là thành quả quan trọng từ Đại hội Nạn nhân khủng bố toàn cầu đầu tiên do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9/2022. Mục tiêu của mạng lưới là thúc đẩy nỗ lực bảo vệ và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của các nạn nhân, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề chống khủng bố Vladimir Voronkov bày tỏ sự đoàn kết với tất cả nạn nhân khủng bố, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc hay tôn giáo. Ông gửi lời tri ân tới lòng dũng cảm và nghị lực của những người đã vượt qua mất mát cá nhân để trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ cho tinh thần đoàn kết và lòng khoan dung. (AFP)