Tin thế giới 3/3: Nga hối thúc Serbia làm rõ về Ukraine, quan hệ Trung-Ấn có khởi sắc?
Hàn Quốc chưa muốn gửi vũ khí tới Ukraine, Tổng Thư ký NATO sắp thăm Thụy Điển, EU nói về thay đổi của Nga… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
G20
* Trung Quốc, Ấn Độ cam kết cải thiện quan hệ: Gặp gỡ bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) ngày 2/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương khẳng định rằng với là láng giềng và nền kinh tế lớn đang nổi, nước này và Ấn Độ có nhiều lợi ích chung hơn là khác biệt.
Ông lưu ý sự phát triển và hồi sinh của Bắc Kinh và New Delhi thể hiện sức mạnh của các nước đang phát triển, điều sẽ thay đổi tương lai 1/3 dân số thế giới, của khu vực châu Á và thậm chí là toàn cầu. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng cho rằng hai bên cần thực hiện những đồng thuận quan trọng của lãnh đạo hai nước, duy trì đối thoại và giải quyết thỏa đáng các bất đồng, thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương và đưa quan hệ tiến lên vững chắc.
Về phần mình, ông Jaishankar cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc là đối tác quan trọng. New Delhi đồng ý rằng quan hệ song phương cần được hiểu và cải thiện từ góc độ lịch sử và tầm cao chiến lược, đồng thời cần thiết lập nhiều nền tảng hợp tác hơn để thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc đi đúng hướng.
Nhà ngoại giao này cũng đánh giá tình hình hiện tại ở biên giới đang dần ổn định và cả hai bên nên hợp tác để duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới. Ông cũng gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của Trung Quốc với vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ và sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp trong các vấn đề đa phương. (Tân Hoa xã)
Nga-Ukraine
* Nga yêu cầu Serbia làm rõ về viện trợ Ukraine: Ngày 2/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Chúng tôi đã yêu cầu Belgrade làm rõ quan điểm (về thông tin Serbia cung cấp đạn dược cho Kiev). Họ phải đưa ra sự thật và kết luận, bởi đây là chủ đề vô cùng quan trọng đối với quan hệ song phương”. Bà cũng lưu ý rằng thông tin chỉ nên được trao đổi thông qua các kênh chính thức chứ không “thông qua truyền thông, các kênh điện tín hay rò rỉ”.
Trước đó, ngày 27/2, ảnh chụp một số tài liệu trên mạng xã hội Twitter cho thấy công ty Krusik của Serbia, thông qua qua Istanbul và Bratislava, đã chuyển cho Kiev 3.500 quả rocket 122mm M-21 “Grad” với tầm bắn 20 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, ông Milos Vucevic, đã bác bỏ thông tin này: “Chúng tôi hoàn toàn không cung cấp vũ khí cho Ukraine hay Nga, nhưng chúng tôi có quyền cung cấp chúng cho bất kỳ ai là người sử dụng cuối cùng hợp pháp”.
Công ty Krusik cũng bác bỏ cáo buộc trên và cho biết họ không ký thỏa thuận cung cấp cho công ty Arca Savunma Sanayi Ticaret Limited của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được xem là nhà xuất khẩu (vũ khí cho Ukraine) trong tài liệu được công bố. (TTXVN)
* Nga lên tiếng về việc Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Ngày 3/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo: “(Hoạt động chuyển giao vũ khí) đặt gánh nặng đáng kể lên nền kinh tế của các quốc gia này và ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợ công dân của họ, bao gồm Đức. Rõ ràng, động thái này sẽ kéo dài xung đột và gây ra hậu quả đáng buồn cho người dân Ukraine.”
Ngoài ra, ông Peskov cho hay Nga sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn hành động xâm nhập xuyên biên giới, sau khi Moscow cáo buộc nhóm trinh sát Ukraine sát hại hai dân thường ở tỉnh biên giới Bryansk, miền Nam nước Nga một ngày trước. (AFP)
* Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự 400 triệu USD cho Ukraine: Ngày 2/3, phát biểu trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Đức, ông John Kirby, Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nêu rõ nước này sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine vào ngày 3/3.
Theo hai quan chức khác, gói này chủ yếu là đạn cho hệ thống pháo binh tên lửa cơ động cao (HIMARS), đạn cho xe chiến đấu Bradley và xe bọc thép bắc cầu. (Reuters)
* Hàn Quốc nói “không phải thời điểm” để gửi vũ khí sát thương tới Ukraine: Ngày 3/3, trả lời phỏng vấn kênh CNN (Mỹ) về khả năng Hàn Quốc sân nhắc chuyển vũ khí sát thương cho Ukraine, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo đáp: “Tôi nghĩ là không phải thời điểm này. Nhưng chúng tôi vẫn hỗ trợ đáng kể cho Ukraine. Trong năm nay, chúng tôi quyết định tăng tài trợ cho Ukraine lên tới 130 triệu USD và đang tìm cách hỗ trợ họ về khả năng sản xuất điện”.
Trước đó, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng việc cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine hay không là tùy thuộc vào chính phủ Hàn Quốc. Đồng thời, quan chức này cũng coi đó là “quyết định chủ quyền” mà mỗi quốc gia phải đưa ra. (Yonhap)
Mỹ-Trung
* Bắc Kinh phản đối Washington gây sức ép với doanh nghiệp Trung Quốc: Ngày 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, Bắc Kinh hối thúc Washington chấm dứt việc viện cớ để gây sức ép đối với các công ty Trung Quốc. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt BGI Research và BGI Tech Solutions (Hong Kong) vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. (Reuters)
Mỹ-Nga
* Có “sự cải thiện” sau cuộc gặp trực tiếp Ngoại trưởng Mỹ-Nga: Ngày 3/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết ông nhận thấy “sự cải thiện nhỏ” trong ngoại giao với Moscow tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 sau cuộc đối thoại trực tiếp ngắn giữa quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga.
Ông lưu ý rằng Ngoại trưởng xứ Bạch dương Sergei Lavrov vẫn ở trong phòng họp khi phương Tây chỉ trích Nga, thay vì bỏ ra ngoài như tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 2022 ở Bali, Indonesia.
Đồng thời, ông Borrell tuyên bố sẽ phản đối mọi nỗ lực nhằm loại Nga ra khỏi G20, khối đại diện cho các nền kinh tế lớn của thế giới. Tuy nhiên, ông khẳng định thế giới vẫn sát cánh với Ukraine, sau khi các nước đang phát triển quan ngại về tác động nghiêm trọng từ xung đột, bao gồm giá lương thực tăng cao. (Reuters)
Đông Nam Á
* Phủ Tổng thống Indonesia kêu gọi tiếp tục tiến trình bầu cử: Ngày 3/3, ông Jaleswari Pramodhawardani, quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Phủ Tổng thống Indonesia, cho biết chính phủ “vẫn cam kết” tổ chức tổng tuyển cử bầu tổng thống và quốc hội đúng thời hạn và kêu gọi bình tĩnh. Ông nhấn mạnh: “Xin đừng bị kích động bởi thông tin hoặc hành động nhằm mục đích làm vẩn đục nguồn nước. Hãy tin tưởng Ủy ban tổng tuyển cử (KPU) sẽ thực hiện hành động tốt nhất”.
Trước đó, ngày 2/3, Tòa án quận Trung tâm Jakarta đã ra phán quyết, buộc KPU dừng mọi hoạt động chuẩn bị bầu cử trong hơn 2 năm, qua đó làm trì hoãn cuộc bầu cử tháng 2/2024. Phán quyết trên được đưa ra sau khi một đảng ít tiếng tăm đệ đơn kiện KPU vì đã từ chối đơn xin tranh cử của đảng này hồi năm ngoái. Về phần mình, đối mặt với phán quyết gây tranh cãi này, KPU tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời tiếp tục tiến hành quy trình bầu cử. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc thăm Mỹ: Ngày 3/3, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Sung Han sẽ công du Washington trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 5/3. Dự kiến, ông sẽ gặp các quan chức chính phủ và học giả Mỹ, thảo luận về Triều Tiên, an ninh khu vực và toàn cầu cũng như an ninh kinh tế. Quan chức này cũng có kế hoạch thảo luận về cách nâng cấp mối quan hệ Hàn-Mỹ thành Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện, nhân kỷ niệm 70 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ đồng minh.
Chuyến thăm của ông Kim diễn ra một tháng trước chuyến công du sắp tới của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. (Yonhap)
* Bộ tứ chỉ trích Triều Tiên phóng tên lửa: Ngày 3/3, Hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi chỉ trích các vụ phóng tên lửa đạn đạo gây bất ổn của Triều Tiên, bao gồm vụ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nữa vào ngày 18/2 vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Chúng tôi tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ nghĩa vụ theo các nghị quyết của HĐBA. Chúng tôi cũng một lần nữa nhấn mạnh tới sự cần thiết thực thi nghị quyết về vấn đề bắt cóc”.
Tuyên bố cũng “nêu bật tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề phổ biến công nghệ hạt nhân và tên lửa liên quan đến Triều Tiên trong khu vực và hơn thế nữa”. (Sputnik)
Châu Âu
* Tổng thư ký NATO sắp thăm Thụy Điển: Từ ngày 7-8/3 tới, ông Jens Stoltenberg sẽ có chuyến thăm chính thức tới thủ đô Stockholm (Thụy Điển) để tham dự một hội nghị không chính thức của Hội đồng đối ngoại EU. Dự kiến, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 7/3 và dự hội nghị của Hội đồng đối ngoại EU với các Bộ trưởng Quốc phòng ngày 8/3. Tại sự kiện này, các bên dự kiến sẽ thảo luận về tiến độ của nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Ukraine và hoạt động tăng cường cung cấp đạn dược cho Kiev. (Sputnik)
* Đức đề nghị Thụy Sĩ bán Leopard 2: Ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ ngày thông báo đã nhận được đề nghị từ các đối tác Đức, qua đó cho phép tập đoàn quốc phòng Rheinmetall AG (Đức) mua một số xe tăng Leopard 2 không còn sử dụng. Theo đề nghị trên, các xe tăng sẽ được sử dụng để lấp đầy khoảng trống trong kho vũ khí của Đức cùng đồng minh trong NATO và EU, thay vì gửi tới Ukraine. Hiện Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang cân nhắc đề nghị này. Nếu thành hiện thực, thỏa thuận này sẽ giúp Berlin tăng viện trợ quân sự cho Kiev. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Tướng Mỹ tới Israel: Ngày 3/3, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley đã tới Israel để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực với những người đồng cấp chủ nhà. Người phát ngôn của ông Milley, Đại tá Dave Butler xác nhận: “Chúng tôi sẽ giải quyết nhiều thách thức và cơ hội mà Israel và khu vực Trung Đông đang đối mặt”. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm về chương trình nghị sự của Tướng Milley. (Reuters)
* Tổng Giám đốc IAEA đến Iran: Ngày 3/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đến Iran để tham dự cuộc họp cấp cao, trong bối cảnh diễn ra tổ chức này đang thảo luận với Tehran về nguồn gốc của uranium tại nhà máy Fordow, vốn đã được làm giàu tới độ tinh khiết 83,7%, gần với cấp độ vũ khí.
Trước đó, AFP và Reuters đều đưa tin, trong một báo cáo mật, IAEA khẳng định “các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra” để xác định nguồn gốc của những hạt urani này. Theo đó, trong cuộc thanh sát “ngày 22/1/2023, IAEA đã lấy các mẫu môi trường… tại nhà máy làm giàu hạt nhân (FFEP) Fordow, và các kết quả phân tích cho thấy sự hiện diện của các hạt urani được làm giàu chứa tới 83,7% U-325”.
Tuy nhiên, báo cáo của IAEA cũng nêu rõ: “Iran đã thông báo cho cơ quan rằng ‘những dao động ngoài ý muốn’ về mức độ làm giàu có thể đã xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp tại thời điểm vận hành quy trình sản phẩm có độ tinh khiết 60% (hồi tháng 11/2022) hoặc trong khi thay thế xi lanh cấp liệu”. (Reuters)