Tin thế giới 31/7: Ukraine 'khất nợ', nguy cơ Trung Đông 'bùng cháy' với cái chết của thủ lĩnh Hamas, sai lầm nguy hiểm trong bảo vệ ông Trump
Tình hình Trung Đông 'nóng rẫy' với cái chết của thủ lĩnh Hamas và quan chức cấp cao Hezbollah, Ukraine hoãn thanh toán nợ nước ngoài, Tổng thống đắc cử Indonesia thăm Nga, tình tiết mới vụ ám sát ông Trump... là một số tin quốc tế nổi bật.
Châu Âu
* Tổng thống Ukraine ký luật cho phép hoãn thanh toán nợ nước ngoài cho đến ngày 1/10, theo cơ sở dữ liệu của Quốc hội ngày 31/7.
Trước đó, ngày 22/7, Ukraine đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ quốc tế hơn 20 tỷ USD, giúp Kiev tránh được tình trạng vỡ nợ khi đến hạn vào tháng 8. (Reuters)
* Ukraine chuẩn bị nhận thêm các hệ thống phòng không: Ngày 30/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông dự kiến nước này sẽ nhận được các hệ thống phòng không của phương Tây, trong đó có tên lửa Patriot, trong thời gian từ tháng 8-10. (Sputnik)
* Phần Lan nêu quan điểm về hòa đàm Nga-Ukraine: Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho rằng, thời điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ sớm đến và giờ đây, “quả bóng đang ở phía Moscow”.
Lưu ý rằng, con đường dẫn đến hòa bình là "Nga phải rút quân", song ông cũng kêu gọi Kiev không yêu cầu Moscow làm điều này để bắt đầu hòa đàm, nói rõ: "Các bạn không thể xem việc rút quân này là điều kiện tiên quyết".
Ngoài ra, ông Stubb nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giúp chấm dứt xung đột vì “có quan điểm mạnh mẽ đối với Nga”. (Le Monde)
* Nga nêu điều kiện đối thoại kiểm soát vũ khí với Mỹ: Ngày 31/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ, bất kỳ cơ sở nào cho đối thoại với Mỹ về kiểm soát vũ khí chỉ có thể diễn ra sau khi Washington ngừng đối đầu với Moscow.
Bà Zakharova nói thêm: "Bất kỳ cuộc thảo luận giả định nào về các chủ đề này chỉ có thể toàn diện khi nhấn mạnh vào việc loại bỏ các vấn đề an ninh quan trọng, chẳng hạn như sự bành trướng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông".
Theo quan chức Nga, hiện chưa có ý chí chính trị từ Mỹ để khởi động cuộc đối thoại và Moscow cũng không có lý do gì điển tiến hành việc này. (Reuters)
* Nhóm tàu của Nga hoàn tất thăm Cuba, tiến về Đại Tây Dương, theo thông báo của Hạm đội Baltic. Nhóm tàu bao gồm tàu tuần tra Neustrashimy, tàu huấn luyện Smolny và tàu chở dầu Yelnya.
Sau khi ra khơi, tàu tuần tra Neustrashimy, tàu huấn luyện Smolny và tàu chở dầu Yelnya sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong chuyến hải trình. (TASS)
* Nga-Ấn Độ tập trận ở Vịnh Phần Lan với sự tham gia của tàu hộ tống Soobrazitelny và tàu khu trục Tabar.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận liên quân Nga-Ấn Độ Indra-2024, trong đó có diễn tập các hoạt động giải cứu thủy thủ từ con tàu giả định đang gặp nạn. (Sputnik)
Trung Đông-châu Phi
* Thủ lĩnh Hamas và thủ lĩnh quân sự Hezbollah tử vong: Ngày 31/7, phong trào Hồi giáo Hamas ra thông cáo cho biết, thủ lĩnh nhóm này Ismail Haniyeh đã thiệt mạng tại thủ đô Tehran của Iran sau một cuộc tấn công vào nơi ở của ông rạng sáng cùng ngày. Ông Haniyeh đến Iran tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống nước chủ nhà.
Trong khi đó, Israel tuyên bố, chỉ huy quân sự cao nhất của Hezbollah Fuad Shukr đã tử vong trong cuộc tấn công của nước này nhằm vào một khu vực ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon. Vụ tấn công này khiến gần 70 người thương vong. Phong trào Hồi giáo không xác nhận cái chết của ông Shukr. (Reuters)
* Nga, Syria cảnh báo nguy cơ Trung Đông 'bùng cháy': Ngày 31/7, Nga nhận định, Trung Đông đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh quy mô lớn và các bên liên quan chính đang tiếp tục gia tăng căng thẳng.
Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Andrei Nastasin nêu rõ: "Tình hình khu vực này hiện đang trên bờ vực của một cuộc xung đột toàn cầu. Các bên tiếp tục gia tăng mức độ nguy hiểm".
Bộ Ngoại giao Syria cũng lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và cảnh báo, sự leo thang mới nhất có thể "làm bùng cháy toàn bộ khu vực".
Trong khi đó, Iran và Hamas tuyên bố sẽ "trừng phạt nghiêm khắc" kẻ chủ mưu trong vụ sát hại thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm vụ ám sát. (AFP, Reuters)
* LHQ kêu gọi Israel và Lebanon kiềm chế: Ngày 30/7, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về Lebanon Jeanine Hennis-Plasschaert đã bày tỏ lo ngại đối với cuộc không kích do Israel thực hiện ở vùng ngoại ô Beirut, dẫn đến nhiều thương vong cho dân thường.
Trong một tuyên bố, bà Hennis-Plasschaert nhấn mạnh, không có giải pháp quân sự nào có thể giúp giải quyết xung đột hiện nay, đồng thời kêu gọi cả Israel và Lebanontận dụng mọi con đường ngoại giao, để theo đuổi việc chấm dứt thù địch và tái cam kết thực hiện nghị quyết 1701 (năm 2006) của LHQ. (Times of Israel)
* Mỹ không kích lực lượng đe dọa an ninh ở phía Nam thủ đô Baghdad của Iraq trong ngày 30/7.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, các đối tượng này đang cố gắng triển khai hệ thống thiết bị bay không người lái tấn công cảm tử "gây ra mối đe dọa đối với lực lượng Mỹ và liên quân". (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto thăm Nga từ chiều 31/7. (TASS)
* Myanmar gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng đến ngày 31/1/2025. Đài truyền hình MRTV đưa tin, tất cả các thành viên của Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia... đã nhất trí quyết định trên.
* Mỹ-Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới liên Triều với sự tham gia của một đơn vị xe chiến đấu Stryker của Mỹ được luân phiên từ ngày 22/7-3/8.
Đây là cuộc tập trận đầu tiên diễn ra dưới hình thức kết hợp, vì trước đây chỉ có quân đội Mỹ độc lập tổ chức. (Yonhap)
* Mỹ-Philippines tái khẳng định quyền đi lại trên Biển Đông và không phận quốc tế, trong cuộc họp giữa những người đứng đầu các bộ ngoại giao và quốc phòng hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi đảm bảo rằng tất cả chúng ta có thể bảo vệ và duy trì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự do hàng hải, tự do thương mại, những điều rất quan trọng đối với mọi người trong khu vực này”.
Trong khi đó, đề cập thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau ký năm 1951 giữa Mỹ và Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin nhấn mạnh: “Hiệp ước phòng thủ chung được thực thi khi có các cuộc tấn công quân sự vào lực lượng vũ trang, máy bay hoặc tàu của chúng tôi ở bất kỳ đâu trên Biển Đông”. (Air and space forces)
* Mỹ-Singapore ký thỏa thuận nghiên cứu công nghệ hạt nhân mang tính bước ngoặt, có thể hỗ trợ nhu cầu năng lượng và khí hậu.
Thỏa thuận này, còn được gọi là “Hiệp định 123”, được Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ký trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai ngày của ông Blinken tới Singapore.
Thỏa thuận sẽ cho phép hợp tác hạt nhân sâu sắc giữa Singapore và Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay và kéo dài trong 30 năm. (The Straits Times)
Châu Mỹ
* Lỗi liên lạc trong vụ ám sát hụt ông Donald Trump: Ngày 30/7, quyền Giám đốc Cơ quan mật vụ Mỹ Ronald Rowe thừa nhận, cả đội chống bắn tỉa của Cơ quan Mật vụ cũng như các thành viên trong đội an ninh của cựu Tổng thống Trump đều không biết rằng có một người đàn ông được trang bị súng trên mái nhà.
Theo các quan chức tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), lực lượng thực thi pháp luật địa phương - được giao nhiệm vụ theo dõi các mái nhà trong khu vực lân cận - đã xác định tay súng, Thomas Matthew Crooks, là một "người đáng ngờ" khoảng 90 phút trước khi vụ tấn công xảy ra hôm 13/7 ở bang Pennsylvania.
Theo ông Rowe, việc liên lạc giữa lực lượng thực thi pháp luật địa phương và Cơ quan Mật vụ đã thất bại, đồng thời, cơ quan này cũng gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, khi chức năng chống máy bay không người lái đã không hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
Quyền Giám đốc Rowe bày tỏ lấy làm "xấu hổ" về những sơ suất an ninh và "không thể biện hộ" tại sao mái nhà nơi Crooks nổ súng đã không được kiểm soát tốt hơn. (Reuters)
* Thượng viện Mỹ thông qua gói dự luật lớn đầu tiên về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng vào ngày 30/7, nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trẻ em.
Cụ thể, dự luật An toàn trực tuyến cho trẻ em (KOSA) cùng dự luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em và thanh thiếu niên (COPPA 2.0) đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng với số phiếu áp đảo.
Trong một tuyên bố, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh: "Hôm nay là ngày trọng đại. Thượng viện đã giữ trọn cam kết với các bậc phụ huynh mất con vì những rủi ro từ mạng xã hội". (AFP)
* Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Peru: Trên mạng xã hội X tối 30/7, Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil thông báo, nước này buộc phải quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Peru "sau những tuyên bố liều lĩnh của Ngoại trưởng Peru".
Ông Yvan Gil nhấn mạnh, quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao được đưa ra dựa trên Điều 45 của Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961.