Tin thế giới 5/9: Nga lên tiếng về Bộ trưởng Ukraine, quan hệ Trung-Ấn 'nhìn chung ổn định'?

Tổng thống Ukraine thăm Donetsk, Áo vẫn cần khí đốt Nga, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Syria … là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Quân đội Nga đã phá hủy xe tăng Challenger do Anh cấp cho Ukraine. (Nguồn: Getty Images)

Quân đội Nga đã phá hủy xe tăng Challenger do Anh cấp cho Ukraine. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga phá hủy xe tăng Challenger Ukraine: Ngày 5/9, kênh Telegram “Military Chronicle” đã đăng tải video cho thấy một xe tăng Challenger 2 của Anh bị phía Nga phá hủy. Kênh này nêu rõ: “Có thông tin cho biết xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Anh đã bị phá hủy gần Rabotino. Phương tiện bọc thép này, phiên chế cho Lữ đoàn đặc nhiệm số 82 dự bị của Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU), được cho là bị phá hủy bằng pháo”.

Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực của Anh. Hiện VSU đã nhận được 14 chiếc này. Xe tăng Anh được cung cấp cho các lữ đoàn dự bị và không được sử dụng trong một thời gian dài kể từ khi Ukraine bắt đầu phản công ở Zaporizhzhia. Trước đó, Lữ đoàn 82 thiện chiến của VSU, lực lượng mới tham gia phản công, đã mất nhiều khí tài trong các đợt đụng độ đầu tiên (bao gồm 10% số xe bọc thép M-1132 Stryker của Mỹ). (TTXVN)

* Nga: Đợt phản công ngày 5/9 của Ukraine “chưa đạt mục tiêu”: Phát biểu cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định: “VSU chưa đạt mục tiêu trên bất kỳ mặt trận nào”. Song ông cũng mô tả tình hình ở một phần khu vực miền Nam Zaporizhzhia mà Nga kiểm soát đang căng thẳng.

Cùng ngày, Thị trưởng Moscow, ông Sergei Sobyanin cho biết vào rạng sáng, phòng không Nga đã bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) ở tỉnh Kaluga và huyện Istra thuộc tỉnh Moscow khi các UAV này đang tìm cách tấn công thủ đô: “Không có thiệt hại hay thương vong tại nơi các mảnh vỡ rơi xuống”. Ông cũng cho biết lực lượng ứng phó khẩn cấp đang có mặt tại hiện trường. (TASS)

* Nga bình luận việc Ukraine thay Bộ trưởng Quốc phòng: Ngày 5/9, nhận định về việc Ukraine thay Bộ trưởng Quốc phòng, Điện Kremlin cho rằng điều chỉnh này sẽ không thay đổi bản chất của tình hình hiện nay.

Trước đó, ngày 5/9, viết trên Telegram, Nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak cho biết cùng ngày, Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine đã phê chuẩn bãi nhiệm ông Oleksii Reznikov. Thay thế cho ông là ông Rustem Umerov, cựu nghị sĩ người Tatar ở Crimea và từng tham gia điều hành Quỹ Tài sản nhà nước. (Reuters)

* Tổng thống Ukraine thăm Donetsk: Ngày 4/9, ông Volodymyr Zelensky cho biết đã đến thăm khu vực tiền tuyến phía Đông Donetsk. Đăng một đoạn video lên mạng xã hội về cuộc gặp gỡ chỉ huy và binh sĩ tại địa điểm giấu tên ở khu vực này, nhà lãnh đạo này viết: “Donetsk. Chúng tôi đang đến thăm các lữ đoàn chiến đấu đang bảo vệ Ukraine thuộc nhóm chiến thuật và tác chiến Donetsk”. (Reuters)

* Đức cung cấp lô đạn pháo Gepard đầu tiên cho Ukraine: Ngày 5/9, Bộ Quốc phòng Đức ngày 5/9 thông báo Berlin đã cung cấp cho Ukraine những lô đạn pháo đầu tiên cho pháo phòng không tự hành Gepard. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, đợt giao đạn pháo Gepard đầu tiên sẽ lên tới “5 chữ số”.

Số lượng đạn pháo này được tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall (Đức) sản xuất theo đơn đặt hàng trị giá 168 triệu Euro của Bộ Quốc phòng nước này tháng 2/2023, nhằm cung cấp tới 300.000 viên đạn pháo. Ông Pistorius khẳng định việc xây dựng dây chuyền sản xuất đạn đã thành công trong thời gian ngắn. (TTXVN)

Đông Nam Á

* Philippines có thể giữa chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2026: Ngày 5/9, ông Ferdinand Marcos Jr. cho biết nước này sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2026, sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu và sẽ thay thế Myanmar. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines không cho biết lý do của sự thay đổi này. (Reuters)

* Cựu Thủ tướng Thái Lan có thể tiếp tục xin ân xá: Ngày 4/9, ông Winyat Chartmontree, luật sư của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cho biết, chính trị gia này có thể xin ân xá lần nữa do tình trạng sức khỏe không tốt. Theo luật sư Winyat Chartmontree, lệnh tạm tha có thể được cấp nếu tình trạng của người bị giam giữ đáp ứng các tiêu chí trong Đạo luật Cải huấn và các quy định Cục Cải huấn liên quan đến vấn đề này. Ông cho rằng, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra có quyền xin ân xá vào những ngày lễ của Hoàng gia để có thể nhận được lệnh tạm tha và quản chế ngoài nhà tù, bao gồm cả việc sử dụng thiết bị giám sát điện tử (EM).

Trước đó, ngày 22/8, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã về nước sau 15 năm và tới trụ sở Tòa án Tối cao Thái Lan để chấp nhận phán quyết 8 năm tù giam.Tuy nhiên, ngay trong đêm đầu tiên trong trại giam, chính trị gia này đã được chuyển tới khu cấp cao Bệnh viện đa khoa Cảnh sát sau khi bị đau ngực, tăng huyết áp và độ bão hòa oxy trong máu thấp.

Ngày 1/9, Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã có lệnh ân xá, theo đó ông Thaksin chỉ phải ngồi tù một năm. Theo thông tin đăng tải trên Công báo Hoàng gia Thái Lan ngày 1/9, ông Thaksin đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và tỏ sự ăn năn hối cải. Tờ này cũng cho biết cựu Thủ tướng đang bị ốm. (Reuters)

* Ngoại trưởng Nga sẽ tham dự EAS: Ngày 5/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Vào ngày 7/9, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18 tại Jakarta”. Như vậy, Ngoại trưởng của nước này Sergey Lavrov sẽ tham dự EAS ngày 7/9.

Trước đó, sáng 5/9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (JCC) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo.

Chuỗi hội nghị lần này thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên, Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại, đồng thời là các nước thành viên EAS (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), 2 quốc gia khách mời là Bangladesh và Quần đảo Cook, cùng 9 tổ chức quốc tế. (Sputnik)

Nam Á

* Trung Quốc: Quan hệ với Ấn Độ “nhìn chung ổn định”: Ngày 5/9, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã trả lời một số câu hỏi xung quanh việc Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra từ ngày 9-10/9 ở Ấn Độ. Dù không đề cập lý do trực tiếp, song nhà ngoại giao này khẳng định các nhà lãnh đạo Trung Quốc “luôn ủng hộ Ấn Độ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm nay và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra thành công”.

Bà nêu rõ: “Hiện quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ nhìn chung vẫn ổn định, đối thoại và liên lạc được duy trì ở mọi cấp độ. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ liên tục phát triển và mở rộng”. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Bộ trưởng Văn hóa Trung-Nhật-Hàn gặp nhau sau 4 năm: Ngày 5/9, chính phủ Hàn Quốc cho biết các Bộ trưởng Văn hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp vào cuối tuần này để thảo luận các cách thức mở rộng trao đổi văn hóa và hợp tác giữa các nước láng giềng châu Á này.

Cụ thể, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Park Bo Gyoon sẽ dự họp cấp bộ trưởng ba bên lần thứ 14 với người đồng cấp Nhật Bản Keiko Nagaoka và người đồng cấp Trung Quốc Hồ Hòa Bình tại Trung tâm Di sản phi vật thể quốc gia ở Jeonju, thành phố lịch sử nằm cách thủ đô Seoul khoảng 240 km về phía Nam từ ngày 7-8/9. Đây sẽ là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên của các quan chức này sau 4 năm khi hội nghị trực tuyến thay thế các cuộc họp trực tiếp do đại dịch Covid-19.

Ông Park cho hay: “Cuộc họp Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là nền tảng chiến lược dành riêng cho trao đổi văn hóa và giữa con người ở Đông Á. Cuộc gặp sắp tới dự kiến sẽ thảo luận chuyên sâu về những cách thức mở rộng hơn nữa phạm vi trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân”. (Yonhap)

* Quan chức Trung-Nga tham dự duyệt binh kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Triều Tiên: Trung Quốc và Nga sẽ cử đại biểu tham dự lễ duyệt binh quy mô lớn của Triều Tiên ngày 9/9 tới, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Triều Tiên. Các hình ảnh vệ tinh chụp những tuần gần đây cho thấy quân đội Triều Tiên đang luyện tập diễu binh tại khu huấn luyện Mirim ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Khu vực tập luyện là bản sao của Quảng trường Kim Nhật Thành ở trung tâm thủ đô, nơi chính quyền thường tổ chức duyệt binh quân sự và bán quân sự.

Trước đó, ngày 2/9, trả lời phỏng vấn TASS (Nga), Đại sứ nước này tại Triều Tiên Alexander Matsegora cũng đã xác nhận thông tin nêu trên. Ông cũng tiết lộ rằng Triều Tiên có thể được Nga và Trung Quốc mời tham gia các cuộc tập trận quân sự chung. Tuy nhiên, ông đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Đây được xem là động thái phản ứng với kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh tại Trại David hôm 18/8 giữa lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Theo đó, ba nước lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên để tăng cường hợp tác an ninh trước các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngày 27/7, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Hồng Trung và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã dự cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, khép lại Chiến tranh Triều Tiên.

Trong một tin liên quan, ngày 5/9, New York Times (Mỹ) cho biết Triều Tiên đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Nga của Chủ tịch Kim Jong Un tháng này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã không xác nhận tin trên. (JoongAng Daily/Reuters)

Châu Âu

* Áo thừa nhận vẫn cần khí đốt của Nga: Ngày 4/9, phát biểu trên kênh truyền hình ORF (Áo), Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là bảo đảm an ninh năng lượng. Dù điều này không dễ chịu, song đó là thực tế. Nếu vi phạm điều này, hệ thống sản xuất, cung cấp năng lượng cho người dân sẽ bị gián đoạn. Với tư cách Thủ tướng, tôi có nghĩa vụ phải làm điều đó”.

Tháng 6/2018, công ty Gazprom Export LLC (Nga) và công ty OMV Gas Marketing & Trading GmbH (Áo) đã ký thỏa thuận gia hạn hợp đồng để Nga cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo đến năm 2040. Mới đây, Người đứng đầu OMV Alfred Stern cũng tuyên bố OMV sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga theo hợp đồng vì công ty này không phải chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Theo Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt châu Âu (ENTSOG), tháng 7 vừa qua, 66% khí đốt nhập khẩu của Áo là từ Nga. (ORF)

* Thủ tướng Albania cải tổ nội các quy mô lớn: Ngày 4/9, Thủ tướng Albania, lãnh đạo đảng Xã hội cầm quyền Edi Rama đã thông báo đợt cải tổ nội các lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình.

Một trong những điểm đáng chú ý trong lần cải tổ lần này nằm ở vị trí Ngoại trưởng. Theo đó, cựu Đại sứ Albania tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna (Áo) Igli Hasani sẽ thay thế bà Olta Xhaçka, người giữ chức Ngoại trưởng kể từ năm 2021. Hiện bà Xhaçka đang vướng vào tranh cãi pháp lý liên quan đến lợi ích chưa rõ ràng của chồng mình trong một dự án khu du lịch phức hợp ở bờ biển miền Nam Albania.

Các thay đổi khác trong nội các còn có việc bổ nhiệm ông Ervin Mete, Giám đốc Cơ quan Giám sát tài chính, người từng giữ chức Thứ trưởng Tài chính (2013-2017), làm Bộ trưởng Tài chính, thay bà Delina Ibrahimaj, người sẽ được thuyên chuyển làm Quốc vụ khanh phụ trách mảng doanh nghiệp thay bà Edona Bilali. Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp cũng có lãnh đạo mới, trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp vừa bị cáo buộc tham nhũng khi thực hiện dự án nông nghiệp. Đồng thời, Bộ Tiêu chuẩn và Dịch vụ cũng sẽ sát nhập vào Bộ Chính quyền địa phương và sẽ do Phó Thị trưởng thủ đô Tirana hiện nay Arbjan Mazniku giữ chức Bộ trưởng.

Ông Rama giữ chức Thủ tướng Albania từ năm 2013. Chính trị gia này tuyên bố cải tổ nội các để điều chỉnh các ưu tiên của chính phủ, củng cố hệ thống tư pháp và biến quốc gia này thành điểm đến du lịch cao cấp. (Tirana Times)

Trung Đông-Châu Phi

* Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Syria về việc bình thường hóa: Ngày 5/9, phát biểu trên chuyến bay trở về sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Tayyip Erdogan cho rằng Syria đang không có cách tiếp cận tích cực về bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chính trị gia này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ theo dõi từ xa và chưa có một vai trò thực sự chủ động.

Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận định, việc bình thường hóa quan hệ sẽ chỉ khả thi nếu có tiến bộ trong cuộc chiến chống khủng bố, việc hồi hương an toàn và tự nguyện đối với người tị nạn cũng như trong tiến trình chính trị.

Trước đó, ngày 4/9, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã nêu điều kiện tiên quyết không thể thiếu nhằm bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara phải quân khỏi nước này. Theo hãng thông tấn nhà nước SANA (Syria), ông nhấn mạnh sự hiện diện Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria phải chấm dứt. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh Ankara phải biết rằng việc rút các lực lượng khỏi lãnh thổ Syria là cách duy nhất để khôi phục quan hệ giữa hai nước như trước đây. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-59-nga-len-tieng-ve-bo-truong-ukraine-quan-he-trung-an-nhin-chung-on-dinh-240948.html