Tin thế giới 6/3: Nga công bố nguyên nhân ông Navalny tử vong; Ukraine chấp nhận chịu 'thiệt'; Ông Trump chắc suất đại diện đảng Cộng hòa

Vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny tử vong, Bầu cử Mỹ Siêu thứ Ba, Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia...là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Nikki Haley (giữa) từ bỏ cuộc đua sau ngày Siêu thứ Ba, khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, sẽ diễn ra vào tháng 11, có khả năng trở thành cuộc đua song mã giữa hai đối thủ duyên nợ Joe Biden và Donald Trump. (Nguồn: MSNBC)

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Nikki Haley (giữa) từ bỏ cuộc đua sau ngày Siêu thứ Ba, khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, sẽ diễn ra vào tháng 11, có khả năng trở thành cuộc đua song mã giữa hai đối thủ duyên nợ Joe Biden và Donald Trump. (Nguồn: MSNBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Ukraine xúc tiến tham vọng tích hợp hệ thống phòng không vào xuồng không người lái Magura, Tổng Cục trưởng Tổng cục tình báo quân đội (GUR) Ukraine Kirill Budanov mới đây cho biết.

Đánh giá đây là những bước đi đầy tham vọng để hiện đại hóa và mở rộng chức năng các nền tảng không người lái của họ. Ngoài hệ thống phòng không, các nhà phát triển cũng có thể tích hợp các hệ thống vũ khí khác, làm tăng đáng kể khả năng chiến đấu của Magura.

Trong tương lai gần, Magura sẽ có thể nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau một cách hiệu quả: trên mặt đất, mặt nước và trên không. (Avia pro)

* Tình báo Ukraine đánh chìm tàu chiến Nga mang tên Sergei Kotov thuộc Hạm đội Biển Đen vào đêm 5/3, theo thông báo của cơ quan này trên Telegram.

Thông báo cho biết, đơn vị đặc nhiệm Ukraine Group 13, phối hợp cùng hải quân có sự yểm trợ của Bộ chuyển đổi số, đã dùng xuồng không người lái Magura V5 để tấn công tàu tuần tiễu Sergei Kotov.

Vụ tấn công đã làm con tàu bị hư hỏng phần mũi, mạn trái và phải, bị cháy trên vùng biển của Ukraine gần vịnh Kerch. Sau đó, tình báo Ukraine thông báo chính thức con tàu đã chìm trên Biển Đen.

Sau vụ việc, Tổng thống Ukraine Volodymyi Zelensky tuyên bố Biển Đen sẽ không còn là nơi an toàn cho hải quân Nga. (The Kyiv Independent)

* Phòng không Nga hạ 2 UAV của Ukraine ở thành phố Voronezh ngày 6/3, theo Thống đốc tỉnh Voronezh Alexander Gusev. Theo thông tin sơ bộ, không có ai bị thương trong vụ việc này.

Thống đốc Gusev nhấn mạnh nguy cơ xảy ra cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở Voronezh vẫn còn. (TASS)

* Anh thông báo thời điểm cung cấp đạn pháo cho Ukraine bắt đầu vào quý đầu tiên của năm tài chính 2024-2025, tức là từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.

Theo Bộ trưởng phụ trách các lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh James Heappey, vũ khí trong đợt giao hàng này nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 245 triệu Bảng Anh (311 triệu USD) của London dành cho Kiev. (Pravda)

Bầu cử Mỹ Siêu thứ Ba

* Hai ông Donald Trump và Joe Biden thắng lớn, bà Nikki Haley bỏ cuộc: Tính đến thời điểm này, hầu hết các bang tiến hành bầu cử trong ngày Siêu thứ Ba đã kiểm gần xong phiếu bầu.

Theo đó, ông Trump đã giành chiến thắng ở 13 bang, thất bại tại 1 bang, trong khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng tại 13 bang, thất bại ở một vùng lãnh thổ, tính riêng trong cuộc bầu cử Siêu thứ Ba ngày 5/3.

Trước những thất bại trong ngày bầu cử quan trọng và chỉ giành được duy nhất chiến thắng ở Vermont, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Nikki Haley quyết định ngừng chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Quyết định này biến ông Trump trở thành ứng cử viên duy nhất tranh cử tấm vé đại diện cho đảng Cộng hòa. (CBS News)

Châu Âu

* Nga công bố nguyên nhân cái chết của thủ lĩnh đối lập Navalny: Ngày 5/3,Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin khẳng định, thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny đã tử vong một cách tự nhiên.

Ông Naryshkin nêu rõ: “Tôi không cho là đã có một âm mưu đặc biệt nào đó. Thật không may, sớm hay muộn thì cuộc sống của một người cũng kết thúc. Đúng là ông Navalny đã qua đời một cách tự nhiên”. (Soloviev Live TV)

* Moldova đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) vào ngày 6/3, theo thông báo từ Quốc vụ khanh Quốc phòng Moldova Valeriy Mizha, nguyên nhân do sự thay đổi cơ bản về tình hình so với thời điểm ký kết CFE ở Paris vào tháng 11/1990.

Theo quan chức Moldova, cho đến nay đã có 21 quốc gia quyết định đình chỉ CFE. Quyết định của chính phủ Moldova sẽ có hiệu lực sau 150 ngày kể từ khi các quốc gia thành viên hiệp ước nhận được thông báo liên quan.

Quyết định của chính phủ Moldvoa sẽ được trình lên Quốc hội và sau đó là Tổng thống Moldova phê chuẩn. (TTXVN)

* Ukraine sẵn sàng 'chịu thiệt' để giải quyết căng thẳng với Ba Lan: Ngày 6/3, Thứ trưởng Kinh tế và Thương mại Ukraine Taras Kachka cho biết, Kiev sẵn sàng chấp nhận các hạn chế thương mại với Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết tranh chấp chính trị với Ba Lan.

Theo ông, với giai đoạn chuyển tiếp kiểu này, "một cách tiếp cận có kiểm soát đối với hàng hóa thương mại giữa Ukraine và EU là điều tất cả chúng ta cần".

Kiev khẳng định ủng hộ đề xuất của EU về hạn chế nhập khẩu trứng, thịt và đường từ tháng 6, cũng như đóng cửa thị trường châu Âu đối với ngũ cốc Ukraine và đồng ý chuyển hướng xuất khẩu ngô sang Italy, Tây Ban Nha qua Biển Đen chứ không theo đường bộ. (Financial Times)

* Tổng thống Hungary ký văn kiện chấp nhận đơn gia nhập NATO của Thụy Điển vào ngày 5/3. Các thủ tục còn lại, chẳng hạn như gửi tài liệu gia nhập tại Washington (Mỹ), có thể sẽ được hoàn tất nhanh chóng trong vài ngày tới.

Với động thái này, Thụy Điển đã trở thành thành viên 32 của NATO, chỉ chờ ngày chính thức cử hành lễ gia nhập. (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Australia kéo dài 3 ngày ở Melbourne vào ngày 6/3. Trong tuyên bố chung, hai bên khuyến cáo tất cả các quốc gia nên kiềm chế hành động đơn phương ở Biển Đông đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực tranh chấp.

Liên quan cuộc chiến ở Gaza, tuyên bố chung có đoạn: "Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện toàn bộ con tin đang bị giam giữ ở Gaza... Chúng tôi ủng hộ Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) trong việc thực thi nhiệm vụ của mình".

Về tình hình ở Myanmar, tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động bạo lực tiếp diễn ở Myanmar, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức".

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố: "Australia cam kết hợp tác với các nước để đảm bảo duy trì những nguyên tắc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập. Để đảm bảo khu vực của chúng ta an toàn, vững mạnh, cởi mở, bao trùm và thịnh vượng”. (Reuters)

* Philippines chưa kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ: Ngày 6/3, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho rằng, vụ va chạm gần đây giữa tàu của nước này và Trung Quốc ở Biển Đông không phải là thời điểm hay lý do để kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới tại Australia, ông Marcos cảnh báo các hoạt động và hành động nguy hiểm liên tục chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines được coi là hết sức đáng báo động. (Reuters)

* Indonesia tăng cường năng lực không quân khi bổ sung thêm 2 phi đội UAV nhằm gia tăng năng lực chiến đấu.

Người đứng đầu Cơ quan Thông tin của Không quân Indonesia cho biết, các phi đội mới sẽ được trang bị các máy bay không người lái có độ bền trung bình của Thổ Nhĩ Kỳ. (TTXVN)

* Nhật Bản tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề eo biển Đài Loan thông qua đối thoại và sẽ truyền đạt quan điểm này tới Trung Quốc, theo lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.

Ông Hayashi nhắc lại rằng, hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không chỉ quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản mà còn cần thiết đối với cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh như Mỹ để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. (Japan Today)

* Ấn Độ cam kết duy trì trât tự hàng hải dựa trên luật pháp: Ngày 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh yêu cầu đội ngũ chỉ huy của hải quân nước này đảm bảo “không có sức mạnh kinh tế và quân sự áp đảo nào có thể thực hiện quyền bá chủ đối với các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương”.

Bộ trưởng Singh nhấn mạnh: “Chúng ta đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên luật pháp sẽ được củng cố ở khu vực Ấn Độ Dương và tất cả các nước láng giềng sẽ được giúp đỡ trong công cuộc bảo vệ quyền tự chủ và chủ quyền của họ”.

Ông cam kết sức mạnh hàng hải ngày càng gia tăng của Ấn Độ sẽ được sử dụng để tạo ra môi trường hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (ANI)

Trung Đông-châu Phi

* Hamas cam kết đàm phán đến khi đạt thỏa thuận ngừng bắn: Ngày 6/3, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine ra tuyên bố khẳng định, họ sẽ tiếp tục đàm phán qua các nhà trung gian hòa giải cho tới khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Israel.

Các nhà đàm phán đại diện Hamas, Qatar và Ai Cập đang ở Cairo nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ở Dải Gaza để kịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 10/3.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán do Cairo chủ trì đang vấp phải nhiều khó khăn dù vẫn tiếp diễn. (Al-Qahera News TV)

* Mỹ không có kế hoạch đưa lực lượng đến Gaza để tăng cường nỗ lực phân phối hàng viện trợ tại vùng lãnh thổ của Palestine, theo lời Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 5/3.

Tuyên bố này đã hạ thấp khả năng về việc thiết lập cảng do quân đội Mỹ điều hành hoặc một địa điểm trên bộ để phân phối viện trợ vào Gaza bằng đường biển. (AFP)

* Israel tấn công miền Nam Lebanon, hai bên khởi động đàm phán: ngày 5/3, ba người đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel nhằm vào ngôi làng Hula ở khu vực biên giới miền Nam Lebanon

Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Lebanon Najib Mikati cùng ngày thông báo sẽ khởi động các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm chấm dứt tình trạng thù địch dọc theo biên giới giữa nước này và Israel ngay trong tháng lễ Ramadan. (NNA, Reuters)

* Houthi dọa tiến hành nhiều đợt tấn công mới nhằm vào tàu Mỹ, Anh: Ngày 5/3, phong trào Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công “đau đớn” hơn nhằm vào các tàu của Mỹ và Anh, giữa lúc Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) xác nhận đã phá hủy một số tên lửa của lực lượng này.

Tuyên bố trên được đưa ra khi Houthi yêu cầu tàu thuyền quốc tế tham gia hoạt động sửa chữa các tuyến cáp Internet ở Biển Đỏ phải xin phép lực lượng này để tránh bị tấn công. (Arab News)

* Israel chặn xe chở viện trợ lương thực của Chương trình lương thực thế giới của LHQ (WFP) không cho vào Gaza.

Theo WFP, đoàn 14 xe tải chở viện trợ lương thực vào Gaza đã phải chờ 3 tiếng ở cửa khẩu Wadi dẫn vào Gaza, trước khi nhà chức trách Israel ngăn cản đi tiếp. Sau đó, đoàn xe đã bị một đám đông người tuyệt vọng chặn lại và cướp 200 tấn lương thực. (AFP)

Châu Mỹ

* Thủ tướng Peru Alberto Otarola từ chức vào ngày 5/3, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này bị cáo buộc lợi dụng chức quyền trong việc ký kết hợp đồng lao động của chính phủ.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Peru Javier Gonzalez-Olaechea cho biết, Tổng thống nước này Dina Boluarte sẽ tiến hành thay đổi Nội các trong vài ngày tới. (Reuters)

* Venezuela ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Tổng thống vào ngày 28/7 theo thỏa thuận giữa chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập tại bàn đàm phán.

Thời gian đề cử sẽ kéo dài từ 21-25/3. Tổng thống Maduro dự kiến sẽ tái tranh cử cho nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm. (Reuters)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-63-nga-cong-bo-nguyen-nhan-ong-navalny-tu-vong-ukraine-chap-nhan-chiu-thiet-ong-trump-chac-suat-dai-dien-dang-cong-hoa-263175.html