Tin thế giới 7/5: Thủ tướng Đức thoát cảnh trớ trêu, Ấn Độ tấn công tên lửa ở Pakistan, Mỹ gạt Israel sang bên để thỏa thuận với Houthi

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Nguồn: The Times)

Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Nguồn: The Times)

Châu Âu

* Thủ tướng Đức Friedrich Merz chính thức tuyên thệ nhậm chức vào đêm muộn 6/5 (giờ Việt Nam), sau khi trải qua tỉnh cảnh chưa từng có trong lịch sử nước này với việc không vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Quốc hội.

Quốc hội Đức sau đó đã tiến hành bỏ phiếu vòng hai và với 325 phiếu ủng hộ, 289 phiếu chống cùng 3 phiếu trắng, lãnh đạo phe bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức đã chính thức trở thành Thủ tướng mới.

Dù có đoạn "nhạc đệm" không vui, ông Merz cuối cùng cũng trở thành lãnh đạo chính phủ của cường quốc châu Âu với lời hứa: “Sẽ cống hiến hết mình vì hạnh phúc của người dân, thúc đẩy phúc lợi, bảo vệ người dân trước hiểm nguy, duy trì và bảo vệ Luật cơ bản và luật pháp của Liên bang, thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tận tâm và công bằng với tất cả mọi người”.

Ngay trong ngày đầu tiên làm thủ tướng, ông Merz đã lên đường công du Pháp và Ba Lan nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh hàng đầu và thể hiện sự trở lại của Berlin trên trường quốc tế. (Reuters)

* Không thể có giải pháp lâu dài cho khủng hoảng Ukraine nếu chỉ thông qua ngừng bắn hoặc dừng giao tranh dọc theo đường tiếp xúc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, lưu ý rằng, để có hòa bình bền vững, "cần phải loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột".

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, cần ưu tiên giải quyết các mối đe dọa an ninh đối với nước này phát sinh do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông và nỗ lực lôi kéo Ukraine gia nhập.

Ông nêu rõ: "Việc đạt được sự tôn trọng đầy đủ với quyền con người ở các vùng lãnh thổ vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Kiev cũng không kém phần quan trọng". (TASS)

* Lithuania và Latvia đóng không phận đối với máy bay chở Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, người có kế hoạch tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 80 Ngày Chiến thắng tại Moscow vào ngày 9/5.

Chính quyền 2 nước Baltic đưa ra lý do liên quan “tính nhạy cảm chính trị của mục tiêu chuyến bay”. Tuy nhiên, thời gian đóng không phận không được xác định cụ thể. (Novosti)

* Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ quyền tự quyết của Greenland hoàn toàn, đồng thời cam kết duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, theo lời Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas tại phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg (Pháp) ngày 6/5.

Theo bà, mọi quyết định liên quan tương lai Greenland phải do người dân hòn đảo này định đoạt, đây là nguyên tắc được cả Greenland và Đan Mạch tôn trọng, thể hiện qua tiến trình bầu cử và thành lập chính phủ mới tại Greenland trong tháng 3 và 4 vừa qua. (EEAS)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Ấn Độ tiến hành "Chiến dịch Sindoor" tấn công "cơ sở hạ tầng khủng bố" ở cả Pakistan và Kashmir do Islamabad quản lý. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, bước đi này diễn ra sau vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 ở Pahalgam khiến 26 người thiệt mạng mà New Delhi cáo buộc Islamabad có liên quan, song Pakistan bác bỏ.

Nguồn tin chính phủ chiều 7/5 cho biết, Ấn Độ đã phóng 24 tên lửa vào 9 địa điểm ở Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát, khiến 70 "phần tử khủng bố" thiệt mạng. Căng thẳng cũng bùng phát trở lại dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) giữa hai nước khi quân đội Pakistan pháo kích dữ dội nhằm vào khu vực Karnah thuộc huyện Kupwara, vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ.

Ngoài ra, Không quân Ấn Độ thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn từ ngày 7-8/5 tại bang Rajasthan ở phía Bắc dọc biên giới với Pakistan. Tất cả các chuyến bay tại những sân bay gần khu vực tập trận sẽ bị hoãn.

Trong cùng ngày 7/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp bội các Liên bang sau "Chiến dịch Sindoor".(Economic Times)

* Pakistan kêu gọi thế giới buộc Ấn Độ "chịu trách nhiệm"về các cuộc tấn công tại cuộc họp khẩn của Ủy ban An ninh quốc gia Pakistan (NSC) ở thủ đô Islamabad ngày 7/5.

Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu Đại biện Ấn Độ tại Islamabad để trao công hàm "kịch liệt phản đối những cuộc tấn công vô cớ" vào nhiều vị trí trên toàn Pakistan và Azad Kashmir.

Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố, nước này có mọi quyền đáp trả mạnh mẽ hành động của Ấn Độ và một phản ứng mạnh mẽ đang được đưa ra. "Toàn thể đất nước sát cánh cùng lực lượng vũ trang, nhuệ khí và tinh thần của toàn thể đất nước Pakistan đang dâng cao", ông nói.

Tình hình này đã gây sự xáo trộn cho hệ thống hàng không quốc tế, khi nhiều hãng hàng không tại châu Á phải hủy hoặc điều chỉnh lộ trình bay đến châu Âu và Nam Á. (AFP)

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi hành thăm Nga, theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trước đây tại Moscow.

Hai nhà lãnh đọa sẽ hội đàm về những vấn đề "nhạy cảm nhất", bao gồm cả hợp tác năng lượng và đề xuất đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 tới Trung Quốc. (THX)

* Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất đạn dược khi tăng sản lượng “gấp 4 lần so với mức trung bình hàng năm” và “đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu cơ bản” của quân đội, theo lời Chủ tịch Kim Jong Un. (KCNA)

Trung Đông-châu Phi

* Mỹ-Houthi đồng ý ngừng bắn dưới sự trung gian hòa giải của Oman trong khi Israel không hề biết về sự việc này. Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thông tin trên, cho biết thêm rằng Houthi “đơn giản là không muốn chiến đấu” và Washington sẽ tôn trọng điều đó cũng như ngừng các cuộc tấn công.

Mỹ và Houthi thống nhất sẽ ngừng các hoạt động thù địch nhắm vào phía đối phương, “để bảo đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thông suốt của hoạt động vận tải thương mại quốc tế” ở Biển Đỏ.

Houthi tuyên bố sẽ đánh giá việc Mỹ chấm dứt "hành động gây hấn" nhằm vào Yemen song khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tấn công Israel nhằm thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine.

Về phía Israel, giới chức nước này bày tỏ hoàn toàn bất ngờ trước thỏa thuận ngừng bắn trên, theo đó, phía Mỹ đã không thông báo trước cho đồng minh Trung Đông về diễn biến này. (Jersalem Post)

* Mỹ đề xuất kế hoạch ngừng bắn mới tại Dải Gaza bao gồm kế hoạch nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn dài hạn trước chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Trump, dự kiến diễn ra từ ngày 13-16/5 tới. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng bao gồm các biện pháp giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở dải đất này.

Giới chức Ai cập cho biết đã nhận được đề xuất trên, tuy nhiên, phía Israel khẳng định họ chưa nắm được thông tin về một kế hoạch như vậy. (Al-Araby Al-Jadeed)

* Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris trong ngày 7/5 trong chuyến công du đến châu Âu. Thông qua lễ đón tiếp ông al-Sharaa, Tổng thống Macron hy vọng sẽ giúp Damascus hướng tới “một đất nước Syria tự do, ổn định, có chủ quyền và tôn trọng tất cả các thành phần của xã hội”.

Vị quan chức này nhấn mạnh, Pháp nhận thức rõ “quá khứ” của một số nhà lãnh đạo Syria và khẳng định không “dung túng” với “các phong trào khủng bố” đang hoạt động ở quốc gia Trung Đông. (AFP)

* Sudan cắt đứt quan hệ với UAE, cáo buộc Abu Dhabi hỗ trợ Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) trong cuộc nội chiến tại quốc gia Đông Phi

Hội đồng quốc phòng Sudan cáo buộc UAE cung cấp cho RSF các loại vũ khí tiên tiến giúp lực lượng bán quân sự này thực hiện các cuộc tấn công gây thiệt hại vào các cơ sở tại thành phố Port Sudan kể từ ngày 4/5, đồng thời khẳng định Sudan "có quyền đáp trả bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước". (Reuters)

Châu Mỹ

* Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc dựa trên toàn bộ năng lực quân sự của mình, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul.

Hai bên cũng nhất trí đạt được tiến triển trong việc hiện đại hóa liên minh Mỹ-Hàn xoay quanh các mục tiêu kinh tế và an ninh quốc gia chung, phù hợp với các cuộc tham vấn thương mại giữa giới chức hai nước, và cùng nhau hợp tác để ứng phó với các mối đe dọa chung trong khu vực. (Yonhap)

* Nhà Trắng công bố danh sách các khoản đầu tư “khủng” vào Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump, đứng đầu danh sách là dự án Stargate của Softbank, OpenAI và Oracle với số vốn đầu tư lên tới 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ.

Bên cạnh đó là khoản đầu tư 500 tỷ USD của Apple vào hoạt động sản xuất và đào tạo tại Mỹ cũng như dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ của NVIDIA cũng có trị giá 500 tỷ USD. (Reuters)

* Thủ tướng Canada Mark Carney hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, trong đó hai nhà lãnh đạo đã có những tranh cãi về vấn đề lãnh thổ và thương mại.

Thủ tướng Carney khẳng định rằng "Canada không bao giờ để bán", trong khi Tổng thống Trump khẳng định sẽ không gỡ bỏ mức thuế quan hiện đang áp cho Ottawa.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết, Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) "sẽ kết thúc trong thời gian khá ngắn" và không cam kết sẽ gia hạn hiệp định này, trong khi Thủ tướng Carney nhấn mạnh văn kiện này là "cơ sở cho đàm phán rộng hơn". (THX)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-75-thu-tuong-duc-thoat-canh-tro-treu-an-do-tan-cong-ten-lua-o-pakistan-my-gat-israel-sang-ben-de-thoa-thuan-voi-houthi-313573.html