Tin thế giới 8/12: Ông Putin sẽ tranh cử Tổng thống Nga, Israel mở thêm một cửa khẩu vì mục đích này

Máy bay Nga bất ngờ hạ cánh khẩn cấp, Israel tăng tuổi nhập ngũ, Thổ Nhĩ Kỳ nêu lĩnh vực hợp tác với Hy Lạp…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Ông Vladimir Putin sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Nga năm 2024. (Nguồn: TASS)

Ông Vladimir Putin sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Nga năm 2024. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine thiếu lực lượng quân nhân chuyên nghiệp: Ngày 8/12, TASS (Nga) dẫn nguồn Washington Post (Mỹ) nhận định đang Lực lượng vũ trang Ukraine đang thiếu quân nhân chuyên nghiệp. Cụ thể, một sỹ quan quân đội có biệt danh “Dolphin”, là chỉ huy nhóm tấn công của Lữ đoàn 68 xác nhận Ukraine cần thêm binh sỹ vì lực lượng quân nhân chuyên nghiệp của họ đang cạn kiệt. Tờ báo cũng lưu ý: “Các cuộc phỏng vấn người Ukraine đang trong độ tuổi quân dịch cho thấy nhiều người không mấy hào hứng chiến đấu cho một quân đội và Chính phủ”.

Kể từ tháng 2/2022, Ukraine đã liên tục tăng cường tổng động viên. Giới chức nước này đã làm mọi việc có thể để ngăn chặn nam giới trong độ tuổi nhập ngũ tìm cách trốn nghĩa vụ, đặc biệt là cấm các đối tượng này đi nước ngoài. Các thông báo được phát tại các cơ quan công quyền, đường phố và nơi đông người.

Hồi tháng 9, Ukraine đã mở rộng danh sách những người đủ điều kiện huy động. Vào tháng 10, Bộ Giáo dục gửi thông báo xác nhận tới tất cả các trường đại học về các sinh viên có thể được huy động khi rời nhà trường. Ngoài ra, Ukraine đã thông qua luật yêu cầu tất cả phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi là bác sĩ y khoa, nha sĩ, hộ lí, y tá, dược sĩ và trình dược viên có trình độ phải tự đăng kí như các ứng viên nghĩa vụ tiềm năng. Mới đây, ngày 24/11, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã công bố một kế hoạch toàn diện mới về biện pháp huy động quân nhân. (TASS)

* Ukraine ngăn chặn thành công vụ tấn công của Nga: Ngày 8/12, ông Yury Ignat, người phát ngôn của Lực lượng không quân Ukraine, nói: “19 tên lửa hành trình X101/X555 (từ phía Nga) đã được phóng đi. Chúng tôi có được kết quả không tồi từ hệ thống phòng không: 14 tên lửa hành trình bị phá hủy”. Cũng theo ông Ignat, các tên lửa đã bị bắn hạ ở khu vực Kiev và Dnipropetrovsk khi đang nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Các quan chức Kiev cho biết quân đội Nga đã dự trữ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa để tấn công hệ thống cơ sơ hạ tầng năng lượng đang gặp nhiều khó khăn của Ukraine trong mùa Đông.

Cũng trong giai đoạn này năm ngoái, các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh lạnh giá và mất điện trong thời gian dài. Kiev đã tăng cường hệ thống phòng không của mình kể từ khi có vũ khí phương Tây, nhưng nói rằng họ cần nhiều vũ khí hơn để bảo vệ các khu vực dễ bị tấn công. (TASS)

* Lãnh đạo Hà Lan, Anh thảo luận về hỗ trợ Ukraine, tình hình Trung Đông: Ngày 8/12, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte đã hội đàm ở thủ đô.

Ông Rutte nhấn mạnh: “Hà Lan và Anh luôn có mối quan hệ bền chặt. Chúng tôi đã thảo luận một số chủ đề, bao gồm cả sự hỗ trợ lâu dài của chúng tôi cho Ukraine và sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ trong lĩnh vực này. Đương nhiên, chúng tôi cũng bàn về tình hình đáng báo động ở Israel và vùng lãnh thổ Palestine”.

Vừa qua, Chính phủ Hà Lan cho biết đã phân bổ 2 tỷ euro tới Ukraine năm 2024. Số tiền này sẽ được sử dụng cho việc cung cấp đạn dược, bảo trì thiết bị và vũ khí, cải thiện an ninh mạng và tái thiết quốc gia Đông Âu này. Ngoài ra, Hà Lan sẽ tiếp tục huấn luyện binh sĩ của VSU trong năm 2024. (Ukrinform)

Israel-Hamas

* Israel đột kích Bờ Tây: Ngày 8/12, Hãng thông tấn nhà nước WAFA (Palestine) dẫn thông báo từ Chính quyền Palestine (PA) cho biết, có 6 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel ở phía Bắc Bờ Tây. Cụ thể, các lực lượng Israel đã đột kích vào trại tị nạn al-Faraa ở thành phố miền Bắc Nablus. Người Palestine đã phản ứng lại. Các vụ đụng độ sau đó đã khiến 5 người thiệt mạng tại chỗ, còn một người thiệt mạng sau đó do bị thương quá nặng. Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu người Palestine bị thương trong vụ việc. WAFA dẫn nguồn tin từ các nhân chứng cáo buộc binh sĩ Israel ngăn cản các xe cứu thương của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ tiếp cận cứu chữa cho những người bị thương.

Trang Ynet (Israel) cho biết Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã cử lực lượng đặc nhiệm dự bị mở chiến dịch tấn công Nablus để bắt giữ nghi phạm bị truy nã, hiện đang lẩn trốn trong trại tị nạn. Các tay súng Palestine đã đánh trả trong khi người dân ném vật liệu nổ, buộc binh sĩ Israel nổ súng đáp trả. (The Times of Issrael)

* Israel đồng ý mở cửa khẩu Kerem Shalom: Ngày 7/12, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết theo đề nghị của Washington, Nhà nước Do Thái đã nhất trí về việc mở lại cửa khẩu Kerem Shalom chỉ để sàng lọc và kiểm tra hàng viện trợ nhân đạo được chuyển đến Gaza qua cửa khẩu Rafah. Song nguồn tin không cung cấp thời điểm sẽ mở lại cửa khẩu này.

Trong các tuần qua, Mỹ đã thảo luận với chính quyền Israel về khả năng mở lại cửa khẩu Kerem Shalom để đẩy nhanh việc kiểm tra xe cứu trợ. (Reuters)

* Hamas: Israel nỗ lực giải cứu con tin nhưng bất thành: Ngày 8/12, trong một tuyên bố i trên kênh Telegram, lữ đoàn Al-Qassam của Hamas cho hay họ đã phát hiện một đơn vị đặc nhiệm Israel đang cố gắng giải cứu con tin và đã tấn công nhóm này, vô hiệu hóa và làm bị thương một số binh sĩ. Theo tuyên bố, một con tin là binh sĩ Sa'ar Baruch, 25 tuổi, đã thiệt mạng khi đụng độ. (TTXVN)

* Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Israel, Jordan: Nhà Trắng cho biết ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Jordan Abdullah. Ông chủ Nhà Trắng đã “nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu là bảo vệ dân thường và tách dân thường khỏi Hamas, bao gồm cả việc thông qua các hành lang cho phép mọi người di chuyển an toàn khỏi các khu vực chiến sự đã xác định”. Điện đàm với nhà lãnh đạo Israel, ông cũng khẳng định “cần nhiều sự hỗ trợ khẩn cấp hơn về mọi mặt”. (Reuters)

* Anh phản bác lời kêu gọi Israel-Hamas ngừng bắn: Ngày 7/12, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Washington D.C (Mỹ), Ngoại trưởng Anh David Cameron, người từng giữ chức Thủ tướng Anh từ năm 2010-2016, nói: “Những người kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ngay lập tức, các bạn cần hiểu rằng nếu dừng lại ngay bây giờ khi Hamas vẫn còn nắm quyền kiểm soát dù chỉ một phần Gaza, thì không bao giờ có thể có giải pháp hai nhà nước. Điều quan trọng là chúng ta cần ủng hộ Israel, đồng thời thảo luận về tầm quan trọng của luật nhân đạo quốc tế, giảm thương vong cho dân thường. Chúng tôi sẽ nhắc lại luận điểm này”.

Nhìn vào cuộc xung đột hiện tại, ông Cameron cũng đề nghị hỗ trợ cho chiến lược mới nổi theo đề xuất của Mỹ, bao gồm cải cách và trao quyền cho Chính quyền Palestine (PA) để giành lại quyền kiểm soát Gaza, với sự hỗ trợ tái thiết từ thế giới Arab. Israel và các đồng minh phải bắt đầu lên kế hoạch ngay từ bây giờ về cách thức triển khai chiến lược đó. Ông nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước vẫn có thể thực hiện được, ngay cả khi điều đó “có vẻ còn rất xa vời” do tổn thương Israel trải qua trong cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Phái viên Hàn-Mỹ-Nhật thảo luận về vấn đề Triều Tiên: Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, Phó Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Lee Jun Il đã gặp Phó Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak và Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Namazu Hiroyuki. Các bên đã thảo luận cách thức ứng phó trước các hoạt động quân sự, cũng như vụ phóng vệ tinh do thám quân sự mới nhất từ Bình Nhưỡng. Ba bên đã nhất trí tăng cường hợp tác nhằm đối phó các hành động quân sự của Triều Tiên.

Cuộc hội đàm diễn ra khi ông Lee đang ở thăm Tokyo trong chuyến thăm 3 ngày để tham dự cuộc hội đàm ba bên Hàn-Nhật-Mỹ cấp chuyên viên đầu tiên về tăng cường hợp tác chống lại nguy cơ an ninh mạng từ Triều Tiên. Ba quan chức này đã đánh giá cao phản ứng phối hợp chung của Hàn, Mỹ, Nhật và Australia trong áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên tháng trước.

Bộ trên cũng cho biết, ba quan chức này cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ khi Hàn-Mỹ-Nhật là Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm tới. (Yonhap)

Châu Âu

* Ông Putin sẽ tranh cử tổng thống Nga: Ngày 8/12, các hãng thông tấn nhà nước của Nga đưa tin, tại một sự kiện ở Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý tham gia tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Trước đó cùng ngày, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) cũng thông báo cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau sẽ được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 15-17/3/2024.

Ngày 7/12, tại phiên họp toàn thể Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua nghị quyết ấn định tiến hành bầu cử Tổng thống ngày 17/3/2024. Nghị quyết được 162 nghị sĩ nhất trí thông qua và có hiệu lực ngay khi được công bố.

Chủ tịch Ủy ban Hội đồng liên bang về luật hiến pháp và xây dựng nhà nước, ông Andrey Klipas, cho biết nghị quyết có hiệu lực sẽ khởi động chiến dịch tranh cử.

Theo Luật Bầu cử, quyết định về ngày bầu cử do Hội đồng liên bang thông qua không sớm hơn 100 ngày và không muộn hơn 90 ngày trước bầu cử. (TTXVN)

* Nga: Máy bay chở khách hạ cánh khẩn cấp ở Novosibirsk: Ngày 8/12, Truyền thông địa phương đưa tin, một máy bay Nga chở 176 người đã hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống sân bay Novosibirsk sáng cùng ngày do cháy động cơ.

Theo dữ liệu sơ bộ, vụ việc xảy ra vào khoảng 7h (giờ địa phương). Khi đó, chiếc máy bay Boeing 737 do hãng hàng không S7 Airlines vận hành đang thực hiện lộ trình bay từ Novosibirsk đến thủ đô Moscow thì gặp trục trặc kỹ thuật. Một quan chức của Cơ quan công tố vận tải Tây Siberia khẳng định không ai bị thương, đồng thời cho biết “các hành khách đã được bố trí nơi nghỉ trong tòa nhà sân bay và một máy bay dự phòng đang được chuẩn bị để thực hiện chuyến bay này”.

Cơ quan công tố vận tải Tây Siberia đang điều tra sự cố trên. Hiện chiếc máy bay Boeing 737 trên đã bị đình chỉ hoạt động để phục vụ điều tra. (Tân hoa xã)

* EU chuẩn bị gói trừng phạt mới vào kim cương Nga: Ngày 8/12, phát biểu tại Brussels, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 12 với Nga.

Nhà lãnh đạo này cho biết: “Gói trừng phạt tiếp theo đã được chuẩn bị. Một trong số những yếu tố rất quan trọng trong gói đó là cấm kim cương của Nga tại thị trường G7”. Ông cũng nói thêm rằng nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Bỉ trong nửa đầu năm tới sẽ thúc đẩy sự thống nhất về các vấn đề như vậy. (Sputnik)

* Ukraine di chuyển xe tải bị chặn ở biên giới Ba Lan bằng tàu hỏa: Ngày 7/12, hãng tin Interfax Ukraine (Ukraine) dẫn lời một quan chức Công ty đường sắt quốc gia nước này cho hay Kiev dự định sẽ tránh sự phong tỏa biên giới của các tài xế xe tải Ba Lan bằng cách đưa xe tải vào sân ga đường sắt.

Hồi tháng trước, các tài xế xe tải Ba Lan đã bắt đầu tuần hành vào tháng trước nhằm phản đối các điều khoản cho phép xe tải Ukraine đi vào châu Âu. Họ đã chặn các hành lang đường bộ chính dẫn vào Ukraine, khiến giá nhiên liệu và một số mặt hàng thực phẩm tăng cao, làm chậm việc cung cấp UAV cho phía VSU

Ông Valeriy Tkachov, Phó Giám đốc bộ phận thương mại của Công ty đường sắt Ukraine nói: “Hiện chúng tôi có một đoàn tàu chất đầy hàng đang đỗ tại giao lộ với Hrubeshuv (ở biên giới). Chúng tôi đã có 23 toa container chứa đầy xe tải”. Theo quan chức này, Ukraine và Ba Lan đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Khi chuyến tàu thử nghiệm này đi qua suôn sẻ, hai bên sẽ mở rộng quy mô hoạt động.

Chính quyền Ukraine cho biết khoảng 3.000 xe tải đã bị chặn ở biên giới Ba Lan-Ukraine và đến nay, chính quyền vẫn chưa thể thống nhất với những người tuần hành về các điều khoản chấm dứt hành động này. Yêu cầu chính của các hãng vận tải Ba Lan này là cấm các tài xế xe tải Ukraine được phép vào Liên minh châu Âu không giới hạn, điều mà Kiev và Brussels cho là không thể. (Interfax)

* Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với Hy Lạp về năng lượng hạt nhân: Ngày 8/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp Thủ tướng nước chủ nhà Kyriakos Mitsotakis. Phát biểu với báo giới trên chuyến bay trở về, ông khẳng định nước này muốn phát triển hợp tác với Hy Lạp về năng lượng hạt nhân. Cụ thể, Ankara có thể “mang lại cơ hội” với Athens trong quá trình xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Sinop. Ông cũng cho biết hai bên sẽ tiến tới thảo luận để chia sẻ công bằng nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải, khu vực lâu nay vẫn là nguồn cơn của căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. (TTXVN)

Trung Đông-châu Phi

* Điện Kremlin công bố nội dung hội đàm cấp cao Nga-Iran: Ngày 8/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã thông tin về cuộc hội đàm Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi tại Moscow. Quan chức này nêu rõ: “Một cuộc trò chuyện rất quan trọng đã diễn ra trong hơn 2 giờ. Các bộ trưởng đã báo cáo về những lĩnh vực mà họ phụ trách, đồng thời trao đổi sâu rộng về vấn đề nằm ở đâu, gồm những gì, những giải pháp sẵn có, những gì cần làm để thúc đẩy tốc độ phát triển và hợp tác hơn nữa”.

Ông cũng cho biết chủ đề tương tác và hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cũng như quyết định được đưa ra trong OPEC+ đều xuất hiện trong cuộc thảo luận. (Sputnik)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-812-ong-putin-se-tranh-cu-tong-thong-nga-israel-mo-them-mot-cua-khau-vi-muc-dich-nay-253165.html